Thứ Năm

Thanh Lam: "Cháy" hết mình để đốt những nỗi đau

Thanh Lam: "Cháy" hết mình để đốt những nỗi đau

 - 20/05/2009 09:27

- Album “Nơi bình yên” mới phát hành là sự trở lại của chị với khán giả hâm mộ. Đó là một Thanh lam thâm trầm, sâu sắc, không còn là một Thanh Lam “bốc lửa” ngùn ngụt đầy ngẫu hứng. Có phải chị đang thay đổi để chiều lòng khán giả?
Tôi không phải quá căng thẳng về nhu cầu của khán giả. Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, cảm xúc của con người cũng trở nên sâu sắc hơn, cũng là một điều thuận với tự nhiên thôi. Đây là CD mà tôi rất tâm đắc, hy vọng CD này là sự chia sẻ với những người phụ nữ xung quanh mình. Như bạn biết đấy, ai cũng thèm một góc nhỏ bình yên cho chính mình.
- Hiện tại, tâm hồn chị cũng đang là một “nơi bình yên” chứ?
Với tôi, bình yên không phải là một giá trị cụ thể, bình yên chỉ là những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống mà thôi. Có thể đó là một buổi sáng tinh khôi, bạn cảm thấy hân hoan đón chào ngày mới, có thể là giây phút được vui đùa bên con. Thời khắc đó chỉ ngắn ngủi thôi nhưng là một điểm lấy đà cho tôi khi bước vào những kế hoạch và thử thách mới.
- Vậy kế hoạch mới nhất của chị trong âm nhạc là gì?
Đó sẽ là một đêm nhạc tôi và em trai Trí Minh tổ chức cho bố tôi, nhạc sĩ Thuận Yến, vào ngày 26-9 tới tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đêm nhạc sẽ gồm những tác phẩm của ông trong chặng đường sáng tác suốt 50 năm qua. Sẽ có nhiều ca sĩ tham gia biểu diễn như nghệ sĩ Thanh Hoa, Trung Đức, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương. Tất nhiên, tôi cũng sẽ hát khoảng 5 bài trong một không gian âm nhạc giản dị và tinh tế, hình ảnh mộc mạc để tôn sự giản dị mà sâu sắc trong những bài hát của cha mình.
- Lý do gì khiến chị và em trai mong muốn tổ chức đêm diễn cho cha mình vào thời điểm này?
Đây cũng có thể là đêm diễn cuối cùng của bố tôi, vì ông cũng lớn tuổi rồi. Với người già thì mọi thứ đều mong manh, hiện ông cũng không được khỏe. Đêm diễn cũng là một sự khích lệ cho bố tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống.
Nghệ thuật không là cuộc chơi
- Chị luôn muốn đóng góp vào âm nhạc đương đại Việt Nam những sáng tạo mới. Là người đi tiên phong, chị có thấy mệt mỏi không?
Người dẫn đường thì bao giờ cũng sẽ chông gai hơn những người đi sau. Con người sống thì phải có niềm tin vào những gì mình làm, cho đến giờ những thành quả trong nghề nghiệp của tôi cũng đã được mọi người thừa nhận. Chính vì vậy mà tôi tin rằng, qua thời gian, mọi thứ sẽ được đánh giá một cách công bằng.
- Nhưng đôi khi phải lâu, rất lâu người ta mới đánh giá được những gì chị cống hiến trong âm nhạc. Điều gì đã giúp chị vượt qua những luồng khen chê khác nhau của dư luận?
Tôi luôn muốn là người đầu tiên đến với khán giả bằng con đường chinh phục gian nan nhất. Giờ đây, đã là một nghệ sĩ có vị trí nhất định trong lòng khán giả và đồng nghiệp, nhưng tôi cũng luôn có sẵn trong mình sự đa cảm, dễ tổn thương, bước qua dư luận để giữ vững quan điểm nghệ thuật với tôi cũng không phải điều dễ dàng. Sự tự tin trong tôi không phải ngày một ngày hai mà có được. Đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, một cá nhân thực có tài phải là người minh mẫn, luôn luôn nhìn rõ bản thân mình, cân đo đong đếm được mình thừa ở điểm nào và thiếu ở điểm nào, mình đang ở đâu và đang làm gì. Nghệ thuật không phải là một cuộc chơi, mà phải hoạt động và cống hiến, phải chấp nhận cái được và mất trong cuộc sống.
Thực ra, dòng nhạc nào cũng vậy thôi, khi bạn có một nền móng vững, bạn sẽ có một luồng khán giả nuôi bạn, nuôi ở đây không phải là tiền bạc mà là nuôi cho bạn niềm tin, nuôi cho bạn hoài bão để làm việc. Tôi cũng có những fan ruột của mình, những người luôn mong chờ sản phẩm của mình ra mắt. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người làm nghệ thuật và là điểm tựa cho tôi trên con đường sáng tạo đầy chông gai và thử thách.
- Tính cách tạo nên số phận. Có bao giờ chị nghĩ, nếu bớt sống bản năng hơn, cuộc sống của chị cũng sẽ đỡ chông gai hơn không?
Người sống bản năng, hay theo tôi là người dám sống thật với chính mình luôn ẩn chứa một sức mạnh hơn người. Vì phải thật tự tin thì mới dám sống bản năng, dám tin vào những gì mình có, những gì thuộc về mình mà không thuộc về người khác. Tôi cho rằng, mỗi con người sinh ra không ai được trọn vẹn, ông trời cho mình mạnh mặt này thì sẽ bắt mình yếu mặt kia. Thay đổi tính cách là một điều rất khó, đó là điều phải chấp nhận.
Cuộc sống này kì lạ lắm, có những điều mình tưởng được lại là mất, có cái tưởng mất lại là được, có những cái tưởng như là rủi ro lớn, thì lại nhìn thấy trong đó những tia mong manh của sự may mắn, có những điều tưởng chừng may mắn, lật mặt trái lên bạn đã thấy ngay được những thảm họa. Nhưng những biến cố đến trong cuộc đời, đều cho con người ta những suy nghĩ sâu sắc hơn. Nếu bạn có một cuộc sống bình lặng, thì nhãn quan nhìn cuộc sống của bạn khác. Nhưng trải qua nhiều thử thách cũng là để tôi luyện cho bạn vững vàng hơn, nếu vượt qua được, bạn sẽ nhìn cuộc sống độ lượng hơn.
Đi một mình được thì sẽ được là mình
- Trong khi làm nghệ thuật, có lúc nào chị rơi vào mâu thũan: lúc muốn ngã lòng không tiếp tục con đường của mình, có khi lại cho rằng sự lựa chọn của mình là sáng suốt?
Đó là hai thái cực cảm xúc mà người làm nghệ thuật thường trải qua, bởi nghệ sĩ bao giờ cũng mong manh, mơ mộng và lửng lơ hơn những người làm ngành nghề khác như kỹ sư hay kế toán. Có lúc tôi trải qua cảm xúc hạnh phúc tột đỉnh, và cũng có những khi lún sâu trong buồn chán, nhưng đó cũng là điều bình thường. Không có ai mà cứ đi lên mãi hay đi xuống mãi. Điều quan trọng là mình phải hiểu mình muốn gì và cần gì để vượt qua những lúc thăng trầm như vậy.
- Những lúc như thế, chị có tìm được người có thể chia sẻ với chị mọi chuyện không?
Thực tế không phải ai cũng xứng đáng nhận được sự chia sẻ. Tôi có sự kiêu hãnh riêng, những người bạn có thể tụ tập thì không phải ai là người bạn tôi có thể chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, những người bạn thực sự tin tưởng được, thực sự rất ít. Khi càng trưởng thành theo thời gian, tôi càng thấy cuộc sống không mơ mộng nữa, càng hay cảm thấy cô đơn và cô độc hơn. Bởi vì lúc đó bạn bóc tách cái mộng mị ra và nhìn thẳng vào cốt lõi. Buồn nhất là con người sẽ cảm thấy đa nghi, không có nhiều niềm tin. Khi tiếp xúc với ban bè, bạn sẽ đi xuyên qua cái vỏ để hiểu được bản chất của họ, chính vì vậy mà khi già đi, con người ta càng ít bạn hơn.
- Hình ảnh người nghệ sĩ cô đơn, thăng hoa trong sự đơn độc của mình, có đúng với chị?
Cũng có lúc tôi thấy mình trong hình ảnh như vậy. Bởi những người tiếp xúc với tôi, chỉ nhìn thấy được phần vỏ, ngay cả bố mẹ mình, không ai có thể chạm sâu tới tâm sâu trong trái tim tôi. Rất khó để hiểu và chia sẻ. Tôi là người luôn có những khoảng trời riêng mà không phải ai cũng biết được. Đó cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống, nghệ sĩ thường cô đơn, càng nổi tiếng họ càng cô đơn.
- Từng đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, và được xem là “người chị cả” của làng nhạc nhẹ Việt Nam, theo chị làm thế nào để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ?
Để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc thì giáo dục trong âm nhạc là rất quan trọng, phải tạo nền móng cơ bản âm nhạc khi bạn còn nhỏ. Tôi để ý thấy những bộ phim ở nước ngoài thường chỉ yếu là nhạc cổ điển, khi xem phim, vô thức dòng nhạc này ngắm vào trí nhớ đứa trẻ và thuộc về nó mãi mãi. Đó là cái gốc để cảm nhận âm nhạc rất tốt. Còn ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa có thị hiếu nghe nhạc. Ví dụ bạn không biết gì về tôi, có người nói với bạn rằng: Thanh Lam hát hay lắm, thế là khi nghe hát bạn lại thấy tôi hát hay.
Nếu người khác lại bảo Thanh Lam hát dở lắm, thì bạn cũng không nghe tôi hát nữa. Những phương tiện thông tin đại chúng, rồi phát thanh, báo chí quá vội vã để đẩy lên những ngôi sao ảo. Tôi thấy rất tội, tôi cho cả người nghe, những em trẻ chưa có thẩm mỹ âm nhạc rất dễ bị ám ảnh. Tội cho cả những ngôi sao ảo bị lửng lơ trên không, không biết mình là ai. Họ được thổi lên rất nhanh và biến mất cũng rất nhanh. Tôi tin rằng 20 năm nữa, nền âm nhạc của mình cũng như những nước cấp tiến khác, giá trị thực sẽ được nhìn nhận một cách khác. Ngôi sao trẻ vẫn được yêu thích, nhưng khán giả sẽ biết là khả năng chỉ có vậy thôi, chứ không như hiện tại mọi thứ đang bị xóa hết.
Con cái là tài sản quý nhất
- Sau cuộc chia tay với nhạc sỹ Quốc Trung, để chồng nuôi con có phải là hy sinh lớn nhất cho sự nghiệp của chị?
Sự phán xét của người ngoài trong trường hợp này thường đổ lỗi cho tôi. Nhưng trong cuộc sống chẳng có sự lựa chọn nào không phải trả giá và bạn hãy tin rằng, tôi cũng như bao bà mẹ khác luôn giành những gì tốt đẹp nhất cho con mình.
- Chị kỳ vọng điều gì ở các con mình?
Với tôi, con cái là một điều rất thiêng liêng. Khi còn trẻ, tôi nghĩ rằng mình là một người phụ nữ khỏe mạnh, muốn có bao nhiêu con cũng được, nhưng khi trưởng thành tôi mới thấy, con cái là định mệnh trời cho. Thật may mắn là tôi đã có những đứa con “trộm vía” là rất dễ thương, thông minh, khỏe mạnh. Đó là tài sản quý nhất với tôi trong cuộc sống.
Tôi là người không đặt cho mình những tiêu chí phải phấn đấu trong mọi việc, mà là những thôi thúc rất tự nhiên trong bản năng. Có thể vì vậy mà tôi rất tự tin trong các cuộc thi, tự tin trong những cuộc ganh đua. Nhưng tôi không cho phép mình tụt hậu và đứng sau người khác. Trong lứa tuổi 40, tôi cũng phải vào được top các cô “good looking”, thành đạt. Tôi vẫn dạy các con mình là trong lớp, các con ít nhất phải vào được topten những người giỏi nhất. Sau này làm việc gì cũng vậy, nếu các con đứng thứ hàng trăm là thu. Và để đạt được điều đó, các con phải tìm được mặt mạnh của mình để phát huy, nếu con có tình yêu và đam mê với công việc, con sẽ thành công.
- Chị có hướng cho con cái theo nghệ thuật giống mình không?
Con tôi không bộc lộ năng khiếu âm nhạc như mẹ. Con gái lớn của tôi vẽ rất đẹp, tôi đang cho cháu theo học thiết kế nội thật, còn hai đứa sau đang học âm nhạc ở trường âm nhạc quốc gia. Tôi nghĩ quan trọng là cha mẹ phải nhìn ra được tố chất của con cái và hướng con đi đi đúng khả năng, rất có thể con tôi sẽ không là một người nghệ sỹ như mẹ, có thể chỉ là một người cắm hoa, nhưng là trong top những người cắm hoa giỏi nhất thì cũng tốt hơn làm ca sĩ ở top 100.
- Ở chị luôn toát lên phong thái đặc biệt của một người phụ nữ xinh đẹp, nổi tiếng, đó có phải là áp lực với một người đàn ông muốn gần chị không?
Tôi thích người đàn ông đến với mình không phải vì nhan sắc, cũng không phải vì danh tiếng mà vì những gì chân thực nhất mà tôi có. Nghĩa là cả ưu và khuyết điểm của tôi. Tôi không thể hiện ra bên ngoài tính cách quá nỏng bỏng. Tôi luôn có khoảng cách, không phải là người dễ gần. Đa số những người bạn hay người yêu tôi đều là những người cá tính, như vậy thì họ mới thích được tuýp người mạnh mẽ như tôi. Trong các mối quan hệ, tôi là một người rất biết ứng xử, một người văn minh, biết mình nên làm gì và không nên làm gì, không can thiệp sâu vào cuộc sống riêng của người khác. Một mối quan hệ thực sự là mối quan hệ cùng giúp nhau phát triển, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.
Đối diện tin đồn bằng sự im lặng
- Sự quan tâm của báo chí và tin đồn quanh mình có khiến chị mệt mỏi?
Báo chí cũng giúp đỡ cho tôi rất nhiều để chia sẻ với khán giả những dự định tôi đang làm, những tâm sự, trăn trở về nghề nghiệp. Thực sự với nghệ sỹ, báo chí cũng giúp rất nhiều cho việc PR tên tuổi, nhưng cũng chỉ một phần thôi, thực lực của bản thân mới là điều quan trọng nhất.
Đối với một người làm nghề giải trí thì những tin đồn hay sự hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín là điều luôn luôn xảy ra. Có những người tôi tưởng là bạn, thậm chí bạn thân, đồng nghiệp, mà còn bất ngờ vô cùng khi nghe họ nói về mình, nữa là người ngoài. Họ chỉ thấy tôi trên sấn khấu, qua báo chí, thì làm sao hiểu đúng về tôi được, nên tôi cho rằng chuyện đồn thổi cũng là rất bình thường.
- Gần đây rất nhiều bài báo giật tít “Ca sĩ Thanh Lam bị đánh ghen”. “Ca sĩ Thanh Lam bị kiện”... Chị đã im lặng, phải chăng đó cũng là một cách khôn ngoan để tránh dư luận?
Chuyện đó cũng làm tôi mệt mỏi. Nhưng nói qua nói lại cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, chỉ đẩy vấn đề đi xa hơn và rắc rối thêm thôi. Đúng hay sai thì cuộc sống cũng còn rất dài, biết bao chông gai. Mình sống thế nào mới là quan trọng, mọi chuyện hãy để thời gian trả lời. Kể cả trong cuộc sống gia đình, không phải lúc nào bạn cũng nên đôi co, bạn nói vào lúc nào mới là quan trọng, những va vấp cũng sẽ giúp bạn vững vàng hơn trước những thử thách của cuộc sống.
- Một câu hỏi cuối, đích đến của chị là gì, sau những đam mê mà chị đã miệt mài theo đuổi?
Mỗi người đều có những giá trị riêng, cuộc sống rất công bằng, cho đi rồi sẽ nhận lại. Có những người không được đánh giá cao khi người ta còn sống, nhưng khi mất đi những người ở lại mới thấy được giá trị cống hiến của con người đó cho nghệ thuật. Đích đến của tôi không phải là thành quả hiện tại, là vật chất mà tôi sở hữu, mà là những gì còn lại khi tôi mất đi....
- Cảm ơn chị và chúc chị luôn hạnh phúc, tự tin và kiêu hãnh trên con đường của mình!
Theo Jolie Khanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét