Thứ Ba

Live show đâu còn như trước nữa

Live show đâu còn như trước nữa
Thứ Hai, 17/11/2008, 10:16 GMT + 7
Không rõ tại sao phải đến tận thời Thanh Lam với đêm diễn Cho em một ngày khai trương sân khấu ca nhạc Lan Anh (1997), sau đó tới lượt Hồng Nhung thắp sáng sân khấu Nhà hát Bến Thành với Bống bồng ơi, thì giới chuyên môn mới thực sự coi Việt Nam có live show cá nhân. Show riêng của Thanh Lam và Hồng Nhung mở màn cho một cuộc chơi lớn hơn, đủ lực để đẩy ca sĩ lên vị trí rực rỡ hơn, nên người ta trọng cái chữ mượn “live show” để ca tụng.


Nhìn lại những ngày vàng son của nhạc Việt, 4 diva, người nào cũng lận lưng một chương trình riêng đầy dấu ấn cá nhân, từ nhạc mục, tác giả- tác phẩm cho đến ê-kíp hòa âm, nhạc công, đạo diễn sân khấu … phía sau. Mọi thứ đều chắc và an toàn để ghi dấu ấn họ vào sử lược nhạc nhẹ Việt. Phải nói thời kỳ live show của Thanh Lam - Hồng Nhung - Mỹ Linh - Trần Thu Hà (1997- 2000) là trái ngọt của giai đoạn vàng của nhạc Việt (bởi không chỉ live show riêng của ca sĩ là thành công, mà show diễn hoành tráng cũng dễ dàng gây tiếng vang như Làn sóng xanhTop Hits, Gala 2000…). Đơn giản thời đó âm nhạc trong trẻo thực sự, nhân sự làng nhạc hồ hởi bắt tay vào chinh phục một cuộc chơi mới mẻ và có người nghe chờ đợi thực sự. Ca sĩ - nhân vật chính- không cần phải lo lắng với một lần đầu tiên, chỉ cần hát lại những thứ đã xây lên sự nghiệp của họ là đã thành một live show rực rỡ. Làng nhạc Việt vốn đã chẳng đông đúc, tinh hoa lại đếm chẳng bao nhiêu. Bấy nhiêu đó tài năng, con mắt giới chuyên môn, báo giới, dư luận, khán giả đổ dồn vào đó, khấp khởi kỳ vọng… Đôi khi tiếng tăm đã là một nửa của thành công.

Live show Dạ tiệc trắng của Đàm Vĩnh Hưng

Những năm 2000, khi một lứa ca sĩ mới ra ràng định nghĩa một khái niệm mới về ngôi sao giải trí như Mỹ Tâm, Đan Trường, Thanh Thảo, sau này có thêm Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Hồng Ngọc… Họ được xếp vào nhóm những ca sĩ ngôi sao của thị trường âm nhạc cùng với nhóm Lam Trường, Phương Thanh… thay nhau chinh phục những vị trí Top hits bảng xếp hạng, sở hữu những khoản tiền cát sê ngất ngưởng. Không hẳn là giá trị ngôi sao ca nhạc đo bằng thước đo của đồng tiền, nhưng đồng tiền đã giúp cho họ dễ dàng chinh phục các cuộc chơi lớn hơn. Thời 2002, Mỹ Tâm bỏ nhiều tỉ đồng cho cuộc chơi live show đầu đời hoành tráng bậc nhất và cũng có thể nói thành công bậc nhất về mặt khán giả cho đến nay. Cuộc chơi ấy ít nhất thỏa mãn được số đông khán giả, khẳng định được sức hút của ngôi vị số một của Mỹ Tâm chừng đó năm cho đến tận bây giờ. Giá trị lắm chứ! Những cuộc chơi khác của Phương Thanh, Lam Trường, Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng… kỳ cuộc nào cũng được đầu tư hoành tráng, sân khấu chớp tắt hào nhoáng, ca sĩ phải giống một diễn viên tạp kỹ để có thể hoàn tất được yêu cầu cuối cùng - thâu hình thu băng. Thời kỳ này, live show được xem là một “certificate” của ngôi sao, đến nỗi, tưởng sẽ ngay lập tức thành sao sau một live show, không ít ca sĩ đã bán nhà bán xe để làm cho bằng chị bằng em.


Hai năm nay, thị trường âm nhạc lao đao khốn khó bởi sự phát triển của truyền thông đa phương tiện, điển hình là truyền hình và Internet. Nó biến âm nhạc thành một sản phẩm rẻ mạt và dư thừa. Ca sĩ như con nước, ngay lập tức tràn nhau về chỗ trũng bằng chứng là dòng chảy về Mỹ - nơi thiếu sự tươi mới của những ngôi sao ca nhạc trẻ Việt Nam. Dăm ca sĩ hải ngoại lừng danh như Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Hà… lần lượt trở về. Nhưng nhìn vào đó cũng sẽ thấy ngay, chậm mà chắc, xuất hiện chừng mực như họ còn được ưu ái. Chứ cũng ngoa ngôn, bán mặt ê chề khắp mặt báo, kênh sóng thì cũng chả mấy chốc mà mòn mặt, cất giọng hát cuối mùa thì chẳng còn ai nghe. Khán giả Việt Nam giờ đã khác, họ đã quá dư thừa đời sống văn nghệ. Không chỉ còn MTV mà còn là Chanel TV. Không chỉ còn dăm ba băng đĩa nhạc tuyển tuồn về Việt Nam mà cả một thế giới âm nhạc bao la nằm sau một tiếng click chuột. Băng đĩa live show quốc tế tràn ngập cập nhật từng ngày. Cô ca sĩ Hồ Quỳnh Hương sang tận Mỹ “học hỏi” live show Celine Dion A New Day… và kể rằng “bỗng dưng muốn khóc”. Chả phải cô ấy muốn khóc vì nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt, mà muốn khóc bởi những bước tiến kỹ thuật quá khác xa so với điều kiện ở Việt Nam. Ở nơi đó, thanh quản của nghệ sĩ là số 1, nghệ sĩ là nghệ sĩ mà thôi, mọi việc về tổ chức, dàn dựng và vận hành kỹ thuật đã có một ngành công nghệ hỗ trợ. Ở sân khấu ca nhạc Việt, Hồ Quỳnh Hương cũng là ngôi sao như ai, nhưng ngày ngày vẫn phải tự đi tập nhảy, đau đầu nghĩ chiêu trò sân khấu, áo quần, tiếp thị… Trong khi khán giả thì cũng không khác Hương lắm, cũng xem và ố á với những show diễn bom tấn của Madonna, Celine Dion, X’tina, Beyonce, Justin Timberlake… nên họ không dễ dàng bỏ qua những sai sót, những yếu kém kỹ thuật của showbiz nước nhà. Trước kia, thước đo của những diva chính là họ và sự nghiệp của họ, cùng lắm là so với nhau mà thôi. Bây giờ thước đo của dư luận của ca sĩ trong nước là nghệ sĩ quốc tế. Mà so như thế thì “chết”, so kỹ thuật làm show của ta với chương trình hải ngoại Thúy Nga Paris thôi đã thua trắng, so sao nổi với ngôi sao thời thượng của thế giới.
 Sóng đa tần của Mỹ Tâm - live show thành công hiếm hoi của show - biz Việt trong thời gian vừa qua
Thế hệ các đạo diễn như Huỳnh Phúc Điền, Việt Tú… mỗi người một cách lao ra ngoài chỉ đểm xem những quả bom tấn đó mỗi khi có dịp. Mục đích và cách hấp thụ của mỗi người khác nhau, nhưng rõ ràng họ cũng ý thức được lối vận hành của một cỗ máy live show những năm 2000 đã khác. Trình độ khán giả giờ đã khác, live show không còn là cuộc chơi chắc thắng cho tất cả nữa mà trở thành một bài toán khó. Việt Tú là người nhận lời, rồi cũng chính là người đề nghị Hiền Thục từ bỏ ý định thực hiện live show, dù cô này cũng đã bỏ riêng một khoản tiền tỉ chuẩn bị năng lượng và im lặng tập luyện trong suốt 1 năm theo yêu cầu của đạo diễn. Có thể Hiền Thục sẽ bị mang tiếng hớ khi đã trót tuyên bố thực hiện show riêng nhưng xét lại cô ấy được rất nhiều. Cô ấy đã không bị rớt một khoản tiền lớn kiếm được bằng việc mài thanh quản chỉ để dành cho một đêm diễn rất mơ hồ về kết quả. Chính Hiền Thục cũng đã nhìn lại, có thể lúc đó rất nôn nóng thực hiện show riêng, nhưng bây giờ, rất có thể không bao giờ làm nữa, hoặc chỉ đúng thời điểm cực kỳ thuận lợi cô mới chấp nhận đánh cược gia sản và sự nghiệp của mình bằng live show.
Hồ Ngọc Hà - mẫu hình mới thành công của show - biz Việt
Vẫn Việt Tú, đạo diễn này nửa năm trở lại đây bay ra bay vào Hà Nội-TP.HCM để họp bàn, trực tiếp thương lượng với nhà tài trợ cho ê-kíp sản xuất của hai ca sĩ Mỹ Linh và Hồ Ngọc Hà. Một diva và một ngôi sao giải trí hàng đầu Việt Nam nhưng cũng chẳng được đối xử khác cô Hiền Thục. Tất cả mọi việc chuẩn bị đều rón rén, nắm bắt chắc từng đầu dây công việc: Nghệ thuật, Tài chính, Biểu diễn, Tổ chức sản xuất, Hậu đài, Khán giả… Việt Tú khẳng định, làm chương trình trong giai đoạn bão hòa thị trường đã khó, trong tình trạng lạm phát còn khó hơn. Muốn chất lượng chương trình lên cao, không thể không đầu tư vào kỹ thuật bởi đó là điểm yếu nhất. Con người có thể không thua kém, yếu thì có thể học và tiến bộ được… nhưng có những thứ như máy móc công nghệ thì không thể thay thế được. Cách làm liệu cơm gắp mắm của những Việt Tú, Phạm Hoàng Nam, Huỳnh Phúc Điền thời gian qua là hợp lý nhưng không lâu dài. Về lâu dài, sự chuẩn hóa bộ máy một cách đồng bộ là mấu chốt.
Mùa show cuối năm đã đến, nhưng nhiều phần sẽ chỉ là những show “đường ngắn” cho tên mình khỏi bị lãng, cho các fan có gì để xem, cho thời điểm bây giờ hoặc không còn bao giờ nữa. Biết vậy, nhưng vẫn có hy vọng chờ đợi những làn sóng đều đặn và mạnh mẽ của mùa sau.

 Ngày 15/11 tại sân khấu Lan Anh (TP.HCM) và sau đó, 6/12 tại SVĐ Cần Thơ, ca sĩ Cẩm Ly bỏ ra khoảng 1.5 tỷ đồng tổ chức live show đầu tiên sau 15 năm ca hát. Ngày 25/11, cũng tại Lan Anh, lần đầu tiên một nhà tạo mẫu tóc (Tuấn Hà Lan) làm live show Chuyện của tóc, đầu tư hơn 1 tỷ đồng. 29/11 tại SVĐ Quân khu 7 (TP.HCM), Đan Trường làm live show lần thứ 6 thu hút dàn diễn viên kỷ lục gần 200 người, tổng chi phí gần 2 tỷ.
Như để vớt vát một năm lao đao trong cơn khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, live show có vẻ bừng lên vào những tháng cuối năm, không chỉ có nhạc, mà cả múa, cả tóc, cả thời trang. Bắc cầu sang năm mới, sẽ có thêm ít nhất 3 live show nữa đã được rục rịch thông báo : một của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, một của nghệ sĩ múa Linh Nga, và một của nhà thiết kế Công Trí.
Nhưng live show đầu tiên của một diễn viên múa được ưu ái ví là một “Chương Tử Di của Việt Nam” dự kiến diễn ra vào tháng 1/2009 tại Hà Nội và TP.HCM gần như đã phải hủy bỏ vì sự rút lui bất ngờ của nhà tài trợ. Live show của ngôi sao kiêm nữ hoàng quảng cáo Hồ Ngọc Hà dời tới dời lui cũng bởi chưa có được cái gật đầu dứt khoát của nhà tài trợ. Show diễn lớn nhất hàng năm của giới ca nhạc cả nước mấy năm nay-Duyên dáng Việt Nam, cũng quyết định “nghỉ chơi” vào năm nay (thời điểm cuối tháng 12 và tháng 1 hàng năm bao giờ cũng là mùa Duyên dáng). Chuẩn bị cho liveshow Đan Trường và Thập đại mỹ nhân “hoành tráng để đời”, nhà sản xuất Hoàng Tuấn thú nhận nếu không có tài trợ vào phút chót cũng sẽ phải hủy, và dù đã thu hút được tới 14 nhà tài trợ và bảo trợ, ông bầu này vẫn dứt khoát từ bỏ ý định làm live show lớn tương tự trong tương lai vì…quá mệt. Không có tài trợ, Cẩm Ly đành “chấp nhận đầu tư” vì “kỷ niệm để đời cho sự nghiệp ca hát” dù biết chắc là lỗ.
Vẫn chỉ “show” (trình diễn) mà chưa thể “biz” (kinh doanh), nên dùng đến từ show-biz ở Việt Nam lúc này đã là chuyện cố ép…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét