Ba câu chuyện thế hệ hay những cuộc đối thoại với "Tương lai"

Tựa những dãy núi, có những thế hệ được kế tiếp, nhưng cũng có những thế hệ bị đứt gãy. Nhưng ẩn sâu đâu đó trong các mạch ngầm, vẫn có những dòng nham thạch nuôi dưỡng ngay cả những niềm đam mê bị đánh cắp.

Và con đường phía trước vì thế cứ ẩn hiện chập chờn giữa khát vọng và đánh đổi, được và mất, mang theo hay để lại…

Ba cuộc đối thoại giữa "hiện tại" và "tương lai", hay ba câu chuyện thế hệ mà Đẹp kể ở đây, sẽ vẽ ra những con đường phía trước ấy, kể cả khi nó được nối với ngày hôm qua bằng những nét đứt...

Đọc thêm:

- Mẹ con Mai Phương - Yu Dương: Ngược chiều gió thốc

- Bố con Anh Quân - Anna Trương: Khác dấu nhưng thuận chiều
Người ta có thể so sánh Anh Quân và Anna, khi con chọn đúng con đường của bố. Nhưng sẽ không ai so sánh Thanh Lam (hay Quốc Trung) và Đăng Quang cả, vì thay vì nhạc nhẹ, Quang đã chọn nhạc cổ điển. Nhưng hẳn là vẫn còn đó, áp lực “con nhà”…

Thanh Lam: Những ngón tay con

Mẹ nghĩ là mẹ sẽ nhớ mãi buổi chiều muộn hôm đó, vì rồi đây mẹ sẽ còn không thôi tự trách mình. Không rõ là hôm ấy mẹ bận những gỉ những gì mà đến tận sát giờ con đi, mẹ mới chạy qua gặp con được. Tưởng đâu lúc ấy là con đã phải ăn uống xong xuôi, chuẩn bị va li lên đường rồi, ngờ đâu 20h đã phải ra sân bay, mà 18h30 con vẫn ngồi cắm mặt bên cây đàn. Cơm chưa ăn, mồ hôi ướt đẫm tóc và lưng áo. Mấy đầu ngón tay thì gần như bầm dập. Con gầy đi trông thấy, dễ phải đến 3-4 cân, sau mấy tháng liền bò ra tập luyện, ngày 8-9 tiếng để đổ công cho một kỳ thi mà con hết sức kỳ vọng... Mẹ nhớ lúc ấy mẹ đã thương con đến thắt lòng, khi thêm lần nữa, mẹ lại nhận thấy con đường con chọn thật quá vất vả, vất vả hơn nhiều con đường của cả bố và mẹ cộng lại. Sự khổ luyện phải nói là hơn bất kỳ ai, nhưng hào quang, trong điều kiện làm nghề ở ta, thì quả là một giời một vực so với nhạc nhẹ…
Mẹ nhớ ngày xưa, mỗi lần mang bầu, một trong những điều thường ám ảnh mẹ nhất (và chắc không chỉ mẹ) là nhỡ đâu con của mẹ không may thiếu này thiếu nọ thì sao. Nên trước khi bước chân vào phòng sinh, bao giờ mẹ cũng không quên cầu trời khấn phật cho những đứa con mình sinh ra được lành lặn, không thiếu bất cứ thứ gì ở một người bình thường. Và quả nhiên, con đã được sinh ra không thiếu dù chỉ một cái móng tay, lại còn là những ngón tay biết chơi những bản nhạc nổi tiếng nhất trên thế giới, biết cầm về cho mình cả một thế giới sâu thẳm, cao xa, chứ không phù phiếm và “bình dân” như thế giới của mẹ…

Mẹ cũng nhớ, những ngón tay con, từng bầm dập y như thế này, thậm chí còn phải băng bó, cái đợt con cùng mẹ và cả nhà mình quyết tâm làm một đêm nhạc “thật oách” để tưởng nhớ ông ngoại con. Đó hoàn toàn không phải một cuộc thi, nhưng mẹ có cảm giác, áp lực trong con còn lớn hơn nhiều. Bởi đó là lần đầu tiên con chơi đàn trong một không gian không phải riêng dành cho nhạc cổ điển mà là nhạc nhẹ. Là nơi người ta sẽ nhìn con bằng mấy chữ: “con trai của bố Trung và mẹ Lam”, điều mà con không vướng bận khi “mang chuông đi 'đấm' nước người”. Là lúc mà hơn bao giờ, con muốn được tặng một món quà đặc biệt nhất cho người ông mà con hết lòng thương quý… Con biết không, khi đứng vịn tay vào cây đàn piano do chính con đàn, và cất những ca từ đầu tiên trong bài “Em tôi” do ông ngoại con viết, cũng chính là ca khúc mà con bảo rằng con thích mẹ hát nhất, mẹ đã xúc động đến ngần nào. Khi mà, chưa bao giờ mẹ có được một cảm giác rõ ràng đến thế, về việc mẹ có con…

Cuối cùng, thì con cũng đã làm được điều con muốn, sau khi hành hạ những ngón tay của mình…

Đăng Quang: Những món ăn mẹ nấu

Cuộc thi ấy, cuối cùng, tôi đã trở về thất bại. Tôi thậm chí để mình bị thua khi còn chưa kịp chơi những bản nhạc mà tôi đang có ý “để dành” và từng mất bao công tập luyện nó. Tôi nhớ ánh mắt đầy nâng niu của mẹ khi ngắm nhìn tôi tập đàn, cả ánh mắt đầy tin tưởng và kỳ vọng của bố lúc tiễn tôi đi thi, dù cả hai người đều chưa bao giờ nói ra vì sợ gây áp lực cho tôi. Tôi nhớ những đêm khuya về sáng, đã bao lần phòng thu của bố sáng đèn, chỉ vì bố luôn làm hết sức để lo cho chị em tôi được học hành trong một môi trường tốt nhất. Cũng vì vậy mà mong muốn của tôi là có thêm thành tích để hồ sơ xin học bổng của tôi có sức nặng hơn. Tôi muốn đi du học vào năm tới, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp nhạc viện, mà không phải bằng những đêm thức trắng của bố và cả những năm tháng hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ của mẹ… Thế mà, tôi đã bị chậm lại, trong khi tôi đã từng làm được*. Cảm giác thất vọng về mình đã khiến tôi gần như chỉ còn đủ sức nhắn một cái tin ngắn ngủi vào máy mẹ: “Mẹ ơi, con đã không làm được”, rồi sau đó là im bặt.

Khi tôi trở về, hẳn là sợ tôi buồn, mẹ đã gần như không hỏi gì thêm, mà chỉ nói như mẹ vẫn luôn nói: “Vinh quang chưa bao giờ là dễ dàng cả. Nhất là trong mảng của con…”. Rồi mẹ nấu cho tôi ăn. Mà mẹ Lam nấu ăn thì nhất rồi. Món nào mẹ nấu cũng ngon. Bò bít tết này, cá chép om dưa này, gỏi cuốn này, ba ba nấu rượu vang này, phở gà này, rồi cả vịt om sấu nữa…, nhiều, nhiều lắm. Mẹ nấu ăn như mẹ làm nghệ thuật vậy, lúc nào cũng cặm cụi và hết mình. Nếu sau này lấy vợ, tôi chỉ mong lấy được một người nấu ăn ngon như mẹ…    

Thanh Lam: Kể ra, mẹ thích đàn ông phải “gấu” một chút

Còn nếu chọn chồng, mẹ sẽ không bao giờ chọn một người như con (cười). Vì thường thì mẹ vẫn thích một anh con trai trông phải mạnh mẽ và “gấu gấu” một chút, chứ có đâu lúc nào cũng mềm mại và nhẹ nhàng như con. Mềm mại và nhẹ nhàng đến nỗi con “chiếm cảm tình” được khắp lượt mọi người trong nhà, nhất là cái người đã sinh ra con, nên mới hay bị mẹ trêu: “Con trai con đứa gì mà suốt ngày 'núp váy' mẹ”, chỉ vì cái “tội” quá yêu mẹ, mẹ nấu gì cũng khen ngon! Nhưng hẳn là cũng chỉ những người thân của con mới hiểu, đằng sau vẻ ngoài mảnh khảnh và có phần yếu đuối kia, con trai của mẹ thực ra mạnh mẽ và quyết liệt, vững chãi và đáng tin đến mức nào. Chẳng phải con được sinh ra từ hai cá tính nghệ thuật sao, để ít nhất, không thể nào mờ nhạt?

Nhưng một mặt, mẹ cũng không mong con phải sống quá căng thẳng trong khả năng mà con có thể quyết liệt. Tốt nhất là được sống vừa vặn với chính bản thân mình, và muốn thế, sau này, con hãy chọn bạn đồng hành cho mình là một người phụ nữ có trái tim nhân hậu vì sắc đẹp, hay đôi khi cả sự thông minh, cũng có thể trở nên phù phiếm nếu thiếu đi cái gốc đó…
Đăng Quang: Chưa bao giờ mảy may giận mẹ

Nhiều người bảo, mẹ là người “nổi loạn”, thích là làm, chẳng kể gì, chẳng kể ai. Họ cũng bảo, mẹ đã không phải với chúng tôi, khi để bố nuôi cả hai anh em tôi… Nhưng thực sự tôi chưa bao giờ mảy may giận mẹ vì chúng tôi, và cả bố nữa, cũng luôn hiểu vì sao mẹ đã quyết định như thế. Đó, thực ra, là cả một sự hy sinh, mà không phải ai, ở vào hoàn cảnh của mẹ cũng làm được. Mẹ mà có lúc nào đó nóng nảy, lỡ lời, thì chẳng qua cũng chỉ là “khẩu xà, tâm Phật”, vì cuộc sống của mẹ quá nhiều áp lực, mà thôi…

Mẹ đã thật mạnh mẽ trong mọi lúc. Như trong live show “Bản tình ca cha viết” mẹ làm cho ông năm qua, nguyên một tháng trời mẹ tự tay lo hết từ kịch bản, khách mời đến sân khấu, bán vé…, y như cách bố đã làm "Monsoon" vậy. Đó là lý do vì sao tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bất hạnh, bởi bằng cách nào đó, bố mẹ tôi vẫn luôn đứng cạnh nhau để chúng tôi luôn có cả hai.
 
Triết lý Bột Giặt & Nước Xả

Thanh Lam: Theo lý thuyết, Bột Giặt giúp làm sạch nhưng cũng có thể làm phai màu quần áo. Còn Nước Xả sinh ra là để giúp “mềm mại hóa” những gì mà Bột Giặt đã trót “áp đặt” lên đó. Nếu vậy, tôi không tin là có một thứ Bột Giặt nào từ Thanh Lam hay Quốc Trung lại có thể làm phai màu cá tính của Đăng Quang. Có chăng là khi cần sẽ thêm vào một chút Nước Xả để con bớt đi phần nào áp lực phải “là một cái tên” như bố mẹ.

Đăng Quang: Nước Xả không những làm mềm mà còn làm thơm nữa. Nếu vậy thì trong nhà tôi, bố mẹ đúng là một thứ Nước Xả Vải rất tuyệt, vì thay vì bị áp đặt, chúng tôi đã được sống thoải mái nhất có thể!

Bột Giặt và Nước Xả Vải là nick của con gái Thiện Thanh và con trai Đăng Quang.
* Trong 3 năm liền: 2012, 2013, 2014, Đăng Quang đều giành giải Vàng tại Liên hoan Âm nhạc piano quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc. Riêng năm 2012, Quang còn giành thêm giải Nhất cuộc thi piano Val Tildone tại Piacenza, Italia.
 Bài: Thư Quỳnh
Ảnh: Tuấn Anh