Thứ Bảy

Khán giả xem Cầm tay mùa hè

Cầm tay mùa hè

Trở về trên đỉnh cao.  Chỉ có Thanh Lam mới khiến khán giả vỗ tay kéo dài khi cô mới hát có một câu (bài Một thoáng Tây Hồ). Chỉ có Thanh Lam mới có khả năng đưa khán giả từ cao trào này sang cao trào khác,  và chỉ có Thanh Lam mới quát liên tục hàng chục chữ “núi” mà người ta vẫn biết là cô hát, chứ không phải hét (bài Hồ trên núi).  Khi Thanh Lam hát, thỉnh thoảng tôi nhìn Quốc Trung, và thoáng thấy trên mặt anh vẻ mãn nguyện. Còn Thanh Lam, mỗi khi hát xong, lại chìa cánh tay về hướng Quốc Trung như muốn nói rằng đây mới chính là người mang lại thành công cho từng ca khúc cô trình bày.  Có một cái gì đó thật là đẹp.

Sau khi hai bạn Alpha và Pi ký cam kết nhịn uống sữa trong vòng một tháng, ba mẹ hai bạn lần đầu tiên trong vòng mười năm đi coi một live show ca nhạc lớn: Cầm tay mùa hè, một chương trình từng được coi là rất thành công của Thanh Lam và Uyên Linh.  Đêm biểu diễn tại Sài Gòn lần này,  ngoài khách mời Hà Linh, còn có sự góp mặt của Anh Khoa.
Phần mở màn của Anh Khoa và đồng đội là món khai vị hơi nặng cho đêm diễn:  rất rock và rất bốc. Tất nhiên, tôi không nghe rõ Anh Khoa hát gì, nhưng không sao vì đôi khi với rock chỉ cần tiết tấu, cường độ âm thanh, và sự đam mê của nghệ sĩ là đủ. Điều này thì có vẻ Anh Khoa có thừa.
Uyên Linh xuất hiện với màn song ca cùng Anh Khoa, trong tiếng reo “Uyên Linh - Uyên Linh” rầm rộ. Cô lần lượt hát những bài mà tôi nghe nói từng đưa cô đến thành công tại cuộc thi Vietnam Idol.  Lần ấy, tôi không theo dõi cuộc thi mấy, chỉ nghe lại trên youtube vài bài đình đám của cô.  Liền mấy bài đầu, tôi cứ băn khoăn không rõ âm thanh có vấn đề hay Uyên Linh cầm mic quá xa khiến tôi chỉ có thể nghe cô lõm bõm, rốt rồi tôi mới nhận ra giọng Uyên Linh quá mờ trên sân khấu lớn, nên dù căng tai hết cỡ tôi cũng khó nghe  được một bài trọn vẹn. Có lẽ Uyên Linh thành công hơn khi hát những bài tiếng Anh, hoặc bài có tiết tấu nhanh,  khi nhạc được chơi to và ca sĩ cũng chỉ cần hát to chứ không cần  ngân nga luyến láy. Với những bài cần diễn đạt sự tinh tế, chẳng hạn bài rất hay của Quốc Trung mà tôi không nhớ tên, nghe Uyên Linh hát xong tôi không khỏi tiếc cho bài hát.
Kém tên tuổi hơn Uyên Linh, nhưng chưa cần cất tiếng hát, ca sĩ tên Linh thứ hai trong chương trình - Hà Linh -  đã lập tức mang đến cho khán giả một cảm giác nghẹt thở  ngay khi xuất hiện.  Thành thật mà nói, có rất ít sự khác biệt giữa chiếc váy trình diễn của cô và một chiếc váy ngủ.  Nó ngắn, rất ngắn, mỏng, rất mỏng, và ôm, rất ôm.  Trong ánh sáng lờ mờ của nhà hát, tôi vẫn nhận ra nhiều khán giả đoan chính mặt hồng lên như màu váy của cô. Khi cùng Uyên Linh song ca bài Giận anh, Hà Linh thể hiện sự bức bối của mình (giận mà) bằng cách đi lại cật lực trên sàn diễn. Tuy vậy, những bước chân thịnh nộ của cô không có nhiều điểm chung với tiết tấu bài hát.  Sang bài thứ hai, Bài hát ru cho anh của Dương Thụ, cô hát rất dõng dạc, khiến tôi không khỏi nghĩ thầm nhân vật “anh” trong bài hát sẽ rất khó ngủ, nhất là khi người hát ru cho mình còn ăn mặc thế kia.  Hát xong bài này, cô hỏi không rõ đêm nhạc có được vinh dự đón tiếp nhạc sĩ Dương Thụ không. Từ hàng ghế đầu, nhạc sĩ Huy Tuấn trỏ tay ra sau; bên cạnh, đạo diễn Quang Dũng trỏ tay sang phải; ngồi ngay sau Dương Thụ, tôi trỏ tay vào lưng ông, nhờ đó, Hà Linh nhìn thấy Dương Thụ.  Hẳn cô không chuẩn bị cho sự có mặt của tác giả bài hát, vì nếu chuẩn bị, chắc cô sẽ không ngập ngừng nói những câu dông dài và có những hạn chế  hết sức nhất định về mặt ý nghĩa.  Trong lúc cô “tâm sự”, tôi nhìn quanh, và biết rằng tôi không phải là người duy nhất cười khùng khục.  Để cho công bằng, tôi cho rằng cô không hề kém Uyên Linh trong việc làm hỏng một ca khúc khác cũng rất hay (mà tôi cũng không nhớ tên) do Quốc Trung đệm đàn.
Lời hứa về một đêm nhạc chất lượng của Quốc Trung ở đầu buổi diễn có lẽ chỉ thực sự thành hiện thực kể từ khi Thanh Lam bước ra sân khấu.  Nền nã, chừng mực, điềm đạm, xinh đẹp, đàn bà, và đầy nội lực (hơi nhiều tính từ), Thanh Lam như làm một cuộc trở về ngoạn mục và mãn nhĩ  sau những tháng ngày đi hoang.  Với tuyệt chiêu lắc cổ tay (không phải như trong môn bóng bàn, mà vì Thanh Lam đeo một nhạc cụ ở cổ tay, vừa lắc vừa hát), Thanh Lam mau chóng khiến khán giả lặng người với Lời tôi ru, một bài trong đĩa xuất sắc nhất của cô - Mây trắng bay về.   Hầu hết những bài cô hát sau đó cũng từ đĩa này.  Sau hơn mười năm, rốt cuộc đĩa Mây trắng bay vềcũng có được một live show muộn màng nhưng xứng đáng.

Trong chương trình này, Thanh Lam gần như không trình bày cái mới (trừ Tiến thoái lưỡng nancủa Trịnh Công Sơn, mà bản phối của Quốc Trung quá hay và Thanh Lam đã hát quá tình cảm), chỉ trình bày những cái cũ tưởng đã mất nay lại trở về.  Trở về trên đỉnh cao.  Chỉ có Thanh Lam mới khiến khán giả vỗ tay kéo dài khi cô mới hát có một câu (bài Một thoáng Tây Hồ). Chỉ có Thanh Lam mới có khả năng đưa khán giả từ cao trào này sang cao trào khác,  và chỉ có Thanh Lam mới quát liên tục hàng chục chữ “núi” mà người ta vẫn biết là cô hát, chứ không phải hét (bài Hồ trên núi).  Khi Thanh Lam hát, thỉnh thoảng tôi nhìn Quốc Trung, và thoáng thấy trên mặt anh vẻ mãn nguyện. Còn Thanh Lam, mỗi khi hát xong, lại chìa cánh tay về hướng Quốc Trung như muốn nói rằng đây mới chính là người mang lại thành công cho từng ca khúc cô trình bày.  Có một cái gì đó thật là đẹp.


Có thể nói gì sau live show này?  Thứ nhất, sự tái hợp của Quốc Trung với Thanh Lam, ít ra về mặt âm nhạc, chỉ mang lại điều tốt cho…âm nhạc, mà khán giả là người có lợi. Thứ hai, khoảng cách giữa Thanh Lam và các ca sĩ đàn em trong buổi diễn là diệu vợi.  Thứ ba, tôi chỉ cảm thấy không có lỗi với hai bạn Alpha và Pi sau phần trình bày của Thanh Lam!


(http://bloggoldmund.blogspot.com/2011/07/cam-tay-mua-he.html#comments)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét