Thứ Bảy

Thanh Lam xuất thần "đốt lửa" nhạc Trịnh

Thanh Lam xuất thần "đốt lửa" nhạc Trịnh

Thứ ba, 08/03/2011 12:51

- Khoảnh khắc giữa quá khứ và hiện tại, giữa vô thường và hiện hữu trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn hình thêm một lần nữa lại khiến cho người nghe nhạc lắng dịu lại trong không gian của Ru tình 2011.

10 năm đã qua kể từ ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, mỗi năm những đồng nghiệp, người em thân thiết của nhạc sỹ lại hồi tưởng lại trong những ca khúc, những sáng tác được mọi người yêu mến để tri ân tấm lòng dành cho đời, cho người nơi cõi tạm trong kho tàng hơn 600 ca khúc người nhạc sỹ đã viết.
Không mang dáng vẻ một đêm nhạc Ru tình phảng phất chút buồn của năm ngoái, Ru tình 2011 mới hơn, lạ hơn từ cách chọn nghệ sĩ biểu diễn cho tới hòa âm phối khí, dễ rung cảm hơn bằng các bài hát quen thuộc, cảm giác nhức nhối của Trịnh có lẽ chỉ xuất hiện trong phần trình diễn của Đàm Vĩnh Hưng với bàiNgười già em bé. Cả đêm nhạc, người ta cũng thấy rõ nét hơn màu sắc Trịnh của Sài thành giữa Thủ đô, chất mới, lạ trong cách phối khí, hòa âm lại mang màu sắc tươi mới, hiện đại nhưng không xa cách.


Và quan trọng hơn, tấm chân tình của những nghệ sĩ khi biểu diễn đã vẽ nên không một gian đầy gần gũi, thân thương, như đưa hồn người trở lại với khán giả. Có những giọt nước mắt của khán giản trong những câu chuyện kể, có cả những giọt nước mắt khi người nghệ sĩ hát, tất cả như chứng minh sự giản dị trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã sống thật sự trong tâm thức của biết bao người.

Ru tình năm nay có sự cân đối và biên tập rất kĩ lưỡng để màu sắc và giọng hát của ca sĩ trong các phần trình diễn không gây ra sự đối chọi lớn, làm vỡ đi tổng thể mạch cảm xúc của chương trình.



Đêm diễn thứ 2 (07/03) đã có nhiều điều chỉnh khác so với đêm đầu tiên (06/03) nhằm mang lại những cảm nhận tinh tế nhất cho khán giả, từ việc bố trí MC, thay đổi thứ tự các ca khúc trình diễn cho tới việc rút bớt ca khúc để đạt hiệu quả cao nhất cho phần nghe. Ý nghĩa của sự tri ân không nằm ở vị trí của người hát mà nằm ở việc sắp xếp hợp lí nhất các ca khúc.





Điểm mở đầu của Ru tình là nhạc Trịnh thuần chất được Hồng Nhung thể hiện. Ru tình, Nhớ mùa thu Hà Nội  Tuổi đá buồn được đan xen bằng những kí ức về người nhạc sĩ với bản thân Hồng Nhung, bằng cảm xúc của nhạc sĩ với nơi cô Bống sinh ra, và kết bằng câu chuyện về một người con gái đã sống, chờ đợi, trọn vẹn với đức tin về tình yêu từ lúc còn xuân trẻ cho tới lúc ra đi. Từ cách nói không thừa, không vấp, cách cười, rồi di chuyển của Bống đều có sự tính toán rất chặt chẽ.





Điểm kết của Ru tình lại ở một thái cực khác hẳn. Có lẽ tới tận bây giờ, cũng hiếm có ai biết được cảm nhận của Thanh Lam về nhạc Trịnh vì chị chưa từng chia sẻ. Người đàn bà mà theo kịch bản gọi là "đốt lửa những khúc ru" đã hát bằng bản năng, sự từng trải và chiêm nghiệm của bản thân. Nếu như si mê, điên cuồng trong âm nhạc của người cha Thuận Yến, nồng nàn với "người tình" Lê Minh Sơn thì Thanh Lam trong nhạc Trịnh đang là một sự thuận nghịch, giữa chất cũ, tự sự, triết lí trong ca từ nhưng được thể hiện bằng cái mới lạ trong cách xử lí bài hát. Lựa chọn Thanh Lam để kết chương trình tưởng như là một thách thức mạo hiểm nhưng nhìn vào cảm xúc và gương mặt những khán giả có mặt, họ đã phần nào cởi mở hơn với Thanh Lam, hay như cả với Đàm Vĩnh Hưng.


Trong đêm diễn đầu tiên, có một khoảnh khắc rất xúc động khi nữ ca sĩ Ánh Tuyết hát không nhạc đệm ca khúc Đường xa vạn dặm. Ánh Tuyết kể lại câu chuyện những người bạn của nhạc sỹ đã phải cố gắng dập lửa để cứu lấy bài hát khi ông đang đốt bài hát này để tặng người mẹ mới đi xa. Chất đời, chất người trong tiếng hát của nữ ca sĩ vốn quen thuộc hơn với khán giả Sài gòn như thấm rất sâu vào người nghe nhạc Thủ đô khiến không ít khán giả cũng như ca sĩ phải lấy tay che vội những giọt nước mắt trước nỗi đau của người nhạc sĩ.



Cũng chỉ xuất hiện một đêm đầu tiên, Cẩm Vân mang đến một không gian Trịnh của riêng chị. Gắn bó với Trịnh Công Sơn không chỉ trong âm nhạc và còn như một người anh trong gia đình, Cẩm Vân hiểu và chịu nhiều ảnh hưởng từ những ca khúc người nhạc sĩ viết. Chị chia sẻ rằng chính nhờ các ca khúc của nhạc sỹ, Cẩm Vân biết sống độ lượng, chan hòa và bao dung hơn với mọi người quanh mình. Dù phải bay tới Hà Nội từ lúc 4h sáng, thời gian tổng duyệt, diễn và trở về khá gấp gáp lấy đi nhiều sức khỏe nhưng với tình cảm lớn dành cho người anh và tri ân khán giả Hà Nội sau 21 năm mới trở lại Cung văn hóa Việt Xô, những tràng pháo tay dài và vang đã thể hiện sự ủng hộ của khán giả Thủ đô dành cho nữ ca sĩ củaSóng về đâu.


Quang Hà là một hiện tượng trong Ru tình 2011 với phần trình diễn Ca dao mẹ. Năm lần khán giả vỗ tay trong khi Quang Hà hát thể hiện sự cảm mến của khán giả, đặc biệt là lớp khán giả trung niên, vốn là những người yêu nhạc Trịnh đến mức khó tính. Nếu chỉ hình dung chàng ca sĩ sinh năm 1981 vốn quen với những ca khúc thiếu chiều sâu thì sẽ thấy khá bất ngờ khi nghe chàng ca sĩ  này thể lại ca khúc rất nổi tiếng được viết về nỗi đau của người phụ nữ trước cái chết của con mình trong lửa đạn chiến tranh.

Trong đêm diễn đầu tiên, Quang Hà có đôi chút lên gân nhưng tối qua, sự tiết chế của Quang Hà đã khiến phần trình diễn của mình trọn vẹn. Không ít khán giả đã yêu cầu chàng ca sĩ hát thêm các ca khúc khác. Trong ý tưởng ban đầu, phần trình diễn của Quang Hà sẽ có những hiệu ứng âm thanh và hình ảnh của chiến tranh bằng việc đưa tạo hình của lửa, ở phông nền sân khấu, nhưng với không gian hẹp, nếu sử dụng phần nhìn sẽ không khác gì một nhà hát đang bị cháy nên ý định này không được triển khai.

Huy Minh
(Ảnh: Tâm Kem - 24h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét