Nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật của cố nhạc sĩ Thuận Yến, có thể thấy tên tuổi của ông gắn liền với những khoảnh khắc thăng trầm của lịch sử. Lấy cảm hứng từ người chiến sĩ cách mạng, trên mỗi bước đường hành quân, Thuận Yến đã viết nên những ca khúc hay nhất về người lính, về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Cho đến khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Thuận Yến đã có 11 ca khúc viết về người mẹ Việt Nam (Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Người mẹ quê tôi…), 23 ca khúc viết về người chiến sĩ (Mỗi bước ta đi, Màu hoa đỏ, Gửi em ở cuối sông Hồng…), 24 ca khúc viết về tình yêu (Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Khát vọng…), 41 ca khúc về đất nước và các miền quê, 5 ca khúc về bạn bè quốc tế và 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà bài nào cũng hay, cũng đi vào lòng người và được người hâm mộ nhắc nhớ.
Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT  Thanh Hương đã sinh thành và cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà hai người nghệ sĩ tài năng.
Cho đến hiện tại, Thuận Yến đang giữ kỷ lục là người có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình”… đã ghi danh tên tuổi Thuận Yến vào nền âm nhạc dân tộc với nhiều giải thưởng lớn nhỏ.
Điểm lại chặng đường âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến, có thể kể ra những mốc son quan trọng làm nên một “tượng đài âm nhạc” của dân tộc.
Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15.8.1932 (theo thông tin gia đình cung cấp), quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 1949, ông bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ với tư cách là cán bộ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V. Sau đó, Thuận Yến theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc VN và bắt đầu sáng tác những ca khúc được đồng bào ta yêu thích lúc đó: "Ba lô ta buộc cho chặt", "Vành lá ngụy trang rất xanh"...
Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thuận Yến đã lên đường trở lại chiến trường và tiếp tục cho ra đời những ca khúc bất hủ: Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin, Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc.
Sau khi hoàn thành các khóa học ở Nhạc viện Việt Nam, nhạc sĩ Thuận Yến tiếp tục vào lại chiến trường chiến đấu, mang theo mối tình với cô sinh viên nhạc viện xinh đẹp Thanh Hương. Năm 1968, sau 8 năm yêu nhau, nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương đã tổ chức lễ cưới giản dị tại chiến trường khốc liệt – Bình Trị Thiên.
Tuy nhiên, NSƯT Thanh Hương phải trở lại Hà Nội để điều trị bệnh và đôi vợ chồng trẻ phải chia tay nhau sau khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi. Và chính cuộc chia tay đó là nguồn cảm hứng để Thuận Yến sáng tác nên một tình khúc bất hủ - Chia tay hoàng hôn. Chính nhờ ca khúc này, mà sau này Thanh Lam (con gái nhạc sĩ Thuận Yến) đã bước lên bục vinh quang nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ năm 1991.
Hình ảnh nhạc sĩ Thuận yến trong đêm liveshow   “Thuận Yến - Tình yêu không lời”, được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2009.
Sau khi hòa bình lập lại, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật, và cho ra đời những ca khúc về chủ đề tình yêu, cuộc sống lao động. Và sau này, dành nhiều tình yêu cho cô con gái nhỏ - Thanh Lam, nên mỗi sáng tác của ông đều là mòn quà dành tặng cho “thiên thần bé nhỏ” của mình. Những ca khúc Em tôi, Khát vọng, Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Đợi chờ, Tự sự,... đã gắn liền với tên tuổi Thanh Lam và khẳng định sự phát triển của dòng nhạc nhẹ trong nền âm nhạc Việt.
Trong suốt chặng đường sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ, Thuận Yến đã nhận được nhiều giải thưởng: “Vầng trăng Ba Đình” (Giải nhất ca khúc của Bộ văn hoá, 1987), “Màu hoa đỏ” (Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng, 1994), “Chia tay hoàng hôn” (Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói VN).
Đáp lại tình cảm và trân trọng những đóng góp của Thuận Yến với nền âm nhạc dân tộc, năm 2009, các con ông – diva Thanh Lam và DJ Trí Minh - đã thực hiện liveshow “Thuận Yến - Tình yêu không lời” dành tặng cha. Một liveshow giản dị, nhưng ấm áp khi khán phòng của Nhà hát Lớn Hà Nội lúc đó đã chật kín người, khán giả vỗ tay không ngớt sau mỗi màn trình diễn của các ca sĩ.
Và dù nhạc sĩ Thuận Yến đã ra đi, nhưng những ca khúc của ông sẽ còn sống mãi với thời gian. Ông đã trở về với đất mẹ, nhưng câu hát ông mãi để lại cho đời!