Thứ Năm

Hình Tượng Lam

Hình Tượng Lam


Trên một sân khấu đơn giản, giữa những âm thanh khi thánh thót dịu dàng lúc dữ dội, là Thanh Lam. Hơn một tiếng đồng hồ, Thanh Lam gửi tới những tri âm những gì đẹp nhất trong giọng hát của mình...
Thanh Lam đã hát những bài hát của Trịnh Công Sơn một cách tinh tế lạ thường, khác rất nhiều với cách hát trong 2 album nhạc Trịnh đã phát hành của mình. Nền nhạc vẫn như trong đĩa “Ru Mãi Ngàn Năm” nhưng Thanh Lam đã bỏ sang một bên những day dứt, những cồn cào bức bối trong lối hát - điều khiến chị bị nhiều người tự nhận yêu nhạc Trịnh phản đối - để đằm thắm trở lại, hát như tự sự, như cho riêng mình, không cần phải diễn, chỉ có giọng hát vang lên, như một ma lực.
Cứ như thế, Thanh Lam đưa người nghe vào những trạng thái thăng hoa không định trước. Khoảng khắc xuất thần trong Ru Ta Ngậm Ngùi đem lại nhiều cảm xúc nhất khi Thanh Lam vừa hát vừa như đang độc thoại, vừa hát vừa chiêm nghiệm về bản thân. Đã lâu mới lại thấy Thanh Lam "tỉ mẩn" trên từng lời ca, hát hay và hát "kỹ" như thế. Nghe Thanh Lam hát nhạc Trịnh trong đêm nhạc này bỗng dưng thấy hơi tiếc cho chị. Giá như Thanh Lam chọn những ca khúc hoặc rất ít người hát hoặc chưa bao giờ được trình diễn của Trịnh Công Sơn và thổi vào đó sức sống trong giọng hát của mình thì sẽ còn gây bất ngờ hơn nhiều và tránh được những so sánh cũ kỹ của những trường phái mê nhạc Trịnh khác nhau.
Khán giả đến khán phòng Nhà hát Thành phố hôm đó đã được "nghe" Thanh Lam hát thực sự chứ không bị ám ảnh về chuyện "xem" chị nhăn mặt hay nhắm mắt hoặc có những biểu hiện sân khấu gây sốc. Lam của “Ru Mãi Ngàn Năm” đã hát hết mình mà vẫn có sự tiết chế cường độ biểu hiện trong giọng hát của mình để đem lại cho khán giả sự hài lòng về "nghe". Dẫu rằng những bộ trang phục mà Thanh Lam mặc trong đêm diễn này khiến nhiều người dị ứng vì họ không hiểu sao chị lại có thể ăn mặc như vậy sau bao nhiêu lời góp ý, chúng chẳng cho thấy một hình ảnh nào có thể liên tưởng với âm nhạc mà Thanh Lam trình diễn, nhưng có lẽ đó là một cách để Thanh Lam khẳng định cá tính của mình, điều này với những người mến mộ chị, đã là rất bình thường.
Thanh Lam sẽ dựng lên hình tượng mới của mình ra sao sau thời “Mây Trắng Bay Về”? Sẽ là hình ảnh người đàn bà hát dịu dàng nhưng đầy tâm trạng như đã thể hiện với những bài hát của Trịnh Công Sơn hay là dữ dội như những cơn sóng cuộn trong âm nhạc Lê Minh Sơn? Thanh Lam thực sự muốn làm những cuộc hoá thân liên tiếp nhờ ở đẳng cấp cao của một Diva hay đang lúng túng trên con đường mới nhiều ngả rẽ? Một đêm diễn nhỏ bé và ấm cúng như “Ru Mãi Ngàn Năm” chưa thể trả lời được những câu hỏi như thế. Thanh Lam đã thể hiện khả năng làm chủ sân khấu tuyệt vời và sức mạnh của giọng hát bằng Đá trông chồng, Ôi quê tôi đã chứng tỏ sức trẻ trong mình còn dạt dào với Tìm anh bằng nụ cười... sau khi đã phô diễn những dáng vẻ đẹp nhất trong giọng hát của mình với những bài nhạc Trịnh. Chừng đó tạm đủ để những tri âm của chị yên tâm vào "quyền lực" của Thanh Lam, quyền lực giúp duy trì một "hình tượng Lam" không bao giờ biết đến thất bại.
Minh Tú
(Theo GĐX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét