Thứ Bảy

Nhạc Việt mơ “giấc mơ xưa”

Nhạc Việt mơ “giấc mơ xưa”
Cập nhật: Thứ sáu, 19/8/2011 | 9:10:56 Sáng
 Nhạc sĩ tham gia vị trí sản xuất âm nhạc nhiều hơn là tập trung sáng tác, ca sĩ thích gây scandal và những chuyện ngoài lề nhiều hơn là tập luyện, trau chuốt giọng hát. Bức tranh về những trụ cột của làng nhạc Việt khiến nhiều khán giả không khỏi ngậm ngùi: sáng tác nhạc Việt bao giờ mới trở lại thời huy hoàng xưa?

“Về đây nghe em”
Thập niên 90 đánh dấu những ca khúc làm mưa làm gió trong nền âm nhạc Việt. Những “hit” đình đám từng gây “sốt” thời gian dài đến giờ vẫn làm say đắm nhiều người yêu nhạc như: Mẹ yêu, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Cho em một ngày, Đêm cô đơn, Dòng sông lơ đãng, Một ngày mùa đông, Tình thôi xót xa, Một thời đã xa là bệ phóng của những tên tuổi: Thanh Lam, Phương Thanh, Mỹ Linh, Đan Trường, Thu Phương, Lam Trường…
Những giai điệu đẹp đẽ và sâu sắc của những tình khúc thập niên 90 đến nay vẫn khiến nhiều bạn trẻ mê mẩn. Hình ảnh một Thanh Lam khắc khoải vẫn ngây thơ; một Mỹ Linh với giọng hát trong veo, cao vút; một Hà Trần điêu luyện, “phiêu” trong từng khoảnh khắc; một Thu Phương khắc khoải, u uẩn trong những giai điệu suy tư… đã làm nên một thế hệ những ca sĩ trẻ tài năng và đam mê âm nhạc.

Không thể phủ nhận sức nóng của những “top hit” thập niên 90 xa xôi khi thời gian gần đây nhiều ca sĩ trẻ đã chọn cách cover lại những ca khúc từng gây tiếng vang trong làng nhạc như: Giọt sương trên mí mắt, Bên em là biển rộng, Trống vắng, Một mình… Và mỗi lần ngang qua những quán café cổ điển hoặc những nếp nhà cũ kỹ, nhiều người vẫn chưa thôi xao xuyến khi được nghe lại những giai điệu say mê của Em về tinh khôi, Phố xa, Góc phố dịu dàng, Bồ câu không đưa thư, Đâu phải bởi mùa thu, Trưa vắng, Mắt buồn, Tóc gió thôi bay, Nếu em là người tình, Hương ngọc lan
Những ca khúc thập niên 90 cũng là bước chuyển mình và ghi dấu ấn của nhiều nhạc sĩ tài năng như Dương Thụ, Bảo Chấn, Trần Tiến, Quốc Bảo, Trung Kiên… Sự cống hiến hết mình cùng những nỗ lực trong sáng tạo đã đưa âm nhạc của họ thăng hoa và làm rung động nhiều thế hệ khán giả. Để rồi khi điểm lại những thành tựu của nền âm nhạc Việt, tên tuổi của họ vẫn được nhắc nhớ, tôn vinh như những người đã thổi một luồng gió mới, đầy hứng khởi và đam mê vào thị hiếu nghe nhìn của đông đảo người yêu nhạc.


 Những diva trong làng nhạc Việt.
 “Một thời đã xa”
Không khó để nhận thấy giới trẻ ngày nay không còn mấy hứng thú với việc ngồi ngẫm ngợi và xúc động với những ca khúc thập niên 90. Và những khán giả vẫn còn nguyên thói quen nghe những tình khúc đầy dư ba ấy bị coi là những ông bà già “khốt-ta-bít” dở hơi, lạc hậu, cổ quái. Có thể nói làng nhạc Việt đang đứng giữa hai thái cực chủ yếu: Một là những sáng tác nhạc trẻ hay còn là nhạc thị trường với những ca từ dễ dãi và giai điệu thường thường, hai là những ca khúc nhạc vàng đã có tiếng vang từ lâu. Điều đó có nghĩa là hơn chục năm qua, tình hình sáng tác của nhạc Việt không có gì mới mẻ, khả quan. Nói trắng ra là hoàn toàn vắng bóng những ca khúc thực sự hay, xuất sắc và có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả.
Nhìn vào danh sách đề cử Nhạc sĩ của năm những năm gần đây, có thể nhận ra những cái tên quen thuộc: Nguyễn Hải Phong, Huy Tuấn, Lưu Thiên Hương, Đỗ Bảo, Lê Cát Trọng Lý, Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Võ Thiện Thanh… Tuy nhiên, để tạo nên một danh sách những “hit” có thể đứng vững và “tổng động viên” đến khán giả nhiều độ tuổi thì thế hệ nhạc sĩ này chưa làm được. Điều này giải thích cho việc mặc dù được công nhận là những nhạc sĩ chính thống và có tài năng, những ca khúc của họ được đón nhận, khen ngợi ồn ào một thời gian rồi chìm vào quên lãng.
Điều trùng hợp là những ca sĩ được khán giả phong tước diva cũng chính là những cái tên đình đám những năm 90: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Trần. Vượt qua khoảng cách thời gian, đến nay, tên tuổi của họ vẫn có sức nóng và vẫn được coi là “tứ trụ” của làng nhạc Việt. Những năm sau này, những cái tên như Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà… và gần đây nhất là Uyên Linh dù cũng gây xôn xao dư luận nhưng xem ra chưa ai đủ lực để ghi danh diva cả.
Chưa bao giờ làng nhạc Việt lại “khao khát” những sáng tác để đời như bây giờ. Có một đội ngũ những nhạc sĩ có thiên hướng và tài năng, những ca sĩ biết “sống chết” với nghề, may ra mới hi vọng tạo được những top hit danh giá ngang ngửa thời huy hoàng của những tình khúc thập niên 90.

                                                                         Theo Báo SKĐS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét