Thứ Bảy

Thanh Lam - Người đàn bà không bao giờ trưởng thành

Thanh Lam - Người đàn bà không bao giờ trưởng thành

Chủ Nhật, 03/04/2011, 07:24 GMT + 7
Ngoài 40 tuổi, Thanh Lam vẫn là người đàn bà đầy nội lực, dám hát, dám sống, dám say mê và dám làm những điều mình thích.
Sinh ra trong một gia đình "con nhà nòi" nghệ sĩ, bố là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là NSƯT Thanh Hương, Thanh Lam thừa hưởng cả năng khiếu âm nhạc trời phú của cha và nhan sắc mặn mòi của mẹ. Duy chỉ có cá tính mạnh mẽ, độc lập của chị, thì do chính chị tự chọn cho mình. Ngoài 40 tuổi, chị vẫn là người đàn bà đầy nội lực, dám hát, dám sống, dám say mê và dám làm những điều mình thích.
Chuyện tình của hai người nghệ sĩ giữa chiến trường Quảng Trị

Hơn 20 năm trước, báo chí đã từng gọi Thanh Lam là “Nữ hoàng nhạc nhẹ”, bởi ngay từ những lần đầu tiên đứng trên sân khấu, giọng hát truyền cảm và đầy nội lực của Thanh Lam đã giúp tất cả những người làm chuyên môn và những khán thính giả được nghe chị hát dễ dàng nhận ra rằng đó là một giọng hát bẩm sinh. Giờ đây sau hơn 20 năm, chị vẫn là “Diva”, là một trong những ca sĩ nữ đẳng cấp và cá tính nhất của làng nhạc Việt Nam, kể cả trong âm nhạc và trong cuộc sống. Chị gặp nhiều đổ vỡ trong cuộc sống riêng, nhưng trong âm nhạc, dường như chị chưa bao giờ thất bại, bằng chứng là cho đến giờ, chị vẫn giữ một vị trí vững chắc trong lòng khán giả yêu nhạc Việt.

Thanh Lam tên thật là Đoàn Thanh Lam, sinh năm 1969, tại Hà Nội. Là con của nhạc sĩ nổi tiếng Thuận Yến – người mà tên tuổi đã gắn với những bản nhạc nổi tiếng như Chia tay hoàng hôn, Khát vọng, Màu hoa đỏ…, báo chí vẫn coi Thanh Lam và nhạc sĩ Thuận Yến là một trong những cặp cha con nổi tiếng nhất showbiz Việt.


Nhắc đến cuộc đời Thanh Lam, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cha mẹ chị: nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương, những người đã sinh thành ra chị, cho chị tài năng và tình yêu âm nhạc, che chở cho chị những lúc sóng gió trên đường đời. Thanh Lam vẫn nói, dù có đi dâu, làm gì, dù có nổi tiếng bao nhiêu đi chăng nữa, gia đình vẫn mãi mãi là điểm tựa bình yên nhất của chị, là nơi chị có thể trở về mỗi khi vấp ngã.
Nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương quen nhau khi NSƯT Thanh Hương mới 14, 15 tuổi, đang là cô sinh viên nhạc viện Hà Nội. Ở tuổi thiếu nữ, NSƯT Thanh Hương đã nổi tiếng bởi nhan sắc duyên dáng, đằm thắm, khiến nhiều chàng trai cùng lứa say mê, theo đuổi. Nhưng khi đó, NSƯT Thanh Hương chỉ “chấm” nhạc sĩ Thuận Yến – người con trai đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày đó, nhạc sĩ Thuận Yến vừa gầy, vừa đen, nhưng chính sự chân thành, giản dị và tài năng âm nhạc của ông đã chinh phục NSƯT Thanh Hương. Yêu nhau là tình đầu, và cũng là mối tình duy nhất cho đến giờ, nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương luôn là tấm gương lớn cho con cái về tình yêu, sự chung thủy và hi sinh vì nhau suốt cả những năm chiến tranh cho đến khi về già.
Yêu nhau từ khi còn học trong nhạc viện Hà Nội, khi ra trường, nghệ sĩ Thanh Hương được phân công ở lại giảng dạy tại trường, còn nhạc sĩ Thuận Yến được lệnh vào chiến trường chiến đấu. Năm 1963 – 1964, khi nhạc sĩ Thuận Yến lên đường ra trận, ông đã đề nghị bà Thanh Hương đi cùng. Lúc đó tình yêu vừa mới chớm nở, nhưng bà vẫn bỏ công việc giảng dạy nhàn nhã để theo ông vào chiến trường, tham gia đoàn văn công giải phóng Thừa Thiên Huế. Yêu nhau từ năm 1960, nhưng đến năm 1968, nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ Thanh Hương mới nên vợ nên chồng. Họ lấy nhau ngay giữa chiến trường, chứng nhân chính là những người đồng chí, đồng đội của họ.
Nhưng thời đó, cuộc sống ngoài chiến trường vô cùng khó khăn và khốc liệt. Sức vóc của một nữ nghệ sĩ đã không chịu đựng được những gian khổ đó, nên năm 1968, NSƯT Thanh Hương đã phải chia tay chồng để trở về Hà Nội chữa bệnh. Sau này, chính cái giây phút bịn rịn chia tay ở đường 9 – Quảng Trị, chưa biết sống chết của chiến tranh, chưa biết có hay không ngày gặp lại, đã là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác bài “Chia tay Hoàng Hôn” nổi tiếng cho đến tận bây giờ. Năm 1968 là năm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Khi vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến chia tay nhau, mỗi người một ngả, nhạc sĩ Thuận Yến không hề biết rằng khi đó vợ ông đang mang trong mình đứa con gái đầu lòng Thanh Lam.


Nhạc sỹ Thuận Yến và nghệ sĩ Thanh Hương
Ngày đó, khi ra đến Hà Nội, một mình nghệ sĩ Thanh Hương phải tự lo chữa chạy bệnh tật, vừa phải lo công tác giảng dạy vô cùng vất vả. Nên khi biết tin mình có thai giữa hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, nghệ sĩ Thanh Hương đã từng nghĩ đến việc bỏ đứa con đó vì lo mình không thể nuôi con giữa thời bao cấp và chiến tranh gian khó như thế. Nhưng khi ấy, rất nhiều người đã khuyên bà giữ lại giọt máu này, bởi ai cũng lo sợ chiến trường khốc liệt như thế, nhạc sĩ Thuận Yến có thể sẽ không bao giờ trở về. Vì muốn giữ lại giọt máu mình có với chồng, nghệ sĩ Thanh Hương đã vượt qua cuộc sống khó khăn để sinh con và nuôi nấng cô con gái đầu lòng của ông bà, cô bé mà sau này đã trở thành Diva nổi tiếng Thanh Lam.
Những năm tháng chiến tranh vừa phải xa chồng, vừa phải nuôi con nhỏ một mình là những năm tháng không thể quên với NSƯT Thanh Hương. Khi Thanh Lam mới ra đời, do không có điều kiện chăm sóc cẩn thận, chị đã bị trúng gió độc dẫn đến bị méo miệng, NSƯT Thanh Hương phải đưa con đi chữa chạy hết nhà thầy thuốc này đến nhà thầy thuốc khác. Có những lúc, bác sĩ châm lên mặt Thanh Lam 80 chiếc kim châm cứu. Vất vả gian nan suốt 1 năm trời mới chữa khỏi bệnh. Vì thế, có một Thanh Lam xinh đẹp và duyên dáng như ngày hôm nay là không biết bao nhiêu âu lo, vất vả của người mẹ.
Tuổi thơ vất vả của Diva hàng đầu Việt Nam
Nhạc sĩ Thuận Yến có hai người con, người con cả là Thanh Lam, người con thứ hai là DJ Trí Minh. Nhưng ông thương Thanh Lam hơn cả, bởi trong suy nghĩ của ông, Thanh Lam là đứa con chịu nhiều vất vả, thiệt thòi nhất của gia đình và của đất nước. Năm 1971, khi Thanh Lam lên 4 tuổi, ông mới trở về Hà Nội. Nhưng lúc nhạc sĩ Thuận Yến về Hà Nội cũng là lúc nghệ sĩ Thanh Hương phải đi học xa. Nhạc sĩ Thuận Yến lại một mình chèo chống nuôi con.


Thanh Lam chụp ảnh cùng bố mẹ 
Những năm tháng ấy, hình ảnh đáng nhớ nhất với hai bố con Thuận Yến – Thanh Lam chính là những lần nhạc sĩ Thuận Yến đèo cô con gái nhỏ trên chiếc xe đạp cọc cạch, lỉnh kỉnh đủ nồi niêu xoong chảo, gạo nước lên Phổ Yên sơ tán. Có lần ra đến phà giữa sông Hồng thì có báo động máy bay giặc ném bom. Những lúc đó, không còn cách nào khác, nhạc sĩ Thuận Yến chỉ còn biết phó mặc sự sống chết của hai cha con cho trời phật.
Sống giữa hoàn cảnh chiến tranh đói khổ, thường xuyên phải sống cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn ở nơi sơ tán từ khi còn bé, nên sức khỏe của Thanh Lam hồi bé rất yếu. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó năng khiếu âm nhạc của Thanh Lam đã được bộc lộ rõ rệt. Có những lần hai cha con đèo nhau đi trên chiếc xe đạp, nhạc sĩ Thuận Yến cứ hát nốt nhạc nào, Thanh Lam đã đọc được nốt nhạc đó. Phát hiện con mình có năng khiếu âm nhạc, ngày khi từ nơi sơ tán về Hà Nội, nhạc sĩ Thuận Yến đã cho con gái tham gia vào các chương trình văn nghệ của đội thiếu nhi Chim sơn ca – Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi sau đó cho Thanh Lam thi vào Nhạc viện Hà Nội.
Khi Thanh Lam còn nhỏ, cuộc sống của gia đình nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương rất khó khăn. Có một thời gian dài, cả gia đình Thanh Lam phải sống trong một căn nhà dột nát ở phố Đại La, cứ trời mưa là nước ngập lênh láng khắp nhà. Vì bố mẹ mải lo toan bộn bề với chuyện cơm áo, nên lúc đó mới 6 tuổi, Thanh Lam đã phải đứng ra thay bố mẹ quán xuyến nhà cửa.

Có những hôm trời mưa, nhà ngập, bố mẹ đi vắng, Thanh Lam vừa trông em vừa lo tát nước ra khỏi nhà. Để cậu em trai nhỏ khỏi bị ướt, chị phải đặt cậu em lên cái hộp đàn piano rồi mới đi làm những chuyện khác. Mọi chuyện cơm nước, nấu nướng, chặt củi, gánh nước cũng do một tay Thanh Lam quáng xuyến. Thời đó cứ phải đi lấy từng gánh nước ở bể nước tập thể để đảm bảo sinh hoạt cho cả gia đình, nên vì thế mà sau này lưng Thanh Lam có phần gù đi. Thỉnh thoảng kể lại chuyện xưa cũ, chị vẫn “trách” bố mẹ vì ngày xưa đã bắt mình gánh nước quá nhiều.



Dù là một nghệ sĩ có các tính mạnh mẽ, táo bạo, dám sống theo cách của mình, nhưng Thanh Lam cũng là một người đàn bà hồn nhiên, dễ tin người. Sự ngây thơ, hồn nhiên đến cả tin này có từ khi chị còn là một cô bé. Ngày nhỏ có lần đi học về, gặp một người đàn bà lạ ở giữa đường, nghe bà ta nói đi theo bà ta để lấy quà do một người bạn của bố gửi từ miền Nam ra, Thanh Lam cũng tin và đi theo. Kết quả là đến một chỗ vắng, chị bị người đàn bà đó bắt nạt, bắt lột hết cả quần dài và áo len đang mặc, chỉ còn lại một chiếc quần đùi cộc và một cái áo mỏng dính trên người. Đến tối mịt mới thấy Thanh Lam về nhà,nhìn con rét mướt, tội nghiệp và sợ hãi, hai vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến đã xót con đến ứa nước mắt. Thương con không còn áo rét để mặc, nhạc sĩ Thuận Yến phải bảo vợ tháo cái áo len của mình ra để đan chiếc áo mới cho con gái mặc.
Ngay từ nhỏ Thanh Lam đã là một cô bé có ý thức tự giác trong học tập, biết nghe lời cha mẹ, nhưng cũng thể hiện tính cách thông minh, quyết đoán và độc lập. Khi Thanh Lam còn bé, nhạc sĩ Thuận Yến hướng cho con học nhạc, nhưng đầu tiên, ông không đăng ký cho con vào khoa Thanh nhạc mà vào khoa Nhạc cụ Dân tộc. Thanh Lam học đàn tì bà suốt 7 năm rồi mới chuyển sang khoa Thanh nhạc. Khi đó, quyết định xin chuyển sang khoa Thanh nhạc của Thanh Lam đã làm nhạc sĩ Thuận Yến lo lắng không ít. Nhưng ông vẫn tin tưởng con gái mình, tin tưởng vào con đường mà con gái ông lựa chọn.
Vì thế, dù rất khó khăn, ông vẫn làm đơn xin chuyển con sang khoa Thanh nhạc, với một điều kiện khe khắt của Ban Giám đốc Nhạc viện: nếu sau một năm Thanh Lam không hát được, Thanh Lam sẽ buộc rời khỏi trường. Nhưng sự thật đã chứng minh rằng sự lựa chọn của Thanh Lam là đúng, và sự tin tưởng của nhạc sĩ Thuận Yến vào cô con gái tài năng của mình cũng là đúng. Bởi dù Thanh Lam học đàn tì bà đến 7 năm trời, nhưng sau này, người ta đã biết đến Thanh Lam với vai trò một “Diva” của làng nhạc Việt. Quyết định chuyển từ Khoa Nhạc cụ dân tộc sang Khoa Thanh nhạc thực sự là một bước ngoặt của Thanh Lam.
Năm 1989, Thanh Lam giành giải “Ca sĩ được yêu thích nhất” tại Festival âm nhạc Lahavan. Đến năm 1991, Thanh Lam được giải Nhất tại cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc với bài “Chia tay hoàng hôn” do chính nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác. Ít người biết rằng, cái giây phút mà Thanh Lam đang cháy hết mình ngoài sân khấu với bài hát kỉ niệm của cha mẹ mình, để khẳng định vị trí của mình trên sân khấu ca nhạc, thì ở trong cánh gà, nhạc sĩ Thuận Yến và vợ đã nín thở vì hồi hộp theo dõi con gái biểu diễn. Bởi ông bà đều hiểu giây phút đó có thể quyết định sự thành bại trên cả con đường ca hát của ca khúc mình. Vì thế, khi tài năng của Thanh Lam được công nhận trong cuộc thi đó, khi báo chí bắt đầu gọi Thanh Lam là “Nữ hoàng nhạc nhẹ”, nhạc sĩ Thuận Yến mới có thể hoàn toàn tin tưởng vào con gái mình, tin tưởng vào sự thành công trên con đường mà Thanh Lam đã chọn.
Người đàn bà không bao giờ trưởng thành


Trong suy nghĩ của vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến, dù Thanh Lam đã là một ca sĩ nổi tiếng, đã qua 2 lần đổ vỡ hôn nhân và có 3  đứa con, thì với ông bà, Thanh Lam vẫn mãi là một cô con gái nhỏ luôn cần sự lo lắng, yêu thương, quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ vẫn dõi theo cô con gái nổi tiếng của mình trên mỗi bước đường mà Thanh Lam đi qua.

Những đồ đạc của Thanh Lam từ thời trẻ đến giờ, ông bà vẫn giữ gìn cẩn thận trong nhà. Những bài báo viết về chị - tốt có, xấu có, hay có, dở có, vẫn được ông bà cắt ra rồi giữ cẩn thận trong một chiếc túi nhỏ. Trước mỗi thành công của Thanh Lam, cha mẹ chị vẫn mừng vui và không ngừng cổ vũ cho chị cố gắng. Nhưng trước mỗi thất bại, mỗi vấp ngã, khó khăn của chị, cha mẹ chị không bao giờ oán trách, chỉ động viên, an ủi, vỗ về.

Nhạc sĩ Thuận Yến vẫn đóng góp ý kiến của mình cho hình ảnh của con gái trong nghệ thuật, khuyên chị cách lựa chọn phong cách phù hợp với từng lứa tuổi, từng giai đoạn. Ông vẫn trăn trở, lo lắng khi thấy cô con gái của mình chưa tìm được một chỗ dựa bình yên như bao người phụ nữ khác. Nhưng ông không bao giờ lấy điều đó để làm áp lực cho con. Với con gái, Thuận Yến luôn động viên, không bao giờ trách móc.

Chính vì thế với Thanh Lam, dù là một người đàn bà cá tính và có phần nổi loạn trong nghệ thuật và trong cuộc sống, nhưng khi trở về nhà, trong vòng tay cha mẹ, chị vẫn mãi là một đứa trẻ, một đứa con gái nhỏ bé, ngoan ngoãn và biết vâng lời, bởi nơi đó luôn là một góc trời bình yên của chị, che chở và yêu thương chị vô điều kiện.

Những năm tháng về già, nhạc sĩ Thuận Yến mắc căn bệnh mất trí nhớ, lúc nhớ, lúc quên. Có khi ông quên tên cả con trai, con gái mình, quên cả những kỉ niệm một thời mà ông nâng niu, gìn giữ. Có những bữa cơm vừa ăn xong, ông vẫn nói mình chưa được ăn gì. Về già, ông – một nhạc sĩ tài hoa bỗng biến thành một đứa trẻ cần sự quan tâm, chăm sóc của vợ con.

Thanh Lam rất hiếm khi nói ba chữ “Con yêu bố”. Nhưng chị yêu cha mình bằng những cách của riêng chị, bằng hành động và bằng ngôn ngữ của trái tim, của âm nhạc. Nếu ai đã chứng kiến đêm nhạc “Tình yêu không lời” mà Thanh Lam và em trai tổ chức cho nhạc sĩ Thuận Yến năm 2009, chứng kiến những giọt nước mắt của Thanh Lam khi kể về cha mình và hát bài hát do ông sáng tác với tất cả tình yêu, sẽ hiểu được tình yêu mà chị dành cho người cha và cũng là người thầy của mình. Như chính Thanh Lam đã nói: “Tình yêu không cần thể hiện bằng lời. Tình yêu chỉ cần nghĩ và hành động. Như tình yêu mà Thanh Lam dành cho bố, chỉ lặng lẽ và chỉ bằng hành động”.

Thanh Lam là một người đàn bà thành công trong âm nhạc, nhưng không thành công trong cuộc sống riêng. Tuy nhiên để nói về sự thành công, về sự hạnh phúc theo lẽ thông thường của một người phụ nữ nhiều cá tính như Thanh Lam thì có lẽ là khiên cưỡng. Bởi đôi khi tôi nghĩ, vị trí của Thanh Lam không phải là một người đàn bà trong gia đình, mà là một người đàn bà trong âm nhạc, một nghệ sĩ sống hết mình vì nghệ thuật. Ở đó, chị mới được hạnh phúc thực sự.
Thanh Lam kết hôn lần đầu và làm mẹ khi mới 19 tuổi, cái tuổi còn rất trẻ và non nớt. Cuộc hôn nhân đầu tiên của chị cũng tan vỡ nhanh chóng sau đó. Cuộc hôn nhân thứ hai của chị là với nhạc sĩ Quốc Trung. Trong cuộc hôn nhân này, Thanh Lam đã có hai người con với Quốc Trung. Không chỉ là một cặp đôi trong cuộc sống gia đình, Thanh Lam – Quốc Trung còn là một cặp đôi thực sự hoàn hảo trong âm nhạc. Bởi chính nhờ Thanh Lam, mà cái tên Quốc Trung thực sự được biết đến. Nhưng nếu không có Quốc Trung, thì cũng sẽ không có sự thành công của Thanh Lam trong suốt một thập kỷ 90. Những album “Bài hát ru cho anh”, “Em và tôi”, “Khát vọng”, “Đợi chờ” và “Mây trắng bay về” – mãi mãi là sự thành công không thể phủ nhận của Thanh Lam trong sự nghiệp âm nhạc – sự thành công đó không thể thiếu bóng dáng Quốc Trung.
                                         
Nhưng dù vẫn được xem là một sự kết hợp hoàn hảo, dù đã có với nhau 2 mặt con mà 10 năm hôn nhân hạnh phúc, thì tất cả những điều đó vẫn không níu giữ được cuộc hôn nhân của Thanh Lam và Quốc Trung, bởi như đã nói, dường như Thanh Lam sinh ra là để dành cho âm nhạc, cho sự tự do, không dành cho bất kỳ mối ràng buộc nào.



Trên sân khấu, Thanh Lam cháy hết mình vì nghệ thuật. Chị nghiêm túc với từng bài hát mình thể hiện, nghiêm túc với từng sản phẩm âm nhạc mà mình làm ra. Vì thế sau 20 năm, vị trí của Thanh Lam trong làng nhạc Việt vẫn không hề suy chuyển. Hát thế nào thì sống thế đó. Trong cuộc sống đời thường, Thanh Lam cũng là người đàn bà thừa cá tính. Chị đã từng đập vỡ một chiếc xe hàng chục nghìn đô chỉ vì không vừa ý.

Người ta đi hát kiếm tiền để đầu tư, kinh doanh, lo tích cóp cho sau này, nhưng chị thì khác. Chị kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Đã có một thời gian dài chị không mua nhà, nhưng dám bỏ số tiền hàng nghìn đô để thuê những căn biệt thự sang trọng. Sống bản năng và không bao giờ lo lắng, nên ở tuổi ngoài 40, Thanh Lam vẫn có cái gì đó vô tư và hồn nhiên như một đứa trẻ.

Ngay cả với những đứa con của mình, chị cũng là một người mẹ kì lạ. Chị không chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ như những người mẹ bình thường khác. Khi hôn nhân tan vỡ, chị không giành quyền nuôi con mà để các con sống với bố. Bởi chị hiểu, với các con, sống trong một gia đình quy củ, ổn định sẽ tốt hơn là sống với một người mẹ nghệ sĩ giờ giấc không ổn định.

Chị không dạy con theo những nguyên tắc bình thường, nhưng chị dạy con bằng những lỗi lầm, những vấp ngã mà mình đã vấp phải. Giống như tình yêu mà Thanh Lam dành cho cha mình, tình yêu mà chị dành cho các con cũng là một tình yêu kì lạ, một thứ tình yêu không lời, rất đặc biệt, rất Thanh Lam và không cần phải nói bằng lời. Thứ tình yêu đó chị thể hiện bằng hành động. Và có thể người ngoài không cảm nhận được, nhưng những đứa con của chị, chúng đều hiểu. Với chị đó là điều hạnh phúc nhất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét