Thứ Sáu

Thanh Lam – Một đời “người đàn bà hát” cạn lòng với khát vọng, đam mê

Thanh Lam – Một đời “người đàn bà hát” cạn lòng với khát vọng, đam mê 


Lời đề tựa: Vẫn bao năm ấy, Lam vẫn dư thừa năng lượng để hát, để sáng tạo, giọng hát ấy không hề phai màu thời gian mà trái lại càng cháy bỏng hơn, cuốn hút và giàu nội lực hơn. Cứ như thể CHẤT SỐNG trong người đàn bà ấy không phải là thức ăn, nước uống, không phải là một thứ gì khác, ngoài ÂM NHẠC.

Có cuộc chia tay nào trong âm nhạc bồi hồi và da diết như Chia tay hoàng hôn, có lời ru nào vang vọng và sâu thẳm như Lời tôi ru, có tiếng gọi người yêu nào mênh mang đến khắc khoải trong một Gọi anh, và có sự trở lại nào huy hoàng hơn, chói lọi hơn trong Nắng lên bừng sáng…

Nhưng có khó khăn gì, và có quan trọng gì đâu khi gọi tên những ca khúc mà chị đã rất thành công, bởi trong cuộc đời người đàn bà ấy, âm nhạc dường như đã gắn chặt, dường như đã trở thành sự giải thoát của chính những niềm hạnh phúc, nỗi đớn đau, của cả những khát khao, cuồng vọng, đam mê của một tâm hồn bản năng.


Và bởi từ khi biết đến giọng hát chị, cho đến tận bây giờ, những người yêu và cảm được một thứ âm nhạc đích thực, những người hiểu và có thực tâm với nền âm nhạc Việt Nam, vẫn luôn coi chị không chỉ là Diva số 1, mà đã trở thành một hiện thân, một tượng đài âm nhạc sống. Suốt hơn 20 năm đầy sóng gió cuộc đời, tượng đài ấy lại càng bền bỉ hơn, tỏa sáng hơn với những bước đi tiên phong và mới mẻ cống hiến cho âm nhạc Việt Nam, vẫn là duy nhất, không thể thay thế, và không thể bị phai nhòa. Chị là “người đàn bà hát” – Thanh Lam.




Hát trong Lam xuất phát như một tiếng gọi từ bản năng, trong vô thức, nó như là không phải chị chọn âm nhạc, mà chính âm nhạc đã gõ cửa cuộc đời để chọn chị, và bắt chị đi theo.


Ít người biết chị bắt đầu đến với âm nhạc bằng việc học đàn tỳ bà hệ 7 năm tại Nhạc viện, bởi chỉ có một chất giọng khàn. Khi nhạc sỹ Thuận Yến xin chuyển cho Lam đến khoa Thanh nhạc, Ban giám đốc trường đã có một yêu cầu khắc nghiệt: Nếu 1 năm mà Lam không hát được thì sẽ phải thôi học. Các cô giáo đã e ngại trước chất giọng khàn của Lam và không nghĩ Lam hát được. Nhưng ông lại tin điều đó. Thế rồi Lam thành công tại Cuba, năm 19 tuổi, khi mà con nhỏ của chị mới chỉ có 1 tuổi, tại Liên hoan âm nhạc này, 10 000 trong số 15000 khán giả đã bỏ phiếu cho chị trở thành ca sỹ được yêu thích nhất. Nhạc sỹ Thuận Yến đã chia lẵng hoa của Đại sứ quán gửi tặng ra làm ba, tặng gia đình, mang tới những người đã tin tưởng Lam. Và từ đó, chỉ còn biết đến một Lam nhạc nhẹ.



Có phải vì tiếp cận với âm nhạc như thế không mà với chị, âm nhạc giống như một ước mơ, một giấc mơ, một điều gì đó không chạm tới, mơ hồ, đầy mê hoặc và bí ẩn. Để rồi khi được phép đến với nó, chị đã dành trọn cả lòng mình, hồn mình, để sáng tạo, và thăng hoa.



Chất giọng dày, ấm, luôn nồng nàn, giàu năng lượng, giàu khát khao, đầy biểu cảm, vô cùng kỹ thuật. Chất giọng mà chỉ nghe một lần, người ta có thể cảm nhận được đằng sau nó là cả một nội lực khổng lồ, một điều gì đó không có giới hạn, và không thể lẫn vào đâu được. Có những bài hát đã cũ, đã được thể hiện nhiều lần, đến với chị lại trở nên mới mẻ, mang một sức hút mới. Và rất nhiều ca khúc mà Lam đã hát thành công, thì sẽ không ai có thể vượt qua, không ai có thể hát hơn như thế được nữa. Chia tay hoàng hôn, Giọt nắng bên thềm, Hoa sữa, Gọi anh, Đố tình, Ôi quê tôi…đã trở thành những dấu ấn của Lam, để mỗi khi nhắc đến ca khúc đó, người ta chỉ nhớ đến một biểu tượng Lam nồng nàn và đắm say trong âm nhạc.





Nhiều ca sỹ hát để kiếm tiền, coi ca hát là một nghề để thay đổi cuộc sống, thì ở người đàn bà này, hát như là một thứ vô thức và cố hữu trong bản năng con người. “Hơn nửa đời người rồi, làm mẹ của 3 đứa con đã lớn, đứa lớn nhất đến tuổi trưởng thành rồi, mà bây giờ nó mới nhớ ra đi hát dành dụm tiền đưa mẹ để làm nhà”. Bao năm ca hát, chị vẫn ở một ngôi nhà thuê. Nhưng vẫn bao năm ấy, Lam vẫn dư thừa năng lượng để hát, để sáng tạo, giọng hát ấy không hề phai màu thời gian mà trái lại càng cháy bỏng hơn, cuốn hút và giàu nội lực hơn. Cứ như thể CHẤT SỐNG trong người đàn bà ấy không phải là thức ăn, nước uống, không phải là một thứ gì khác, ngoài ÂM NHẠC.



Nhưng giá trị lớn nhất của âm nhạc tồn tại trong nội lực của “người đàn bà hát” ấy lại là sức sáng tạo vô hạn trong âm nhạc, sáng tạo như một áp lực cháy bỏng trong con người chị, sáng tạo như một bản năng tìm tòi để thỏa mãn khát khao trong chị, sáng tạo thậm chí là bản thể của chị, nhiều khi cô đơn, nhiều khi lẻ loi, chạy ngược dòng trong đời sống thị hiếu âm nhạc Việt Nam còn quá xô bồ.


Cách đây 20 năm, Lam lần đầu tham gia cuộc thi ca nhạc nhưng bị hội đồng giám khảo trừ hết số điểm ở vòng 2 vì dám thể hiện một phong cách nhạc mới mẻ không theo chuẩn mực truyền thống nhưng chị vẫn kiên trì theo đuổi và đạt được nhiều thành tích cao sau đó như giải Ca sĩ được yêu thích tại liên hoan nhạc nhẹ quốc tế và giải thưởng đặc biệt với các số điểm tuyệt đối tại cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc. Rồi 10 năm trước đây, liveshow Cho em một ngày của Lam thực hiện, người ta đã nói lần đầu tiên ở Việt Nam có một ca sỹ lố bịch như vậy, tại sao dám hát một mình một chương trình. Nhưng bây giờ nó lại là phong trào, ai cũng hát liveshow. Hay thời điểm chị ra mắt album Mây trắng bay về, ban đầu khán giả cũng khó chấp nhận phong cách trình diễn như kiểu "lên đồng" của chị nhưng sau đó phong cách này lại được các thí sinh cuộc thi nhạc nhẹ áp dụng rất nhiều để có được một trình diễn ấn tượng, lôi cuốn.


Lam là thế, luôn đi tiên phong trong những phong cách mới, luôn tìm tòi, thể nghiệm mình, luôn ép mình tìm ra con đường mới chứ nhất định không chịu đi lại những lối mòn. Bởi thế lẽ tất nhiên, chị luôn phải đối diện với những khó khăn, nhiều khi chính mình chênh vênh giữa những cái được và mất. Sự mới mẻ không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Nhưng Lam có niềm tin, và chị nương nhờ vào thời gian để minh chứng cho con đường âm nhạc mình, mong mỏi thời gian sẽ thuyết phục khán giả chấp nhận.



Chị đã từng thẳng thắn bộc lộ quan điểm nghệ thuật của mình: làm nghệ thuật phải sáng tạo, dám phủ nhận cái cũ, làm hơn cái cũ. Cái khó cho người làm nghệ thuật ở Việt Nam là người Việt mình ít khi chấp nhận cái mới, họ muốn người ca sỹ phải hát mọi thứ mềm mại, dễ nghe, quen tai.



Bởi thế, yêu Lam, gắn bó với âm nhạc Lam, người ta sẽ yêu chị đến cùng, sống cùng những khát khao của chị đến cuối cuộc đời. Nhưng trong suốt hành trình dài ấy, có rất nhiều lần, trong vô thức, tôi lại thoáng lo sợ, người đàn bà tài hoa này sẽ phải đối diện những chông gai và trắc trở khó lường.



Tôi cảm thấy chị như một vị thiên sứ, một món quà mà ông trời ban tặng cho âm nhạc Việt Nam, cho những người lấy âm nhạc làm lẽ sống. Nhưng khi nghe chị hát, nhìn chị trên sân khấu, rồi trải lòng với cuộc đời sóng gió của chị, tôi lại chột dạ, lại mâu thuẫn, để rồi tự hỏi chính mình “có lẽ sóng gió cuộc đời, sự cô đơn, sự đa đoan của một người đàn bà như chị, phải chăng, là cái giá mà số phận đòi ở chị cho giọng hát bản năng kia?” – như chính Lam đã từng nói “ông trời không cho ai nhưng cũng không lấy đi của ai mọi thứ”.



Thế rồi sóng gió và bão táp cuộc đời cứ ập vào, cứ xối xả vào con người và tâm hồn người đàn bà ấy, không nguôi…



Chia tay nhạc sỹ Quốc Trung, vì hiểu người mẹ làm nghệ thuật không có đủ điều kiện nuôi dạy con, chị đã hy sinh, dành quyền nuôi 2 con cho bố. Nhưng trong lòng người đàn bà bản năng ấy, không lúc nào thiếu vắng hình ảnh những đứa con, không lúc nào khẳc khoải cái tình người mẹ.



Những năm tháng đó cũng là lúc Lam như người bần thần, cuồng chân, vô định, âm nhạc trở thành một thứ khao khát trong hụt hẫng. Và đó cũng chính là những ngày âm nhạc Việt Nam vắng bóng chị, để tôi và biết bao người khác, lại cảm giác chống chếnh, chơi vơi…



Nhưng chị chưa bao giờ gục ngã, vẫn kiêu hãnh đứng lên, vẫn đón nhận những bão táp của cuộc đời, vẫn ôm vào lòng những đau thương, mất mát, đớn đau, như đã biết trước rằng mình phải gánh chịu.



Gia đình âm thầm ở phía sau, như một tình yêu lớn, như một bến bờ bình yên nhất mà con sóng lòng của Lam có thể vỗ vào, để tìm đến dịu êm.




Về với cha mẹ, quá nửa đời phiêu dạt, Lam lại hóa mình thành đứa con bé bỏng chưa bao giờ biết khôn. Trong căn phòng nhỏ, nhạc sỹ Thuận Yến vẫn giữ những đồ vật nhỏ nhất của cô con gái, những bài báo về con được bọc kỹ trong túi nylon như kỷ vật. Mỗi vấp ngã của Lam đều có ông luôn dõi theo, lo lắng. Cứ như cha mẹ luôn là người nhặt nhạnh, thu vén cho chị cái cuộc sống nghệ sỹ bừa bộn và vương vãi này. Bởi ông hiểu, không ai chọn được hoàn cảnh khi chào đời. Mỗi chúng ta có một số phận và đừng hờn trách số phận đã không cho mình may mắn. Hãy nhìn vào từng hoàn cảnh mới hiểu được, bởi không có mẫu số chung cho mọi cuộc đời.



Còn với Lam, tôi cảm thấy, những sóng gió cuộc đời cứ như những con sóng ngoài khơi, và chị là một hòn đá cuội lớn, để bao năm sóng vỗ ồn ào và giằng xé, chị lại càng kiên cường hơn, hoàn thiện hơn, tĩnh lặng hơn để bình thản đón nhận những được – mất của cuộc đời.



Đời Lam, tiếng hát Lam như một chuyến xe, năm tháng qua đi, chuyến xe ấy sẽ chất nặng lên những buồn vui, đớn đâu, được – mất của cuộc đời. Nhưng chị luôn thấu hiểu nó, hóa giải nó, dám sống để vươn tới khát vọng.



Lam dám sống khi chị hiểu không bình yên là bản ngã của người làm nghệ thuật, và cô đơn là tâm trạng thường trực của một người nghệ sỹ.



Lam dám yêu khi chị ám ảnh bởi một bộ phim: phút cuối cùng trước khi ra đi trên giường bệnh, người chồng cầm tay vợ và nói “Anh cảm ơn em đã dám đi trọn cùng anh suốt cả cuộc đời” – dù người đàn ông ấy biết rõ vợ mình từng có một tình yêu khác, suýt đi theo tiếng gọi khác. Nhưng chị hiểu cô ấy đã dám hi sinh hạnh phúc riêng của đời cô, để lựa chọn ông. Không đủ tình yêu người ta sẽ không thể nào có sức mạnh để hy sinh.



Và Lam dám kiên định, dám bước tiếp trên con đường mình đã chọn những khi về muộn qua chân cầu Long Biên, chị thấy những người bán rau, hoa quả…họ làm công việc đấy hàng ngày, vất vả nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận. “Còn mình ông trời ban cho khả năng như vậy mà lại cứ buồn thảm trước những điều dĩ nhiên tồn tại.” Và chị nhìn vào những cuộc đời bình dị xung quanh mình như thế để lấy lại niềm tin.



40 tuổi, chị cảm nhận những hạnh phúc trong cuộc đời từ những điều bé xíu thôi: từ nấu một bữa ăn ngon, cắm một bình hoa đẹp, từ khoảnh khắc con khoe chị được điểm 10. 40 tuổi, chị bảo mình có thể chế ngự nỗi buồn, gặm nhấm sự cô đơn trong đêm tĩnh lặng. 40 tuổi, tôi biết không có gì còn có thể làm chị đau thương thêm nữa.

Nhưng rồi những đau đớn, những thêu dệt thị phi, cứ như bủa vây người đàn bà ấy. Để lắm lúc tôi thấy ông trời này bất công, số mệnh sao mà cay nghiệt thế, để có những lúc chị phải nói với chúng tôi rằng: “Tôi chỉ có một cuộc đời để sống, buồn vui gì, đau đớn gì, vinh quang gì, tủi nhục gì thì cũng chỉ có chừng ấy thôi. Vì thế tôi phải sống với tất cả những gì mình có, làm tất cả những gì mình muốn.”



Phút ấy, tôi khóc nức nở, tôi muốn ôm tâm hồn chị mà khóc, để an ủi chị, và tôi muốn gào lên với thế gian rằng: “Các người làm như vậy đã đủ chưa?”



Tôi không biết cách làm thế nào những dòng chữ vô hồn này đến với chị, nhưng tôi biết và tôi muốn chị cũng biết rằng: mỗi khi chị hát, chị thể hiện một ca khúc nào đó, thì xúc cảm trong đó, nội lực và sự bùng nổ trong đó, đã là sức mạnh tinh thần nuôi dưỡng và chắp cánh cho bao nhiêu khát vọng đam mê trong tình yêu, trong cuộc sống của những con người như tôi. Điều đó hiện diện trong cuộc đời tôi, và tôi tin còn trong biết bao cuộc đời ngoài kia, những người vẫn dõi theo chị, và như thế đã đủ động lực để chị tiếp tục chưa?



Tôi có nghe một câu ngạn ngữ: một đời là không đủ cho âm nhạc, nhưng âm nhạc là đủ cho một đời. Và vì thế hãy sống trọn đời mình, hãy cứ đam mê và khát vọng, hãy cứ cống hiến cho âm nhạc Việt Nam, cho những người như tôi nhé, như bao năm nay chị vẫn miệt mài như thế.



Người ta có thể nói Lam hát quả cảm tính, Lam “phá” nhạc Trịnh bằng cái tôi thái quá của mình, người ta nói Lam “điên” với nhạc Lê Minh Sơn, hay một Lam quá bản năng, quá “đàn bà”…nhưng với tôi và với những người hiểu chị, tự đáy lòng mình, chị vẫn hát, vẫn sống như con người thật của mình, không bao giờ tự dối lòng. Chị vẫn chỉ là một Lam duy nhất, một cách hát mang tên trường phái Lam, nhưng trên hết là một Lam luôn hát như thể ngày mai sẽ không còn tồn tại nữa.


Tôi sinh ra ở Đà Nẵng, cũng gần với quê gốc Quảng Nam của chị. Tôi còn nhớ cách đây đã lâu lắm rồi, vào năm tôi 17 tuổi, tôi đón giao thừa trên cầu sông Hàn với ba mẹ tôi. Tôi có thói quen thả những mẩu giấy ghi điều ước trong năm mới, để nó trôi trên sông Hàn.



Năm đó, tôi không ước điều gì cho mình, hay cho gia đình cả. Tôi ước cho chị, một điều ước thật lạ lùng: “Tôi ước chị là diva, nhưng chị đừng sinh ra ở Việt Nam, mà hãy là một diva ở nước ngoài, ở phương Tây, nơi nền âm nhạc và văn hóa phát triển, để chị có thể sống kiêu hãnh, sống hạnh phúc bằng nghề”.



Tôi thả nó trôi, thế rồi không hiểu thế nào, tôi lại chạy ra bờ sông ấy, nước ướt đến ngực, tôi vội vơ lấy lời ước dại dột đó, và vò nát đi.



Có phải tôi, và bao người khác, dù thương chị, và hiểu rõ sóng gió cuộc đời chị đến từ những hy sinh vì nghệ thuật, nhưng chúng tôi vẫn ích kỷ, để thèm có chị, giữ chị lại cho âm nhạc, cho riêng mình, để chị phải rút ruột rút gan mà hát?



Nhưng phút ấy, trong đầu óc tôi lại hiện lên hình ảnh chị hát, chị phiêu trên sân khấu như quên mất chính mình. Con người chị, giọng hát chị, tâm hồn chị không thể nào rời xa âm nhạc được đâu!



Và khoảnh khắc đó, tôi chợt nhận ra, đối với chị, âm nhạc phải chăng đã là định mệnh rồi…



* Bài dự thi của CREATIVEthingking (Lạng Sơn)


(Cuộc thi Tôi viết về thần tượng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét