Thứ Năm

Tiếng Hát Lam Ở Lại

Tiếng Hát Lam Ở Lại

Đối với khán giả của Thanh Lam, việc cô trở lại mạnh mẽ, hát vẫn hay, cảm hứng nghệ thuật vẫn tràn trề, đem đến cho họ cái mới, như thế đã là vui rồi. Dù hát Trịnh, Lê Minh Sơn hay nhạc của ai đi nữa, Thanh Lam vẫn tinh tuyền Thanh Lam, luôn hát hết mình “quên cả đất trời”. Đó là điều mà khán giả của cô mong đợi. Những gương mặt hồ hởi lẫn nuối tiếc sau đêm diễn bởi cảm giác “sao mà ngắn quá” dù đã thưởng thức 12 ca khúc và một bản hòa tấu cho thấy Thanh Lam vẫn được giới yêu nhạc quan tâm theo dõi. 




Hai đêm 6-7/11 vừa qua, Nhà hát Thành phố HCM rộn rã tiếng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt những tiết mục ca sỹ Thanh Lam biểu diễn trong chương trình riêng “Ru Mãi Ngàn Năm” của cô. Sau thời gian bế tắc, Thanh Lam đã thực sự trở lại, nồng nàn và bốc lửa hơn bao giờ hết.
Sân khấu giản dị với những tấm phông trắng cách điệu mang dáng vẻ khuôn cổng tam quan xưa do Nguyễn Công Trí thiết kế mỹ thuật, có thể di động điều chỉnh theo từng tiết mục, là nền cho ý tưởng ánh sáng, sắc màu của đạo diễn Phạm Hoàng Nam thực hiện tạo hiệu quả cho tiết mục biểu diễn, làm nổi bật vị trí, hình thức, vẻ đẹp của ca sỹ. Một piano, một guitar thùng, bộ tứ tấu đàn dây và dàn trống Phù Đổng. Nhìn ngoài vào, “Ru Mãi Ngàn Năm” chỉ có thế, và người xem có vẻ không quan tâm nhiều đến sân khấu đẹp hay xấu. Điều khiến họ bỏ một số tiền không nhỏ mua vé chính là để nghe & xem Thanh Lam hát như thế nào trong một chương trình riêng trên sân khấu lớn chứ không phải là những đêm chạy sô vội vã ở các phòng trà.

´ Người hát
Phải nói ngay, nghe Thanh Lam hát live rõ ràng “đã” hơn nghe CD, nhất là trong không gian sang trọng của Nhà hát Thành phố với hệ thống âm thanh khá chuẩn. Lam hôm ấy bớt đi vẻ kịch tính tưng bừng vốn có khi thể hiện ca khúc mà đằm thắm nữ tính không ngờ. “Người đàn bà hát” chỉ chú tâm vào việc hát mà thôi, không nhiều lời giao đãi, không nhiều cử chỉ minh họa thãi thừa. Giữa khán giả của mình, Thanh Lam thỏa sức thể hiện tất cả tài năng nội lực bản thể bên cạnh sự hỗ trợ của ê-kíp cộng sự tài năng.
Phần đầu chương trình, những bái tình ca Trịnh "Nhìn Những Mùa Thu Đi, Tình Xa, Ướt Mi" ... được cất lên mộc mạc, mặn mà đến không ngờ, bớt đi kiểu gò uốn giọng như trong album “Ru Mãi Ngàn Năm”. Lam khai thác triệt để lối hát tự sự dựa trên nền nhạc mang tính cổ điển nhằm biểu đạt kiểu “ru” riêng của mình, lạnh, sâu và tĩnh. Duy nhất "Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng" có vẻ không phù hợp với chất giọng và cách hát có chiều đẩy đưa. Xem ra Thanh Lam nên chú trọng hơn đến việc lựa chọn ca khúc Trịnh Công Sơn, bởi tính cách âm nhạc nổi loạn của cô hoàn toàn “chỏi” lại chất dịu mềm êm ả trong nhiều bản tình ca Trịnh.
Tiết mục mở đầu cho phần hai nhạc Lê Minh Sơn thật sự tạo ấn tượng mạnh cho khán giả, “sướng” cả mắt và tai. Thanh Lam trong trang phục kimono cách điệu tung hoành vũ đạo trên sân khấu mãnh liệt hát lên những lời thở than Đá trông chồng. Màn ngẫu hứng cùng guitar Lê Minh Sơn Người ở người về và Trăng khát đầy chất jazz say mê là những tiết mục được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Riêng ca khúc mới - nhạc sỹ sáng tác tặng Thanh Lam - "Tìm Anh Bằng Nụ Cười" là một bản pop jazz gọn gàng sôi động gợi nhớ lại một Lam trẻ trung rất “bốc” "Hát Với Chú Ve Con" hay "Hoa Cỏ Mùa Xuân" thuở nào. Tiết mục kết Ôi quê tôi hoành tráng với dàn trống Phù Đổng phụ họa bộc lộ một Lam hừng hực tưởng chừng có thể “cháy” trên sân khấu.
Hát thì thật hay, nhưng về trang phục biểu diễn, có lẽ Thanh Lam cần nghiên cứu lại. Cô thay ba bộ váy áo, hết hai bộ nhìn như ... người hát rong với những vải vóc dây dợ te tua. Phong cách gypsy mà cô hướng đến rất không phù hợp với thể loại âm nhạc cô hát, càng không hợp với thẩm mỹ người Việt. Thể hiện cá tính qua trang phục là một chuyện, nhưng để vừa là chính mình, vừa đẹp trên sân khấu, hòa hợp với không gian và âm nhạc lại là chuyện khó khăn đối với nhiều ca sỹ mà Thanh Lam không là ngoại lệ.

´ Xung quanh người hát
Trong âm nhạc, Thanh Lam không cô đơn. Quanh cô luôn có những người bạn tài năng giúp đỡ. Nhạc sỹ phối khí Trần Mạnh Hùng, Lê Minh Sơn, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sỹ Trí Minh (em trai Thanh Lam) .v.v. Tất cả đã lao động cật lực để hai đêm diễn được thành công tốt đẹp.
Bộ tứ tấu với bốn cô gái xinh đẹp của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã cùng piano Trần Mạnh Hùng và guitar Lê Minh Sơn tạo thành một dàn nhạc bán cổ điển mi-ni chơi hoàn hảo trong đêm diễn. Khán giả được bonus (tặng thêm) một bản hòa tấu Chuồn chuồn ớt hay bất ngờ do guitar Lê Minh Sơn và violin Minh Hiền biểu diễn làm điểm nối giữa hai phần của chương trình.
Có thể trông thấy những gương mặt quen thuộc trong giới văn nghệ như nhạc sỹ Trần Tiến, nhạc sỹ Dương Thụ... và nhiều người nước ngoài cũng đi cổ vũ cho Thanh Lam. Chỉ đáng buồn cho thói quen đi trễ của người Việt, chương trình đã mở màn rồi mới lục tục kéo vào tìm chỗ ngồi gây ảnh hưởng đến sự tập trung của cả người xem lẫn người hát.
Đối với khán giả của Thanh Lam, việc cô trở lại mạnh mẽ, hát vẫn hay, cảm hứng nghệ thuật vẫn tràn trề, đem đến cho họ cái mới, như thế đã là vui rồi. Dù hát Trịnh, Lê Minh Sơn hay nhạc của ai đi nữa, Thanh Lam vẫn tinh tuyền Thanh Lam, luôn hát hết mình “quên cả đất trời”. Đó là điều mà khán giả của cô mong đợi. Những gương mặt hồ hởi lẫn nuối tiếc sau đêm diễn bởi cảm giác “sao mà ngắn quá” dù đã thưởng thức 12 ca khúc và một bản hòa tấu cho thấy Thanh Lam vẫn được giới yêu nhạc quan tâm theo dõi. Chắc chắn album Nắng Lên và live show cùng chủ đề sang năm của Lam sẽ là cuộc hẹn hò mới của cô với khán giả mến mộ. Trong cuộc đời ca sỹ, có được số công chúng riêng luôn ủng hộ mình qua nhiều năm tháng là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Phải chăng nhờ vậy nên Lam vẫn mãi là Lam, và tiếng hát của Thanh Lam vẫn còn ở lại...
 

 Hải Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét