Khi '5 người đàn bà hát' chung sân khấu
Thứ Tư, 18/11/2015 18:55(Thethaovanhoa.vn) - Cho dù họ đã từng đứng chung sân khấu trong quá khứ, từng lẻ tẻ tham gia cùng nhau những chương trình đại nhạc hội trước đây nhưng sự kiện một chương âm nhạc dành riêng cho 5 ngôi sao lớn của âm nhạc Việt sẽ được tổ chức trong 3 ngày 20, 21, 22/11 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) tới đây, cũng vẫn gây được sự chú ý đặc biệt.
Sự chú ý lớn nhất dành cho họ, nhiều khi không chỉ đơn thuần là âm nhạc, mà còn như biểu tượng cho những giá trị trở về. Cả Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Trần Thu Hà đã đi qua thời đỉnh cao của mình. Tuy vậy, cho dù thời đại nào cũng có sự thoái trào và ở đỉnh cao nào cũng có ngày bị san lấp nhưng âm nhạc Việt bấy lâu ít ai lên được ngọn và ngự trị dài lâu hơn họ.
Lối cũ họ về
Điều hấp dẫn nhất của Master Of Symphony sắp diễn ra tới đây tại TP.HCM, là gì? Đó là viêc gợi lại những ký ức của một thời nhạc trẻ hoàng kim, được kể xuyên suốt và liền mạch tại một nơi mà sự nghiệp của 5 giọng hát, trong đó 4 được ngầm phong như những “diva nhạc Việt”, được thăng hoa: TP.HCM.
Mỹ Linh
Thời hoàng kim của nhạc trẻ Việt Nam với nhiều người chính là cột mốc Làn sóng xanh ra đời năm 1997. Nhưng để ra được cột mốc ấy, đã có những âm thầm chuẩn bị từ trước đó.
Hồng Nhung với Cho em một ngày của Dương Thụ tại chương trình Tuổi 20 vào năm 1995 khiến khán giả ở Nhà hát Hòa Bình vỗ tay yêu cầu “bis” (hát lại). Mỹ Linh với Trên đỉnh phù vân của Phó Đức Phương gây náo động tại chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 5. Cùng lúc ấy, một loạt các chương trình nhạc trẻ ra đời, từ CLB Bạn yêu nhạc của Đài TNVN và VTV, cho đến live show Top Hits của Bến Thành Vafaco - nơi lần đầu tiên đem ra ánh sáng cặp đôi âm nhạc một thuở, Thu Phương - Huy MC. Và Thanh Lam trước đó đã có Đêm huyền diệu với ban nhạc Phương Đông, cũng lại là ngôi sao nhạc nhẹ đầu tiên có live show xuyên Việt…
Trần Thu Hà
Đến bây giờ, tại TP.HCM dường như vẫn chưa có chương trình ca nhạc nào cháy vé suốt 4 đêm tại Nhà hát Hòa Bình (hơn 2.000 chỗ) như Tiếng hát Mỹ Linh vào năm 1998. Năm 1999, tình hình tương tự như thế đã diễn ra với live show Em và tôi của Thanh Lam…
Nhưng đó là 10-15 năm trước. Giờ đây, thị trường ấy co cụm vào 2 mảng chính: event và phòng trà. Đồng thời, trung tâm ca nhạc của cả nước cũng đang phải chứng kiến sự thoái trào khi phải nhường sân chơi cho các địa phương khác, nhất là Hà Nội, khi hàng loạt show diễn lớn, kể cả các show quốc tế, đều chọn Hà Nội, hoặc Bình Dương để dừng chân thay vì TP.HCM. Nhà hát Hòa Bình uy danh một thuở giờ phải chuyển qua khai thác chiếu phim…
Giờ đây, Master Of Symphony xuất hiện, chính trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình, liên tục 3 đêm - khiến không ít người yêu nhạc Việt bật lên câu hỏi “Tại sao?”.
Hồng Nhung
Hai năm trước, In The Spoltlight từng đưa vào Nhà hát Hòa Bình chương trình Trịnh Công Sơn với các diva nhưng phút cuối phải phát vé miễn phí để lấp kín nhà hát. Đó là một điều trước đây chưa từng xảy ra với những tên tuổi lớn. Mới đây, cũng chính chương trình này phải hủy show diễn của danh ca Peabo Bryson tại TP.HCM (chỉ diễn tại Hà Nội) cũng vì chuyện bán vé. Một loạt những chuỗi live show truyền hình trực tiếp (không bán vé) như Dấu ấn hay Sol vàng cái thì hạ màn, cái thì phát lại. Những hồ hởi ban đầu, đã nguội dần.
Các live show đẳng cấp gần như né hẳn thị trường TP.HCM. Bây giờ muốn nghe Mỹ Linh phải đến phòng trà Đồng Dao, muốn xem live show Tuấn Ngọc, Elvis Phương hay Lệ Thu phải xuống tận Biên Hòa. Muốn thưởng thức Lê Uyên chỉ còn cách đến nghe tại phòng trà Văn Nghệ…
Thanh Lam
Những giá trị cũ, tính uyên thâm, sự truyền cảm và cái đẹp của âm nhạc đã bị thay thế bởi cái mới, khác biệt hơn nhưng dễ dãi hơn. Ngày hôm nay, sự vô nghĩa, ngô nghê, hào nhoáng lại đang được đưa lên như cái hay nhất của nghệ thuật biểu diễn.
Và vì thế, với sự xuất hiện chung cùng nhau của 5 ngôi sao ca nhạc trong chương trình Master Of Symphony, được kỳ vọng nhiều hơn chỉ là sự hội ngộ hiếm hoi của 5 giọng hát vàng.
Bởi đã quá lâu, thị trường biểu diễn tại TP.HCM đã mất đi các chuẩn mực thẩm mỹ, công chúng không có cách nào để thẩm định được tinh phẩm hay phế phẩm. Và các live show cứ bị trượt dài vào sự cũ kỹ, lặp lại và sự nôn nóng “leo” vào các chương trình truyền hình để tìm kiếm công chúng. Nó đang thiếu những điểm tựa.
Thu Phương
Tất nhiên để làm được việc lớn này, phải có tiềm lực (kinh tế) mạnh. Cái bắt tay giữa nhà tổ chức Vietvision của ca sĩ Hà Anh Tuấn với thương hiệu bất động sản Masteri đã đem tới 3 đêm Master Of Symphony đang được nhiều người chờ đợi. Và nghe nói, sự hợp lực này không chỉ dừng lại ở 3 đêm nhạc.
Liệu có sớm chăng để hy vọng đó sẽ là một dấu ấn tích cực với làng nhạc Việt lúc này, ở trung tâm nhạc nhẹ cả nước?
Khi xuất hiện đơn lẻ, họ là đặc biệt, khi xuất hiện cùng nhau thì đó là hiện tượng.
|
The Master Of Symphony
được xây dựng như một thương hiệu nghệ thuật đẳng cấp thường niên của
thương hiệu bất động sản Masteri kết hợp cùng Công ty Vietvision. Trong
lần tổ chức đầu tiên năm nay, chương trình có sự xuất hiện của Thanh
Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà. Họ là những ngôi sao
đại chúng đầu tiên của nhạc nhẹ Việt Nam, 5 giọng hát đỉnh cao với vô số
những bản “hit” nổi tiếng. Chương trình sẽ diễn ra vào 3 ngày: 20, 21,
22/11 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).
|
Bài: Nguyên Minh/ Ảnh: Vietvision
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét