Dẫu có nồng nàn da diết đến cắt cứa trái tim người nghe như khi viết Đố tình, Tre xanh ru... cho Lam hát thì Quốc Trung cũng vẫn phải làm nhà sản xuất, hòa âm và phối khí cho Ngày không mưa - album ra ngay sau đó của Hồng Nhung - cô bạn thân của Thanh Lam từ thuở sinh hoạt đội Họa Mi ở Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Quốc Trung cũng chính là người đã viết Ngày không mưa, Tình yêu ở lại - hai bài hit của Hồng Nhung suốt năm 2002 đầy sóng gió đó - “đã hết rồi ngày bão với giông... đã hết buồn và hết vấn vương, đã hết hờn giận hết nhớ thương...”. Bài hát của Quốc Trung mà Hồng Nhung hát nghe cứ trớ trêu thế nào.
Và dẫu đã cháy hết mình trong các khúc ru dịu dàng, có phần hơi quá dịu dàng của Quốc Trung, tưởng như cứ thế mà sống tiếp, hát tiếp thì cũng đã là một cái gì đó khó có nữ ca sĩ nào vượt qua được trong một thời gian rất dài nữa thì Thanh Lam, lại như mọi khi, bất ngờ ngoặt sang một nẻo mới để gọi Nắng lên cùng Lê Minh Sơn, chàng nhạc sĩ ngông nghênh, khác hẳn Quốc Trung ở sự ăn to nói lớn và hay tuyên ngôn, cũng khác hẳn ở sự mãnh liệt, tươi trẻ trong âm nhạc và ca từ.
Chỉ chưa đầy ba năm, Thanh Lam và Lê Minh Sơn đã làm sáu album, ba live show, cũng chính là họ đã làm tràn ngập các trang báo và các diễn đàn trên mạng về việc cách tân nhạc Trịnh, và họ cũng làm cho sân khấu ca nhạc nóng lên về những dự án “không giống ai” của mình.
Trong ba năm ấy Quốc Trung chỉ làm duy nhất một album Đường xa vạn dặm.
Nhưng Đường xa vạn dặm cũng đi xa hàng chục ngàn kilômet. Để được giới thiệu như một sản phẩm tiêu biểu của âm nhạc VN đương đại. Một đêm duy nhất ở Nhà hát lớn Hà Nội đầu 2004. Không ồn ào, nhưng những ai cần nghe thì đều đã đến. Một đêm nữa ở Lý club - nơi những người sành nhạc và yêu mến Trung - Lam hay tụ tập.
Không gian âm nhạc của Quốc Trung dồn nén, đặc quánh, buồn “dã man”. Và nó làm người nghe mệt mỏi rã rời. Mệt cái mệt của người nhìn thấy mọi nỗi buồn nhân thế mà không làm sao cho nó vơi đi được. Tranh, bầu, sáo, nhị... qua sự khuếch đại của hệ thống âm thanh điện tử càng làm nỗi buồn truyền kiếp của rơm rạ gay gắt và chói lói hơn.
Đào liễu, Vọng nguyệt, Dòng sông một bờ... qua những giọng ca liêu trai của Thanh Hoài, tiếng đàn Xuân Diện mang đến một thế giới khác, khác hẳn với những sôi động và nông nổi của V-pop trên các sân khấu ca nhạc truyền hình tràn ngập hình ảnh và khẩu khí nhà tài trợ. Quốc Trung trôi trên dòng nhạc của mình như bờ thứ ba của dòng sông.
Và cũng vì thế mà các nhà tổ chức của những liên hoan âm nhạc khác nhau trên thế giới thích Đường xa vạn dặm. Quốc Trung mang nó sang Nhật, sang Anh, sang Đan Mạch, những sân khấu lạ mà ở đó người nghe đã quen với việc tìm hiểu và khám phá những giá trị mới, những giá trị chưa được thừa nhận nhưng lại luôn tiềm ẩn một sức quyến rũ lạ lùng.
Những đêm nhạc ít ỏi của Quốc Trung, Lam ngồi xem ở dưới cùng các con như một khán giả.
Những đêm nhạc sôi động và đầy ắp khán phòng của Thanh Lam, Quốc Trung cũng mang con đến lặng lẽ như một người xem bình thường. Cũng có bữa anh không đi được, đơn giản vì Lam... gửi vé mời nhầm ngày, gọi điện thông báo một ngày thì vé mời lại ghi ngày hôm sau.
Quốc Trung thở dài: “Lam là thế đấy, giận Lam thì có mà giận cả đời, không tự lo cho bản thân mình được từ chuyện nhỏ nhất, chỉ tội nghiệp trẻ con đã háo hức chuẩn bị đi nghe mẹ hát”. Trong khi Lam cứ đinh ninh: “Chắc anh Trung không thèm đi nghe. Cứ định gọi lại để hỏi mà lại không dám” (!). Đúng là Thanh Lam.
Nhưng cả hai đều là những nghệ sĩ thật sự. Và cả hai đều là những người chuyên nghiệp thật sự. Họ lại có với nhau hơn 10 năm hạnh phúc cùng những đứa con. Quan trọng hơn, họ hiểu nhau đến từng cái nhíu mày, trong từng nốt nhạc. Vì thế không có lẽ nào lại không có một show diễn đỉnh cao dành riêng cho hai người.
Niels Lan Doky, một nhạc sĩ Đan Mạch mang nửa dòng máu Việt là một người bạn lâu năm của Lam và Trung, người đã tình nguyện làm cầu nối cho nhạc của Quốc Trung và giọng hát Thanh Lam đến với khán giả châu Âu, đã làm được việc đó. Đêm nhạcVọng nguyệt tại Festival Huế, tại Hà Nội và tại TP.HCM không chỉ là một cuộc biểu diễn giao lưu quốc tế, không chỉ là một cuộc chơi “anti World Cup” mà còn là một cuộc hội ngộ của hai nghệ sĩ chuyên nghiệp và vẫn đang ở đỉnh cao.
Trong đêm Vọng nguyệt của Quốc Trung - Thanh Lam có hai bài hát của Lê Minh Sơn được hát.
Vọng nguyệt đã diễn ra như là Quốc Trung mong muốn: bất chấp World Cup, bất chấp những nghiệt ngã của thị trường âm nhạc, bất chấp những sóng gió của cuộc đời, tình yêu ở lại. Lần này, tình yêu ấy là tình yêu với âm nhạc, và tình yêu ấy là cái tình của người nghệ sĩ.
VIỆT HOÀI
Vọng nguyệt gồm hai phần khá tách biệt. Phần đầu dành riêng cho Quốc Trung và những tác phẩm từng được biết đến trong album và đêm diễn Đường xa vạn dặm của anh. Quốc Trung đã giữ nguyên những câu chèo, xẩm, quan họ, hò Huế... và đẩy chúng lên trên nền hòa âm điện tử hiện đại kết hợp âm thanh của các nhạc cụ truyền thống VN như đàn tranh, đàn bầu, kèn, sáo... Phần hai chương trình hội tụ những yếu tố mới mẻ và thu hút hơn, đó là sự kết hợp của bộ ba Quốc Trung - Niels Lan Doky (phối khí) và Thanh Lam hát. Thanh Lam thể hiện ca khúc Hồ trên núi và Một thoáng Tây Hồ (Phó Đức Phương) hết sức phá cách trên nền bản phối hoàn toàn khác với những bản phối đã phổ biến. Với ca khúc Đá trông chồng của Lê Minh Sơn, bộ ba đã thể hiện cao trào cảm xúc của Vọng nguyệt. Thanh Lam đã hát về tình yêu của người đàn bà hóa đá như thể hát lên câu chuyện đời mình. Giọng hát và tình cảm của chị được tôn vinh nhờ đôi tay điêu luyện trên phím đàn của Niels Lan Doky cộng với tiết tấu ưa thích của Quốc Trung, thêm chút “phiêu” mạnh mẽ của các tay trống. Phong cách sáng tác ca khúc sôi động và hiện đại của Quốc Trung đã được thể hiện trọn vẹn ở phần kết. Sau đêm diễn tại Hà Nội (18-6), êkip Vọng nguyệt diễn tại TP.HCM tối 20-6, tham gia Liên hoan Roskilde ngày 30-6 và có mặt tại nhà hát Pumpehuset, Copenhagen ngày 1-7. UYÊN LY |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét