Chủ Nhật

Quốc Trung- Thanh Lam- Niel Doky- Tùng Dương ontour VỌNG NGUYỆT

Quốc Trung- Thanh Lam- Niel Doky- Tùng Dương ontour

VỌNG NGUYỆT


Từ cuối tháng 5, trang chủ của Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Roskilde (Đan Mạch từ 29.6 đến 2.7), một trong những festival âm nhạc lớn nhất thế giới, trang trọng giới thiệu về Vọng Nguyệt. Đây là chương trình của những nghệ sĩ Việt Nam: Quốc Trung, Niel Lan Doky, Thanh Lam, Tùng Dương... , được xếp bên cạnh những cái tên lớn của thế giới như Guns n’ Roses, Kanya West, Kaiser ChiefsScissor Sisters...Đặc biệt, sau đêm trình diễn, nhóm nghệ sĩ này sẽ có buổi làm việc với nghệ sĩ nhạc Jazz trứ danh Pat Metheny

Vọng Nguyệt – Wishing upon to the moon được giới thiệu nguyên văn: Nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu Việt Nam Nguyễn Quốc Trung cùng với nhạc sĩ Đan Mạch gốc Việt Niels Lan Doky trình diễn với nhóm nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. 12 nhạc công, ca sĩ  trong đó có giọng nam Tùng Dương và diva số 1 Thanh Lam. Chương trình là sự pha trộn giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam với âm nhạc đương đại thế giới (www.roskilde-festival.dk)


Cho đến thời điểm này, những cái tên như Quốc Trung, Niel Lan Doky, Thanh Lam hay Tùng Dương đã không còn là mơ hồ với giới chuyên môn về con đường đi chính thống âm nhạc của họ. Giao điểm của những cái tên đó là nền tảng nhạc jazz và những tư tưởng mới trong việc phát triển nó trong hệ thống âm nhạc đương đại. Niel Lan Doky thì đã quen thuộc với giới âm nhạc Châu Âu và anh chính thức quan hệ hợp tác với Quốc Trung gần 10 năm trước từ một cuộc trình diễn tại Pháp năm 1998. Sau đó một năm, họ đã có chung một tour diễn ở Đan Mạch và đến năm 2000, Thanh Lam chính thức được giới thiệu giọng hát trong một tour diễn Châu Âu cùng êkíp của Lan Doky.  Đây cũng là thời điểm Thanh Lam thu âm Một thoáng Tây Hồ (bản phối của Quốc Trung) cùng Smiling Sea và Karumi (Niel Lan Doky) trong album của Niel Lan Doky. Con đường âm nhạc quốc tế của Lam bắt đầu với những khát vọng lan toả từ những viên gạch này.


Đáng tiếc, sau sản phẩm âm nhạc hoàn hảo Mây trắng bay về, cặp Quốc Trung- Thanh Lam đổ vỡ hôn nhân, làm gián đoạn lịch trình làm việc của cả hai. Không thể phủ nhận, vị trí giọng hát và nội lực sung mãn của diva Thanh Lam trong con đường âm nhạc của Quốc Trung. Ngược lại, khó có ai thay thế được vị trí kìm nén, tiết chế nguồn năng lượng đó của Thanh Lam bằng Quốc Trung. Lam chuyển hướng âm nhạc và dở dang một sản phẩm đang thực hiện với Quốc Trung (trong CD này, chính Quốc Trung là người nhận hoà âm 2 bản Lê Minh Sơn là Nắng lên và Người ở người về). Giai đoạn Thanh Lam – Lê Minh Sơn vẫn đang là một ẩn số gây ồn ào làng nhạc thời gian qua... đủ để đẩy Quốc Trung về góc tĩnh – hoàn thiện mảng âm nhạc mang thương hiệu Quốc Trung (không có Thanh Lam). Đường xa vạn dặm- sản phẩm hoàn thiện nhất, phôi thai từ thời của Thiện Thanh (dự án lớn dở dang của Trung- Lam). Một album và concert đã đến với người nghe hơi muộn mằn nhưng chính thức xác lập và khẳng định vị trí của Quốc Trung ở vị trí nhạc sĩ đương đại. Người ta nhìn thấy ở Trung con đường thăng hoa từ bản sắc nhưng ngập tràn hơi thở đương đại. Người nước ngoài nghe nhạc và giai điệu của nhạc cổ truyền Việt trong không gian lớn dồn dập hiện đại, rất hội nhập và rõ ràng bản sắc Việt Nam. Live concert này đã đến Nhật nguyên vẹn trình diễn trước Hoàng gia Nhật. Nửa năm trước trễ hẹn đến Mỹ (vì không đủ kinh phí) nhưng vừa qua, được chọn là chương trình âm nhạc đặc sắc (Welcome diner- tối 31.5) để chào đón các quan chức quốc tế đến tham dự Hội nghị APEC tại Tp HCM


Vọng Nguyệt – Chương trình trình làng tại LH Roskilde  sắp tới là một chương trình lớn và dài hơi hơn Đường xa vạn dặm. Có 2 phần âm nhạc. Một nửa là Đường xa vạn dặm – phát triển âm nhạc dân tộc trên nền hoà âm đương đại (world music). Phần 2 là phần sáng tác. Phần này Tùng Dương và Thanh Lam sẽ biểu diễn các ca khúc của Quốc Trung, Lan Doky, Phó Đức Phương... trên nền hoà âm của Quốc Trung và Lan Doky. Dù không ai khẳng định đây là sự tiêu biểu nhất của âm nhạc Việt Nam nhưng cuộc trình làng thế giới này cũng mát mặt bởi sự gọn gàng (dân tộc và hiện đại), sự tiêu biểu (nhạc sĩ hàng đầu, ca sĩ hàng đầu, nghệ sĩ dân tộc cũng hàng đầu) mà không ai có thể so bì được về chất lượng nghệ thuật của họ trên mặt bằng âm nhạc Việt Nam... Lẽ ra, Vọng Nguyệt có thể có thêm Hồng Nhung (song chị vắng mặt vì chạy show nước ngoài).


Mặc dù Đường xa vạn dặm đã trình diễn rất thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội đầu năm trước, song nhiều lần dự kiến và đều trễ hẹn thành phố HCM. Năm nay, thay vì việc gặp gỡ để ôn bài với êkíp của Niel Lan Doky tại Hà Nội thì Quốc Trung đã cáng đáng việc trình diễn Vọng Nguyệt tại Việt Nam. May mắn cho người yêu nhạc sẽ được “xét nét” sản phẩm âm nhạc hoàn thiện này trước các khán giả của Liên hoan âm nhạc Roskilde. Không nên nói trước hoặc ngoa ngôn về những gì sẽ diễn ra trong Vọng nguyệt vì cảm nhận âm nhạc thuộc về người xem chứ không phải của nhà báo. Song có thể nói rằng, đây là những thế mạnh tuyệt đối của cả Quốc Trung, Lan Doky cho đến Thanh Lam và Tùng Dương. Mỗi người trong số họ đang có những con đường âm nhạc riêng biệt, nhưng sự khởi đầu và điểm khiến họ có những vị trí rõ ràng đỉnh cao trong nền công nghiệp giải trí Việt Nam chính là nền tảng chung đó. Một nhà báo âm nhạc uy tín nhận xét rằng: Cuối cùng thì không thể nói Lam không có Trung không có đỉnh cao. Cũng chẳng thể nói Trung không có Lam không hoàn thiện được vị trí. Điều quan trọng ở cặp đôi này là sự bổ trợ và hoàn thiện được những mũi tên đến đích.


Vọng Nguyệt- có thể coi là một sản phẩm mới vừa được hoàn thiện của cặp Trung và Lam. Quốc Trung là một nhà sản xuất uy tín, Thanh Lam là một ca sĩ hàng đầu. Thay vì những than vắn thở dài về đời sống âm nhạc nhộn nhạo, chẳng gì hay bằng những sản phẩm hoàn thiện. Dù đời sống riêng có ra sao, vị trí của họ ấn định và kỳ vọng họ luôn phải có tính tiên phong.



Live show Vọng Nguyệt

Ngoài 4 nhân vật Quốc Trung, Niel Lan Doky, Thanh Lam, Tùng Dương còn có thêm NSUT Thanh Hoài, Thuý Hường, Xuân Diệu (vocal), Ngọc Quân (percussion), Hồ Hoài Anh (đàn bầu), Thanh Thuỷ (đàn tranh),...và tay trống Xavier (Pháp) và kỹ sư âm thanh Bent Iversen (Đan Mạch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét