Thứ Năm

NSƯT Thanh Lam: “Có lúc tôi không muốn hát nữa”

11:22 | 13/12/2015
NSƯT Thanh Lam: “Có lúc tôi không muốn hát nữa”

Tôi nhìn xã hội đang lẫn lộn vàng thau, hàng giả hàng thật đều được cho vào thúng lắc đều hết. Có đôi khi tôi còn nghĩ mình cũng chẳng cần thiết phải hát nữa. Rồi tôi nghĩ mình được sinh ra trong môi trường tốt, có sức khỏe, có hoài bão, tại sao mình lại rút lui, nên tôi tiếp tục và cuối cùng tôi thấy, những thứ có giá trị thực vẫn luôn tồn tại. NSƯT Thanh Lam chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới về con đường chị lựa chọn và niềm tin có lúc hoang mang của chính mình, ở thời mà “hàng dởm” đang nhiều hơn hàng thật.

Hàng dởm cũng sẽ bị lộ ra
Hà Trần mới đây đã gọi chị là “diva của lòng tôi”, vậy có nghĩa Thanh Lam là “diva của diva” rồi đấy. Chị nghĩ yếu tố “con nhà” có ảnh hưởng nhiều không, đến thành công của mình?

- Nền tảng gia đình và sự học rất quan trọng đối với nghệ sĩ. Yếu tố “con nhà nòi” cũng có nhiều thuận lợi hơn trong việc đi sâu và sáng tạo, vì bản thân họ, một cách tự nhiên đã có vốn liếng nhiều hơn người khác. Riêng ca hát đối với tôi như một cái nghiệp, từ 3, 4 tuổi tôi đã bắt đầu hát, từ nhỏ đã được bố mẹ hướng cho học nhạc (từ khi lên 8), tất nhiên bố mẹ cho tôi đi học đàn chứ không mong tôi thành ca sĩ, vì ngày đó, mỗi lần lên sân khấu tôi đều bị lo lắng quá, hay mất giọng. Nhưng rồi, như là định mệnh, tôi chuyển sang học hát sau này và cứ thế mà đi.
Nhưng, bước khởi điểm thì 10 người có thể như nhau, muốn đi dài hơn thì bạn cần phải học, ngoài học ở trường một cách chuyên nghiệp, thì sự tự học và luôn không ngừng học là điều quan trọng. Bên cạnh đó, cần có thời gian để tôi luyện cả về khả năng và nhận thức về thế giới xung quanh khi mình ca hát. Đến bây giờ tôi vẫn muốn học và vẫn đang học luyện thanh với NSND Trung Kiên.
nsut thanh lam co luc toi khong muon hat nua
NSƯT Thanh Lam
- Nhưng với con gái Thiện Thanh, thì chị thấy, yếu tố “con nhà” có giúp được gì cho cô bé?
- Thanh sinh ra con nhà nòi đấy, nhưng đam mê ca hát của Thiện Thanh không mãnh liệt lắm. Thanh khác với Quang (tên con trai của Quốc Trung - Thanh Lam), vì Quang thì tôi tin cháu sẽ trở thành một nghệ sĩ có đóng góp cho xã hội, còn Thiện Thanh đến lúc này vẫn đang đi để tìm một con đường nào phù hợp nhất với mình.
Vì sao chị trở thành “Diva của lòng tôi” Giữa khi dư luận sục sôi với chuyện Việt Nam có mấy diva, thì Thanh Lam đứng ngoài cuộc. Chị hiếm khi lên tiếng về những “lùm xùm” dư luận, mặc đó là dư luận liên quan đến mình. Ai cũng bảo Thanh Lam sống bản năng, hát bản năng, nhưng chị chỉ cười. Bởi chắc chắc nếu chỉ có bản năng chị không đi được dài đến thế, và vững vàng trên ngôi vị diva số một Việt Nam dễ đến mấy chục năm. Bây giờ Thanh Lam vẫn hát, nhưng chị ít có sản phẩm ra mắt truyền thông. Chị tâm sự thật, có những khi thấy “nản”. Nhưng khi hát, vẫn là một Lam như thế, quên hết tất cả, chỉ còn mối giao cảm duy nhất với những âm thanh mà nhờ nó, chị nương vào, gửi gắm và thấm vào đó tất cả những đớn đau, đàn bà. Vì vậy, Lam hát bao năm vẫn tình như thế, vẫn vẹn nguyên cảm xúc như thế và chẳng bớt hay đi. Nghe chị hát, khán giả hoặc là bị mệt… vì không thể thẩm thấu hết, hoặc là ôm ngực, vì thấy chị như vừa nói câu chuyện của chính mình. Hát đến như Lam, Việt Nam hẳn là rất hiếm. Nhiều diva không ngần ngại gọi chị là “diva của lòng tôi”. Tất nhiên cũng có những người, vì nhiều lý do mà không thừa nhận thế. Nhưng, làng nhạc nhẹ Việt Nam nhỏ bé, hẳn không ít người nhìn thấy năng lượng chị tỏa ra, đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều người. Thanh Lam đã bước qua tuổi 40, nhưng con đường chị đi chưa bao giờ trồi sụt. Thẳng băng mà bước từ khi cất tiếng hát, qua mấy chục năm dâu bể, vẫn trên một sợi dây nhưng ngày một thăng bằng. Đâu dễ gì có người làm được như Lam Nhạc sĩ Thanh Phương cho rằng, diva là người phải tạo ra một cách hát không giống ai, xác lập được một giá trị khác biệt. Nói như vậy thì Thanh Lam đã dư sức trở thành một người như thế.

- Mọi người hay nói Thanh Lam hát bằng bản năng. Theo chị, hai chữ “bản năng” người ta hay gán cho mình đó là gì?
- Mọi người hay nhìn nghệ sĩ bằng con mắt tự nhiên, còn bản thân là người làm nghề, thì tôi nghĩ bản thân nghệ sĩ chỉ cần có trách nhiệm với chính mình thì họ sẽ có khao khát thúc đẩy mình, biết cách làm cho mình luôn trau dồi được những vốn liếng riêng. Người nghệ sĩ phải tạo ra phong cách riêng, đưa ra những tác phẩm mà từ đó nó có thể mở toang ra đầy hoài bão trong lòng người nghe. Khán giả nhìn tôi là một người bản năng là cách nhìn của người không có nghề, họ chỉ cảm nhận. Còn bản năng thì đến lúc nào đó cũng sẽ cạn thôi. Để giữ được đam mê, thì người ta phải không ngừng trau dồi để trở nên giàu có về kiến thức, về năng lượng sống. Thực tế thì, nếu chỉ có bản năng mà không có kiến thức thì bạn sẽ… nhạt lắm. Nhưng bản năng cũng rất cần thiết.
- Mọi người khá ngạc nhiên vì dù chị đã có lúc rẽ ngang kết hợp với người này, người khác, nhưng định hình về những thành công lớn của chị lại luôn gắn với Quốc Trung. Việc chị đồng hành mãi với một người, kể ra với chị có lạ lùng?
Khi cùng là nghệ sĩ, việc cùng chí hướng, đồng hành với nhau về văn hóa, về nhận thức thì không có nhiều và không dễ tìm đâu. Nhất là khi chúng ta sống có ý thức, thì luôn có cách để khai thác, thúc đẩy được khả năng mình có và mang đến lợi ích cho người cộng tác. Nếu chỉ có một bên mang lại lợi ích cho bên còn lại, thì chắc chắn sự cùng nhau rất khó… dài. Trong tình bạn cũng như vậy, tình đồng nghiệp cũng như vậy.
- Thực ra, không có nhiều người tìm được người đồng chí hướng sớm như cách mà chị đã tìm thấy anh Trung, khi cả hai còn trẻ. Chị nghĩ sự “tìm thấy” đó do may mắn hay còn có yếu tố nào khác?
- Trong đạo Phật hay nhắc đến “DUYÊN - NỢ”. Và tôi tin người đồng hành với mình ở kiếp này thực ra vì ở kiếp trước mình đã có sự mắc nợ nhau rồi. Khi trả hết NỢ rồi thì việc ra đi đó sẽ rất tự nhiên. Trong cuộc sống cũng như vậy, chúng ta có duyên nợ với nhau.
nsut thanh lam co luc toi khong muon hat nua
NSƯT Thanh Lam: “Có lúc tôi không muốn hát nữa”
- Mới đây Tùng Dương tiết lộ, chị từng nhắc nhở Dương, để có những lời ca hay thì phải có tâm hồn đẹp. Chị nghĩ làm thế nào để giữ “tâm hồn đẹp” trong cuộc sống xô bồ hôm nay?
Tôi nghĩ các bạn trẻ làm nghệ thuật bây giờ không gặp khó khăn nhiều như thời chúng tôi, vì họ có quá nhiều điều kiện hỗ trợ. Các bạn chỉ cần có chút ít khả năng là đã được tung hô hơn cả thực lực. Các bạn lại có khả năng tài chính hơn. Nhưng hình như chúng ta lại khó khăn vì sự hiểu biết có phần nhanh và thiển cận hơn. Nhưng tôi vẫn tự động viên mình, trong một xã hội mà mọi thứ còn đang mới, đang rất non nớt về văn hóa, cái nhân văn trong con người của chúng ta còn yếu, sự nhìn nhau của chúng ta còn kém lắm, thì chúng ta phải chấp nhận. Nhưng chấp nhận không có nghĩa là bỏ cuộc. Và là nghệ sĩ, chúng tôi phải vun vén cho điều đó, ở trong mình trước tiên. Tất nhiên là tôi đang nghĩ đến những nghệ sĩ đích thực.
Có lúc tôi nhìn xã hội đang trà trộn giữa vàng thau, hàng giả hàng thật đều được cho vào thau lắc đều hết. Có đôi khi tôi còn nghĩ mình cũng chẳng cần thiết phải hát nữa, tôi đã từng hơi tiêu cực như vậy. Rồi tôi nghĩ mình được sinh ra trong môi trường tốt, có sức khỏe, có hoài bão, tại sao mình lại rút lui, nên tôi tiếp tục và cuối cùng tôi thấy, những thứ có giá trị thực vẫn luôn tồn tại. Có những điều  tôi từng biết với riêng mình thôi, tôi từng nghĩ vậy, nhưng rồi qua thời gian, cái giả bằng cách nào đó vẫn bị bại lộ. Cái giả trong một con người cùng vậy, không thể bọc kín mãi. Thành ra, cuối cùng tôi thấy con người có giá trị thực đừng nên sợ vì điều đó vẫn luôn tồn tại, còn những thứhàng dởm đến lúc nào đó cũng sẽ bị lộ ra. Mà tôi đang nói đến hàng dởm về văn hóa đấy nhé.
Thương nghệ sĩ ở xứ ta
- Vì chị không ngại nói thẳng, nên nhiều người đồng tình rằng, Thanh Lam là một trong những diva gai góc nhất, cả trong cách hát và cách sống. Hình như họ đã không sai?!
Tôi nghĩ mình không cố tình gai góc, chỉ là con người mình sinh ra nó đã như thế một cách tự nhiên. Tôi nghĩ chính ra nguồn năng lượng của mình mạnh mẽ, mình không phải là người uyển chuyển, mỗi lời mình nói đều không dễ nghe. Nhưng bản thân, tôi nghĩ, trong cuộc sống, đáng quý nhất khi những người bạn thân nói với nhau phải nên là những lời chân thật nhất, đó mới là sự thiêng liêng trong tình bạn. Tôi thấy rất nhiều người làm bạn với nhau nhưng dối trá, xảo.
Tôi hát bằng những chắt chiu từ cuộc đời mình. Như khi tôi hát Trịnh Công Sơn tôi không bao giờ muốn hát giống Khánh Ly, không muốn hát giống Lệ Thu hay chẳng thích giống Hồng Nhung. Tôi muốn mình hát phải là chính mình. Tôi chỉ thấm tư tưởng của Trịnh Công Sơn khi tư tưởng đó chui vào trái tim của mình, chui vào bộ óc của mình, thì nó phải là tâm hồn của mình. Và khi sản phẩm ra mắt, người ta lao vào cào cấu. Điều đó cho thấy một dấu hỏi lớn về văn hóa, về nhận thức. Và đấy chính là thiếu nhân văn. Tôi hiểu là, nếu có đến 5 Thanh Lam thì mình cũng chẳng có giá trị gì. Nhưng mà tôi vẫn sẽ chỉ làm như thế, hát và sống và làm mọi điều đều bằng mong muốn thật sự của mình.
Anh Trí Minh gần đây đã thẳng thắn chia sẻ: “Ra đến bên ngoài, ngay cả những Thanh Lam, Tùng Dương cũng chỉ được mời vì họ thấy thương thương thôi”. Mỗi lần đứng trên sân khấu quốc tế mà chị biết rõ vị thế của mình như thế, chị sẽ hát thế nào?
Tôi vẫn nghĩ, nếu mình được đi học nước ngoài thì... chết rồi. Thật ra tôi đã đi thi nhiều cuộc thi quốc tế, họ đâu có gì hơn mình nhiều cả về khả năng và hình thức, cả phẩm chất. Nhưng mình sinh ra trong một đất nước lạc hậu, mình thiệt thòi nhiều chứ.
Còn khi “mang chuông đi đấm xứ người”, tôi nghĩ mình đã không câu nệ. Vì lúc đó mình cất tiếng hát bằng sự tự hào, bằng khát vọng dân tộc. Khi mình “mang chuông đi đánh xứ người” mình hát bằng hào khí dân tộc và mình sẽ thuyết phục được mọi người.
- Và chị thấy gì về những sản phẩm được tung hô trên truyền thông, về những bản “hit” và hình tượng mới, nhan nhản như “nấm sau mưa” mỗi năm?
Tôi bắt đầu nói về một sản phẩm của Tùng Dương nhé - album “Độc đạo”, là album thu ở nước ngoài, bài hát chủ đề của album rất hay, Dương mang đi dự thi và không đoạt giải. Nhưng khi Dương mang bài “Chiếc khăn Piêu” đi thi thì người ta thích và Dương giành giải. Thật ra tôi thấy bài “Chiếc khăn Piêu” không có quá nhiều sáng tạo về thanh nhạc và tư tưởng hay tính triết lý. Còn “Độc đạo” thì khác.
Tiếng hát của mình như giọt nước mắt, nó chứa đựng bao khắc khoải về tâm hồn, cuộc sống, người ta nghe không thích, thậm chí còn bị chê bai. Thấy thương người nghệ sĩ không. Ở ta, những sản phẩm chất lượng trung bình mình lại bán được, còn những sản phẩm chất lượng cao, những sản phẩm  chắt lọc lại chịu thua. Vậy nên những bản “hit” vì thế mới có đất sống.
Tôi nhận thấy, ở xã hội bây giờ có nhiều sản phẩm chưa thực sự xứng đáng được tung hô, thậm chí nhiều khi tung hê hàng dởm. Còn sản phẩm có sáng tạo thì họ không có thì giờ để tiếp nhận, không có nội tâm mạnh mẽ để lắng nghe, tiếp nhận. Còn tôi, khi nghe một người hát đầy sáng tạo, tôi thấy thương người nghệ sĩ, vì họ đã rút ruột, rút gan. Nếu chỉ nhìn bằng con mắt nhân văn thì mình thấy thương người nghệ sĩ rồi, vì đó là họ hát bằng giọt nước mắt, bằng đời sống của chính mình. Trước tiên hãy nhìn nhau bằng sự nhân văn đó, sau đó bạn dành thời gian cảm nhận chiều sâu của bài hát, cảm nhận chiều sâu của sự sáng tạo.
nsut thanh lam co luc toi khong muon hat nua
5 diva của làng nhạc Việt?
PV: Chị tâm huyết với nghề làm vậy, sao đến lúc này chị vẫn chưa chịu nhận học trò, bằng cách ngồi ghế nóng các cuộc thi truyền hình thực tế. Hẳn, chị có những lý do riêng?
Tôi nghĩ một nghệ sĩ khi đưa ra những “bản sao” mình phải đầy trách nhiệm. Dù trong xã hội vẫn có người giỏi, người kém. Nhưng bản thân tôi thấy ai tác động được đến cảm xúc của mình thì đều trở thành người đáng giá cả. Không kể Tùng Dương thì kể cả Hà Trần hay Mỹ Linh tôi cũng đã luôn động viên.
Nhưng tôi nghĩ tạng mình không hợp với những chương trình mang tính thời trang như vậy. Tôi muốn một cái gì đó sâu lắng hơn. Tôi cũng rất là muốn có học trò, nhưng tôi nghĩ mình phải tìm được người nào phù hợp. Thật ra, tôi thấy mình còn kém và vẫn đang tiếp tục phải học nên tôi nhiều lúc cũng không hiểu, một số người xưng danh là thầy, là huấn luyện viên, họ lấy gì để dạy nhỉ?! Tôi ngạc nhiên lắm.
Tôi nghĩ dạy là một nghề, không chỉ hát hay là dạy được đâu, mà nó còn cần thêm số vốn rất dày và kinh nghiệm nữa. Chẳng hạn như thầy Trung Kiên có cả một nhà sách, rồi chính thầy cũng từng viết sách, rèn luyện này, bao nhiên năm kinh nghiệm thị phạm cho học trò nữa, vất vả lắm. Bản thân tôi hiện nay vẫn đang học để sau này có cái để mà dạy. Tôi nghĩ mình đang học chối chết đây, vẫn còn kém ơi là kém.
- Nhìn vào thế hệ trẻ chị có hy vọng gì không?
- Tôi thấy có một số bạn có giọng đẹp đấy, như nam thì tôi thấy Đông Hùng, nữ có Hoàng Quyên này. Nhưng hình như các bạn vẫn còn thiếu một cái gì đó.
PV: Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!



Sinh năm 1969 tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ thuật, là con gái của nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ nhạc dân tộc Thanh Hương. Từ lúc lên 3 tuổi, cô đã được người cha dạy hát và nghe đàn piano. 7 tuổi người mẹ dạy cho cô chơi đàn thập lục, tập hát các bài dân ca Việt Nam. Năm 9 tuổi (1978), Thanh Lam được tuyển chọn vào Nhạc viện Hà Nội theo học môn đàn tỳ bà hệ 11 năm, nhưng sau đó, năm 1985 chị chuyển sang học thanh nhạc, theo mong muốn của bản thân. 20 tuổi (1989) Thanh Lam đoạt giải thưởng "Ca sĩ được yêu thích nhất" tại Festival âm nhạc Lahavan (Cuba).
Năm 1991, Thanh Lam đoạt giải thưởng lớn cuộc thi “Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc” lần 2 với thang điểm kỷ lục: 6 điểm 10 của 6 vị giám khảo với hai bài hát của cha mình: “Chia tay hoàng hôn” và “Giọt nắng bên thềm”.
Năm 1995, Thanh Lam cùng ban nhạc Phương Đông thực hiện chương trình "Thiện Thanh" tại Nhà hát Lớn. Đây là show nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Quốc Trung. Nhạc sĩ Dương Thụ từng chia sẻ về một bài hát ông ấn tượng trong đêm nhạc: “Tôi thật sự xúc động. Lam đã hát được cái khao khát sống của tôi, đằm thắm, mãnh liệt, và đượm buồn”. Năm 1996, Thanh Lam độc diễn chương trình “Đêm huyền diệu” kéo dài suốt 1 tuần lễ (diễn thêm cả ban ngày) ở Cung Hữu Nghị.
Tháng 11 và 12-1997, Thanh Lam tổ chức liveshow “Cho em một ngày” ở 3 thành phố: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng với sự hỗ trợ của ban nhạc Phương Đông và hai ca sĩ trẻ là Bằng Kiều và Trần Thu Hà. Đây được xem là tour diễn cá nhân đầu tiên của nhạc nhẹ Việt Nam. Từ đó đến nay, Thanh Lam vững vàng trên ngôi vị số 1 dòng nhạc nhẹ. Và tới nay, vị trí đó chưa ai thay thế được cô.

http://petrotimes.vn/nsut-thanh-lam-co-luc-toi-khong-muon-hat-nua-360751.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét