Thanh Lam: Đã có những ngày dịu dàng
Tuổi tác và những sóng gió dường như không ảnh hưởng nhiều đến nhan sắc của Thanh Lam. Gặp chị vào những ngày đầu năm 2015, khi Tết đã gần kề, tôi thấy chị vẫn trẻ, vẫn đẹp như ngày nào. Những câu chuyện về thân phận, tình yêu, về Tết của muôn năm cũ và của hiện tại cứ thế cuốn tôi đi khiến một buổi chiều chỉ ngắn lại trang một cái chớp mắt.
Chấp nhận trả giá để theo đuổi đam mê
Nhìn những thành công của Thanh Lam ở hiện tại, người hâm mộ ít ai ngờ được chị đã phải rất chật vật để có thể theo đuổi nghiệp hát. Theo ký ức của NSƯT Thanh Hương, Thanh Lam hay hát từ nhỏ nhưng chị cũng có tính hay bị hồi hộp. Một lần nọ, bố mẹ đi biểu diễn trong TP.Hồ Chí Minh, cô bé Thanh Lam cũng được cho đi cùng. Buổi tối cả nhà xuất phát, thì ngay buổi chiều, chị lo lắng đến mức phát sốt, tưởng không đi được nữa. Bố mẹ định cho Thanh Lam ở nhà nhưng chị vẫn kiên quyết đòi đi theo bằng được. Cá tính “đã quyết thì không ai cản được” ấy đã đeo đẳng Thanh Lam suốt cuộc đời, không thay đổi.
Lớn lên, bố mẹ hướng Thanh Lam theo học đàn tỳ bà, với mong muốn con trở thành một cô giáo cho yên phận. Nhưng Thanh Lam không chịu, quyết đi học hát. NSƯT Thanh Hương từng phải nhờ bạn bè của mình, trong đó có nghệ sĩ Tân Nhân, chê giọng hát của con gái, mong là điều đó sẽ làm Lam nản chí. Nhưng Thanh Lam vẫn quyết định chống đối định hướng của cha mẹ đến cùng. Bất đắc dĩ, nhạc sĩ Thuận Yến phải xin cho Thanh Lam từ học đàn tỳ bà chuyển sang học thanh nhạc. Hồi đó, vợ của NSND Trần Hiếu, trưởng khoa Thanh nhạc, nhất quyết không nhận Thanh Lam là học trò vì cô chê giọng hát của Lam khan và trầm, hoàn toàn không có khả năng trở thành ca sĩ. Trước sự cương quyết của Thanh Lam, khoa Thanh nhạc đã phải đưa ra một điều kiện: nếu trong một năm chị không hát được, chị sẽ buộc phải thôi học ở khoa Thanh nhạc. Hơn nữa, chị cũng sẽ không được phép trở về để học tiếp đàn tỳ bà. Điều kiện ngặt nghèo là vậy, nhưng Thanh Lam vẫn sẵn sàng chấp nhận trả giá.
Phải đến năm 20 tuổi, Thanh Lam tham gia một cuộc thi hát ở Cuba và trở thành người Việt đầu tiên giành được giải thưởng, bố mẹ mới yên tâm hơn về chị. Thanh Lam tâm sự: “Đấy là đối với bố mẹ thôi, chứ còn tôi, ngay từ đầu tôi đã biết quyết định theo đuổi nghiệp hát là sự lựa chọn chính xác của mình”.
Tuy vậy, Thanh Lam cũng không cho rằng 7 năm học đàn tỳ bà của mình là uổng phí. Chị luôn tự cảm thấy may mắn vì trong những năm học đàn đã thấm đượm được nét dân gian, tạo nền móng vững vàng để chị nảy sinh tư tưởng sáng tạo kết hợp dân gian với đương đại. Chị quan niệm, âm nhạc phải mang hồn Việt. Chị không thích âm nhạc lẫn một tí Anh Quốc, một tí Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan. “Nhạc nhẹ vẫn phải đi cùng thời đại nhưng cũng phải có cái hồn, cái cốt cách riêng. Tôi tự nhận mình là một người yêu nước. Tôi muốn rằng, dù tôi đi bất cứ nơi đâu, đứng trên bất cứ sân khấu nào, người ta vẫn nhận ra rằng tôi là một cô gái Việt, không lẫn đi đâu được”.
Thành danh từ khá sớm, nhưng Thanh Lam chưa bao giờ tự bằng lòng với những gì mình đạt được. Chị luôn vận động, biến hóa không ngừng, luôn thay đổi và tự làm mới mình, cho dù đôi khi vấp phải sự phản đối từ nhiều người. Cách đây 20 năm, chị là người tiên phong tổ chức liveshovv tại Việt Nam. Trước đó, người Việt vốn chỉ quen với những show diễn có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ. Lần đầu tiên có một ca sĩ trẻ “dám” độc diễn cả một chương trình, nhiều người cho rằng Lam lố bịch. Không ngờ, sau đó mọi người đều “tiếp bước” Lam. Chuyện ca sĩ làm liveshow đã trở thành quen thuộc, không còn gì lạ lẫm ở xứ này. Chị tâm sự: “Tôi là vậy, tôi dám đi những bước không thuận. Người nghệ sĩ đôi khi phải có sự thách đố với chính mình, với công luận, chứ không phải lúc nào cũng xuôi chiều”.
Khát vọng “ôm nổi trái tim một con người”
Song song với sự nghiệp âm nhạc, chuyện tình duyên của chị cũng làm báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Trót có bầu với bạn trai năm 18 tuổi, chị lên xe hoa từ rất sớm. Ngay sau khi sinh hạ đứa con đầu lòng, chị cùng người ấy đường ai nấy đi. Đổ vỡ từ cuộc hôn nhân đầu tiên để lại vết sẹo rất lâu trong lòng Thanh Lam. Chị tâm sự: “Mối tình đầu rất quan trọng. Nó giống như viên gạch đóng nền nhà. Những quyết định sai lầm sẽ khiến bản năng yêu của mình bị lệch”.
Sau đó, chị kết duyên cùng với nhạc sĩ Quốc Trung và sinh hạ được hai người con xinh xắn. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ấy cũng không kéo dài. Liên tục có những đổ vỡ trong tình yêu khiến Thanh Lam suy sụp. Chị nói những lời gan ruột: “Hồi còn trẻ, tôi cảm thấy rất đau khổ vì thứ mình mong muốn nhất là tình yêu, hạnh phúc gia đình thì lại không có được. Tôi thấy bất công lắm, tại sao mình lại bị như vậy. Mãi sau giác ngộ Phật giáo, tôi mới hiểu, kiếp này tôi sóng gió hơn mọi người, không được may mắn suôn sẻ trong tình yêu, có lẽ là do nghiệp, của kiếp trước. Nếu mình trốn được kiếp này thì kiếp sau lại tiếp tục phải trả nợ nên cứ phải đối diện với nó thôi”.
Quan niệm tình yêu của chị ở thời điểm hiện tại cũng đã khác. Hồi trẻ, chị đặt rất nhiều kỳ vọng ở người mình yêu. Chị tự nhận, thời đó, chị yêu một hình bóng, một nhân vật nào đấy trong tiểu thuyết. Chị luôn nhìn người ta như mình muốn có nên luôn thất vọng, luôn không bằng lòng. Sau khi trải qua rất nhiều được mất, thăng trầm, Thanh Lam mới tự nhận ra rằng hãy nhìn mọi người một cách đơn giản như họ vốn có. Chị tự dặn mình sống trên đời, chỉ được phép kỳ vọng, đòi hỏi ở chính mình thôi. Hãy tập yêu cả những vụng dại, thất bại của người ta. Đối với chị, đỉnh cao nhất của tình yêu nam nữ chính là như tình yêu ruột thịt, tình yêu con, tình yêu bố mẹ.
“Mình cố gắng là vậy nhưng hạnh phúc hay không thì còn nhờ nhân duyên từ kiếp trước của mình. Nhiều khi mọi chuyện không như mình định. Có những người mình tưởng mãi mãi là của mình thì lại mất, có những người mà hàng ngày không thuận buồm xuôi gió lắm nhưng lại sống với nhau đến đầu bạc răng long” - “Người đàn bà yêu” Thanh Lam giờ đã nhìn nhận mọi chuyện nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Mừng Lam đã hết đau thương, về đây ấm cúng
Thanh Lam của thời điểm hiện tại vẫn rất trẻ trung, rất đàn bà, nhưng có gì đó trầm tĩnh, sâu lắng hơn. Có lẽ là do chị đã được giác ngộ Phật giáo, trở thành Phật tử. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng đùa rằng Thanh Lam giờ là núi lửa đã tắt. Chị lại quan niệm ngược lại: “Tôi nghĩ lửa trong mình chẳng bao giờ tắt cả. Những ngọn lửa đỏ cháy phừng phừng ở bề mặt chưa chắc đã bằng những ngọn lửa được tôi luyện, xanh rờn ở gốc. Qua những thử thách của cuộc sống, tôi đã có đủ trải nghiệm để biết kiềm chế, dung hòa, tạo không khí êm ái, dễ chịu cho những người xung quanh”.
Trò chuyện với Thanh Lam thỉnh thoảng lại thấy chị cười phá lên. Tiếng cười rất trong trẻo, sảng khoái và vô tư. Mỗi lần chị cười, hai lúm đồng tiền hai bên má lại ẩn hiện, vô cùng xinh đẹp. Người ta tôn vinh chị là “người đàn bà không tuổi” quả không có gì quá đáng.
Chị bảo đi qua rất nhiều sóng gió, giờ chẳng thấy sợ gì nữa: không sợ thất bại, không sợ chuyện hợp - tan, không sợ cô độc, cũng không sự chết. Cuộc sống quá bằng phẳng, êm ái cũng là một thiệt thòi. Nếu ta dũng cảm, vững vàng, những thất bại sẽ là thầy giáo của ta, khiến ta dày dạn, trưởng thành lên. "Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ hạnh phúc là mệt cái gì đó lớn lao, to đùng ngã ngửa lắm và luôn ở phía trước, mình phải tiến đến. Giờ tôi mới nhận ra rằng, hạnh phúc là do mình cảm nhận, có trong từng ngày của cuộc sống. Ngay kề cận bên hạnh phúc là bờ vực của khổ đau. Hãy đối diện với tất cả, buồn, vui, được, mất một cách bình thản, nhẹ nhàng”.
Đối với chị, sự cô độc đã là một người bạn thân. Chị quan niệm người ta chỉ có thể nhận thức được cuộc sống một cách sâu nhất và dồi dào ý tưởng sáng tạo nhất là khi cô độc. Những lúc cô đơn, người ta cảm thấy thời gian trôi đi rất chậm. Những người lúc nào cũng sung sướng, được đám đông vây quanh, họ sống nhạt toẹt, cuộc đời trôi đi rất nhanh.
Từ nhỏ đến lớn, Thanh Lam chưa bao giờ sợ chết. Càng tiếp cận với Phật giáo, chị lại càng không sợ. Bởi chị hiểu cái chết không phải là một sự mất đi vĩnh viễn. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Cái bị bỏ lại chỉ là một hình hài cụ thể mà thôi. Chị vẫn thường đùa, phải cố tu kiếp này để kiếp sau được sướng hơn hoặc không phải làm con gái nữa mà được làm con trai. Theo chị, con trai vẫn chủ động được cuộc sống hơn. Còn con gái vẫn bị động, vẫn chịu may rủi, như hạt mưa sa: “hạt vào đài các, hạt sa luống cày” là vậy.
Tuy thế, Thanh Lam không hay nghĩ quá nhiều về kiếp sau. Quan trọng nhất là phải sống từng ngày ở hiện tại. Ngày nhỏ, chị cứ hay ao ước lớn thật nhanh. 10 tuổi mong đến 15 tuổi, 15 tuổi chờ mãi mới được 19 tuổi.
Bây giờ thì chị quan niệm ở lứa tuổi nào cũng có thể hạnh phúc được. Tuổi trẻ thì có sự ngông cuồng và thách đố, trưởng thành thì có sự điềm đạm từng trải. Không khoảnh khắc nào trùng lặp với khoảnh khắc nào. Quá khứ đã qua là một nền móng tạo nên phẩm chất của mình. Chị vẫn cảm ơn những gì mình đã trải qua trong cuộc sống giúp mình trưởng thành.
Cách đây mấy năm, trong “Cho em một ngày”, chị từng hát lên khắc khoải: “Cho em một ngày, một ngày thôi”, một ngày “không mưa rơi buồn tủi”, “không tê tái heo may” và “anh không trễ hẹn”.
Đến bây giờ, sau rất nhiều sóng gió, Thanh Lam đã bình tâm, biết chấp nhận và cũng “nền tính” hơn. Có lẽ, cuối cùng chị đã có những “ngày dịu dàng” như đã từng mơ.
Anh Trâm / Hôn nhân & Pháp luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét