Được viết bởi: ShowMe | 24/07/2011
Choáng và bùi ngùi ngay từ lúc mở màn, không phải vì bạn mình tự nhiên quá đạo mạo ra nói lời cám ơn, không phải vì không khí khán giả nửa trên thì quen nửa dưới thì lạ, cũng không phải vì thành phần biểu diễn nghe gần mà xa xôi. Choáng vì một câu nói của Trung nhắc lại show diễn “Em và Tôi” cả nhóm cùng làm với nhau. Thế mà đã hơn mười năm Trung và Lam mới cầm tay trở lại tại Sài gòn, trên sân khấu nhà hát Hòa Bình. Mình thì làm show không đếm hết được ở đây. Vẫn thấy giật mình vì thời gian trôi nhanh quá. Cả lũ đã già mất rồi!
Nhưng tình yêu có lẽ chẳng bao giờ già. Mười năm trước Trung và Lam cầm tay trong một tình yêu lớn. Chúng tôi hồi đó không biết màn hình LED là gì, cũng chẳng có ánh sáng hiện đại lập trình, không visual graphic, sân khấu thì thô sơ, quần áo thì tự may chứ chưa có hàng hiệu, cũng chẳng có fan riêng để giương poster hò hét vì tất cả khán giả đã là fan rồi… vậy mà ban nhạc Phương Đông (khi đó còn Trần Mạnh Tuấn) chơi như lên đồng thành một khối gắn kết, tung hứng nhưng vẫn đầy cảm hứng và phô diễn tài năng cá nhân. Trung đứng đàn từ đầu đến cuối và chỉ huy ban nhạc sống động trong vai trò thủ lĩnh. Tam ca Con gái hát bè nhuyễn và đáng yêu một cách chuyên nghiệp, say mê. Thanh Lam rực sáng từ đầu đến cuối mà chẳng cần một khách mời nào. Khán giả bị cuốn hoàn toàn vào cơn bão của Lam và Trung qua những giai điệu không thể quên của Thanh Tùng, Dương Thụ, Bảo Chấn và Quốc Trung, lúc phiêu bồng, khi ào ạt bùng lên dữ dội. Không ai ngồi yên được trên ghế, cũng chẳng ai rời mắt khỏi sân khấu chứ chưa nói đến nói chuyện riêng, nhắn tin hay bỏ về giữa chừng như bây giờ. Đơn giản vì lúc đó người ta đang yêu, yêu âm nhạc, yêu trình diễn, yêu sự lãng mạn,… yêu nhau.
Mười năm sau trở lại, mọi sự đã khác: Trung đã ngồi yên trên ghế từ đầu đến cuối, dáng vẻ“trững trạc” hơn, bệ vệ hơn, lưng còng xuống hơn trước tuổi tác và những trách nhiệm cuộc đời, thành viên ban nhạc ghép tạm dù có đủ nhưng tên tuổi và tài năng, dù chơi nhuần nhuyễn và chuyên nghiệp vẫn thiêu thiếu, rời rạc giống như những show TH. Ca sĩ đủ loại với những phong cách âm nhạc pha trộn, hát vẫn hay, phong cách biểu diễn đầy ngẫu hứng cá nhân nhưng chẳng ăn nhậu gì với nhau, những bài hát quen sao thấy lạ về tinh thần, về phong thái, những bộ trang phục làm khán giả giật mình rời khỏi cảm xúc âm nhạc để xì xào bàn tán, âm thanh rất chuyên nghiệp và hoàn hảo nhưng ánh sáng vô hồn, graphic làm cho có, lượn lờ trên những tấm LED xếp đặt ngẫu hứng. Cảm xúc chưa kịp phiêu đã nguội… Nhưng đấy chỉ là cái nhìn bên ngoài, cái nhìn của số đông. Thực chất không đơn giản vậy, Trung vẫn là Trung: cao tay và tinh tế, Lam vẫn là Lam: Một giọng ca không thể so sánh và năng lượng thì thiên thu bất tận. Tình yêu lớn của họ thì không bao giờ chết. Chỉ có lời tỏ tình sau nhưng quãng giận hờn đầy trắc trở phải khác, rất khác xưa và Trung đã phải tốn công nhiều hơn, đi vòng vèo hơn để nói ra lời này với Lam, thậm chí Trung đã phải bày ra hẳn một ván bài: Ván bài tình yêu.
Để thu hút khán giả trẻ Sài Thành một cách hoành tráng ngay từ đầu, khác những gì theo phong cách truyền thống của Trung, Phạm Anh Khoa và ban nhạc rock mới của “quí ông” đã được tung ra như món khai vị ngay từ đầu đầy dụng ý. Khoa xuất hiện như con Bồi (J) trong nước đi đầu làm khán phòng sôi động. Nhưng món khai vị này kéo hơi dài và khá năng đô khiến có cảm giác Khoa tự biến đổi mình thành Jocker (phăng teo) trong nhưng bài hát ít ấn tượng mà ồn ào, phô diễn nhiều bản thân trong khi đang chơi trong ban nhạc, một rock band hăng hái nhưng còn thiếu nhựa. Và khán giả đã bị dãn lỗ nhĩ hơi quá để chuẩn bị vào món ngon thứ nhất. Tưởng vậy mà không phải vậy, thực ra muốn tiếp cận với Lam, Trung phải đi đường vòng và đánh lạc hướng bằng con Jocker này để đối phương mất tập trung.
Là một cao thủ chơi bài, Trung đã tung ngay con Át chủ bài vào món đầu tiên như một món chính. Vì con Át này là gà riêng của công ty Việt Thanh, là “thần tượng” và là đối tượng chính để bán vé nên chiêu này đã gây hiệu ứng dữ dội ngay từ đầu. Fan hò reo, khán giả hào hứng. Uyên Linh hát đầy ngẫu hứng, bản năng và bắt đầu đã có những nét chuyên nghiệp qua lò rèn của Việt Thanh, xứng đáng với danh hiệu quán quân mà cô đã đạt được. Uyên Linh hát tiếng Anh xuất sắc hơn tiếng Việt, phong cách khá văn minh và bản năng, tuy bài hát về tuổi thơ mà Trung viết cho Linh mới thực sự gây xúc động, Trung vẫn là con người lãng mạn bản chất trong âm nhạc lẫn cuộc sống. Uyên Linh sẽ còn tiến xa như cô đã hứa trên sân khấu, tuy nhiên lời nói, trang phục và thái độ của Linh cũng còn cách sự chuyên nghiệp một quãng xa. Mà cũng chẳng đâu như ở Việt nam khi đã là thần tượng, đã là ca sĩ bán vé, đã là dân Pờ rồ mà vẫn luôn thích cơ chế “xin – cho”, vẫn luôn thích “xin khán giả một tràng pháo tay” như lời của một MC (vỗ tay là tự phát từ cảm xúc, đâu giống vụ xin danh hiệu nghệ sĩ nhà nước?), vẫn luôn khiêm tốn “em còn kém cỏi, còn cố gắng phấn đấu để hoàn thiện, còn mong khán giả đông viên để em hát hay hơn…” mặc dù khi mua vé, khán giả không nghĩ mình sẽ bỏ tiền đi để làm từ thiện chuyện này. Dù vậy, con Át chủ bài tung ra vào lúc này quả thật là cao tay ấn vì qúa hiệu quả. Bây giờ không chỉ “chơi” nhạc, thời buổi này còn cần làm business.
Có lẽ không cần bàn cãi nhiều về con 5 chuồn (nhép) tiếp theo, vì khán giả không thể ăn ngay hai món chính quá gần nhau, vì vị ngon cần thời gian để ngấm, vì cần để đối phương lơ đãng và sơ hở sau cú xốc Át chủ bài nên Hà Linh xuất hiện ở đây như một sự tất yếu. Cô ca sĩ mới đầy đam mê và sức trẻ nhưng còn run rẩy, lúng túng trên sân khấu lớn bên cạnh những cao thủ, Hà Linh làm khán giả vừa buồn cười vừa thương trong bộ dạng “thích sao làm nấy” của mình. Vẫn là những bài quen mà Lam vẫn hay hát, thậm chí cả bài của Hà Trần nhưng sao nghe không vào? Và khán giả đã có lúc hơi sao nhãng về chủ đề chính, không biết ai cầm tay ai, nhưng cũng đã hơi tiêu hóa những vị lạ của con Át. Khi khán giả đã bắt đầu thấy ngán thì con bài chính mới lộ diện Con Đầm (Q) cơ: Thanh Lam.
Trong một ván bài thì mục tiêu chính là phải thắng, vì vậy Át chủ bài thường được sử dụng về cuối sau khi đối phương đã dần lộ diện, nhưng ở đây là ván bài đặc biệt nên cách chơi cũng phải đặc biệt, nhất là khi đối phương cũng chính là một quân bài. Trung đến đây mới chính thức ngỏ lời với Lam, mới chính thức nối lại cái cầm tay ngày xưa. Đến đây mới thấy mọi sự trình bày ở trên dù hay dù dở cũng chẳng còn quan trọng. Họ là của nhau, thuộc về nhau trong âm nhạc, là mặt trăng mặt trời, là ngay và đêm, tương phản nhưng không thể tách rời. Khi Lam hát lại những bài của Trung, khi Lam lên đồng trở lại với Phó Đức Phương thì khán giả bừng tỉnh như thấy hào quang thuở trước và là mê đắm trong sự trầm bổng, phiêu linh của một giọng ca đầy cá tính và nội lực quên thời gian. Và cuối cùng khi sân khấu chẳng còn một ai, họ lại đứng bên nhau hát như ngày nào, lãng mạn, cảm động và thân thuộc. Đấy mới thực sự là ván bài Trung muốn, đấy mới là cao thủ khi con Q cơ quan trọng hơn nhiều con Át chủ, vì Q là Queen, là nữ hoàng. Q cơ– nữ hoàng tình yêu của Trung.
Đã thấy trên sân khấu có mây trắng bay về, đã thấy tre xanh ru trở lại và có vẻ như lời đố tình đã có lời giải đáp…
http://yume.vn/namphamhoang/article/con-at-chu-bai-va-dam-q-co-trong-van-bai-tinh-yeu-cam-tay-mua-he-35CBA9B1.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét