Thứ Năm

Khi cả nhà đều là nghệ sĩ

Khi cả nhà đều là nghệ sĩ

Thứ Tư, 07/10/2009, 06:03 GMT + 7
NSƯT Hồ Thanh Hương không phải là một người xa lạ với những ai quan tâm và yêu mến âm nhạc dân tộc. Bà từng là nhạc công, là giảng viên có tiếng bộ môn đàn tam thập lục, nhiều năm phụ trách bộ phận Nhạc dân tộc của Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng tên tuổi của bà, nếu đem so với chồng và con gái (nhạc sĩ Thuận Yến và ca sĩ, NSƯT Thanh Lam) thì quả là thua xa về độ "phủ sóng".

NSƯT Hồ Thanh Hương tâm sự rằng, chính bởi sự quá ư nổi tiếng của chồng và con gái mà bà tình nguyện lui về làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp của họ. Lặng thầm hy sinh, ngày ngày vun đắp, người đàn bà ấy luôn coi chồng và các con là món quà quý giá nhất mà ông trời ban tặng cho mình.


Nhạc sĩ Thuận Yến
Tôi gọi điện rồi tìm đến nhà nhạc sĩ Thuận Yến, những mong có được một bài viết về ông nhân dịp 2 đêm nhạc Thuận Yến được công diễn vào đêm 25 và 26/9 ở Nhà hát lớn Hà Nội. Dù biết nhạc sĩ bị mắc căn bệnh suy giảm trí nhớ đã mấy năm nay, nhưng tôi cũng không thể ngờ Thuận Yến lại rơi vào tình cảnh trầm trọng như vậy. Không câu hỏi nào của tôi có được câu trả lời đúng chủ đề, ông cứ nhắc hoài một câu chuyện xảy ra đã từ lâu lắm với một ai đó.
Bà Hồ Thanh Hương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh tình của nhạc sĩ "căng" hơn rất nhiều. Theo chẩn đoán của bác sĩ, não của ông đã bị teo đi quá nửa nên mọi chuyện giờ cứ nhớ nhớ quên quên. Có khi vừa đi ăn phở về, đến nhà ông lại bảo: "Sao giờ này vẫn chưa ăn sáng nhỉ?". Hiện tại, riêng tiền thuốc thang của nhạc sĩ mỗi tháng cũng lên tới hơn chục triệu đồng.
Có lẽ vì thấy bệnh tình của cha diễn biến quá nhanh, nên hai con của nhạc sĩ là ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Trí Minh đã quyết định tổ chức live-show kỷ niệm nửa thế kỷ nhạc sĩ Thuận Yến gắn bó với âm nhạc. Khi còn khỏe, nhạc sĩ Thuận Yến còn muốn thực hiện album thứ 2, nhưng đến giờ ông chưa làm được.
Trước live-show đầu tiên của đời mình - một dấu mốc quan trọng với cuộc đời người sáng tác - nhạc sĩ Thuận Yến đành phó thác cho các con. Trong đêm nhạc này, Thanh Lam sẽ là giọng ca chủ đạo, còn Trí Minh đóng vai trò tổng đạo diễn. Bà Hồ Thanh Hương thì giúp chồng việc tiếp và trả lời báo chí vì Thanh Lam và Trí Minh quá bận rộn do thời gian chuẩn bị cho đêm nhạc thực sự gấp gáp. Ngồi cạnh chồng, trước những câu chuyện chẳng liên quan gì đến nội dung của buổi phỏng vấn, bà Thanh Hương có lúc cười mà rơi nước mắt. Một đời sống bên ông, điều bà yêu thương nhất ở ông là sự hiền lành, một trái tim chân thật trong đời sống cũng như trong sáng tác.


Nhạc sĩ Thuận Yến với vợ - NSƯT Hồ Thanh Hương và con gái - ca sĩ, NSƯT Thanh Lam
Bà đúc kết: "Sở dĩ Thuận Yến thành công là vì ông ấy lúc nào cũng chân thật. Thanh Lam cũng chân thật mới ra được lời hát như thế, dù sự chân thật của Thanh Lam đôi khi phải nhận về những thiệt thòi...".
Theo dòng hồi tưởng, NSƯT Hồ Thanh Hương kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, gia đình mình. Các chi tiết bà kể rất giản dị, nhưng tôi cảm nhận được tình yêu lớn lao bà dành cho chồng và các con. 

Nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Hồ Thanh Hương vốn là bạn học cùng khóa 2 của Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1963, khi kết thúc khóa học, cô gái quê Nghệ An Hồ Thanh Hương được giữ lại trường, còn Thuận Yến nhận giấy công tác vào Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế. Vì muốn được ở bên cạnh người yêu, Hồ Thanh Hương đã viết đơn tình nguyện xin đi cùng vào phục vụ chiến trường.
Theo lời kể của nghệ sĩ Thanh Hương, trước đó cấp trên chưa có chủ trương cho văn công nữ đi phục vụ chiến trường nên Thanh Hương cùng với 5 nữ nghệ sĩ khác đi chiến trường lần ấy là đợt đầu tiên. Hồi ấy, xúc động trước tấm chân tình của người bạn gái, nhạc sĩ Thuận Yến có làm thơ tặng nàng: "Cô gái Quỳnh Lưu mặn mà nước biển/ Kín đáo thâm trầm chẳng thích hào hoa/ Yêu cả đôi quê cùng anh Nam tiến/ Mấy năm rồi vượt chặng đường xa". Mặc dù đó chỉ là những câu thơ rất đỗi mộc mạc, nhưng khi nhắc lại, gương mặt nghệ sĩ Thanh Hương vẫn rạng ngời hạnh phúc, đủ thấy năm tháng qua đi với không ít biến cố trong cuộc đời song tình yêu của bà dành cho người bạn đời của mình vẫn không vơi cạn.
Đến năm 1968, nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ Thanh Hương tổ chức lễ thành hôn. Đó là một đám cưới giản dị mà xúc động ngay giữa chiến trường với một ít lạc rang mua được từ đồng bằng lên và món kẹo rất "đặc biệt" được làm từ cơm rang trộn với sữa. Nhắc lại chuyện này, bà Hương không giấu được sự bùi ngùi. Bởi ngày ấy, giữa chiến trường khói lửa, hạnh phúc thật mong manh. Cuối năm 1968, nghệ sĩ Thanh Hương bị viêm khớp nặng không đi lại được, nên phải chuyển ra Bắc điều trị. Thời khắc chia tay thật cảm động và nhiều lo lắng.
Nghệ sĩ Hồ Thanh Hương thổ lộ: "Kẻ ở người đi, mà chiến tranh đang vào hồi khốc liệt, không biết có ngày đoàn tụ hay không nữa. Lúc ấy, tôi lại vừa biết mình mang thai Thanh Lam. Cuộc chia tay ấy diễn ra bên đất Lào vào một buổi chiều với rất nhiều nỗi niềm không nói ra hết được. Buồn pha với xót xa...".
Buổi chiều chia tay ấy là một kỷ niệm thật khó quên với nhạc sĩ Thuận Yến, để sau này khi bắt gặp bài thơ "Chia tay hoàng hôn" của Hoài Vũ, những kỷ niệm về một thời gian khó mà lãng mạn lại sống dậy khiến nhạc sĩ ông  sáng tác nên ca khúc "Chia tay hoàng hôn" được rất nhiều người yêu mến. Bài hát như càng được chắp cánh vươn xa qua sự thể hiện của ca sĩ Thanh Lam. Hát ca khúc này, Thanh Lam như được hát về tuổi trẻ, về tình yêu của chính các bậc sinh thành.

Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến trong đêm live-show diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội cuối tháng 9 vừa qua (ảnh: VietNamNet)
Nghệ sĩ Hồ Thanh Hương tâm sự rằng, từ khi lấy nhạc sĩ Thuận Yến, ông hết đi chiến trường lại đi thực tế sáng tác, đợt nọ nối tiếp đợt kia, chẳng mấy khi có nhà. Mọi công việc trong nhà, từ cái ăn cái uống đến việc con cái học hành đều một tay bà lo toan. Nhạc sĩ Thuận Yến cũng giống như nhiều nghệ sĩ, cả đời chỉ biết có mỗi việc sáng tác.
Nhưng ngay từ thuở ban đầu, nghệ sĩ Hồ Thanh Hương đã xác định mình phải trở thành hậu phương vững chắc cho sự nghiệp của chồng. Bà tự nhận: "Tôi là gái Nghệ An, vốn bản chất chịu thương chịu khó và không ngại khổ. Có những lúc bực lắm, mệt mỏi lắm đấy, nhưng rồi lại nhịn đi cho êm ấm cửa nhà. Bởi vì ông Thuận Yến là người rất hiền lành, cả đời không biết làm tổn thương ai, cũng chẳng biết "lợi dụng" ai...".
Những năm bao cấp đầy khó khăn, bà Hương đã rất chịu khó làm thêm ngoài giờ để thêm thu nhập đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Sau này, khi nhạc sĩ Thuận Yến về làm Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Hồ Thanh Hương lúc ấy đang là Đảng ủy viên, phụ trách một bộ phận trong Ban Văn nghệ của Đài đã tình nguyện xin nghỉ hưu trước thời hạn. Bà lo ngại rằng, khi vợ chồng cùng làm ở một bộ phận có thể nảy sinh những lời dị nghị không hay, không tốt cho sự nghiệp của chồng.
Về nghỉ hưu, nhưng nghệ sĩ Hồ Thanh Hương vẫn lao động không mệt mỏi. Với cây đàn tam thập lục, theo lời mời, bà đi biểu diễn khắp nơi, có những chuyến lưu diễn kéo dài cả tháng trời. Chỉ với cây đàn tam thập lục, bà có thể đệm cho mọi loại hình hát dân ca và đặc biệt xuất sắc khi đệm cho các nghệ sĩ ngâm thơ.
Mặc dù đã ở tuổi ngoại lục tuần, song nghệ sĩ Hồ Thanh Hương vẫn giữ được nét đẹp mặn mà. Hiện bà thường xuyên ở nhà để chăm lo, săn sóc chồng. Bà tếu táo: "Tôi giờ như vợ nhạc sĩ Văn Cao ngày xưa ấy, chồng đi đâu là phải theo đấy! Cứ có nơi nào mời là phải tháp tùng ông ấy đi, chứ giờ ông ấy không đi đâu được một mình nữa rồi".

Ngoài ra, bà còn làm "bầu sô" cho Thanh Lam, đi làm những việc thay con gái quá bận rộn như đi kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, ký hợp đồng nhận sô diễn theo ủy thác của con gái. Thời gian rảnh rỗi, bà dành chăm sóc những giò hoa phong lan treo trước sân nhà. Lúc tôi đến, bà đang đứng trên chiếc ghế đẩu cao ngất ngưởng để tỉa cành, tưới hoa. Khi tiễn tôi ra cửa, bà nói thêm: "Hạnh phúc gia đình cũng như những cây hoa này, rất mong manh. Phải chăm bón nó hàng ngày!"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét