Thứ Năm

Xuân Mậu Thân, có một cuộc chia tay...


Xuân Mậu Thân, có một cuộc chia tay...
18/01/2004 08:15


 

Chiều cuối đông, căn nhà khu tập thể quân đội bên bờ đê La Thành chỉ có tôi và chủ nhà - nhạc sĩ Thuận Yến. Trong tâm trạng phấp phỏng đón Thanh Lam sau chuyến lưu diễn trở về, trên bàn, chai rượu vơi nửa...Bất chợt gió thổi, trước hiên nhà tĩnh lặng văng vẳng những thanh âm thảng thốt.- Ờ, mà đê La Thành, năm 1963... - nhạc sĩ bâng khuâng kể khi ký ức dội về. Năm 2004 này nghĩa là tròn 40 năm khởi đầu một câu chuyện đời.

Năm đó Thuận Yến và Thanh Hương cùng học tại Nhạc viện bên đê La Thành. Chàng lính trẻ đất tằm tơ Duy Trinh - Duy Xuyên (Quảng Nam) lúc ấy về trường học đã gặp và yêu đắm say cô văn công xinh đẹp của đất Quỳnh Lưu xứ Nghệ - sau này là NSƯT Thanh Hương, biểu diễn đàn tam thập lục). Rồi cũng như bao chàng trai cô gái ngày ấy “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” họ đã tình nguyện vào chiến trường miền Nam theo những đoàn quân đi chiến đấu. Đám cưới của anh chị, sau này như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh ngày ấy ở cùng mặt trận kể: Là đám cưới nhà binh điển hình. Cảm động mối tình bền chặt của hai người, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định đứng ra tổ chức đám cưới cho họ. Tại bản doanh Bắc đường số 9 - Bản Na Bo trên đất bạn Lào, đám cưới nhà binh bên dòng Xê Păng Hiêng chỉ có vài gói lương khô, thuốc rê, nước lá rừng nhưng là niềm vui lớn nơi mặt trận. Thế rồi, ông chậm rãi kể “chỉ có nhau một đêm, chỉ một đêm chăn gối giữa rừng già, trong căn hầm mặt trận...rồi chúng tôi có Thanh Lam”.
Xuân Mậu Thân 68 bi hùng mà có lẽ lịch sử còn nhiều lần nhắc lại. Trong chiến dịch, đội văn công mặt trận chia thành nhiều nhóm bám sát các cánh quân tiến vào thành Huế. Thuận Yến tiến vào Nam Huế. Thanh Hương trong cánh quân tiến đánh đài phát thanh truyền hình Huế. Cuối năm, mặt trận dịu xuống, bên thềm mùa xuân của đất nước đang còn chia cắt, cặp vợ chồng mới cưới ấp ủ dự định gặp nhau cùng đón xuân với chiến trường. Ai ngờ sau nhiều năm tháng vật lộn với đời sống chiến sĩ, Thanh Hương, người nữ văn công mặt trận bị bệnh tim tái phát, rồi phù thận nặng phải về hậu phương điều trị. Thanh Hương ra với miền Bắc hòa bình, Thuận Yến đi tiếp vào mặt trận rền vang tiếng súng. Cuộc chia tay không dám có một lời hò hẹn. Ông nhớ như câu chuyện mới hôm qua: Bìa rừng, mặt trời vừa xuống núi, chiếc ba lô trên lưng tiễn vợ về Bắc chân bước nặng ngàn cân. Khi người vợ trẻ và “giọt máu hồng” chưa biết là trai hay gái đã ở phía bên kia dải rừng, tôi cứ đứng gọi tên vợ đến khản tiếng trong hoàng hôn chập chờn...
Cuộc chia tay như bao cuộc chia tay nơi chiến trường chống Mỹ, nó ghi tạc, khắc khoải trong tâm trí của một thế hệ người lính trận mạc và cả vợ chồng ông mãi sau này. Bất chợt, cuối năm chín mươi đầu chín mốt của thế kỷ trước, Thuận Yến đọc được bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của nhà thơ quê đất Quảng Ngãi - Hoài Vũ. Có một sự đồng điệu đến lạ lùng, nguồn cảm xúc trong ông bùng phát. Ngay trong đêm, những nốt nhạc của bài ca như ẩn chứa đã lâu trong sâu thẳm tâm hồn nghệ sĩ tuôn trào.
Ngày cuối đông những dòng thơ của Hoài Vũ vẳng bên tôi thật êm đềm “Anh phải về thôi, xa em thôi/ xa vườn xưa đôi chiền chiện tha mồi/ Hoa khế rụng tím hầm bí mật...”. Đồng cảm với nhà thơ nhưng với người nghệ sĩ đã từng thở hơi thở của người lính cầm súng, đằm mình trong cuộc chiến khốc liệt, từng khắc khoải trong những giây phút chia tay mà hàng vạn đồng đội ông nơi chiến trường từng nếm trải đã thổi linh hồn vào ca từ. Thuận Yến ngồi bên cây đàn, những khúc nhạc tuôn trào da diết dữ dội nơi không gian bình yên” :
“Anh phải về thôi xa em thôi/ Hoàng hôn yên lặng cũng theo về...Chia tay em chia tay hoàng hôn/ anh mang theo về tình yêu và nỗi nhớ/ anh mang theo về con tim cô đơn...”. Ca khúc khiến người nghe cảm thấy thú vị khi ở cuộc chia tay của người lính nơi mặt trận này vẫn sáng lên: “Một trái tim thắp lửa” như một dự báo.
Khó mà phân biệt rõ ràng những người lính xuân 68 phải hàm ơn gia đình nhạc sĩ hay gia đình nhạc sĩ còn nặng ân nghĩa với những chiến sĩ chiến trường thuở ấy. Còn nhớ Thanh Lam, được phát hiện và biết đến trong đội Chim Sơn Ca từ những năm tám mươi thế kỷ trước với bài tủ “Màu áo chú bộ đội” và một Thanh Lam nữ hoàng nhạc nhẹ, ngay sau khi đoạt giải thưởng “Ca sĩ trẻ được quần chúng mến mộ nhất” tại Festival nhạc nhẹ lần thứ 9 (tại Cu-ba) ngay sau khi về nước, những buổi biểu diễn đầu tiên là dành cho công chúng chiến sĩ.
Với gia đình nhạc sĩ, điều chắc chắn như quy luật cuộc đời: Nếu họ không có cuộc dấn thân sinh tử nơi chiến trường ngày ấy sẽ không dễ có một Thuận Yến - nhạc sĩ quân đội. Và nếu họ không từng đối đầu với cuộc chia tay đầy khắc khoải, họ đâu thấy hết ý nghĩa của ngày đoàn tụ hạnh phúc cùng bài ca sống mãi với thời gian...

Hà Nội Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét