Thứ Hai

Sự khởi sắc của âm nhạc dân gian

Sự khởi sắc của âm nhạc dân gian

(Tạp chí truyền hình HN) – Vài năm trở lại đây, dòng nhạc dân gian được “hâm nóng” lại sau một thời gian hơn mười năm bị thị trường nhạc nhẹ lấn át. Nó thật sự đã trở thành một mối quan tâm không chỉ với nhạc sỹ, ca sỹ mà cả người nghe.
Suốt những năm của thập niên 90, dòng nhạc nhẹ lên ngôi với hàng loạt các ngôi sao ca nhạc thuộc phong cách Pop. Cùng với nó, làn sóng nhạc Hoa, nhạc Hàn rồi Hiphop, R&B được du nhập một cách nhanh chóng và khá phổ biến trên các sân khấu biểu diễn. Hàng loạt nhạc sỹ trẻ thành danh bởi những ca khúc thuộc dạng này, kéo theo những “ngôi sao” ca nhạc cùng trào lưu.
Song song với thị trường nhạc nhẹ sôi động ấy, dòng nhạc dân gian vẫn lặng lẽ như mạch nguồn tuôn chảy, dù không “ầm ĩ”, không “sôi động” nhưng nó vẫn cứ tồn tại và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Còn nhớ dạo ấy, những “Mái đình làng biển” (Nguyễn Cường), Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương) hay những ca khúc mang đậm chất dân ca Tây Nguyên hoặc những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ được các nhạc sỹ quan tâm sáng tác, và khán giả bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Y Moan, SiuBlack, Đình Văn, Quang Linh, Cẩm Ly…
Bước vào những năm 2000, cùng với cuộc thi “Sao Mai” của Truyền hình Việt Nam, dòng nhạc dân gian đã được tách riêng ra cùng với dòng cổ điển và nhạc nhẹ, và nó đã có chỗ đứng riêng biệt đáng trân trọng. Sự xuất hiện của Ngọc Khuê với âm nhạc đậm chất dân gian Bắc Bộ của Lê Minh Sơn như một làn gió mới thổi vào Showbiz Việt gây ngạc nhiên cho tất cả những ai quan tâm. Âm nhạc dân gian được Lê Minh Sơn khai thác và sáng tạo nên những ca khúc mang hơi thở đương đại, trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn nhưng vẫn giữ được cái nét duyên của vốn dân gian cổ. Hàng loạt ca khúc ra đời trở thành “hiện tượng” như: Bên bờ ao nhà mình, Ôi quê tôi, Đá trông chồng, Cặp ba lá… kéo theo tên tuổi của Ngọc Khuê, Tùng Dương được khán giả ngưỡng mộ.
Trước thời điểm này một chút, album Mây trắng bay về của ca sỹ Thanh Lam với sự sáng tạo của Quốc Trung đã thật sự mở ra một hướng đi mới – âm nhạc mang hơi hướng world music, sử dụng chất liệu dân gian phối khí cho những ca khúc nhạc nhẹ. Mây trắng bay về làm cho Thanh Lam gần như lột xác với một hình ảnh mới lạ hơn, ngay lập tức được sự ủng hộ rất lớn của khán thính giả khắp nơi. Ngay sau khi Mây trắng bay về thành công ngoài mong đợi, Quốc Trung bắt tay vào thực hiện dự án cho riêng mình. Vài năm sau, Đường xa vạn dặm “đậm” chất world music hơn đã ra đời được chuyên môn, báo giới và khán giả đón nhận nồng nhiệt. Đi xa hơn, “chất” hơn, tinh tế và thông minh hơn những đồng nghiệp cùng lứa, Quốc Trung gần như là người mở đầu cho “phong trào” world music mà hiện tại có nhiều ca, nhạc sỹ theo đuổi.
Không khí “dân gian” trong showbiz Việt càng rộn ràng hơn khi sân chơi Bài hát Việt với sự xuất hiện của anh chàng “ngoại đạo” Nguyễn Vĩnh Tiến với hàng loạt ca khúc đậm đà chất dân gian Bắc Bộ được Ngọc Khuê thổi hồn trên sân khấu và được khán giả đua nhau bình chọn, đến mức, “Bà tôi” trở thành bài hát “hot” nhất năm 2005 khi sự phổ cập của nó đến với công chúng là rất lớn. Cùng với Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn vẫn vững vàng và ngày càng tinh tế hơn, Giáng Son cũng là một nhạc sỹ sử dụng nhiều chất liệu dân gian trong các tác phẩm của mình.
Hàng loạt ca sỹ dòng dân gian bắt đầu được khán giả chú ý và yêu thích. Trước đây có Ngọc Sơn, Quang Linh, Cẩm Ly thì thế hệ tiếp sau có Tùng Dương, Ngọc Khuê, Tân Nhàn, Vương Dung… tiếp nối “đậm” chất dân gian hơn, đặc biệt là Tùng Dương và Ngọc Khuê, những ca sỹ này đã gây một ảnh hưởng nhất định đến Showbiz, tạo nên một lối hát riêng biệt, điển hình mà nhiều ca sỹ trẻ sau này học tập, đi theo.
Cùng với sự khởi sắc của dòng nhạc dân gian trong Showbiz, Truyền hình Việt Nam cũng đã góp một phần không nhỏ trong việc “khơi” lại dòng dân gian nguyên gốc trong Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc đã qua hai lần tổ chức. Đây thật sự là một việc làm ý nghĩa trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo nghị quyết Trung ương Đảng. Qua hai kỳ Liên hoan, rất nhiều màu sắc văn hóa dân gian các vùng miền đã được thể hiện trên sân khấu của các khu vực và tụ hội lại trong mấy đêm chung kết.
Âm nhạc dân gian còn được sử dụng trong lĩnh vực thời trang khi nó được chọn làm nhạc nền cho những sải bước của các người mẫu khoác trên mình những bộ cánh truyền thống của dân tộc. Một số chương trình thời trang gần đây sử dụng âm nhạc dân gian và coi nó như một phần không thể thiếu trong tổng thể chương trình. Ví dụ như hai chương trình thời trang lớn- Đẹp Fashion show “Cơn ác mộng của người thợ may” và “Bí ẩn của linh hồn” gần đây. Cả hai chương trình thời trang này đều do nhạc sỹ Quốc Trung đảm nhận phần âm nhạc, chính nó đã góp một phần không nhỏ tạo nên sự thành công của hai chương trình này. Đặc biệt với “Bí ẩn của linh hồn” âm nhạc dân gian đã thật sự được thể hiện rất rõ nét khi những nhạc cụ dân tộc, những giai âm từ ca trù, tuồng, chầu văn…được sử dụng khéo léo tạo nên cảm xúc đặc biệt cho người xem khiến họ đắm chìm vào một thế giới huyền bí, tâm linh trong một show diễn không còn khái niệm thời trang đơn thuần mà nó đã được nâng lên như là một bộ môn nghệ thuật.
Có thể thấy, dòng chảy của âm nhạc dân gian dù không ồn ào, sôi động như nhạc giải trí nhưng nó luôn có một vị trí trang trọng trong đời sống Nhạc Việt. Những nhạc sỹ, ca sỹ đi theo dòng nhạn dân gian đã, đang và sẽ luôn được tôn trọng, bởi những gì họ làm đã góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tinh hoa của văn hóa dân gian – bản sắc của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Ngô Bá Lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét