Chủ Nhật

Thanh Lam "trở về" với Quốc Trung

Thanh Lam "trở về" với Quốc Trung



Đã lâu rồi, bộ đôi No.1 của nhạc Việt mới lại đứng cùng nhau. Mọi người đều đang chờ đợi một cuộc "bùng nổ" mới khi cả hai cùng đi "ngắm trăng" ở xứ người...

Quốc Trung nội và ngoại
- Anh đã chuẩn bị những gì cho cuộc "Tây tiến" rất quan trọng này?
- Những gì chúng tôi mang theo đã được giới thiệu trong 2 đêm nhạc tại Hà Nội và TP. HCM (ngày 18 và 20.6) rồi, và chắc khán giả của "Vọng Nguyệt" đã hình dung âm nhạc của chúng tôi sẽ hiện diện ra sao giữa một Liên hoan lớn như Roskilde. Tuy nhiên, không phải đến khi có lời mời chúng tôi mới chuẩn bị để đi.
Dự án Đường xa vạn dặm của tôi, cả album và trình diễn, có mục tiêu quan trọng là nhắm đến thị trường nước ngoài. Trước nay, nhiều dự án âm nhạc Việt Nam, không chỉ của chúng tôi, cũng được thể hiện khá công phu, nhưng thường không hấp dẫn được các nhà sản xuất nước ngoài vì thế mà khó chen chân được vào thị trường ngoại.
Chúng ta không nên hiểu lầm rằng cứ làm băng đĩa đi rồi xuất khẩu sang xứ người. Rất nhiều sản phẩm âm nhạc, điện ảnh châu Á muốn lọt vào thương trường Âu - Mỹ đều phải dựa vào uy tín của một nhà sản xuất danh tiếng nào đó giới thiệu, có vậy công chúng sở tại mới... tin!
- Vậy lần này những "đối tác" quốc tế của anh đã tin vào "Đường xa vạn dặm" ra sao để đưa ra cho các anh một cơ hội hiếm có là Liên hoan Roskilde này?
- Họ nghe đĩa "Đường xa vạn dặm" và thấy ở đó tính Việt Nam rất đậm nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Âm nhạc ấy Việt Nam nhưng không quá xa lạ với họ. Dòng world music dựa vào dàn nhạc trên thế giới hiện nay đều theo xu hướng này. Tất nhiên trong cơ hội này có những sự may mắn, người ta có thể nghĩ do chúng tôi có quan hệ khăng khít với anh em nhà Doky mà được tham gia, nhưng thực sự đó là kết quả của một cuộc hợp tác lâu dài, và sự tiếp thị bản thân cùng âm nhạc không mệt mỏi của chúng tôi.
- Việc say sưa với những dự án ngoài biên giới kiểu này có phải là nguyên nhân cho sự vắng bóng của anh trên thị trường ca nhạc thời gian qua, trong khi Thanh Lam luôn là tâm điểm của dư luận từ hơn hai năm nay?
- Tôi có cách làm việc của mình và tôi không thích ồn ào. Tôi cũng tất bật với nhiều dự án "nội" đấy chứ, như album Tùng Dương chẳng hạn, hay sắp tới là album của Hồng Nhung. Công việc của những người như tôi là đứng đằng sau các ca sĩ, đứng đằng sau âm nhạc của chính mình chứ không cần phải tuyên ngôn nhiều. Tôi đang rất muốn làm một album jazz với Quyền Thiện Đắc, nhưng với điều kiện hiện tại, việc ấy rất khó được như chúng tôi mong muốn, còn nếu làm đại khái, cho xong thì... miễn bàn, đó không phải là suy nghĩ của tôi!
- Từ thành công, ít nhất là về uy tín nghệ thuật của "Đường xa vạn dặm, anh rút được những kinh nghiệm gì cho công việc sáng tạo của mình?
- "Đường xa vạn dặm" không phải là một album ca khúc theo "thông lệ" như phần lớn album trong thị trường nhạc Việt, vậy mà nó được yêu thích, chứng tỏ công chúng âm nhạc không phải là... một bề. Tôi đã có sự thăm dò khá kỹ trước khi cho phát hành album này và thành công của nó khiến tôi yên tâm tiếp tục làm khí nhạc theo phong cách của mình.
Tôi không bao giờ quan tâm đến ranh giới giữa viết ca khúc và viết khí nhạc. Cũng có người chê tôi không viết được ca khúc, nhưng tôi không tự ái, bởi ca khúc không phải là cái đích cuối cùng tôi hướng đến. Tôi thích viết nhạc, thích làm hòa âm và khả năng làm khí nhạc của tôi tốt hơn thì tội gì tôi không phát triển.
- Khi "Đường xa vạn dặm" ra đời, cũng có những ý kiến phủ nhận sự sáng tạo của anh mà cho rằng anh chỉ... ăn sẵn trên cái vốn dân gian vô tận, đến giờ anh có còn... tức không?
- (Cười). Tôi chưa bao giờ tức cả. Là người nghệ sĩ, đã đủ tự tin thì không việc gì phải lo thanh minh!
Thanh Lam tro ve voi Quoc Trung

Nhạc sĩ Quốc Trung
- Luôn bị coi là kín tiếng, là "lười" nhưng cuối cùng chính anh lại có được những "liveshow" cho riêng mình mà không cần tới truyền hình làm giúp, mà còn có cả chương trình riêng ở Nhật và lần này là Đan Mạch. Anh nghĩ sao về sự sung sức có vẻ... bất thường này của mình?
- Điều này cho thấy nhiều hơn những gì người ta thường nghĩ về live show hay về nhạc sĩ. Với tôi, những buổi biểu diễn ấy không phải là "live show Quốc Trung" mà là những buổi diễn "âm nhạc của Quốc Trung". Cái này khác nhau đó.
Nghệ sĩ sáng tác thì phải biết đứng sau tác phẩm. Một bài hát trở thành "hit", thì 90% người nghe quan tâm đến người hát, cô Mỹ Tâm chẳng hạn, nếu tôi là tác giả bài "hit" đó thì sẽ có ca sĩ khác tìm đến tôi, tôi sẽ luôn là người đứng sau.
Với một show tác giả, bài hát, bản nhạc đưa ra phải thật đặc sắc, ai phối khí cũng được nhưng phải ra được hồn vía âm nhạc của người sáng tác. Chủ quan tôi thích album và chương trình Nhật Thực vì phong cách âm nhạc đồng nhất do được giao cho một tay Đỗ Bảo hòa âm. Trong những chương trình của tôi, âm nhạc của tôi được đẩy lên vị trí "mặt tiền" mà người xem thưởng thức âm nhạc ấy chứ không nhất thiết phải biết mặt tôi.
- Vậy tới đây, nếu "Vọng Nguyệt" tạo được tiếng vang tại Rosklde, và xa hơn, biết đâu nó mở được đường cho anh và các cộng sự tiến xa hơn nữa, anh sẽ có thêm những gì đặc biệt để... thi thố?
- Cái mới không phải cứ muốn là có, nhưng công thức cho việc "xâm nhập" thị trường ngoại là có. Đó là chúng ta không thể cứ trông chờ vào những cái lạ tai kiểu độc nhất vô nhị chỉ mình ta có. Đàn bầu một dây thì cũng đủ làm tò mò đấy, nhưng chỉ dừng ở đó thôi, vấn đề là làm sao đưa được đàn bầu vào không gian âm nhạc đương đại chung với cả thế giới.
Với nhạc Pop, không phải chỉ cứ hát bằng tiếng Anh là xong, cần phải biết thế giới họ thích phong cách gì, họ đang cần cái gì và mình có thể làm được gì để đáp lại. Thế giới âm nhạc không dừng lại để chiếu cố chờ đợi chúng ta, tự ta phải vận sức mà đuổi theo nó thôi!
- Câu hỏi cuối, anh có thể nói gì về cuộc "tái hợp" với Thanh Lam lần này?
- Không gian âm nhạc của "Vọng Nguyệt" đã từng thuộc về Thanh Lam, ngày trước và bây giờ, với cô ấy, đó là một cuộc trở về. Tôi tin là Lam sẽ làm nên chuyện!
Thanh Lam - đi và về
Cuối cùng thì Thanh Lam lại đứng cạnh Quốc Trung, tin ấy có vẻ khiến nhiều người mừng vui. Họ lại đứng cùng nhau trong một cuộc "Tây tiến" đầy thách thức. Thách thức lớn nhất là phải chứng tỏ được tài năng của mình cũng như bản sắc âm nhạc Việt tại một sân chơi âm nhạc lớn hàng đầu thế giới, nơi không có sự xuề xòa hữu nghị kiểu ngoại giao; thách thức khác, họ phải cho khán giả trong nước, những người từng quan tâm tới cuộc hôn nhân của họ hơn là âm nhạc mà họ tạo nên, thấy rằng việc "riêng" không cản trở sự cộng hưởng "chung" của họ trên sân khấu nói riêng và sáng tạo âm nhạc nói chung...
Ở "Vọng Nguyệt", Thanh Lam sẽ hát những bài hát mới của Quốc Trung (chẳng hạn song ca cùng Tùng Dương bài "Đôi bời xa cách") cùng bài "tủ" của chị từ khi hợp tác với Lê Minh Sơn, "Đá trông chồng". Như vậy là không có sự tị hiềm mang tính phe phái nào trong cuộc trình diễn quan trọng như thế này. Thanh Lam sẽ vẫn là Thanh Lam, đầy cá tính và bất phục.
Khi Thanh Lam xa rời cái không gian "Mây trắng bay về", nhiều người đã tiếc, thực ra cũng chẳng rõ họ tiếc cho chính họ không được nghe tiếp một "Lam cũ" hay tiếc cho một "Lam mới" không như họ đã quen. Dù sao mặc lòng, Thanh Lam đã có một cuộc thăng hoa mới, cả tên tuổi và ảnh hưởng trong âm nhạc. Đẳng cấp diva đã được xác lập và càng được củng cố bắt chấp những lời lẽ chê bai dè bỉu đôi khi ác ý.
Trong một cuộc trò chuyện đã lâu, Thanh Lam có hé mở về một dự án âm nhạc quốc tế mà chị vẫn theo đuổi. Những người bạn những cộng sự quốc tế vẫn đánh giá cao tài năng của chị và không vì sự đổi hướng ở thị trường trong nước của chị mà họ nản lòng. Họ vẫn muốn tiếng hát Thanh Lam phải vang xa hơn, dù có thể không lên tới đỉnh này đỉnh kia, nhưng tiếng hát ấy xứng đáng có thêm nhiều "fan" đa quốc tịch.
Và lần này thực sự là một cơ hội lớn cho Thanh Lam chứng tỏ đẳng cấp ca hát đã chín muồi của mình trước một không gian âm nhạc có tính quốc tế đậm đặc. 17 năm trước khi mới tròn 20 tuổi, Thanh Lam đã có thành công quốc tế đầu tiên khi giật giải nhì tại cuộc thi ca nhạc nhẹ quốc tế ở Cu Ba, cùng với giải ca sĩ được khán giả yêu thích nhất. Giải thưởng ngày ấy không khiến chị thành sao thế giới, nhưng đã là "điềm" báo trước rằng tiếng hát của Thanh Lam hoàn toàn có thể bay xa hơn biên giới Việt Nam.
Và cuối cùng về "Vọng Nguyệt"
Đêm diễn "Vọng Nguyệt", tên chính thức tại Liên hoan Roskilde là "Wishing upon the moon", sẽ gồm Quốc Trung, Thanh Lam, Tùng Dương và các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc, trình diễn tại Nhà hát Pumpehuset (thủ đô Copenhagen - Đan Mạch). Đây được coi là cơ hội lớn cho các nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam đương đại trên "sân chơi" quốc tế. Năm nay các "đối thủ" của họ toàn những cao thủ như Kanya West, Guns"n Roser, Goldfrapp, Rufus Wainwright... những gương mặt đáng nể của các trào lưu âm nhạc đầy tính cách tân.
Hoàn toàn không phải là cuộc giao lưu có tính hữu nghị, cũng không phải là một cuộc thi, Liên hoan Roskilde là nơi tập hợp những cái tên lớn của nhiều dòng âm nhạc thế giới đương thời, và ai tới đây cũng muốn chứng tỏ tài năng của mình, như một cơ hội hiếm hoi để học hỏi đồng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, từ những quốc gia có nền âm nhạc phát triển cao tới những nước mà âm nhạc đại chúng còn là một ý niệm mơ hồ! "Vọng Nguyệt" sẽ tạo được ấn tượng ra sao hay vẫn chỉ là "ước mơ", như tên gọi của nó: "Wishing upon the moon".
(Theo Điện Ảnh Kịch Trường)
Việt Báo (Theo_24h

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét