Thứ Bảy

NHẠC TRẺ VIỆT TRONG CƠN BÃO THỊ TRƯỜNG

NHẠC TRẺ VIỆT TRONG CƠN BÃO THỊ TRƯỜNG

Thứ bảy, 7/5/2005, 10:25 GMT+7
Cơn bão thị trường đang quần đảo, xô chuyển nhạc trẻ Việt.
Thật vậy, tính từ đầu thiên niên kỷ mới đến hiện tại, thì cuối năm 2004 và đầu năm 2005 là khoảng thời gian có nhiều biến động nhất: "xuất khẩu" nhạc Việt, ca sĩ Việt tấn công nhạc trẻ châu Á và khu vực, rồi bình chọn "nữ thần" âm nhạc...
Song thực tế đây không hẳn là chiếc bánh ngon dành cho công chúng trẻ...

CƠN BÃO MANG TÊN DIVA
Diva Việt Nam – Thế hệ mới 2005 có phải là "cần thiết và chính đáng" như lời BTC cuộc bình chọn của một tờ báo đã "thậm xưng"? Hay chỉ là chiêu thức lăng-xê cho những giọng hát đang muốn có danh tiếng?
Từ lâu, các nước có nền âm nhạc phát triển không lạm dụng danh hiệu Diva cho bất kỳ một ai, nếu bản thân ca sĩ đó không có những sáng tạo - kỳ tích cho nghệ thuật này.
Chính khán giả chứ không ai khác dành tặng danh xưng Diva cho một giọng hát nữ mà họ ngưỡng mộ, thán phục bởi tài năng, sự cống hiến cũng như cá tính riêng...
Trước đây, các giọng hát: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh… được số đông người yêu nhạc trong nước ưu ái nhìn nhận là Diva và phần nào cho đến hôm nay chứng minh họ xứng đáng với sự tôn xưng ấy.

Từ tầm mức rực rỡ thật sự của một giai đoạn, thời kỳ của các ca sĩ Lam – Nhung – Linh, cho thấy việc phát động một cuộc bình chọn danh hiệu Diva cho nhạc Việt là điều… khiên cưỡng.
Một điều hết sức buồn cười là xét về mức độ nổi tiếng, tài năng thì các: Đoan Trang, Hồ Quỳnh Hương, Khánh Linh, Ngọc Khuê, Thu Minh, Mỹ Lệ, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thảo đều không đủ sức gọi là ngôi sao chứ đừng nói đến tôn xưng Diva cao quý.
KHI "NÃO TÌNH" TÁI XUẤT GIANG HỒ
Cơn bão tiếp theo của nhạc trẻ Việt có tên D.M. Công chúng lại phải đối mặt với hiện tượng phát tán rầm rộ dạng ca khúc nhảm nhí, nhố nhăng với những cái tựa… hết chỗ để nói như: Phải chăng tôi đang yêu hai người, Bạn tôi em cũng không chừa, Lời sám hối của kẻ hấp hối, Không yêu thà em nói một câu, Kiếp đỏ đen…
Và giọng hát của ca sĩ kiêm nhạc sĩ này nhừa nhựa hơn cả những ca sĩ não tình ở những năm cuối thập niên 90 trước đây.
Thực tế đáng buồn là chính các bài viết được đăng tải một cách giống nhau trên nhiều tờ báo đã tạo nên "cơn sốt" cho một hiện tượng, mà tầm mức chỉ dưới trung bình.
Những câu phát biểu thiếu tự trọng như: "Tôi cố tình viết cho giống nhạc Hoa", "Nhiều nhạc sĩ bây giờ khi viết nhạc tuyên truyền không tính đến chuyện để bài hát đó sống lâu trong lòng khán giả, theo tôi thì sáng tác nên tính đến vấn đề thị hiếu một chút"…
 Nhiều tờ báo giấy, báo điện tử đã là diễn đàn cho những phát biểu phản cảm đại thể như thế và thông tin: D.M là ngôi sao với cátsê từ 100.000 đồng bay vèo lên 25 triệu (!). Những thông tin được sắp đặt bài bản như kiểu D.M đã ít nhiều gây "nhiễu loạn" đời sống âm nhạc, mài mòn lòng tin của người yêu nhạc trẻ Việt.
Điều này thật sự làm thành hiện tượng mà từ lâu manh nha ở tâm ý, suy nghĩ của một số ca sĩ trẻ muốn chơi "nổi" bằng mọi giá, kể cả đem những xì-căng-đan của chính mình ra công bố trước dư luận.
Việc hát những bài có tựa vớ vẩn, thiếu văn hóa đang trở thành mốt, thu hút và hấp dẫn phần lớn công chúng trẻ phải được nhận định, đánh giá khách quan, sát thực chứ không nên thuận theo một nguyên lý khiên cưỡng: Thời thế tất phải thế!
Chúng ta, những người thưởng thức nhạc bằng lý tính và cảm xúc có lẽ sẽ hoảng hốt trước cơn bão thị trường dường như tàn phá một lần nữa tính thời cuộc của nhạc trẻ Việt. Nhưng nhạc sĩ Phú Quang đã chia sẻ một cách bình thản: "Cứ để đời sống âm nhạc phơi bày ra hết những nhố nhăng, xô bồ đến tận cùng, cọ xát đến phản ứng bốc cháy thì càng tốt, rồi thì những gì còn lại mới có giá trị và đáng tự hào".
Những gì còn lại ấy sẽ có một giá trị mới, bất biến bởi những ca sĩ, nhạc sĩ có tìm tòi trong cách hát, sáng tác ca khúc và đem lại nhiều hy vọng cho nhạc Việt.

Như Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét