Thứ Năm

TÙNG DƯƠNG MANG NGHIỆP ĐẠI BÀNG – MẢI MIẾT BAY CAO KHÔNG THỂ ĐỨNG YÊN

TÙNG DƯƠNG MANG NGHIỆP ĐẠI BÀNG – MẢI MIẾT BAY CAO KHÔNG THỂ ĐỨNG YÊN


Tùng Dương như thể mang nghiệp của một con đại bàng, bay từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, không quên sải đôi cánh rộng vỗ vang núi rừng và để lại vết chân trên tảng đá. 

DIVO TRONG LÒNG CÔNG CHÚNG
10 năm đến với làng nhạc Việt, Tùng Dương đã gặt hái được vô số giải thưởng danh giá, từ Giọng hát hay Hà Nội, Sao mai điểm hẹn, Mai vàng, Bài hát yêu thích và đặc biệt là “bộ sưu tập” giải thưởng Âm nhạc Cống hiến. Tất nhiên, Tùng Dương không hát để đạt được huy chương này, giải thưởng nọ thế nhưng bằng sức sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi trong âm nhạc, các giải thưởng cứ đến với giọng ca “Con cò” như một sự đền đáp có trước có sau, như một điều gì đó không thể nào chối bỏ.
Nhiều người gọi Tùng Dương là ca sĩ “tắc kè hoa”, số khác lại nhớ đến anh với hình ảnh “lập dị”, “ma quái”, thậm chí là khó hiểu. Còn số đông người yêu nhạc công nhận Tùng Dương là một giọng hát cá tính, đa màu sắc và không ngừng làm mới chính mình. Và một khi người nghệ sĩ đã hội tụ những yếu tố cần thiết để tôn vinh cho một danh xưng thì truyền thông cũng không bao giờ “keo kiệt”. Báo chí – truyền thông gọi Tùng Dương với một danh xưng ngắn gọn - "divo". Tùng Dương không vỗ ngực để nhận “mỹ danh” này, cũng không xem là một niềm kiêu hãnh, anh đơn giản coi đó là một động lực. Trang cá nhân của Tùng Dương trên mạng xã hội cũng chỉ đơn giản lấy tên “Tung Duong” chứ cũng không gắn thêm bất cứ một danh xưng, danh hiệu nào dẫu rằng nhiều ý kiến cho rằng, Tùng Dương là "divo" duy nhất trong làng nhạc nhẹ Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Tùng Dương thuộc số ít các ca sĩ thế hệ đi sau có thể song ca, thậm chí là kết hợp thành công với các diva nhạc nhẹ. Một thuở, người ta không thể tìm thấy một nam ca sĩ nào có thể hòa quyện thành công với giọng hát của Thanh Lam. “Người đàn bà hát” nổi tiếng là ca sĩ bản năng, nội lực, hát như thế ngày mai không còn được hát nên không dễ gì người khác có thể song ca cùng. Thảng có giọng ca nam nào kết hợp với Thanh Lam là y rằng bị khán giả phản ứng, nào là ca sĩ đó bộc lộ yếu điểm, nào là “nữ hoàng nhạc nhẹ” lấy kỹ thuật để lấn át đối phương. Thế rồi, Tùng Dương xuất hiện, trẻ hơn Thanh Lam cả về tuổi đời, lẫn tuổi nghề, bước chân trên con đường âm nhạc sau đàn chị những 20 năm. Nhưng Tùng Dương lại có thể hòa quyện với Thanh Lam, trở thành một cặp song ca “cá - nước” đẳng cấp và hút hồn người nghe nhạc.
NSƯT Thanh Lam cũng là một trong hai khách mời trong liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát của Tùng Dương, tựa đề “Tùng Dương – Thập kỷ hoan ca”. Vị khách mời còn lại là Lê Cát Trọng Lý. Không quá khi nói rằng, chẳng mấy ai chọn khách mời “đối ngược” và “mạo hiểm” như Tùng Dương. Hát với một nghệ sĩ “chất” đã khó, hát với hai nghệ sĩ “chất”, lại chất theo hướng “trái dấu” nhau thì không phải là chuyện đơn giản. Thanh Lam như nham thạch, như ngọn lửa bùng cháy với giọng hát nồng nàn, da diết, xoáy sâu vào ngõ ngách cảm xúc trong khi Lê Cát Trọng Lý sở hữu một thế giới âm nhạc đầy triết lý và một giọng hát nhẹ nhàng, êm dịu như một cơn gió thổi mặt hồ mùa thu yên ả. Tùng Dương sẽ xử lý “ca khó” này như thế nào, câu trả lời chỉ có trong đêm nhạc đánh dấu 10 năm, giọng ca “Chiếc khăn Piêu” đến với làng nhạc Việt.
BAY CAO CHỨ KHÔNG THỂ ĐỨNG YÊN
Âm nhạc là một môi trường khắc nghiệt, thậm chí khốc liệt, nó mang đến vinh quang và ánh sáng nhưng cũng làm người nghệ sĩ bộc lộ yếu điểm, bất ổn nếu như không thể tự mình đứng vững. Thế nên có những ca sĩ mấy chục năm đi hát vẫn không thể xây dựng cho bản thân một phong cách riêng, số khác thì chỉ mới xuất hiện vài ba năm đã tự “nguội tắt” cũng xuất phát từ nguyên nhân không khẳng định được sự khác biệt trong một môi trường coi trọng sự sáng tạo. Nhưng cũng có những giọng ca, ngay từ khi xuất hiện đã tạo được dấu ấn đặc biệt, để mọi người phải trầm trồ khen ngợi và sau đó là kỳ vọng. Tùng Dương thuộc số những giọng ca như thế.
Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp ca hát đến nay, Tùng Dương luôn chứng tỏ mình là một “của lạ” trong làng nhạc Việt, không giống ai, không trở thành bản sao của ai, ngay cả những thần tượng âm nhạc của bản thân. Tùng Dương không hát theo thị hiếu số đông, không phải vì anh “chảnh” mà vì anh ý thức được trách nhiệm của người nghệ sĩ trong một nền nghệ thuật vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Người ta có thể chỉ trích vì Tùng Dương quá khác biệt nhưng không ai có thể phủ nhận những đóng góp của anh cho âm nhạc. Cống hiến đó, ở lứa tuổi của Tùng Dương, không phải ai cũng làm được. Và trách nhiệm đó, ở môi trường âm nhạc Việt Nam, không phải ai cũng ý thức được một cách cụ thể, rõ ràng.
Tùng Dương thể hiện (chứ không phải thử sức) ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau từ dân gian đương đại, Pop, Jazz, world music, nhạc điện tử đến nhạc cách mạng, nhạc trữ tình,… Không hẳn là nghệ sĩ tiên phong cho một dòng nhạc nhưng Tùng Dương là người tạo được dấu ấn trong thể loại âm nhạc mà mình thể hiện. Không khó để nhận ra một Tùng Dương đầy ma mị, liêu trai với dân gian đương đại; nồng nàn, da diết trong Pop, nhạc trữ tình; ngẫu hứng, tính nghệ sĩ cao với jazz và hùng tráng, hào sáng trong các ca khúc cách mạng. Sở hữu chất giọng nam cao (tenor) đầy học thuật, lại có thể hát tốt như một giọng nam trung (baritone), Tùng Dương không khó khăn trong các thử nghiệm âm nhạc hay nói đúng hơn có thể dễ dàng khẳng định được bản lĩnh trong hướng đi của mình.
Tùng Dương mang nghiệp của một con đại bàng, đại bàng thì thường không đứng yên một chỗ, ngay cả khi vị trí ấy đã quá ư đẳng cấp. Đại bàng bay từ núi này sang núi khác, không quên để lại vết chân và tất nhiên cũng không quên sải đôi cánh rộng vang tiếng cả khu rừng. Đại bàng sẽ luôn bay như chưa từng được bay để rồi lan tỏa ra khắp đại ngàn.
“Tùng Dương – Thập kỷ hoan ca” như một tổng kết của chặng đường bay không mệt mỏi, để nhìn lại và cảm nhận những phút giây hạnh phúc của chính Tùng Dương đối với công chúng. Nhưng tổng kết không có nghĩa là dừng lại, tổng kết để rồi sau đó tiếp tục sải cánh bay cao, khám phá và vẫy vùng thỏa thích trên chính vùng trời âm nhạc của mình như bao năm qua Tùng Dương đã – đang như thế.
Tác giả: Lê Quang Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét