Thứ Năm

Thanh Lam - Sự khác biệt làm nên bản sắc

Thanh Lam - Sự khác biệt làm nên bản sắc
 xevathethao.vn 02.03.2015

KHÓ CÓ THỂ BAO QUÁT TOÀN BỘ CON ĐƯỜNG CA HÁT CỦA NSƯT THANH LAM TRONG MỘT BÀI PHỎNG VẤN, VÌ VẬY, TÔI CHỌN CÁCH “LẨY” NHỮNG KHÍA CẠNH MÀ TÔI CHO LÀ TIÊU BIỂU NHẤT, CÓ KHÍA CẠNH NGƯỜI YÊU CHỊ THÌ RẤT YÊU, GHÉT CŨNG RẤT GHÉT, CHỊ ÍT CÓ KHÁN GIẢ “TRUNG DUNG”. TRUYỀN THÔNG VÀ KHÁN GIẢ HAY GỌI CHỊ VỚI DANH XƯNG “DIVA” HAY “NGƯỜI ĐÀN BÀ HÁT”, NHƯNG ĐỐI VỚI TÔI, TRONG BÀI NÀY, CHỊ LÀ “NGƯỜI ĐÀN BÀ KHÁT VỌNG”.

Khi chị hát, dù ở thể loại nào, từ cách nhả chữ, luyến láy, khán giả vẫn nhận ra chất dân gian trong đó. Chắc hẳn phải mất một thời gian rất dài chị mới “cất”lên được cái men dân gian tinh túy như vậy?



Tôi sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, ba là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ đàn thập lục Thanh Hương. Từ cái nôi nghệ thuật gia đình, cùng với 7 năm theo học đàn tỳ bà ở Nhạc viện Hà Nội, chất dân gian, hồn Việt đã thấm vào người tôi. Tôi luôn cảm ơn 7 năm đấy đã góp phần hình thành chất dân gian trong tôi, để tôi có thể mang hơi thở dân gian vào nhạc nhẹ.

Hơi thở của dân gian trong nhạc nhẹ của riêng Thanh Lam sẽ như thế nào?

Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giọng hát và kỹ thuật, cùng với bài hát và phối khí để bật lên chất dân gian. Bạn có thể nghe những bài cũ như “Lời tôi ru”, “Đợi chờ”, “Ôi quê tôi”, hay bài mới như “Tò vò” để thấy rõ điều đấy. Khi mới vào nghề, có thể tôi bị ảnh hưởng bởi người này hay người kia, nhưng qua thời gian, trải nghiệm, tôi tìm được hơi thở riêng của mình. Với âm nhạc, hơi thở riêng chỉ có thể được cảm nhận qua bài hát.




Ở mỗi bài hát, chị cháy hết mình trên sân khấu, có người nói vui là: “Thanh Lam có bao nhiêu củi mang lên sân khấu đốt hết”, nguồn năng lượng nào giúp chị hát “bốc” thế?

Sáng tạo nghệ thuật cần sự điên loạn, để tải được sự điên loạn đấy, cần một cơ thể khỏe mạnh. Không riêng gì ca hát đâu, các ngành nghề khác cũng thế, nếu bạn có thể trạng tốt, bạn có thể thỏa sức làm tất cả những gì bạn muốn. Với tôi, sự khỏe mạnh đến từ lý trí. Ví dụ khi tôi đi du lịch đường dài với các bạn, có những lúc tôi muốn quỵ xuống vì quá mệt, nhưng lý trí bảo cơ thể tôi phải cố lên, phải tận dụng cơ hội được đến những nơi như thế này, thế là tôi đi tiếp. Việc đó tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, những cô bạn đi cùng tôi, có cô mệt quá buông luôn, không gượng nổi. Trước chương trình lớn, có lúc lo lắng quá, tôi tự bảo mình không được ốm, nếu ốm thì hỏng hết việc. Cái may của tôi là lý trí bảo được cơ thể. (cười)

Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, trước liveshow “Em và tôi”, chị gặp sự cố mất giọng nhưng vẫn hoàn thành tốt đêm diễn. Nếu xem đó là một trong những trở ngại chị từng vượt qua, thì trở ngại nào “thử thách” chị nhất?

Đợt đấy tôi bị lo lắng quá, người ca sĩ khi lo quá sẽ ảnh hưởng đến giọng hát. Mỗi chặng đường đi qua đều có những khó khăn khác nhau, nhưng khi đã vượt qua thì đó sẽ không còn là khó khăn nữa, giống như còn ở dưới chân núi thì thấy đường đi vô cùng khó khăn, khi trèo lên đến đỉnh rồi sẽ cảm thấy không có gì không thể vượt qua.




Chị đã lên đến đỉnh cao trong sự nghiệp, tuy nhiên, chị vẫn học thêm thanh nhạc với NSND Trung Kiên. Đối với chị, học là một hành trình không ngừng?

Tôi nghĩ rằng tất cả việc học đều có ý nghĩa, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất, nên tôi xin học riêng với thầy Kiên mỗi tuần một buổi để nâng cao kỹ thuật thanh nhạc, ông đã nhận lời, điều đó thật thú vị. Không bao giờ chúng ta có thể ngưng học tập, lúc nào cũng phải trau dồi kiến thức về chuyên ngành của mình.

Kỹ thuật thanh nhạc xử lý bài hát và cảm xúc khi trình bày bài hát thường được mang ra so sánh. Có ý kiến cho rằng nên hát bằng cảm xúc hơn là phô diễn kỹ thuật. Chị nghĩ sao về điều này?

Có kỹ thuật thật sự thì không cần quan tâm đến kỹ thuật nữa, vì kỹ thuật điêu luyện không giới hạn cảm xúc, giúp tải hết những điều muốn thể hiện trong bài hát. Con trai tôi học piano, tôi nói với con rằng sẽ có rất nhiều điều con muốn gửi gắm qua những phím đàn, nhưng nếu kỹ thuật không đủ, con sẽ không thể hiện hết được cái bạt ngàn, mênh mông của cảm xúc. Tôi cho rằng việc đào tạo bài bản về thanh nhạc đóng vai trò quan trọng, giúp ca sĩ khai phá các cung bậc đa dạng của cảm xúc.

Chị làm mới cảm xúc của mình như thế nào khi hát những bài quen thuộc?

Cứ tưởng rằng hát những bài cũ sẽ hát theo một kiểu như thế, nhưng không phải vậy, bài hát cũ chỉ là cái móng, mỗi lần hát sẽ có thêm sự tương tác với rất nhiều thứ như không gian biểu diễn, công chúng, năng lượng của mình vào thời điểm đấy. Nếu có nơi trình diễn đầy đủ về mọi thứ như âm thanh, ánh sáng…, có khán giả trân trọng tài năng của người nghệ sĩ, thì đấy là hạnh phúc tuyệt vời, những bài hát cũ sẽ hay hơn, mới mẻ hơn do cảm xúc thăng hoa.

Chị từng đối mặt với khá nhiều phản ứng không đồng tình khi làm mới những bài hát cũ, vốn đã định hình trong tâm trí của công chúng. Chị nói gì về điều này?

Tôi không bao giờ muốn rập khuôn khi hát một bài đã hình thành lề lối nghe, mà luôn muốn gửi gắm vào đấy sự khác biệt từ chính tâm hồn mình. Tại sao khán giả nghe nhạc Trịnh Công Sơn lại muốn ca sĩ hát giống Khánh Ly? Điều đó thể hiện sự lạc hậu, khó chấp nhận cái mới. Chỉ có những người giỏi mới không chấp nhận giống người khác, họ chỉ nghe để lấy thần thái, khi thần thái đấy chui vào trái tim, cùng với trí tuệ, họ biến nó thành của mình ngay. Âm nhạc là cái bất biến, âm nhạc hấp dẫn người nghe vì cái bất biến đấy. Chứ hát nhạc Phú Quang phải như thế này, Thuận Yến, Thanh Tùng phải như thế kia thì rất chán. Tôi thích sự ngông cuồng trong sáng tạo, đấy là châm ngôn sống của tôi.



Vì thế mà chị có khả năng “Lam hóa” tất cả các bài hát?

Tôi muốn như vậy, đó là cái tôi, là màu của tôi. Nếu tôi hát giống người khác thì còn gì là Lam nữa. Sự “Lam hóa” đấy cũng gian nan lắm, vì tôi cũng chịu áp lực khi hát những bài nhạc xưa, phải cân bằng giữa cái tôi muốn và nhu cầu của người nghe, chứ cứ để tôi hát tự nhiên còn khiếp nữa. Tôi chỉ mới thả ra có 30% khát vọng của mình vào bài, 70% còn lại tôi phải tự hủy đi vì áp lực của công chúng.

Có một điều tréo ngoe là khán giả đang “bắt” ca sĩ hát theo nhu cầu nghe của họ, lẽ ra khán giả phải “đong” người ca sĩ đấy qua sáng tạo cá nhân. Tại sao lại bắt Thanh Lam hát giống Khánh Ly, Lệ Thu, hay so bài hát này Thanh Lam hát không hay bằng Tuấn Ngọc? Sự nghe theo thói quen như thế làm hỏng các tài năng mới nhú, để nhanh nổi tiếng, những bạn nhạy bén sẽ làm ngay những gì khán giả thích. Như vậy, khán giả đã vô tình hủy hoại tiềm năng nghệ thuật bằng việc giới hạn sáng tạo, không khuyến khích các tài năng trẻ thể hiện sự khác biệt của họ. Sự khác biệt làm nên bản sắc của người nghệ sĩ, càng có nhiều màu sắc khác nhau, nhiều cá tính khác nhau thì đời sống tinh thần sẽ phong phú hơn không? Nếu nghệ sĩ chỉ là những bản sao mờ nhạt của ai đó, hát bằng những thứ vay mượn, thì suy cho cùng, người thiệt thòi chính là khán giả, vì khán giả không còn được thưởng thức những món ăn tinh thần có giá trị, ngắm nhìn bầu trời đa sắc màu thi vị của nghệ thuật nữa.

Vậy khi hát những bài mới, chị có thỏa sức tung tẩy trong không gian sáng tạo?

Hát bài mới thì đỡ hơn, khi không có “tượng đài” nào để so sánh. Tuy nhiên, sự đón nhận của khán giả đối với những bài mới vẫn còn khá hạn chế, khi đưa ra những bài hát mới, các ca sĩ lo lắng rất nhiều, làm sao cho bài mới đấy tiếp cận được với công chúng? Đối với những ca sĩ có đẳng cấp nhất định, họ thừa khả năng chọn bài hát đúng với cốt cách, trí tuệ của họ. Bài hát đấy không chỉ có tính giải trí, nó còn chứa đựng những triết lý, đời sống thực của con người, những điều ý nhị, lãng mạn đang bị mất dần đi. Đời sống thực dẫu có trần trụi, nhưng qua sự tưởng tượng, sáng tạo của người nghệ sĩ, nó trở thành những ảo ảnh. Tôi gửi đến khán giả những rung động của tôi qua những ảo ảnh đấy.

Vừa rồi, tôi tham gia một show diễn cùng với Hà Trần, nghe Hà hát những bài mới, nói thật tôi muốn rớt nước mắt. Tôi thấy trong đó có biết bao khó khăn, trở ngại và áp lực của Hà khi cố gắng đem cái mới đến công chúng. Tôi mong khán giả hãy mở lòng tiếp nhận những cái mới, đừng nghe nhạc giống như ngày nào cũng chỉ ăn quen đĩa đậu phụ rán, tô canh chua, khi người ta mang món khác đến lại từ chối. Âm nhạc phải là chân trời không giới hạn.

Hà Trần, cùng với Bằng Kiều, từng hát trong “Cho em một ngày”, liveshow xuyên Việt đầu tiên của chị năm 1997, giờ đây Hà đã thành một trong bốn diva của nhạc Việt. Theo chị, làm sao để một tài năng trẻ vươn lên?

Hà có tri thức và đam mê, lại có lợi thế là xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Tôi lấy ví dụ như thế này cho bạn dễ hình dung: Có 10 bạn cùng học bác sĩ, trí tuệ ngang nhau, bạn xuất sắc nhất sẽ là bạn “con nhà nòi”, có truyền thống theo nghề Y. Tôi rút ra được điều đấy từ sự chiêm nghiệm của tôi. Trong tất cả các ngành nghề, từ thấp nhất đến cao nhất, bạn không thể đùa với “con nhà nòi” được đâu. Ở Hà có sự bất biến và khác biệt, Hà không giống ai cả, Hà hát bằng đam mê của Hà. Sự khác biệt đấy, như tôi nói khi nãy, chính là cái chúng ta đang thiếu.

Chị nghĩ gì về sự khác biệt? Chị có ý thức được sự khác biệt của cá nhân chị?

Tôi nghĩ là để đi được đường trường, sự khác biệt nên xuất phát từ tự nhiên, là cái bản thân có, qua chặng đường dài, với sự trau dồi về mọi mặt, sự khác biệt đấy càng rõ ràng hơn. Còn nếu bạn cố tạo màu mè, vây ve để khác biệt, đến một lúc nào đấy, bạn sẽ bị kiệt sức, vì cái khác biệt đấy có phải của bạn đâu?

Trong cuộc sống, tôi thấy người ta hay lên án những đứa trẻ có cá tính, họ chỉ thích đào tạo ra một cái lò giống nhau, mười phân vẹn mười. Tôi cho rằng sự cá biệt rất quan trọng. Lúc nhỏ tôi hay bị ốm, viêm họng nên dù tôi hay hát nhưng bố mẹ không hướng theo thanh nhạc. Nhờ cá tính ương bướng, tôi thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho học thanh nhạc. Đó có thể xem đó là một bước ngoặt “bản lề” để tôi đi đến tận cùng mong muốn, khát vọng của mình là được hát.




Chị đã đi được con đường mà chị muốn đi, được hát bằng khát vọng, đam mê và sự khác biệt của riêng chị. Trên chặng đường ấy, có cả vui cả buồn, như rất lâu rồi, chị từng “than vãn”: “Tôi đang cô đơn và thất bại”. Giờ đây, chị nghĩ về những buồn vui, thăng trầm đó như thế nào?

Tôi nghĩ rằng mỗi buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống đều có giá trị, cho nên cần sống tích cực để cảm nhận trọn vẹn cuộc sống đang đi qua. Không phải nỗi buồn nào cũng vô ích và cuộc vui nào cũng đúng thật là vui đâu.

Tôi nhớ ngày bé, những ngày giáp Tết như thế này, tôi được giao một nhiệm vụ “khủng khiếp” là ra bể nước rửa lá dong trong cái rét căm căm của Hà Nội, rồi phải chùi như thế nào cho lá xanh. Bọn trẻ con chúng tôi ngồi túm tụm thành ba, bốn nhóm quanh bể nước, trong đấy có Phan Huyền Thư, con gái cô Hoa (NSND Thanh Hoa – PV) nữa. Có những buổi tối ngày tôi còn trẻ, xong đêm hát, tôi phóng vội về nhà trong tiếng pháo giao thừa. Bây giờ làm sao có lại những cảnh ấy nữa?

Có những giai đoạn tôi đi đến sự tận cùng của sợ hãi, đó là thời điểm của cái câu bạn vừa trích ra đấy, nhưng nếu tôi có cuộc sống suôn sẻ, bình thường như bao người phụ nữ khác, chắc gì tôi có những kinh nghiệm, biết trân quý từng khoảnh khắc vui buồn của cuộc sống. Chính sự đơn độc và thiếu thốn đã rèn luyện tôi trở nên vững vàng, cho tôi khao khát được sống và sáng tạo nghệ thuật. Tôi tin mỗi người sinh ra đều có định mệnh của riêng mình.

TÔI CHUẨN BỊ THU MỘT ALBUM VỚI NHẠC SĨ QUỐC TRUNG, MỘT ALBUM NHẠC ĐỎ VỚI LƯU HÀ AN & MỘT ALBUM VỚI ĐỖ BẢO VÀ HÀ TRẦN. SƠ LƯỢC VỀ TỪNG DỰ ÁN THÌ “TỰ TÌNH” VỚI QUỐC TRUNG SẼ KHÔNG GIỐNG “MÂY TRẮNG BAY VỀ” TRƯỚC KIA, KHI THỜI GIAN VÀ TRẢI NGHIỆM ĐÃ CHO TÔI VÀ Ê KÍP CÓ NHỮNG CẢM XÚC KHÁC. ALBUM NHẠC ĐỎ VỚI LƯU HÀ AN SẼ ĐƯỢC HÁT BẰNG SỰ HÀO HÙNG VÀ BI TRÁNG. CÒN DỰ ÁN VỚI ĐỖ BẢO HIỆN GIỜ TÔI CHƯA NÓI ĐƯỢC GÌ, BẢO LÀM ALBUM KHÔNG VỘI ĐƯỢC ĐÂU.

VŨ VĂN

Concept Art: NGUYỄN NHẬT MINH

Photo: TÙNG CHU

Stylist: BẢO LEI

Make up: DŨNG PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét