Thứ Ba

Thời "con gái" của Nữ hoàng

Thời "con gái" của Nữ hoàng

Một dạo post lên blog bài Thời hoa đỏ Thanh Lam thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam từ rất lâu rồi, có bạn nhận xét «đây mới đích thực là Lam ‘xưa’, Lam của thời con gái ». Có lẽ đúng vậy. Nói về Lam xưa, nói về « thời con gái của Nữ hoàng Nhạc nhẹ Việt Nam » chắc phải nói từ trước thời của Chia tay hoàng hôn, tức là trước cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991. Đó là thời của các Gala 88, 89, 90, khi ấy Thanh Lam là ca sỹ của đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương, cùng lứa với Hồng Nhung, Quang Vinh, Minh Thắng, Hồng Thanh. Đồng thời Lam là thành viên của ban nhạc Hoa sữa với các thành viên giờ đã thành « gạo cội » như Ngọc Châu, Vũ Quang Trung (con trai nhạc sỹ Vũ Thanh). Thời đó Lam nổi tiếng với những ca khúc như KHI ANH YÊU EM (Vũ Quang Trung), ĐÊM ƠI ĐỪNG VỘI ĐI (Vũ Duy Cương), Nếu điều đó xảy ra (Ngọc Châu). Thanh Lam còn được biết đến với nhiều ca khúc « chính thống » như chùm ca khúc của Thuận Yến về thời kỳ hậu chiến gồm các bài Màu hoa đỏ, Nỗi đau và hạnh phúc, Trái tim bình dị ; chùm ca khúc về Trường Sa gồm các bài như Màu xanh Trường Sa, Đảo xa cánh chim ; rồi những bài như Chiều bên hồ cao nguyên (Vũ Thanh), Hành hương về xứ nghệ (Nguyễn Cường), Đất nước (Phạm Minh Tuấn), Ngày hội đầu tiên (Trương Ngọc Ninh) . 


Cái tên Thanh Lam đã xuất hiện trong đời sống ca nhạc của Việt Nam thời kỳ ấy như cặp bài trùng với Hồng Nhung mặc dù phải nói là Hồng Nhung lúc đó có phẩn nổi hơn Thanh Lam. Các nam ca sỹ trẻ hát nhạc trẻ của miền Bắc thời kỳ này quá hiếm, hình như chỉ có Minh Thắng xuất hiện chớp nhoáng rồi biến mất. Hai nữ ca sỹ trẻ của miền Bắc hát nhạc trẻ như mang đến một cơn gió (chứ không phải chỉ một làn gió) mới mẻ, tươi mát, thổi bùng ngọn lửa pop vốn mới chỉ âm ỉ hay mới chỉ hơi bập bùng cháy bằng những giọng hát của thế hệ « gạch nối » như Ái Vân, Lệ Quyên. Với sự xuất hiện của Thanh Lam và Hồng Nhung, nền nhạc nhẹ của miền Bắc chuyển hẳn sang một thời kỳ mới đầy sung mãn, sánh ngang với bầu không khí nhạc nhẹ sôi động vốn là sở trường của miền Nam với những Cẩm Vân, Ngọc Bích, Hoàng Huệ Quân, Nhã Phương, Ngọc Sơn và của miền biển Nha Trang với dàn ca sỹ đang nổi như cồn của đoàn ca múa Hải Đăng gồm Ngọc Thúy, Bách Thảo, Tú Anh, Thanh Nam và Ánh Tuyết.

Nhưng giai đoạn từ năm 91 đến khoảng 96, 97 mới là thời kỳ cực kỳ hoàng kim của giọng hát Thanh Lam. Lúc này Hồng Nhung vào Sài Gòn, giọng hát bắt đầu khác, chỉ còn một số ít bài như Tình khúc 24, Ngày mưa hãy đến với em, Hơi thở mùa xuân, Bóng tối ly cà phê là giữ được phong độ cũ. Thanh Lam ở lại Hà Nội, tiếng tăm trở nên hơn hẳn Hồng Nhung và rõ ràng là Number 1 của nhạc nhẹ Việt Nam. Giọng Lam càng ngày càng dày, sâu lắng, đằm thắm, nóng bỏng mà không quá «phá đám » và nhất là chưa « điên điên ». Nhớ nhất hồi này là những Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Tình yêu không lời, Nỗi nhớ, Im lặng đêm Hà Nội, Về miền ký ức và One moment in time, Dressed for Success, I know him so well... theo kiểu Whitney.

Người ta nhớ Thanh Lam là ca sỹ đi đầu trong cách hát nhấn nhá và phá cách. Đầu tiên phải kể đến sự đột phá trong CHIA TAY HOÀNG HÔN mà Lam hát trong đêm chung kết của hội thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991. Đoạn vocal và nhấn nhá gần như gào khóc của Lam trong đoạn interlude của chia tay hoàng hôn đã làm cả khán phòng Cung Lao động Việt Xô lặng đi. Tiếng nhấn nhá hòa với phần phối khí do Quốc Trung viết thực sự là một sự đột phá trong cách xử lý bài hát trong nhạc nhẹ thời bấy giờ. Sau này rất nhiều ca sỹ từ nam chí bắc đã « bắt chước » cách hát này của Lam. Thực ra đó không phải là lần đầu Lam hát Chia tay hoàng hôn. Lam đã thu thanh bài hát đó lần đầu từ năm 1989,90 tại đài Tiếng nói Việt nam. Cũng phải nói thêm rằng công chúng biết đến Chia tay hoàng hôn lần đầu và trở nên yêu thích ca khúc này không phải qua giọng hát Thanh Lam mà lại là Bảo Yến. Tuy nhiên dấu ấn sâu nhất sau đó đã thuộc về Thanh Lam.

Trong cuộc thi năm đó mối ca sỹ phải hát hai bài tiếng Việt, một bài nước ngoài có dịch lời Việt. Lần đó các ca sỹ hát trùng lặp bài của nhau rất nhiều. Còn nhớ rất nhiều ca sỹ hát Tìm tên anh trên bờ cát (Lâm Phương, Thùy Dung), Gõ cửa tình yêu (Hồng Thanh, Thanh Hằng). Bài hát Việt thứ hai của Thanh Lam trong cuộc thi là GIỌT NẮNG BÊN THỀM (Thanh Tùng) cũng bị trùng với Thùy Dung, Thanh Hằng (con gái NSND Thanh Huyền). Tuy nhiên, trong cách xử lý của mình bằng cách nâng tông ở đoạn cuối trong lời hai, từ chỗ « bài hát chìm trong khói thuốc từng giờ bình yên », ngay sau đó lại được nén lại trong câu thứ hai « Bài hát chìm trong lá biếc » và nghỉ một quãng trước khi từ từ nhả tiếp các chữ « cuộc-tình-đầu-tiên », Thanh Lam đã bỏ các ca sỹ thí sinh khác ở lại phía sau một khoảng quá xa. Ngay cả với đối thủ nặng ký của Lam từ nhiều năm trước đó là Hồng Nhung (người hát Hãy đến với em, Vì sao anh không đến, Nothing compares to you và đoạt giải nhất- đồng giải nhất với Mỹ Hạnh), Thanh Lam cũng tạo ra một sự phân định rạch ròi. Chung cuộc, Thanh Lam giành giải thưởng lớn (giải đặc biệt). Trong một chương trình ca nhạc phát sóng vào tối mồng 2 Tết Âm lịch năm 1992, Thanh Lam được xướng danh là NỮ HOÀNG NHẠC NHẸ của Việt Nam, mặc dù danh hiệu này lần đầu được sử dụng ở miền Bắc là để nói tới ca sỹ Lệ Quyên ( ca sỹ của Tiếng sóng, hiện đang sinh sống tại Paris).

Nhiều người bảo Thanh Lam chỉ bắt đầu "điên" từ thời Lam hát nhạc Quốc Trung, cái thời mà Lam cạo trọc đầu. Nhưng ngay cả trong thời gian này vẫn có những bài cực nuột và đằm như Hoa sữa, Em tôi, Bên em là biển rộng của các nhạc sỹ khác. Rồi đến cái thời mà có ai đó nói trên báo là Thanh Lam «hấp diêm» nhạc Trịnh. Báo chí đôi khi vẫn nói năng dễ dãi và thoải mái như vậy. Một số nhà báo đôi khi, thay vì phản ánh khách quan để dư luận được rộng đường , lại thể hiện cái yêu-ghét chủ quan của mình rất phô và thô. Yêu thì giống cách mà một cô phóng viên nào đó của VTC viết về hoa hậu Thùy Lâm, còn ghét thì giống một anh phóng viên nào đó phỏng vấn ông Vương Trí Nhàn về chủ đề «Người Việt Nam xấu xí ». Đành rằng nhạc Trịnh là dành cho « Nữ hoàng chân đất » Khánh Ly. Nhưng nói gì thì nói, Lam hát Ướt Mi quá hay, Em hãy ngủ đi cũng hay không kém. Nói vui, không phải gặp nhạc của ai Lam cũng « ấy » như thế đâu. Chẳng hạn CD Nắng lên Lam hát nhạc của Lê Minh Sơn là một sản phẩm nghệ thuật hoàn hảo. 

Có người cho rằng Ngọc Khuê hát nhạc Lê Minh Sơn hay và hay hơn Thanh Lam. Ừ thì đúng là mỗi người một khẩu vị, nhưng cách so sánh trong trường hợp Khuê và Lam chắc là để cho vui và cũng có phần động viên các bạn trẻ. Nhiều người thì lại cho rằng họ thấy thương cho Ngọc Khuê khi cái tên còn rất trẻ này đang có xu hướng trở thành một nghệ danh gắn với nhạc Lê Minh Sơn thì bỗng nhiên bị Thanh Lam giành chỗ. Chắc hẳn Thanh Lam không có ý « hạ » Ngọc Khuê và Lam cũng không cần phải làm việc đó. Sự thật là Lam hát đâu có như Khuê. Và cái sự mới mẻ hoàn toàn mà Lam mang đến cho nhạc của Lê Minh Sơn lại càng khẳng định thêm đẳng cấp của Lam. 

Thông thường các ca sỹ rất vất vả để có thể tìm được lối thể hiện mới cho mình khi mà một ca khúc đã được định hình với lối hát của một ca sỹ hát trước mình. Điều đó có thể thấy rõ ở các ca sỹ trẻ, như trường hợp của em Thu Hường trong Sao Mai Điểm hẹn 2008 (bị coi là bị bóng Hà Trần ‘đè’). Thậm chí Mỹ Linh ngày xưa cũng phải mất một thời gian rất dài mới có thể thoát được cái bóng của Thanh Lam. Còn nhớ một dạo có bài báo đã viết về Mỹ Linh rằng « ôi thế này thì chúng ta có tới 2 Thanh Lam » sau khi nghe Mỹ Linh song ca cùng Thanh Lam « Nhớ Hà Nội » ở chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam năm 1995. « Người ở người về » những tưởng phải là của Ngọc Khuê, « Ôi quê tôi » những tưởng chỉ có Tùng Dương độc quyền, ấy vậy mà tới Thanh Lam người ta lại có cảm tưởng Lam mới là người sở hữu đích thực hai bài hát đó. Đúng là nghệ sỹ có đẳng cấp là người có khả năng « khơi những nguồn chưa ai khơi ».

Thanh Lam xứng đáng với tất cả những giải thưởng và danh hiệu mà Lam đã được nhận. Danh hiệu « nghệ sỹ ưu tú » mà nhà nước phong tặng cũng như vậy. Nhưng với các fan vốn quen với một Thanh Lam phá cách, trẻ trung thì danh hiệu NSƯT gắn với nghệ danh Thanh Lam « nghe nó cứ thế nào ý, không giống mấy » ! Hình như nó làm Lam có vẻ già đi, nó sẽ khiến Lam phải giấu bớt cái « điên điên » đi ?! Và cái danh hiệu đó được xướng lên liên tục trong các đêm của Sao Mai Điểm hẹn 2008. 

Phải nói Hội đồng nghệ thuật năm nay đã để lại ấn tượng tốt cho nhiều khán giả. Họ đều có những nhận xét rất sắc sảo, chất chính xác về kỹ thuật thanh nhạc và đặc biệt rất trúng ý của nhiều khán giả khó tính. Ấn tượng nhất vẫn là Thanh Lam vì Thanh Lam vẫn vốn không phải là một người hoạt ngôn (như Hồng Nhung chẳng hạn. Nhưng NSƯT Thanh Lam đã rất gãy gọn, khúc chiết, đâu vào đó khi diễn đạt những ý kiến liên quan đến kỹ thuật thanh nhạc, xử lý bài hát, chẳng hạn khi Lam góp ý cho Thu Phượng về cách chuyển giọng sao cho « ngọt » từ giọng thật sang hát giả thanh, hay khi Lam chỉ cho Ngọc Minh thấy cậu ấy đã « băm vụn » bài Nếu điều đó xảy ra của Ngọc Châu, hay lời khuyên mà Lam dành cho Hoàng Nghiệp rằng cậu ấy phải biết chuyển giọng, kết hợp giữa giọng thật và giọng gằn của rock. 

Nhưng có lẽ điều Thanh Lam làm nhiều người ngạc nhiên trong lần làm giám khảo này là hình như Lam bắt đầu « già », có hơi hướng đi theo khuôn mẫu, thậm chí bảo thủ. Với đặc điểm này, Lam ghi thêm điểm với rất nhiều fan khó tính của chị. Nhiều người thực sự thỏa mãn khi nghe Lam « chê » cái ca từ hết sức « thị trường và dở hơi » trong mấy bài hát của Mạnh Quân với những « chia lìa », « cay đắng », « gian dối », « trái ngang », ... Nhưng hình như Thanh Lam hay Ngọc Châu và Giáng Son cũng làm không ít khán giả băn khoăn khi cả ba người xoáy quá mạnh vào « tuổi trẻ » của em Hoàng Yến và bắt điều đó như một cái lỗi. Chợt nhớ lại hồi Thanh Lam hát chia tay hoàng hôn chị cũng mới 18 đôi mươi thôi mà. Và hình như Thanh Lam cũng quá khắt khe khi coi cách hát như nói của Hà Linh trong câu cuối cùng của Dệt tầm gai là hụt hơi, lạc giọng... Nhưng có hề gì vì dù sao Nữ hoàng cũng đã qua thời con gái ...


(TMH 7/2008)
http://nhaccachmang.net/forum/index.php?showtopic=2550&pid=27919&st=0&

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét