Thứ ba, 22/9/2015 | 00:06 GMT+7
Con trai Thanh Lam - Quốc Trung thương mẹ và ngưỡng mộ bố
Con trai Thanh Lam - Quốc Trung thương mẹ và ngưỡng mộ bố
17 tuổi, Nguyễn Đăng Quang - con trai ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Quốc
Trung - có vóc người nhỏ bé, gương mặt hiền lành. Giọng cậu nhỏ nhẹ
nhưng hàm chứa sự rõ ràng, chín chắn và bản lĩnh. Đăng
Quang tỏ ra là chàng trai rất tế nhị và quan tâm tới người cùng trò
chuyện. Câu chuyện của cậu luôn chứa đựng sự khiêm tốn dù vừa đoạt giải Nhất
bảng B Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ ba. Cậu cũng dành nhiều
tình cảm cho bố mẹ và mong muốn được trở thành nghệ sĩ chân chính.
- Một ngày bình thường của Nguyễn Đăng Quang như thế nào?
- Nếu là hè thì em tập đàn cả ngày. Còn không, buổi sáng em đến trường
học các môn lý thuyết âm nhạc, rồi về nhà tập đàn khoảng hai, ba tiếng.
Trưa ăn cơm xong em vào trường học văn hóa. Chiều về em tập đàn. Có hôm
em phải luyện đến 11h rưỡi đêm.
Thi thoảng, em đi ăn, cà phê với các bạn hay đi chơi với bố mẹ để cân
bằng cuộc sống. Em rất thích ăn và ăn được nhiều món. Em cũng thích xem
phim, để giải tỏa stress sau khi tập luyện căng thẳng. Ngoài ra, em nghe
nhạc cổ điển, nhạc pop của bố mẹ... để tham khảo.
Nguyễn Đăng Quang - con trai ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Quốc Trung -
đang học năm cuối hệ Trung học chín năm của Học viện Âm nhạc Quốc gia
Việt Nam.
|
- Ai là người có ảnh hưởng nhất đối với Quang trong cuộc sống?
- Từ bé em đã ở cùng ông bà nội. Ông bà luôn theo dõi, chăm sóc cho em
hàng ngày từ bữa ăn tới chuyện học hành... Trong khi bố mẹ đầu tư cho em
về tư tưởng sống, nuôi dạy em về trí tuệ, quan điểm âm nhạc và nhiều
thứ khác. Có thể nói, về mặt chuyên môn thì bà em - cũng là người thầy
của em - ảnh hưởng nhất nhưng về mặt tư tưởng sống thì em ảnh hưởng mẹ
nhiều nhất vì hai mẹ con rất hay tâm sự với nhau.
- Từ nhỏ đã không sống cùng mẹ, sợi dây tình cảm giữa em và mẹ được duy trì thế nào?
- Em may mắn vì dù bố mẹ chia tay em vẫn không thiệt thòi một điều gì.
Em thấy cuộc sống hiện tại của mình rất hạnh phúc, không đòi hỏi thêm gì
nữa. Nhiều bạn trẻ thường giận dỗi chuyện bố mẹ bỏ nhau rồi bỏ con cái.
Nhưng em luôn hiểu mẹ đã phải hy sinh khi không được ở cùng các con. Vì
mẹ muốn em tập trung học hành bên ông bà, mẹ biết mẹ bận bịu sẽ không
thể nào lo cho các con tốt như ông bà. Vì chuyện đó mà mẹ đã phải nhận
nhiều điều tiếng.
Em và mẹ vẫn kết nối thường xuyên, không bao giờ mẹ để em thiếu thốn
tình cảm. Có hôm mẹ đến nhà ông bà nấu những bữa ăn linh đình, mẹ nấu
được rất nhiều món ngon. Có hôm em đi ăn, đi chơi với mẹ hay đến nhà mẹ
ngủ. Hai mẹ con hay tâm sự với nhau về quan điểm sống, cách giải quyết
những khó khăn hay cách sống và đối xử với mọi người. Những lúc biết em
gặp căng thẳng về tâm lý, mẹ cũng giải thích và không tạo nhiều áp lực
cho em, mẹ hiểu hết những điều đó.
- Trong mắt Đăng Quang, mẹ Thanh Lam là người thế nào?
- Mẹ là một người rất tâm huyết với nghề nghiệp và tận tụy trong mọi
việc. Mẹ đã trải qua mọi điều khó khăn nên em rất thông cảm và thương
mẹ. Trong cuộc sống, mẹ rất mạnh mẽ, có niềm kiêu hãnh nhất định và là
người em có thể tin tưởng.
Mẹ cũng rất tinh tế, tâm lý và yêu thương các con. Bất kể có điều gì
thiệt thòi mẹ đều nhận vì các con. Em không giận mẹ một điều gì trong
cuộc sống. Em biết ơn mẹ còn chưa đủ nữa là giận mẹ. Em luôn cố gắng đền
công lao của mẹ bằng cách cố gắng phấn đấu để tạo niềm vui, khiến mẹ tự
hào.
Đăng Quang cảm thấy may mắn vì dù bố mẹ chia tay, em không thiệt thòi một điều gì.
|
- Thế còn tình cảm của em với bố?
- Em rất ngưỡng mộ bố. Bố em cực kỳ tài giỏi, thông minh, tâm huyết với
nghề. Bố nghiêm khắc và luôn muốn tạo ra những cái mới trong âm nhạc.
Thời gian gần đây, bố bận rộn chuẩn bị cho chương trình Monsoon. Nghe bố
kể bố sút cân và vất vả, em cũng rất thương.
Em với bố ít tâm sự vì bố rất bận mà em cũng bận học. Bố là người ít
nói nhưng hành động rất nhiều cho con. Những lúc cần thiết bố luôn bên
cạnh, động viên, ủng hộ và giáo dục em những tư tưởng đúng đắn.
- Sinh ra trong gia đình nổi tiếng, đi đâu cũng được gán mác "con trai Thanh Lam - Quốc Trung", Đăng Quang cảm thấy thế nào?
- Em thường rất ngại tiếp xúc với báo chí vì không muốn được nhắc đến
nhiều. Em thấy mình may mắn khi được sống trong môi trường gia đình có
trình độ văn hóa âm nhạc đầy đủ và khá cao. Em lớn lên có được tư tưởng,
trí tuệ đúng đắn. Còn việc luôn được nhắc đến như "con trai Thanh Lam -
Quốc Trung" em thấy cũng là điều bình thường. Mình chưa đứng thể độc
lập nên được gọi như vậy. Nhưng theo thời gian, nếu em thực sự cố gắng
và đạt được thành công nhất định thì sẽ vượt qua được điều ấy.
Theo đuổi âm nhạc cổ điển vì muốn thoát bóng bố mẹ
- Theo em, những yếu tố nào giúp em giành được giải thưởng này?
- Trong nghề piano, trò giỏi là nhờ công của thầy. Người em
biết ơn là thầy, bà em - GS. NGND Trần Thu Hà. Cả quá trình dài, bà đã
luôn đồng hành, hỗ trợ em rất nhiều. Bà nghiêm khắc và chặt chẽ. Em nghĩ
sự nghiêm khắc đó rất cần thiết và đúng đắn cho nghề này.
Bà cũng chăm lo về sức khỏe. Có thuốc bổ gì cứ đổ hết cho em uống. Bà
còn dặn chị giúp việc làm những món bổ cho em ăn cho có chất để còn
luyện tập, vì đánh đàn cũng cần sức khỏe vững vàng. Suốt thời gian trước
khi thi, ngày nào em cũng phải ăn bít tết.
Thứ hai là bản thân em phải cố gắng để rèn luyện kỹ thuật, vượt qua
những giờ phút tập luyện khó khăn hay hy sinh thời gian đi chơi để tập
đàn. Em bắt đầu tập luyện từ tháng 5. Thời gian luyện tập rất căng
thẳng, tập khoảng bảy đến tám tiếng một ngày. Em phải vỡ nhiều bài mới,
đặc biệt là vòng chung kết phải vỡ bài đánh với dàn nhạc rất khó. Nghề
này đòi hỏi nghị lực, kiên trì và không được bỏ cuộc.
- Bố Quốc Trung và mẹ Thanh Lam góp phần gì trong kết quả này?
- Bố mẹ đều là người trong ngành và đều hiểu nghề này phải tập luyện
rất nhiều. Họ cũng phải hy sinh, trong thời gian đó ít được gặp em, dành
thời gian cho em tập.
Bố mẹ cũng cố gắng không tạo cho em áp lực. Mẹ trước khi đi diễn ở Mỹ
còn nhắn tin, gọi điện động viên em không phải cố giành giải nhất vì nó
sẽ tạo cảm giác hơn thua và không thể nào biểu diễn tốt. Bố em thì không
dám đến xem các vòng thi vì sợ em nhìn thấy sẽ bị áp lực, dù thực ra
lúc biểu diễn em chẳng nhìn thấy ai.
Đến vòng chung kết, cả nhà đi xem hết làm em rất cảm động. Lần đầu em
đánh với dàn nhạc, cả một quần thể phải làm thế nào để hòa nhập mà lại
tập trong thời gian ngắn nên rất căng thẳng. May mắn có ông bà, bố mẹ đi
động viên. Em rất biết ơn tình cảm của mọi người.
- Vậy bố mẹ đón nhận kết quả của Đăng Quang ra sao?
- Mẹ rất mừng và nói rất tự hào vì em đạt kết quả tốt như thế. Người
đầu tiên mẹ cảm ơn là bà - người có công lao lớn dạy dỗ em. Mẹ tâm sự
nếu có những lời nói, điều tiếng không hay này nọ thì mình phải bỏ qua.
Bố em thì kiệm lời nhưng cũng viết trên Facebook rằng kết quả
đó đền bù cho thời gian không được ở bên nhau. Bố cũng dặn em đây là
bước đầu, chúc em sớm thoát qua bóng "con trai Thanh Lam - Quốc Trung".
Mỗi người có cách bộc lộ cảm xúc khác nhau nhưng quan trọng là mục đích
của họ. Em luôn hiểu được những tình cảm đó.
- Vì sao em lại lựa chọn âm nhạc cổ điển mà không đi theo con đường nhạc nhẹ của bố mẹ?
- Em tự nhận thấy mình không có tố chất để theo đuổi dòng nhạc của bố
mẹ. Em cũng muốn tách ra một chút, dù vẫn trong ngành nghề nhưng đi
hướng khác để không bị so sánh, để mình có cảm giác được độc lập hơn và
được thử sức với lĩnh vực khác.
Ngoài ra, ngành nhạc cổ điển rất cao quý. Học ngành này tự dưng tạo cho
mình một chỗ đứng vững chắc. Mặc dù nhạc cổ điển Việt Nam chưa gần gũi
lắm nhưng vẫn được mọi người đón nhận với sự trân trọng. Đoạt giải
thưởng, em chưa coi đó là thành công vì chặng đường nghệ thuật còn rất
dài và đây chỉ là bước đầu. Cuộc thi này với em quan trọng nhất là vượt
qua những áp lực của bản thân và được biểu diễn trên sân khấu.
- Đăng Quang gặp khó khăn gì khi theo đuổi con đường này?
- Mọi người học rất sớm, khoảng năm, sáu tuổi đã phải học rồi nhưng em
đến chín tuổi mới bắt đầu học piano. Tay của em cũng không thuận lợi để
đánh piano hay. Vì thế ban đầu em chơi rất kém.
Nhiều khi não phát truyền ra thông điệp mà tay mình không đáp ứng được
do kỹ thuật chưa đủ, em cảm thấy rất bất lực và muốn bỏ cuộc. Lúc vỡ bài
những tác phẩm trường phái cổ điển, lãng mạn còn dễ nhưng những tác
phẩm cận hiện đại thế kỷ 20 rất khó, em phải tốn rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, em phải giữ gìn đôi tay rất kỹ, không được tác động mạnh. Để
rèn luyện sức khỏe, em cũng đi tập gym, chạy bộ nhưng không dám tập tạ
hay những thứ ảnh hưởng mạnh đến tay. Trong thời gian tập luyện để thi,
em phải tập đến nỗi tay bị chai, tụ máu. Không riêng em, rất nhiều bạn
đều phải trải qua điều đó.
Cũng có lúc em cảm thấy khó khăn nhưng nghĩ là nghề nào cũng thế, nếu mình kiên trì tập luyện thì sẽ được trả công xứng đáng.
Con trai Thanh Lam - Quốc Trung bên cây dương cầm tại nhà.
|
- Kế hoạch trong tương lai của Đăng Quang là gì?
- Trước mắt, em muốn có kết quả học tập thật tốt để có thể được học
bổng đi học nước ngoài, tiếp xúc với nền văn hóa - văn minh phương Tây
để phát triển trí tuệ và thẩm mỹ âm nhạc, học hỏi những cái hay của âm
nhạc phương Tây.
Sau đó có thể em sẽ tham gia nhiều cuộc thi để thử sức, không phải để
thu hoạch giải thưởng mà đặt ra những mục tiêu để phấn đấu hơn nữa.
Tương lai xa hơn thì em mong muốn có thể tiếp tục được biểu diễn và
giảng dạy piano. Em không đặt ra cho mình mục tiêu quá lớn. Em sẽ cố
gắng hết sức để trở thành nghệ sĩ chân chính và cống hiến hết mình cho
âm nhạc.
- Thần tượng của Quang trong dòng nhạc cổ điển là ai?
- Âm nhạc cổ điển có rất nhiều nghệ sĩ chuẩn mực trên thế giới như
Evgeny Kissin - 12 tuổi mà đã đánh được hai concerto của Chopin. Những
bậc thầy cao thượng trong biểu diễn piano như Sviatoslav Richter,
Rubinstein, Horowwits, Barenboim - mỗi người họ đều đặt ra cho mình
những trường phái cụ thể. Em luôn tham khảo nhiều nghệ sĩ để có thể nhặt
được những tinh túy nhất của từng người. Ở Việt Nam, em ngưỡng mộ bác
Đặng Thái Sơn - hình mẫu một nghệ sĩ chân chính, tài giỏi. Em đã được
nghe kể về nỗ lực của bác khi phải đi thi trong điều kiện khó khăn. Một
vài lần học qua bác em cũng rất thích và ngưỡng mộ.
Anh SaẢnh và video: Trần Huấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét