Thứ Ba

Niels Lan Doky sẽ đưa Thanh Lam đi chinh phục châu Âu

Niels Lan Doky sẽ đưa Thanh Lam đi chinh phục châu Âu

Nghệ sĩ piano Niels Lan Doky.
"Rất tuyệt vời và đầy cảm hứng. Tôi đã chơi nhạc ở nhiều sân khấu nổi tiếng, nhưng đêm nhạc hôm 27/11 có ý nghĩa đặc biệt bởi tôi được biểu diễn trước khán giả quê cha và cộng tác cùng Thanh Lam. Giọng hát có lửa của Lam khiến tôi thực sự ngỡ ngàng", Niels Lan Doky cảm động nói với TS về show diễn của anh trong LH nhạc jazz châu Âu.





Niels Lan Doky:
- Sinh năm 1963 tại Đan Mạch. Cha là người Việt Nam, hành nghề bác sĩ, đồng thời cũng là một nghệ sĩ guitar. Ông sang Pháp từ năm 12 tuổi và gặp mẹ Lan Doky tại đây. Mẹ anh là ca sĩ nhạc pop khá nổi tiếng tại Đan Mạch.
- Có vợ và 2 con sinh đôi, một trai một gái.
Giải thưởng:
- 1983: Giải thành tựu sự nghiệp Boston cho những cống hiến về jazz; Bậc thầy về jazz trong khuôn khổ giải Oscar Peterson
- 1999: Giải Buổi hòa nhạc hay nhất năm ở Fermaten.
- 1997: Giải nghệ sĩ dương cầm của năm trong khuôn khổ giải Arets Bob.


Tại sao đến bây giờ, anh mới quyết định trở về VN biểu diễn?
- Năm 1998, tôi ký hợp đồng ghi âm với hãng Universal và họ gợi ý tôi nên về quê hương tìm hiểu âm nhạc truyền thống, tạo nguồn cảm hứng mới. Nhưng lúc đó, tôi chẳng quen biết một nghệ sĩ nào ở VN nên đó chỉ là dự định. Cơ duyên đã đưa Thắng - em trai Thanh Lam - đến gặp tôi và tôi chớp ngay cơ hội. Tôi nhờ anh Thắng giới thiệu một ca sĩ có giọng hát đặc biệt. Thắng không ngần ngại gửi tôi nghe thử đĩa nhạc của Lam. Tôi bị giọng hát ấy mê hoặc ngay từ những ca từ đầu tiên. Kể từ đó, chúng tôi thường xuyên liên lạc và hợp tác.
Kết quả của những lần hợp tác đó là gì?
- Đó là CD Biển cười. Trong đĩa nhạc này, Quốc Trung, Thanh Lam và tôi cover lại một số ca khúc Việt Nam, trong đó có Một thoáng Tây Hồ của nhạc sĩ Phó Đức Phương, ngoài ra còn hợp tác với các nghệ sĩ và dàn nhạc giao hưởng Trung Quốc. Đặc biệt, chúng tôi phối âm lại tác phẩm nổi tiếng Against all Odds của Phil Collins với tiếng đàn bầu, đàn tranh và đàn nguyệt. Tôi có gửi CD này đến Phil Collins và ông ấy tỏ ra hài lòng với sự sáng tạo đó.
Vậy, anh có định tiếp tục hợp tác với Thanh Lam và Quốc Trung?
- Tất nhiên là có. Lam từng hợp tác cùng tôi trong tour diễn vòng quanh Đan Mạch. Vấp phải rào cản ngôn ngữ, nhưng khán giả châu Âu rất hâm mộ chất giọng lạ và sang của Lam. Sau tour diễn này, tôi đã vinh dự được nhận giải thưởng của Hoàng tử Đan Mạch Henrik. Trong tương lai gần, tôi sẽ thực hiện thêm một album nữa cùng Thanh Lam với cái đích hướng tới là thị trường châu Âu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm được một hãng ghi âm đỡ đầu. Tên tuổi Thanh Lam không được biết tới ở châu Âu nên cũng khó tìm nhà tài trợ.
Lan Doky trả lời phỏng vấn TS.
Lan Doky trả lời phỏng vấn TS.
Trong sự nghiệp của mình, anh hài lòng về điều gì?
- Tôi tự hào vì đã phát hành 21 album ở nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Italy, Đan Mạch, Mỹ... và được công chúng đón nhận. Thêm nữa, tôi đã thoả mãn ước nguyện của cha là trở về quê hương biểu diễn. Ông đã dạy những bài học vỡ lòng về guitar khi tôi 7 tuổi, nhưng đến năm 11 tuổi, tôi bị một bản jazz với tiếng đàn piano ám ảnh, nên chuyển sang học dương cầm. 15 tuổi, tôi bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp khi chơi cùng những nhạc sĩ jazz nổi tiếng của Mỹ. Năm 17 tuổi, tôi gói ghém hành trang đến New York - cái rốn âm nhạc của thế giới. Có rất nhiều bạn bè ở Đại học Berklee đã bỏ dở giữa chừng vì không chịu nổi cuộc sống đắt đỏ ở Mỹ. Nhưng tôi thừa hưởng ở cha tính kiên nhẫn và khả năng chịu đựng nên đã trụ lại.
Chris Minh Doky – em trai anh cũng là một nhạc sĩ tên tuổi. Vậy hai người có thường xuyên phối hợp biểu diễn?
- Năm 1996-1997, chúng tôi cùng ghi âm hai album, nhưng thật khó tìm được sự tương đồng vì phong cách khác biệt. Có lẽ hai người nên đánh giá nhau như một khán giả trung thành thì hơn là hợp tác.
 VN, đĩa nhạc jazz tiêu thụ khó khăn hơn nhạc pop. Vậy chỗ đứng của jazz ở Đan Mạch như thế nào?
- Đó là tình trạng chung. Có những nước, chính phủ phải đứng ra tài trợ cho dòng nhạc bác học, nhưng có lẽ đó không phải là một kế sách hay, vì nó làm giảm sự sáng tạo ở nhạc sĩ. Thử nhìn Picasso, Matisse, Mozart... nếu không phải đối mặt với sự nghèo khổ, phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, thì có lẽ họ đã không có nhiều kiệt tác để đời như vậy. Bản thân tôi luôn cố gắng tìm kiếm hướng đi mới, nhằm giữ một số lượng khán giả nhất định. Tôi luôn liên hệ với khán giả qua các kênh thông tin khác nhau để khám phá xem họ cần gì. Với sự phát triểm của nhiều loại hình nghệ thuật hiện nay, công chúng rất cần những đêm nhạc có chất lượng, ngẫu hứng, đầy cảm xúc, và có chiều sâu.
Lần đầu trở về quê hương, anh nhận xét gì về con người VN?
- Rất thân thiện, biết cách hưởng thụ cuộc sống, văn hoá ẩm thực của VN thật tuyệt vời. Bên cạnh đó, con người VN có khả năng chịu đựng cao và rất kiên nhẫn, không hối hả như phương Tây. Điều này giải thích tại sao giai điệu VN mê hoặc lòng người. Các bạn sáng tác ngẫu hứng và truyền cảm, trong khi nhạc sĩ phương Tây đưa tác phong công nghiệp vào âm nhạc. Tôi thích ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Dương Thụ, nó mang nỗi buồn man mác, có đôi chút hoài niệm và đầy trừu tượng, lung linh. Sự trừu tượng ấy gợi cho người nghe nhiều cảm xúc khác nhau, rất phiêu diêu và nên thơ.
Thu Hương - Thu Trang thực hiện
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét