Thứ Ba

Liveshow không còn nghiêm túc như trước nữa (Nhạc sĩ Quốc Bảo)

Thứ tư, 27/11/2002 | 08:07 GMT+7
'Liveshow không còn nghiêm túc như trước nữa'

Đó là ý kiến của nhạc sĩ Quốc Bảo. Theo anh, cái thời người ta nhắc đến những từ liveshow, solo show với thái độ cẩn trọng hình như đã qua, đã thuộc về... thế kỷ trước! Mà quả vậy, kể từ năm 2000 đến giờ, ý nghĩa của một liveshow đã thay đổi hoàn toàn, đã dần biến thành một trò chơi tốn tiền, nguy hiểm...
Công chúng yêu nhạc vẫn nhớ như in cảm giác rạo rực, thoả mãn, xúc động của những liveshow đầu tiên. Thanh Lam mở hàng sân Lan Anh với chương trình Cho em một ngày năm 1997. Thời ấy bãi giữ xe của khu giải trí này còn là một bãi cỏ ngập nước vào mùa mưa, xe máy dựng vào vũng bùn đổ ngả nghiêng. Âm thanh chưa hay vì cách âm không tốt, ánh sáng cũng bình thường, chưa tân kỳ lạ lẫm như bây giờ, nhưng khán giả thì thoả mãn. Vì Thanh Lam đã dốc hết tinh lực của hơn mười năm ca hát vào một đêm diễn. Trần Thu Hà, Bằng Kiều lúc đó còn đứng hát bè cho Lam, nhỏ bé và vô danh. Ban nhạc Phương Đông lãng mạn hơn, bay bướm hơn bây giờ. Thanh Lam hát hầu như tất cả các bài hit của cô:Em và TôiChiều xuânHát ru cho anhHoa cỏ mùa xuân, Giọt nắng bên thềm... Đó là liveshow đầu tiên của nhạc trẻ Việt Nam.


Đến liveshow Mỹ Linh cùng ban nhạc Anh Em mang tên Tóc Ngắn thành công không như mong đợi. Khán giả đến sân Lan Anh có vẻ thờ ơ, hoặc họ đang nuối tiếc thời Chị Tôi, Trên đỉnh Phù Vân , Hà Nội đêm trở gió rực rỡ của Linh; hoặc họ chưa cảm được những giai điệu rất Tây của Anh Quân và và Huy Tuấn. Âm thanh sân khấu khá hơn xưa, song vẫn còn nhiều khuyết điểm. Mỹ Linh chưa thành công lớn cũng vì cô đã vi phạm nguyên tắc vàng của việc làm liveshow: tuy mục đích là để quảng bá cho album nhưng nghệ sĩ bao giờ cũng phải hát những bài quen thuộc từ những album trước đó, hát những gì công chúng đã thuộc lòng. Tuy nhiên, khi ấy, Mỹ Linh đang hào hứng với dòng nhạc mới, ban nhạc mới. Nhưng cô cũng được nhiều hơn mất: thoả mãn những cảm hứng cá nhân, được thể nghiệm một phong cách mới.
Hồng Nhung chín chắn nhất trong những ca sĩ làm liveshow. Tính toán kỹ, chặt chẽ, đặt mục đích từ thiện và ý nghĩa xã hội lên hàng đầu. Show của Nhung không phải là một biến cố lớn, song tròn đầy, dễ chịu, ít lỗi. Cũng như Thanh Lam và Mỹ Linh, sau liveshow, Hồng Nhung được nhiều. Cô được một lượng công chúng chung thuỷ, được kinh nghiệm trình diễn, được những mối quan hệ xã hội.
Lam Trường và Phương Thanh tuy không dùng liveshow như chỗ để thi thố kỹ thuật hay khắc dấu một thời kỳ nghệ thuật, nhưng họ vẫn thành công ở việc củng cố tâm lý và ảnh hưởng của mình đối với những fan có sẵn. Hai ca sĩ này đã làm show như một ngày hội bè bạn: những người bạn thân lên hát chúc mừng; những bài hát thị trường đã thành hit một thời; những đổi mới chút ít ở hình thức cũng như phong cách nghệ thuật. Trường thì ngả một ít vào R&B, còn Thanh thì ghé vào hip-hop qua loa và họ hoàn toàn thoả mãn về show diễn của mình.
Bây giờ, nhiều ca sĩ mới tinh, vừa được biết đến trong một phạm vi hẹp, và cái tên cũng chưa được bảo chứng chất lượng, đã lục đục chuẩn bị liveshow. Có không ít trường hợp đáng nể hơn, là làm show liên tục từ khi vô danh, làm đến khi nào người ta biết đến tên mình mới thôi! 
Đa số liveshow của các ca sĩ trẻ không có ý tưởng chương trình chặt chẽ. Cũng đừng đổ lỗi hết cho người biên tập, vì đào đâu ra cho đủ những bài hát đỉnh đã gắn với tên tuổi ca sĩ để xây dựng một nhạc mục chặt chẽ. Tiện bài nào thì hát bài đó, tiện đặt bài nào mở đầu hay kết thúc cũng vậy thôi, tiện ai thì người đó làm khách mời. Có bao nhiêu công sức thì đổ vào việc thay đổi trang phục, đu dây hoặc phóng mô tô. Có bao nhiêu tiền dành hết cho đạo cụ rẻ tiền như búp bê hay con rối, vào máy phóng hình và pháo bông. Âm thanh ánh sáng chỉ cần hù doạ là chính, vì đa phần là nhạc playback và hát lipsync, cần gì cân chỉnh âm thanh tinh tế.

Quốc Bảo(Theo Sinh Viên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét