Thứ Ba

Quốc Trung: 'Tôi không phải đại gia trên tiền'

Thứ hai, 15/4/2013 | 09:00 GMT+7



Quốc Trung: 'Tôi không phải đại gia trên tiền'

Nhạc sĩ 'Ngày không mưa' tâm sự như tất cả mọi người anh rất thích và cũng rất cần tiền nhưng trong công việc sáng tác nghệ thuật, cái tâm đối với nghề luôn khiến anh phải cân nhắc.
- Tại sao chương trình âm nhạc nào là đạo diễn, anh cũng tự ôm hết việc vào mình để rồi lại than thở?
- Tôi là đạo diễn âm nhạc của chương trình, đương nhiên những công việc thuộc về âm nhạc tôi phải là người cầm trịch, rồi sau đó các cộng sự sẽ tiếp tục hoàn thiện ý tưởng. Với tôi, một chương trình ra đời trước hết phải đến từ ý tưởng âm nhạc xuyên suốt. Thời gian thai nghén ý tưởng thì dài, triển khai thì mất khoảng 1-2 tháng trước khi trình làng nếu như tôi có thời gian để tập trung. Chỉ còn một tháng "Cầm tay mùa hè" ra mắt khán giả nên đây là lúc tôi cần nhất sự tập trung để hệ thống lại những ý đồ, đặc biệt là phần của Hà Trần sao cho cân đối với phần âm nhạc của Thanh Lam chuẩn bị từ trước.
_MG_4315.jpg
- Album "Mây trắng bay về" bản remaster mà anh thực hiện cùng lúc nhận được những ý kiến thế nào từ khán giả?
-  "Mây trắng bay về" không còn bán trên thị trường dù có rất nhiều lời đề nghị phát hành tiếp. Thực ra sau album này, Lam có những dự án âm nhạc khác. Bây giờ mới là lúc để đáp ứng yêu cầu của mọi người, trước khi Lam phát hành album mới với tôi vào cuối năm. Remaster là một cách để chúng tôi mix lại chất lượng âm thanh tốt hơn. Điều này đáp ứng nhu cầu của người nghe bây giờ, nhưng vẫn giữ lại phần thu âm trước đây của Thanh Lam bởi đó là cảm xúc, không thể thay thế được. Đúng là công việc hơi dồn dập, nhưng hy vọng đây là món quà cho những người yêu Thanh Lam đến với chương trình. Tất nhiên, khán giả yêu Trần Thu Hà cũng có thể chọn một album rất hay phát hành ở Mỹ - "Vi sinh".
- Tại sao anh không bán mà lại xuất bản hạn chế để tặng người yêu Thanh Lam?
- Cảm ơn rất nhiều khi mọi người đã đánh giá "Mây trắng bay về" là một album đẳng cấp. Tôi nghĩ lần tái bản hạn chế này cũng là một cách đặc biệt giá trị cho những người sưu tầm. Ít thì càng quý chăng?
- "Ít mới quý", đó là lý do mà những chương trình âm nhạc dù được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng anh cũng làm rất ít. Tại sao "Cầm tay mùa hè" đều đặn làm một lần mỗi năm và chỉ ở Hà Nội?
- Có hai lý do chính. Một là tôi không thể làm nhanh được bởi cơ chế "tự kiểm điểm" của bản thân không cho phép. Tôi luôn tự đòi hỏi ở mình ở một cấp độ chất lượng nhất định còn nó lại đòi hỏi ở tôi và cả ekip phải có thời gian. Điều thứ hai là tôi có một định hướng tổ chức sản xuất theo quy chuẩn học được từ nước ngoài.
- Nhiều người nói:"Anh không thích tiền", anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Tiền thì ai mà chẳng thích. Tôi cũng cần tiền như các nhà sản xuất khác. Nhưng nếu cứ làm theo cách họ làm thì tôi đã không ở đây để nói hay trả lời phỏng vấn. Tôi sẽ đóng cửa công ty hoặc đang chạy đôn đáo đi làm thuê. Nói cách khác là tôi không thể làm khác được
- "Cần tiền mà lại đi ngược lại thời cuộc liệu như vậy là chơi trội", anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi không dở hơi, cũng không phải là đại gia trên tiền, hay háo danh để chơi trội. Tôi chỉ muốn đi được xa, muốn được làm nghề và có khán giả của mình dài lâu. Tôi muốn, nếu không biểu diễn thì cũng làm nhà sản xuất 50 năm nữa, bởi vậy tôi phải đi đúng dù có chậm.
- Anh nghĩ sao về showbiz Việt?
- Showbiz Việt không giống ai, không chơi với ai... bởi thế cũng chẳng theo quy luật của hầu hết phần còn lại trên thế giới. Có sai cũng chẳng ai biết hoặc cũng không ai quan tâm. Chỉ mỗi tội là không hiểu sao vẫn cứ mãi lạc hậu như vậy. Mỗi xã hội đều có những đặc thù riêng, nhưng dù thế nào thì cũng phải dựa trên những quy luật kinh doanh, phát triển và cả tâm lý con người. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm (đau thương) chứ chưa có kiến thức. Bạn thử tìm cho tôi xem, có mấy người nhất là người làm music producer ở Việt Nam được đào tạo trong hay ngoài nước hoặc ít nhất cũng đã làm việc ở những nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển tiến tiến hơn chúng ta. Nhiều nhà sản xuất Việt Nam sau khi làm việc với các đối tác nước ngoài đều phá sản, đi tù hay bỏ nghề và không bao giờ dám quay lại nữa. Chúng ta vẫn thường nghe những câu nói quen thuộc rằng điều đó đúng, tốt, chuyên nghiệp đấy những không áp dụng được ở Việt Nam. Điều đó đã khẳng định một điều là chúng ta lười học hỏi, chưa học đã nói không áp dụng được thì học làm gì... Hầu hết các nhà sản xuất show bây giờ đều có phương châm "đánh nhanh thắng nhanh". Đánh nhanh mà không chuẩn bị thì chẳng bao giờ thắng hoặc chỉ tạm thắng thôi.
-  Nhiều người nói rằng kinh tế khó khăn nhưng thị trường vẫn nhiều show và họ vẫn tồn tại, thậm chí có người còn khá thành công. Điều này đồng nghĩa với việc nhạc Việt đang trở lại hoành tráng. Anh nghĩ sao?
- Nhìn lại đi, đã có rất nhiều cơn sóng gọi là phát triển của nhạc Việt rồi nhanh chóng lại rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Thậm chí, tôi cho rằng cả giai đoạn "Làn sóng xanh" mà chúng ta gọi là giai đoạn vàng của nhạc nhẹ Việt Nam cũng chỉ là một cơn sóng bất ngờ. Chúng ta cứ hay đi tắt đón đầu, nhảy cóc được 3 bước rồi lại lùi 2 bước mà không chịu đi từ từ để đỡ phải quay lại xây dựng từ đâu. Bạn nhìn vậy thôi, chứ tôi cho rằng thị trường cũng bắt đầu chững lại rồi. Các show đang rầm rộ chen lấn nhau, những cũng đang chật vật bán vé đấy. Tôi dự đoán với tình hình kinh tế năm nay thì rồi lại sắp rơi vào khủng hoảng thoái trào thôi. Đồng nghiệp của tôi gần thành công, khi đã bắt đầu từ bỏ thói quen tổ chức show theo kiểu gọi một số ca sĩ đến, mang theo nhạc playback, rồi ai muốn hát gì thì hát. Các nhà tổ chức nói chung đã bắt đầu ý thức chuyên nghiệp hơn, các show cũng có chủ đề, có phần biên tập, dàn dựng đàng hoàng và sinh ra những chức danh giám đốc nghệ thuật, giám đốc âm nhạc. Các show cũng chú ý hơn để có một ban nhạc tốt, ca sĩ tập luyện nghiêm túc để chơi live với ban nhạc, tiếp thị truyền thông cũng rầm rộ hơn... Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ đâu.
- Vậy theo anh để chiều khán giả, những người làm nhạc phải cần những gì?
- Nên nhớ là khán giả, dù là khán giả Việt đòi hỏi chưa cao những lại rất chóng chán. Nếu không đẩy chất lượng đến tận cùng thì rồi họ sẽ lại thờ ơ. Với điều kiện ngày nay khán giả không chỉ được xem được nghe các show ca nhạc quốc tế dễ dàng qua các phương tiện thông tin, mà còn có thể tự bay sang những nước trong khu vực để xem những show đẳng cấp thế giới nữa. Họ cũng có nhiều sự lựa chọn khác thay vì bỏ ra 3-5 triệu đồng để xem những thứ không mấy đặc biệt.
- Như anh nói thì thị trường âm nhạc đang có những dấu hiệu đáng lo nhưng nhiều người nói: "Khán giả chẳng kêu ca, mỗi bầu sô kêu". Anh nghĩ sao?
- Ơ hay, khán giả có được lên báo đâu mà kêu ca, mà họ cũng chẳng buồn kêu. Chỉ có điều là càng ngày càng khó lôi họ đến rạp. Đa số chúng ta vẫn tự bắn vào chân mình. Nhà tổ chức thì chẳng có ý tưởng mới, vẫn công thức nhiều năm qua (vì nó vẫn thành công), vẫn mùa nào thức ấy. Cứ tưởng niệm hay một chủ đề nhạc sĩ nào đó thì có từng đó ngôi sao. Đặc biệt, nhiều người chưa hát dòng nhạc đó bao giờ, nay lại thành bất ngờ cho khán giả. Ca sĩ thì mải chạy show, phòng trà.... bài mới và dự án mới thì ít. Khán giả chẳng còn háo hức đón chờ vì tháng nào chẳ gặp mặt mấy anh chị sao đó. Chưa kể show trước thì dân gian đương đại, điện tử, jazz... show sau lại nhạc xưa, tiền chiến, chẳng còn biết cá tính và phong cách của họ là gì nữa. Chúng ta ít có phong cách mà có nhiều phong trào.
Đấy là chưa kể đến phòng trà vừa mát vừa rẻ, thích bài nào viết vào khăn giấy gửi lên ca sĩ yêu cầu và được phục vụ ngay thì đi xem live show làm gì. Chắc chỉ xem trang phục hay rình lộ hàng thôi. Cách đó chúng ta chỉ lôi được khán giả đến rạp bởi vào ngày đó họ cần một chỗ đi, thay vì họ háo hức chờ đón để được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc mà họ đến để được nghe những thứ đã quen trong suốt nhiều năm qua. Hiếm lắm chúng ta được thấy một gương mặt nghệ sĩ, một cá tính âm nhạc độc đáo trên sân khấu biểu diễn hiện giờ để khi khán giả ra về họ muốn quay trở lại.
_MG_4336.jpg
Hà Trần và Thanh Lam sẽ cùng đứng trên sân khấu "Cầm tay mùa hè".
- Hình như anh cũng đang đi vào lối làm chương trình mùa nào thức đó, cứ "mùa hè" đến là "cầm tay"?
- "Cầm tay mùa hè" là một show thường niên mà ở đó khán giả sẽ được thấy những cá tính âm nhạc khác nhau, được kết hợp và hoà quyện. Chẳng nhẽ "cầm tay" lại chỉ có một mình. Tôi cũng rất muốn sản xuất những show riêng cho từng ca sĩ, nhưng họ lại ít có dự án mới, cũng không dành được nhiều thời gian để xây dựng được một liveshow độc lập. Chưa kể là những giọng ca mới nổi có cá tính hay phong cách độc thì lại rất khó để có được sự quan tâm của đông đảo khán giả, phải cứ dần dần thì mới tạo được thói quen cho công chúng. "Cầm tay mùa hè" lần này tôi cũng phải thuyết phục cả hai ca sĩ để họ dũng cảm thể hiện cá tính của mình- cái mà đến cỡ diva như họ cũng có ít cơ hội. Nhiệm vụ của tôi làm sao để nó gần gũi và khán giả cảm nhận được. Tôi sử dụng hiệu ứng (visual) và ánh sáng để tạo nên một không gian trừu tượng, hiện đại. Đây là một cái khác vì xưa giờ tôi cũng ít để ý và cảm thấy chưa cần thiết trong các show mình làm. Nhưng lần này khác, nhạc điện tử và không gian luôn đi đôi với ánh sáng và visual. Ngoài ra, chương trình còn có nhiều tác phẩm lần đầu trình diễn, cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ, hứng khởi và bất ngờ.
- Anh có những dự định gì có "đứa con tinh thần" này?
- Hy vọng là khán giả đến sẽ quay lại. Tôi sẽ mừng nếu gặp lại khán giả của cả hai lần "Cầm tay mùa hè" trước bởi ít nhất tôi đã làm được một điều hứng khởi cho họ từ lần trước. Còn lần này, nếu có thêm người mới, nhất định tôi phải thuyết phục được họ bởi chính âm nhạc của mình.Nhiều fan của Thanh Lam và Trần Thu Hà khi biết thông tin họ đã đặt vé ngay, để giữ chỗ tốt, hoặc họ sợ không kiếm được vé, nhưng số đó không nhiều. Một số lượng nhỏ khách ruột của cả hai ca sĩ từ TP HCM đã đặt vé và vé máy bay ra Hà Nội xem... Thú thực, fan của diva thì không thể sánh với fan của các ngôi sao nhạc Pop đương thời... Hơn nữa, khán giả hình như có thói quen mua vé một tuần trước giờ diễn thì phải. Tôi đang cố gắng chạy các khâu phát hành vé thật sớm, ít nhất để tạo thêm một thói quen mới cho khán giả, mua vé thật sớm để có một kế hoạch giải trí cho riêng mình.
Show "Cầm tay mùa hè" sẽ diễn ra lúc 20h ngày 4-5/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Giá vé từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng. Độc giả liên hệ qua di động 0904633696 và 0904502696 để đặt vé.
Phương Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét