Thứ Tư

Thanh Lam Trên Đường Về Tình Ca

Thanh Lam Trên Đường Về Tình Ca

Người đàn bà làm sao bão tố cuối cùng hứng chịu tất cả những bão tố ấy. Đấy là số phận, thì cứ xem là thế. Song, mai sau dù có bao giờ, khi bão tố đã lặng im, thì Lam ạ, tôi sẽ tìm em ở đâu?
Em đang ở trên đường trở về tình ca, Lam nói đơn giản, và thậm chí thản nhiên. Câu nói thắp cho tôi một hy vọng. Đến với tình ca, tôi sẽ gặp em.
Đấy cũng là câu nói khơi mở tạp bút này.
Chúng tôi không thân nhau, sau mười năm quen biết. Kể ra điều này cũng tốt, cho cả hai. Với tôi, tôi sẽ nhẹ lòng hơn khi chỉ đứng nhìn Lam từ xa, không phải nhận chịu những cơn bão, không phải thách thức cái bản năng sinh-ra-bão, không trở thành người cật ruột để Lam trút vào đấy những hồ nghi, những giận dữ thường là vô cớ. Với Lam, cô sẽ tìm thấy ở tôi lời nói không e dè và ánh nhìn lãnh đạm mà người thân cận sẽ tránh đi – chưa chắc tôi đã giúp được gì cho Lam qua lối ứng xử kiểu này, nhưng tôi tin cô sẽ chú ý nghe tôi hơn, vì tôi không-quen-thuộc. Lời tán dương có lẽ đã quá thừa cho cho cô, nào những người đàn bà hát với lại diva với lại tầm cỡ quốc gia với lại đại diện xứng đáng. Lam cần, hiện giờ là một tia sáng soi đường về tình ca.

Nhìn lại sự nghiệp Thanh Lam, tôi thấy có hai cột mốc đáng lưu tâm: “Em Và Tôi” và “Mây Trắng Bay Về”. Trước “Em Và Tôi” (1998), Lam vẫn chỉ là người tập hát, người dao động giữa nhiều cung cách hát hết sức khác nhau, người lao đi trong một đường bay vô định mà tốc độ bay chỉ được nuôi bằng duy nhất niềm đam mê. Ngay cả khi trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên làm live concert, Lam vẫn còn chông chênh giữa những chuẩn mực jazz đương đại và lối hát rock ồn ào, bản năng. Tôi bất ngờ biết bao khi nghe đĩa “Em Và Tôi” “US version” (dòng chữ in trên bìa đĩa) và thán phục cái kiến thức âm nhạc mà Quốc Trung đã xây cho Lam. Trong toà kiến trúc ấy, Lam hiện ra độc sáng, mà mị và sang cả bằng “Cho Em 1 Ngày”, “Hoa Tím Ngoài Sân”, “Giọt Nắng Bên Thềm”, “Chia Tay Hoàng Hôn”. Vẫn là bản năng hoang dã, nhưng đây là bản năng đã kết tinh.
Còn Mây trắng bay về (2001) là một tác phẩm thu âm hoàn thiện về kỹ thuật. Nhờ một đường hướng world music hợp lý, một phong vị hoà âm tối giản mà gây hiệu ứng sâu rộng, Lam đã không cần dụng công tạo ra bão tố nữa. Cô hát giản dị, phẳng, mà gợi tình đến thống thiết. Lời hát của một người đàn bà chinh phục. Lời hát của hoang dã. Tôi luôn có cảm giác này mỗi khi nghe lại “Gọi Anh”, “Tre Xanh Ru”, “Đố Tình” và “Hồ Trên Núi”.
Mây Trắng Bay Về” đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp Thanh Lam và khép lại cái gọi là thời kỳ Phương Đông. Kể từ đó, những lần hát của cô với ban nhạc Phương Đông chỉ là những gắn kết hờ, nhạt, như một cuộc tình mà cả hai phía đều biết rõ nó không dành cho mình. Phương Đông đệm – Lam hát ở các phòng trà Sài Gòn vẫn được tán dương ồn ào từ những kẻ vô tâm, nhưng Lam chưa biết bước đường trước mặt cô (nếu quả thực cô cho là hành trình của mình vẫn còn dài) sẽ chỉ in bóng chính cô. Không có ai dẫn đường, không ai che chở.
Lam sẽ trở về với Tình ca. Lam nói, em không còn trẻ, anh cũng biết đấy, giá bây giờ em mười chín tuổi như thằng Lê Hiếu nhỉ. Đã hơn một lần, Lam muốn tôi sản xuất cho cô một album. “Một album tình ca thật giản dị thôi anh ạ. Anh cũng biết em như thế nào rồi đấy. Anh làm bài mới cho em hát đi, cũng đã lâu em chẳng hát gì mới”. Và tôi đã khất cô nhiều lần. Lần gặp gần nhất, Lam rất vui và đầy hy vọng. Đôi mắt Lam, đôi mắt hồ không có tuổi, cho tôi biết tôi không thể hẹn cô thêm nữa.
Những bài tình ca đang được tập hợp trên bàn viết của tôi. Trong bản thảo đánh số 1, tác giả Lê Hiếu đặt tựa là “Đợi Anh Về” và ghi “Tặng chị Lam”.
Ngay cả bài viết chẳng đầu chẳng cuối này, tôi cũng tặng em đấy, Lam ạ.

 Quốc Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét