“CHIA TAY HOÀNG HÔN” – THANH LAM HÁT CHO NHỮNG KÍ ỨC TÌNH YÊU CỦA TÔI.
Một chiều đầu tháng 11, trong cái se se của cơn mưa vừa đi qua, đứng
trước ban công thưởng thức cái khoảng khắc giao mùa tuyệt đẹp của thiên
nhiên, đất trời, lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc tản mạn khó tả mà
miệng thì đã vô thức ngân nga mấy câu hát lúc nào không biết:
“Em phải về thôi, xa anh thôi
Hoàng hôn yên lặng cũng theo về…”
Sức mạnh của văn nghệ là thế đấy. Khi say mê một tác phẩm, ta thường
vận nó vào hoàn cảnh của chính mình. Tôi say mê “Chia tay hoàng hôn” lúc
nào không biết. Bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến lần đầu tiên đến với tôi
qua CD “Giọt…Lam” (2006) của ca sĩ Thanh lam, mà anh, mối tình đầu tiên
thuở học trò ngây dại, đã tặng cho tôi cũng vào cái lúc cuối thu-đầu
đông như thế này. Thời gian vô tận nhưng có thể đong đếm bằng những
ngày, những tháng, những năm. Nhưng những cảm xúc tình yêu của một thời
đã qua lắng đọng trong tâm hồn thì không tài nào đong đếm xuể. Năm tháng
cứ thế trôi đi, “Chia tay hoàng hôn” với giọng hát đầy ám ảnh của Thanh
Lam cứ thế sống mãi trong kí ức tôi, lắm lúc như buổi chiều hôm nay lại
một lần nữa lại khiến tôi thổn thức.
Sau khi biết đến bản thu ở CD
“Giọt…Lam”, tôi cũng từng tìm nghe “Chia tay hoàng hôn” trong những bản
thu âm trước Thanh Lam đã từng thể hiện. Nhưng bản ở CD này của chị lại
vẫn khiến tôi say mê hơn cả. Ở bản thu này, Lam lồng ghép vào đó những
cung bậc cảm xúc rất khác, có lúc bỏ nhỏ tưởng chừng rất vô tâm, dửng
dưng: “Em phải về thôi, xa anh thôi…” lại có lúc khắc khoải, tha thiết:
“Chia tay anh chia tay hoàng hôn…” để đến cuối cùng còn lại là sự đơn
độc, chơi vơi: “Gửi lại cho anh trái tim thắp lửa…,một nửa vầng trăng”.
Thời điểm Lam ra đĩa “Giọt…Lam”, chị đã qua rồi cái thời tuổi trẻ 20-25
hừng hực, chị cũng chưa đến cái độ 45-46 thích cái an nhàn, bi ai, cao
cả của Phật pháp như bây giờ. Thời điểm ấy, chị mãnh liệt vừa đủ, cháy
bỏng vừa đủ, đằm thắm vừa đủ và cũng trải đủ những dang dở để chuyển tải
cái cô đơn, bồi hồi, khắc khoải sâu lắng của “Chia tay hoàng hôn”. Tạm
biệt đấy nhưng chị hát nghe như lời vĩnh biệt. Nền nhạc phối khí nhẹ
nhàng, đơn giản đã làm tôn lên giọng ca vang, đầy nội lực, cháy bỏng của
Thanh lam rồi cộng hưởng cùng giọng ca ấy mở ra cho “Chia tay hoàng
hôn” một sức sống mới theo khuynh hướng Acoustic mang đậm dấu ấn thời
đại.
Khác với những bản thu khác, cái đặc sắc nhất của “Chia tay
hoàng hôn” trong CD này là Thanh Lam có đọc một vài dòng tự sự lồng vào
bài hát:
“Xa anh, em như trưa nắng đi trên cát
Thèm một dòng sông những cánh đồng
Xa anh, em như người hát sau đêm hát
Chỉ thấy gió bên những tấm phông
Giọt nắng cuối ngày rơi
Còn lại em
Hoàng hôn”
Bốn câu đầu là lời trong bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của thi sĩ Hoài
Vũ, những câu sau là lời của chị. Những câu đầu chị đọc với giọng nhịp
nhàng, dàn trải thì đến những câu sau, giọng điệu chuyển sang ngắt quãng
nghe chơi vơi, nghẹn ngào làm sao. Vừa hát vừa đọc, Thanh Lam đã thể
hiện “Chia tay hoàng hôn” như kể chuyện, tâm tình gần gũi, làm lay động
biết bao trái tim khán giả yêu văn nghệ, tạo nên một sức sống mãnh liệt
cho một bài hát, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Cái tôi của thi sĩ,
cái tôi của nhạc sĩ và của nghệ sĩ trình bày như đã bắt lấy nhau, hòa
vào nhau làm một cùng tôn tạo cho bài hát.
Sắp tới Thanh Lam sẽ vào
Sài Gòn hát cho chương trình “The Master Of Symphony”. Chương trình được
tổ chức tại Nhà Hát Hòa Bình vào những đêm 20, 21 ,22 của tháng 11 năm
nay. Lại một chương trình nghệ thuật có tầm được tổ chức, trên những
thang âm của dàn nhạc giao hưởng, Thanh Lam sẽ lại hát ra tiếp cái đàn
bà rực cháy, khao khát yêu đương của chị. Sau bao năm tháng thăng trầm
của nền nhạc nhẹ nước nhà, đây cũng là dịp tôi và hàng triệu khán giả
yêu nhạc lại được nhìn thấy sự hội ngộ của 5 nữ danh ca trên cùng một
sân khấu. Lam, Nhung, Phương, Linh, Hà, mỗi người một màu sắc âm nhạc,
họ sẽ cùng nhau kể tiếp những câu chuyện đời nghệ sĩ của mình, hứa hẹn
đem đến cho khán giả một đêm nhạc hoành tráng."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét