Thứ Bảy

Lam và Tâm

Lam và Tâm
Xét đi xét lại, thì chúng ta được đúng hai "nữ hoàng" nhạc nhẹ. Tôn xưng ấy nhiều khi khiến chúng ta phấn chấn, nhưng cũng lắm lần làm sợ hãi. Liệu “nữ hoàng” sẽ ở ngôi được bao lâu? Liệu những "phó nữ vương" có thấy tự ái, hờn ghen? Thôi thì, ít ra trong bài viết này, chúng ta cứ xem như danh hiệu “nữ hoàng” chỉ để gọi cho vui vậy…
1. Thanh Lam ở ngôi quá lâu, từ khi làm show Cho Em Một Ngày vào mùa mưa năm 1996 ở sân Lan Anh. Mười năm rồi, và gần như mọi người đều có thể thống nhất với nhau rằng, ánh sáng Lam đã tỏa rạng suốt thời kỳ gắn bó với Quốc Trung. Vì sao vậy? Không hẳn Trung là một producer siêu việt, vì anh chẳng đứng ở vai trò đó với bất kỳ ca sĩ nào khác – ít ra một ông Robert “Mutt” Lange ngoài việc làm cho vợ, Shania Twain, thì cũng sản xuất cho nhiều người khác. Cũng không hẳn Lam bị “át vía” như ta quen nói khi bàn chuyện trà nước. Cái chính là, Lam được một người hướng dẫn để tụ năng lượng lại - thứ năng lượng sống, năng lượng hát mà cô luôn có vẻ thừa thãi, và vì thế, đốt cháy được mọi thứ, từ… đối thủ cho đến các trở lực.
Thanh Lam, bằng giọng hát thực ra không thể cho là đẹp của mình, đã trở thành một biểu tượng pop và gây được ảnh hưởng mạnh đến nhiều thế hệ đồng nghiệp. Không chỉ những ca sĩ trẻ mới học Lam, như Mỹ Linh và Trần Thu Hà khi khởi nghiệp, và sau này là Nguyên Thảo, Tùng Dương và Mai Khôi; mà cả nhiều người lớn tuổi hơn cũng cảm thấy không thể coi thường, không thể cứ hát như trước, không thể để thứ lửa của “con bé ấy” đốt cả mình! Thanh Lam hát khô, gằn, hay xen nói vào hát, và càng lớn tuổi càng "nhai" chữ nhiều hơn. Nhưng đấy là Lam, là một cá tính đã định hình, không thể thay đổi, chỉ có thích hoặc không thích mà thôi. Dù gì, đấy cũng là một phong cách. Phong cách Lam.
Nhưng cái phong cách có phần "bụi bặm, hầm hố" kia phải được nâng đỡ và làm cho dịu lại bởi nền hòa âm của Quốc Trung, bởi những đoạn vocal “nga nga”, “lêu u lêu” rất kỳ dị và đặc sắc, chứ không phải bằng một nền phối âm lỏng lẻo toàn những dòng giai điệu đối âm vô nghĩa như khi cô làm CD nhạc Trịnh Công Sơn. Và có lẽ cô là người hát nhạc Trịnh Công Sơn ít ra ... Trịnh Công Sơn nhất.
Chúng ta chờ nghe Nắng Lên, đĩa phát hành vào ngày tận của năm 2004, để đón một Thanh Lam mới, với niềm hy vọng vẫn giữ được mối thiện cảm như từng có với cô mười năm nay
2. Mỹ Tâm không còn tóc nâu, dĩ nhiên hết môi trầm, nhưng là một đại sứ thiện chí năng nổ. Tâm là một dạng lạ, như một chồi cây mọc vào đúng mùa cằn, nhưng lại nương đất cằn mà lớn, mà sum suê. Tâm, ba năm trước, còn nép đằng sau Hiền Thục và dĩ nhiên chẳng là gì so với Thanh Thảo hay Hồng Ngọc. Thế mà thoắt một cái…
Thoắt một cái cô thành "công chúa pop", thành một biểu tượng nhan sắc nữa khi quảng cáo cho Sunsilk, thành một thứ hình mẫu lý tưởng của tuổi thiếu niên. Tâm không phải là mẫu người có thể biến hình nhanh chóng như Lam. Ngược lại là khác: cô chậm, bảo thủ, sợ mất những gì mình may mắn có, và bám vào một hệ thẩm mỹ rất cũ. May thay, sự bảo thủ ấy lại làm nên một nữ ca sĩ khá đặc trưng Sài Gòn. Hát chân phương, thuần phác, tìm bài dễ nghe dễ thuộc, hòa âm đơn giản. Tâm không lớn lên nhờ những ca khúc kỹ thuật cao hay sáng ngời vẻ đẹp lạ, mà bằng những hits rất dễ dãi, rất… quê! Có gì đâu, cô đã gặp duyên may.
Thực lòng mà nghĩ xem, bạn sẽ chọn ra những bài hát nào định vị cho Mỹ Tâm? Liệu mười năm sau, khi nhắc đến Tâm, bạn có tìm thấy một bài, một câu hát nào đặc trưng cho cả cô lẫn âm nhạc thời cô không, như ta thường nhắc Ánh Tuyết với Buồn Tàn Thu và Cẩm Vân với Bài Ca Không Quên vậy. Không có. Không dễ có. Tâm tồn tại như một hình ảnh không gắn nhiều lắm với âm nhạc – cô là biểu tượng của công nghệ giải trí và quảng cáo.
Và thật dễ dàng khi biểu tượng giải trí trở thành đại sứ thiện chí. Như Britney Spears, Beyoncé, Ricky Martin, Enrique Iglesias. Đó là đỉnh cao – không phải đỉnh cao nghệ thuật, mà là đỉnh cao của những công nghệ phụ trợ cho nghệ thuật. Cũng đáng mừng chứ?
(Theo GĐX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét