Thứ Năm

Nhạc sĩ yêu thơ và lai lịch bài “Khát vọng”

 Nhạc sĩ yêu thơ và lai lịch bài “Khát vọng”
 
... Nhưng lúc đó, bài hát chưa gây được sự chú ý. Mãi đến năm 1997, trong chương trình Làn sóng xanh, với bản phối của Quốc Trung, chính con gái của nhạc sĩ Thuận Yến là ca sĩ Thanh Lam đã khiến khán giả “sởn gai ốc” khi nghe ca khúc này. Những khát khao nồng cháy mà tác giả thơ và nhạc gửi gắm, muốn thể hiện đã được Thanh Lam thấu cảm, để có những giây phút biểu diễn thăng hoa. Còn một chi tiết khác ít người biết, chính Thanh Lam là người đã đặt tên cho ca khúc này. Lúc đầu nhạc sĩ Thuận Yến đặt tên cho bản nhạc là “Tình yêu”, sau đó với sự trẻ trung tràn đầy năng lượng sống, Thanh Lam đã đề xuất đổi thành “Khát vọng”. Ngay lập tức, nhạc sĩ Thuận Yến thấy nó quá chính xác khi tựa đề ấy “nói” được nhiều điều.



ANTĐ - Nhắc tới Thuận Yến, dường như mỗi người trong chúng ta đều có thể dễ dàng kể tên ít nhất một vài ca khúc của ông, từ: Mỗi bước ta đi, Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác, cho tới: Người về thăm quê, Gửi em ở cuối sông Hồng, Màu hoa đỏ, Chia tay hoàng hôn, Khát vọng… Âm nhạc Thuận Yến từ lâu đã đi vào tâm hồn khán giả, qua những con đường khác nhau. 

Nhạc sỹ Thuận Yến thời trẻ
Tìm nhạc trong thơ


Tết Ất Mùi này là cái Tết đầu tiên kể từ lúc nhạc sĩ Thuận Yến rời xa gia đình và những khán giả mến mộ ông. Ngày 24-5-2014 nhạc sĩ qua đời ở tuổi 83, sau một thời gian dài điều trị bệnh. Nhớ về Thuận Yến, tôi vẫn không quên được một con người nho nhã, nhẹ nhàng trong từng lời nói. Đặc biệt, nét chữ ông rất đẹp. Và những dòng tâm niệm của ông về âm nhạc, đó cũng chính là lời ca khúc “Trái tim bình dị” mà ông viết năm 1985 ở Núi Thành: “Anh không muốn tim mình hoá đá/ Anh không muốn mình đứng trên cao/ Anh muốn làm trắng trong hạt cát đêm nằm nghe biển hát rì rào. Anh không muốn tim mình buốt giá/ Khi quê hương nhịp sống đang lên/ Xin bạn đừng gọi tên/ Anh chính là bài hát/ Khúc dân ca đất nước yêu thương”.

Tôi nhớ lần đến thăm nhạc sĩ Thuận Yến. Trong nhà ông có một giá sách với rất nhiều tập thơ. Thơ về quê hương đất nước cũng có, mà thơ tình cũng rất nhiều. Đọc thơ với nhạc sĩ Thuận Yến từ lâu như một nhu cầu. Nhu cầu tìm kiếm cái mới. Vì làm nghệ thuật là phải có được những ý tưởng mới lạ. Trong nghề viết ca khúc, nếu mình không tự nghĩ ra được thì thơ ca chính là một con đường, một sự gợi ý để âm nhạc cất lên tiếng nói. Rất nhiều bài hát được nhiều người yêu thích của Thuận Yến  chắp cánh từ những vần thơ. Có “Vầng trăng Ba Đình” sau khi ông đọc bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh;  “Đi trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn” nảy ra từ thơ Hoài Vũ; “Màu hoa đỏ” bừng nở từ thơ Nguyễn Đức Mậu… Ca khúc “Khát vọng” cũng được hình thành sau khi ông đọc bài thơ của thi sĩ Đoàn Thị Lam Luyến.

Tâm hồn đồng điệu

Nhạc sĩ Thuận Yến từng kể, ông viết “Khát vọng” năm 1993, sau khi được nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến tặng tập thơ “Lỡ một thời con gái” của bà. Đọc tập thơ này, ông rất tâm đắc với bài thơ “Gửi tình yêu”. Bài thơ dài 20 câu, trong đó có những câu khiến nhạc sĩ xúc động: Ta đã gửi cho anh/  Một con tim dào dạt/ Và anh trả cho ta/ Nỗi buồn đau tan nát/ Ta muốn ôm cả đất/ Ta muốn ôm cả trời/ Mà sao không yêu trọn/ Trái tim một con người?”.

Bài thơ khiến ông bùi ngùi nghĩ về tình yêu, tình người, và suốt từ lúc đọc nó, ông bị ám ảnh. Đoàn Thị Lam Luyến khi đó đã rất nổi tiếng với những bài thơ về tình yêu, về khát vọng được yêu, về “chồng chị, chồng em”. Thơ bà cũng được rất nhiều người thuộc, chép trong sổ tay như một tấm tình tri kỷ. Điều ấy càng thôi thúc Thuận Yến, càng khiến ông suy nghĩ để tìm kiếm một tứ nhạc chắp cánh thêm cho những vần thơ da diết ấy bay lên. Và không quá lâu sau đó, Thuận Yến đã tìm được cách để “hoá giải” cho chính mình. Ông đã dùng nhịp 4/4 để viết, với sự khát khao nồng cháy, khắc khoải đớn đau như chính tinh thần của bài thơ nữ thi sĩ đã viết. Và trong từng câu thơ, nhạc sĩ cũng không sửa nhiều, ông chỉ thay đổi một số câu chữ cho phù hợp hơn với giai điệu và tính chất của ca khúc. Đặc biệt, ông sử dụng điệp khúc “Em muốn ôm cả đất/ Em muốn ôm cả trời, mà sao anh ơi, không ôm nổi trái tim một con người…” để xoáy sâu vào lòng người, khiến ai cũng cảm nhận được nỗi nghẹn ngào, da diết. Nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ nhiều, nhưng “Khát vọng” là một trong những ca khúc ông ưng ý nhất. Nó thực sự là cuộc giao duyên của những tâm hồn đồng điệu.

Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu “Khát vọng” được Cẩm Vân thể hiện. Nhưng lúc đó, bài hát chưa gây được sự chú ý. Mãi đến năm 1997, trong chương trình Làn sóng xanh, với bản phối của Quốc Trung, chính con gái của nhạc sĩ Thuận Yến là ca sĩ Thanh Lam đã khiến khán giả “sởn gai ốc” khi nghe ca khúc này. Những khát khao nồng cháy mà tác giả thơ và nhạc gửi gắm, muốn thể hiện đã được Thanh Lam thấu cảm, để có những giây phút biểu diễn thăng hoa. Còn một chi tiết khác ít người biết, chính Thanh Lam là người đã đặt tên cho ca khúc này. Lúc đầu nhạc sĩ Thuận Yến đặt tên cho bản nhạc là “Tình yêu”, sau đó với sự trẻ trung tràn đầy năng lượng sống, Thanh Lam đã đề xuất đổi thành “Khát vọng”. Ngay lập tức, nhạc sĩ Thuận Yến thấy nó quá chính xác khi tựa đề ấy “nói” được nhiều điều.
Hoàng Thu Phố

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét