11/09/15 07:03
Một Thanh Lam bản năng, nội lực; một
Hồng Nhung nhẹ nhàng, sâu lắng; một Mỹ Linh nồng nàn, tinh tế và một
Trần Thu Hà điêu luyện, “điên dại”. Đó là bốn nữ ca sĩ đầu tiên của Việt
Nam được công nhận là diva, những người đã và đang tạo ra một sức mạnh
vô hình trong làng nhạc Việt Nam. Sức mạnh vô hình đó có được là nhờ
những sản phẩm âm nhạc đích thực và sự ảnh hưởng đến các thế hệ ca sĩ đi
sau.
Bốn nữ ca sĩ đầu tiên của Việt Nam được xưng tụng với danh hiệu "diva".
Truyền thông tôn vinh
Danh
hiệu diva trên thế giới hay ở Việt Nam nhìn chung đều bắt nguồn từ
truyền thông mà cụ thể là báo chí nhằm để chỉ những nữ danh ca có tầm,
có tài và có sức ảnh hưởng lớn không chỉ đối với công chúng mà còn đối
với thế hệ ca sĩ đi sau. Danh hiệu diva chỉ trở thành “thương hiệu” của
nữ ca sĩ nào đó khi được báo chí tôn vinh, công chúng đón nhận.
Trên
thế giới khi nhắc đến danh hiệu diva người ta sẽ nghĩ ngay đến Whitney
Houston - diva mọi thời đại, Celine Dion - nữ hoàng nhạc Pop, Mariah
Carey - “họa mi nước Mỹ” và Madonna - Material girl. Có thể nói đây là
những diva mà sức mạnh âm nhạc đã được cả thế giới công nhận bằng chứng
là sức ảnh hưởng của họ lan tỏa toàn thế giới, thậm chí “bộ tứ” diva thế
giới này còn là thần tượng của không ít các ca sĩ đã thành danh của
Việt Nam như Mỹ Linh, Thu Minh, Tùng Dương… Và danh hiệu diva thực sự có
một sức mạnh vô hình, sức mạnh đó bắt nguồn từ tài năng của người nghệ
sĩ, từ bệ phóng của truyền thông và quan trọng hơn cả là sự đón nhận của
công chúng. Một diva có sức mạnh âm nhạc sẽ trở nên bất tử.
Madonna là một trong những nữ diva quốc tế có ảnh hưởng đến nhiều ca sĩ Việt.
Việt
Nam cũng vậy, dẫu không được một tổ chức nghiên cứu âm nhạc nào công
nhận hay những tin nhắn bình chọn - cái mà quá phổ biến hiện nay nhưng
từ khi danh xưng diva xuất hiện vào Việt Nam (những năm đầu thế kỉ XXI)
thì nó đã là “thương hiệu” gắn liền với bộ tứ Thanh Lam - Hồng Nhung -
Mỹ Linh - Hà Trần, bốn nữ danh ca tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam
đương đại. Truyền thông tôn vinh, công chúng công nhận và họ là diva.
Không
phải ngẫu nhiên mà báo chí công nhận các nữ ca sĩ tài năng là diva,
trước hết điều đó thể hiện chức năng văn hóa của báo chí. Cụ thể trong
Cơ sở lí luận báo chí - Nhà xuất bản Lao động, PGS - TS Nguyễn Văn Dững
có viết: báo chí phải “cổ vũ, khích lệ năng lực sáng tạo giá trị mới;
đồng thời truyền bá và nhân rộng nhân tố mới, giá trị mới, động viên
tính tích cực xã hội của con người” (trang 194). Báo chí thể hiện chức
năng văn hóa còn nhà báo thể hiện mình là một nhà truyền thông khi “vận
động xã hội có khả năng thuyết phục công chúng xã hội” (trang 303). Ở
đây là vận động và thuyết phục công chúng công nhận Thanh Lam, Hồng
Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần là diva Việt Nam.
Thanh Lam từng được xem là diva xứng đáng nhất trong các diva Việt.
Như
vậy ý kiến cho rằng diva là mỹ từ của báo giới và không công nhận ai là
diva thật không thỏa đáng. Cả bốn ca sĩ đều mang trong mình một cá
tính, một bản lĩnh, một tài năng âm nhạc cũng như thống trị một giai
đoạn nào đó với sức ảnh hưởng sâu rộng tới nền âm nhạc. Đó chính là sức
mạnh âm nhạc mà chính các nữ ca sĩ đã tạo ra bằng tài năng đích thực của
mình. Vì vậy họ xứng đáng được truyền thông tôn vinh là diva Việt.
Tranh cãi và công nhận
Được
truyền thông công nhận một cách rộng rãi nhưng cũng không phải là không
có tranh cãi cho danh hiệu diva Việt Nam. Thậm chí sự bàn luận về danh
hiệu diva ở Việt Nam trên truyền thông còn nhiều hơn những gì truyền
thông đã làm với danh hiệu diva thế giới như Whitney Houston, Mariah
Carey, Celine Dion hay Madonna. Sự tranh cãi phần lớn diễn ra ở giới
trong nghề bởi hơn ai hết những thành viên trong làng nhạc hiểu rằng
danh hiệu diva gắn liền với một sức mạnh vô hình. Sức mạnh đó là chỗ
đứng, là vị trí trong làng nhạc Việt.
Có
người không công nhận “tứ trụ” Lam - Linh - Nhung - Hà là diva vì cho
rằng họ chưa đủ tầm cỡ nếu so sánh cùng các diva thế giới với Grammy,
với sức ảnh hưởng khổng lồ tới người hâm mộ. Lập luận này cũng đúng bởi
ví như so với Whitney Houston người vẫn được gọi là “super, super diva”
với vô số giải thưởng từ Emmy đến Grammy thì thật sự sức ảnh hưởng của
diva Việt còn quá nhỏ. Nhưng cũng lại xin bàn rằng báo chí nước ta chưa
một lần tôn “bộ tứ” này là diva thế giới mà đơn giản chỉ gọi là diva,
diva Việt Nam. Và Việt Nam thì Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần
là những tên tuổi xứng đáng hơn ai hết. Như vậy sự so sánh diva Việt Nam
với diva thế giới về tầm cỡ, về giải thưởng để rồi đánh giá có nên công
nhận là diva hay không xem ra cũng là khập khiễng.
Danh hiệu diva giúp Hồng Nhung đứng vững hơn trong làng nhạc.
Đã
hơn mười năm khái niệm diva du nhập vào Việt Nam cũng đồng nghĩa với
việc hơn mười năm bộ tứ Lam - Linh - Nhung - Hà được tôn vinh là diva.
Và tất cả họ đều mang bản lĩnh hay nói cách khác là sức mạnh của một
diva lên sân khấu suốt mười năm nay. Điểm đặc biệt là những sản phẩm âm
nhạc có giá trị, gây tiếng vang, thậm chí trở thành hiện tượng hơn thập
kỷ qua cũng chủ yếu là do “bộ tứ” này sở hữu (ví như Nhật thực, Chat với Mozart, Đối thoại 06).
Cả bộ tứ diva đều điêu luyện trong kỹ thuật thanh nhạc, làm chủ được
sân khấu và tinh tế trong từng lời ca. Chính vì vậy mà cả bốn nữ ca sĩ
đều đứng vững trong làng nhạc Việt Nam với số lượng người hâm mộ trung
thành và ổn định mặc cho nhiều ca sĩ “sớm nở tối tàn”.
Danh
hiệu Diva đã trở thành “thương hiệu” của Thanh Lam - Mỹ Linh - Hồng
Nhung - Hà Trần mà không còn điều gì phải bàn cãi. Trên những sân khấu
âm nhạc ban tổ chức giới thiệu họ là diva; đồng nghiệp cũng tôn trọng,
nể phục họ như những diva; trên những bài báo, nhà báo gọi họ là diva và
hơn cả đông đảo khán giả công nhận họ diva. Cũng có nghĩa rằng danh
hiệu diva Việt và sức mạnh âm nhạc của bốn ca sĩ hàng đầu nhạc nhẹ Việt
Lam - Linh - Nhung - Hà luôn được công nhận.
Lê Đức
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét