Chủ Nhật

Tan hòa cảm xúc cùng 'Vọng nguyệt'

Tan hòa cảm xúc cùng 'Vọng nguyệt'

Thanh Lam vẫn giọng hát và phong cách cá tính, trở về với bản năng qua Đá trông chồng, Hồ trên núi. Trong một sô nhạc đẳng cấp như Vọng nguyệtThanh Lam đã chứng tỏ bản lĩnh sân khấu của chị khi hoàn toàn làm chủ giọng hát và sân khấu, với những pha xử lý thông minh, sáng tạo.


Sân khấu quá giản dị nếu so với tính chất âm nhạc mà "Vọng nguyệt" truyền tải trong đêm qua. Không trang trí màu mè, không kiểu cách lãng mạn, hiệu quả "Vọng nguyệt" mang tới chính là không gian âm nhạc không giới hạn, không còn khoảng cách giữa nhạc Việt và những giai điệu phương tây xa xôi.

Câu chuyện về người thiếu phụ Nam Xương được tái hiện bằng âm nhạc, với những trạng thái cảm xúc sống động, chân thực. Qua giọng ca NSƯT Thanh Hoài, từng làn điệu chèo, ca trù... đặc trưng và đậm đà bản sắc đã xóa mọi khoảng cách văn hóa giữa không gian nhạc Việt và thứ nhạc Tây Âu tưởng như lạ lẫm. Đào liễuVọng nguyệtNgồi tựa song đào... mỗi chương là một phần cuộc đời người thiếu phụ thủy chung, sống gìn giữ tình yêu với chồng, để rồi xuống suối vàng cũng vì tình yêu ấy, mang theo nỗi oan khiên không thể gột rửa. Tiếng sáo, tiêu, tranh, bầu... làm bật lên nỗi day dứt, khắc khoải tấm lòng người vợ ngóng chồng; sự hờn ghen của người chồng khi nghĩ đến mối tình ngoại hôn của vợ mình bùng nổ bởi những âm thanh sôi sục, dữ dội của drums, percussion, keyboards. Khi ngọt ngào, lúc cay đắng, khi âm thầm chịu đựng, lúc tủi phận ghen tuông... qua âm nhạc dù chưa hẳn đã phù hợp với mọi cảm nhận, nhưng thực sự là một không gian mới mẻ và cuốn hút bởi sự lạ lẫm của nó.
sdf
Êkíp "Đường xa vạn dặm": nhạc sĩ Quốc Trung, NSƯT Thanh Hoài, nghệ sĩ Xuân Diệu. Ảnh Ban tổ chức cung cấp 
Một sự kết hợp hài hòa giữa các nhạc cụ dân tộc: đàn bầu, đàn tranh, sáo, tiêu với những gì đến từ phương Tây: piano, keyboards, drum, percussion... Sự chuyển tông giữa bộ gõ với tiếng tiêu mới nghe qua có cảm giác chói tai, nhưng lại ẩn trong nó sự mềm mại, hợp lý và cuốn hút. Đi tiếp tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Thanh Thủy, phần độc tấu piano jazz của nhạc sĩ người Đan Mạch Niels Lan Doky với những đoạn phiêu đẳng cấp không tạo ra sự đối lập, thậm chí còn rất nhuần nhuyễn mà vẫn không mất đi khoảng riêng biệt cần thiết giữa âm nhạc dân tộc và chất đương đại của jazz. Phần trình diễn drums - percussion sau mỗi bản nhạc của Xavier Desandre Navarre và Ngọc Quân nhận về những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả, khi hai chàng trai một Đan Mạch - một Việt Nam mà rất hợp gu, hết mình ở những đoạn ngẫu hứng. Ấn tượng nhất là phần "tặc lưỡi theo nhạc" của nghệ sĩ Xuân Diệu. Ngoài giọng hát đặc biệt và tài kéo nhị khi thể hiện những ca khúc trong Đường xa vạn dặm, Xuân Diệu khiến cả khán phòng bất ngờ khi sử dụng lưỡi hòa theo tiếng piano và drums một đoạn nhạc dài, tròn trịa và rất mạch lạc. Lời hứa "sẽ là một sô âm nhạc đậm chất Việt và tràn ngập hơi thở đương đại" của Quốc Trung đã được thực hiện ở Vọng nguyệt, không chỉ bởi đó là world music mà còn nhờ tính chuyên nghiệp của cả êkíp.
Ở phần hai, 8 ca khúc của Phó Đức Phương, Quốc Trung, Lê Minh Sơn được tôn vinh qua các giọng ca Mai Thang, Thanh Lam, Tùng Dương. Mai Thang, thành viên cũ của nhóm Sắc Màu, sau 2 năm học tập tại Anh giờ trở lại trong một vóc dáng mới, giọng ca mới. Với Con chim sâu (Quốc Trung), cô ca sĩ nhỏ nhắn này chọn lối thể hiện khác với người đi trước là Hồng Nhung. Ít kỹ thuật, không quá điệu, Mai Thang hát như chính cảm xúc hồn nhiên của cô vậy. Và vì thế, Con chim sâu được khắc họa bằng một đường nét mới, trong trẻo và bản năng.
Những bản phối cũ của Hồ trên núiMột thoáng Tây Hồ (Phó Đức Phương),Đá trông chồngÔi quê tôi (Lê Minh Sơn), Hòn đá trong vườnGiữa đôi bờ xa cách (Quốc Trung)... trong đêm nhạc này nhường chỗ cho phần đệm giai điệu hoàn toàn khác, với sự kết hợp nhịp nhàng giữa hai nhà soạn nhạc Quốc Trung - Lan Doky. Nửa dân tộc, nửa đương đại, Ôi quê tôi của Tùng Dương nhẹ nhàng hơn ở phần mở đầu, và nổi lửa hơn ở cuối tác phẩm, đã nhận về những tràng pháo tay cổ vũ không ngừng. Thanh Lam vẫn giọng hát và phong cách cá tính, trở về với bản năng qua Đá trông chồng, Hồ trên núi. Trong một sô nhạc đẳng cấp như Vọng nguyệt, Thanh Lam đã chứng tỏ bản lĩnh sân khấu của chị khi hoàn toàn làm chủ giọng hát và sân khấu, với những pha xử lý thông minh, sáng tạo.
Tuy nhiên, điều kiện khán phòng của Nhà hát Tuổi trẻ đã không đem lại choVọng nguyệt hiệu quả như mong đợi. Hệ thống âm thanh vốn chỉ dành cho những đêm công diễn kịch nói, đã không thể đáp ứng nổi yêu cầu của một đêm nhạc đẳng cấp. Hồ Hoài Anh - người sở hữu cây đàn bầu - hầu như không thể tiếp sức cùng êkíp khi phương tiện của anh gặp sự cố. Micro không đủ nâng giọng hát, khiến ca sĩ nhiều chỗ bị phô giọng.
Sau đêm diễn ngày 20/6 ở TP HCM, Quốc Trung và êkíp sẽ mang chương trình sang Đan Mạch dự Liên hoan âm nhạc Roskilde (diễn ra từ 29/6 đến 2/7).
Lê Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét