Cơ hội lớn nhất và có thể là cuối cùng!
Chủ Nhật 8:15 18/06/2006
Festival Âm nhạc quốc tế Roskilde diễn ra từ ngày 30-6 đến 7-7-2006 tại thành phố đẹp nổi tiếng của Đan Mạch Roskilde. Sau khi tuyển chọn từ các CD và đĩa DVD chương trình Đường xa vạn dặm, các nghệ sỹ VN đã được mời tham gia Festival với live show Vọng nguyệt (Wishing upon the moon).
Festival Âm nhạc quốc tế Roskilde thu hút 160 ban nhạc. Đây là một trong những Festival âm nhạc thường niên lớn nhất thế giới. LH năm nay thu hút 160 ban nhạc trên toàn thế giới tham dự với 5 sân khấu. Sân khấu lớn nhất có sức chứa 60.000 người. Các tên tuổi lớn của âm nhạc thế giới sẽ đến với LH, như: Pat Metheny, Guns ‘n’ Roses, Kanya, West, Kaiser Chiefs, Scissor Sisters... Đoàn VN gồm 10 nghệ sỹ: Nhạc sỹ Quốc Trung, ca sỹ Thanh Lam, Tùng Dương, Thanh Hoài, Thúy Hường, Xuân Diệu (vocal), Ngọc Quân (percussion), Hồ Hoài Anh (đàn bầu), Thanh Thủy (đàn tranh)... và được sự hỗ trợ của nghệ sỹ người Pháp Xavier - Desandre Navarre (trống) và chuyên gia âm thanh người Đan Mạch Bent Iversen.
Vọng nguyệt đan xen giữa 7 bản nhạc phát triển âm nhạc dân tộc trên nền hòa âm đương đại (world music) trong chương trình Đường xa vạn dặm (Đào liễu, Vọng nguyệt, Lưu lạc, Dòng sông một bờ, Hạc trong sương, Đường xa vạn dặm, Độc thoại) và các ca khúc của nhạc sỹ Phó Đức Phương (Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ), Quốc Trung (Giữa đôi bờ xa cách, Hòn đá trong vườn) và nghệ sỹ nhạc jazz người Đan Mạch Niel Lan Doky (Biển cười)... trên nền hòa âm của Quốc Trung và Lan Doky.
Năm 2005, Quốc Trung đưa Đường xa vạn dặm đến Tokyo. Chương trình khán giả Nhật Bản đón nhận và hơn 100 đĩa CD chương trình này bán hết sau buổi biểu diễn. Vọng nguyệt tham dự Festival không phải là “bản sao” Đường xa vạn dặm, nhưng Quốc Trung hoàn toàn tự tin khi dự một Festival âm nhạc tầm cỡ quốc tế. Trong tâm trạng “vác chuông đi đấm xứ người”, anh bộc bạch: “Người nghe đa phần không biết tiếng Việt và cũng không biết nhiều đến âm nhạc VN qua băng đĩa nên chúng tôi chú trọng phần âm nhạc với nền hòa âm phối khí sao cho thuyết phục được người nghe bằng sự mới lạ, độc đáo. Khán giả sẽ đến thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc Việt chứ không phải đến vì sự hiếu kỳ. Tôi không dám chủ quan nhưng ông giám đốc Festival này đã bị thuyết phục bởi các CD và demo chương trình gửi sang và hy vọng khán giả sẽ đón nhận Vọng nguyệt”. Nhưng anh cũng lo lắng vì lần đầu tiên biểu diễn ở một sân khấu tiêu chuẩn quốc tế trước những khán giả nghe nhạc sành điệu đòi hỏi chất lượng âm thanh cực kỳ tốt, chương trình phải được bố trí hoàn hảo và không được để xảy ra bất kỳ một sai sót nào. Trước khi biểu diễn, không có thời gian thử âm thanh mà chỉ được 15 phút cắm điện vào thiết bị và nhạc cụ. Vì vậy, các nhạc công và kỹ sư âm thanh từ Pháp và Đan Mạch bay sang VN trước cả tuần để tập luyện thật nhuần nhuyễn.
Thanh Lam từng cùng nghệ sĩ nhạc jazz Đan Mạch gốc Việt Niels Lan Doky giới thiệu âm nhạc VN trong một tour diễn vòng quanh Đan Mạch. Cô cho rằng, các nghệ sỹ Việt còn phải nhiều lần “vác chuông” và nhiều người cùng chung sức “vác” thì nhạc Việt mới có cơ hội vang xa hơn, bay cao hơn. Riêng với ca sỹ “Sao Mai” Tùng Dương, đây là dịp anh được tái ngộ cùng những nghệ sỹ đã cùng đứng chung sân khấu với anh trong Festival nhạc jazz châu Âu 2003 tại VN.
Việc khẳng định chất lượng âm nhạc của live show Vọng nguyệt tại Festival này mở ra nhiều cơ hội để nhạc sỹ Quốc Trung và các nghệ sỹ VN tiếp tục đem “trăng” đi “ngắm” trong các liên hoan âm nhạc quốc tế khác, như ở Pháp, Mỹ... Quốc Trung “thổ lộ”: “Niels Lan Doky có nói với tôi đây là cơ hội lớn nhất và có thể là cuối cùng vì thế phải tranh thủ. Festival không trả cát-xê nhưng nếu chương trình của mình thành công sẽ có tên tuổi và tiếng vang”.
Trước khi đến Đan Mạch, live show Vọng nguyệt sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 18-6 tại Nhà hát Tuổi trẻ và 20 giờ ngày 20-6 tại Nhà hát Bến Thành. Trước đêm diễn, Quốc Trung bùi ngùi: “Quỹ Hỗ trợ phát triển và trao đổi văn hóa - Sứ quán Đan Mạch tài trợ cho chuyến đi này muốn giới thiệu Vọng nguyệt với khán giả VN. Tôi nhận trách nhiệm tổ chức mặc dù biết rất khó khăn. Tài trợ của Quỹ chủ yếu cho chuyến đi. Còn tổ chức ở VN phải tự lo liệu, xin tài trợ không được nên chỉ hy vọng lấy tiền bán vé bù đắp. Hai đêm giống y hệt cả về thời gian và bài vở như ở bên kia”.
An Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét