[09:06 14/12/2004 (GMT+7)]
Ở Hà Nội, thời phong trào chơi nhạc jazz sôi nổi mấy năm trước, không khó khăn gì nhận ra nhiều người đến với jazz chưa hẳn vì chính bản thân jazz mà có thể là do mối thâm tình bạn bè, đồng nghiệp và các quan hệ tình cảm và công việc. Từ đó hình thành những "nhóm bạn" có thể toàn tâm chơi nhạc jazz hoặc coi jazz là một phần trong âm nhạc của mình. Nhóm Thanh Lam và ban nhạc Phương Đông chơi jazz-pop; từ ban Phương Đông này có Trần Mạnh Tuấn chơi thân với nhóm Vũ Quang Trung, Trần Thu Hà, Bằng Kiều cùng biểu diễn standard jazz, họ đã cùng nhau ra album Lời ru mắt ai (mà theo lời Trần Mạnh Tuấn là "lỗ thảm hại"); Thu Hồng hát cùng nhóm của Quyền Văn Minh, nhóm này từng cùng nhau sang Singapore dự một liên hoan nhạc Jazz khá lớn, Liên hoan này cũng từng có sự hiện diện của cặp nghệ sĩ Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn.
Như vậy, có thể thấy ngay là vào thời thời tươi đẹp nhất 6-7 năm trước của nhạc nhẹ Việt Nam, những gương mặt hàng đầu của nhạc pop đã từng bước chân sang lãnh địa nhạc jazz và để lại ấn tượng không nhỏ. Họ mang vào nhạc jazz mình trình diễn cả danh tiếng và sự hấp dẫn đã tạo được từ nhạc pop và thu hút được những khán giả của mình vào cuộc chơi mới. Thanh Lam đã "chinh chiến" tận Liên hoan jazz quốc tế nổi tiếng Montreux (Thuỵ Sỹ), Hồng Nhung 10 năm trước cũng đã rất thích thú với jazz và coi jazz là một bước ngoặt trong đời ca hát của mình, Trần Thu Hà từng được một jazz club ở Hà Nội mời diễn đều đặn thứ Tư hàng tuần trước khán giả đa số là người nước ngoài. Còn Thu Hồng - chị ca sĩ Hồng Thuý nhóm Tik Tik Tak, người không nổi đình đám như các diva kia nhưng có một giọng hát mà ai đã nghe thì sẽ khó mà quên được. Thu Hồng không hát nhiều và vì thế không chịu áp lực của sự nổi tiếng, chị hát nhạc jazz thật sự là do vui thích và muốn khám phá khả năng của mình.
Tại Tp.HCM, bên cạnh một Jazzlady Tuyết Loan, có một Triệu Yên với giọng hát như được sinh ra để dành cho jazz, hấp dẫn kỳ lạ. Triệu Yên có nhiều lợi thế để trở thành một ca sĩ jazz có bản sắc và danh tiếng; tuổi trẻ, xinh đẹp, phát âm tiếng Anh chuẩn và thực sự có đam mê jazz. Rất nhiều hy vọng của jazz Sài Gòn ngày đó đã được đặt vào Triệu Yên. Một số ca sĩ nhạc nhẹ của Sài Gòn, rất ăn khách một thời cũng tìm đến với jazz như Thanh Hoa, Hồng Hạnh và cả Bảo Yến...
Với thói quen nghe nhạc của người Việt thì vocal jazz, nói đơn giản là jazz ca khúc dễ được chấp nhận nhất. Dù lối hát nhạc jazz có lắt léo đến đâu thì vẫn còn dễ nghe hơn nhiều so với nghe hoà tấu big band, vì vậy vocal jazz có thể là một yếu tố quan trọng giúp jazz ở Việt Nam có một sức sống khoẻ hơn. Khi đời sống âm nhạc dường như chỉ tập trung xung quanh các ca sĩ thì việc những ca sĩ này tham gia sân chơi nhạc jazz là một điều thuận lợi để jazz có thêm nhiều khán giả hơn.
Nhưng rồi rất cả lại... đâu vào đấy. Cơn sóng nào rồi cũng tan, phong trào nào rồi cũng tới lúc phải... tổng kết. Những cuộc chơi đã phải chấm dứt, bởi chúng thực sự chỉ là "chơi", không có trong đó những yếu tố chuyên nghiệp thực sự, cho dù người hát, người chơi nhạc đều là dân chuyên nghiệp, thậm chí trình độ chuyên nghiệp rất cao. Vocal jazz sau những thời khắc tưởng như chỉ còn chờ bừng nở, giờ chỉ còn lại một Tuyết Loan vẫn cần mẫn có mặt hàng đêm trên những sân khấu mà không phải ai đến xem cũng để nghe jazz, cùng với chị có một vài ca sĩ khác cũng hát jazz, nhưng chỉ hoặc thuần tuý cho vui, hoặc kiếm sống, bởi thế, rất nghiệp dư. Triệu Yên sau khi lập gia đình giờ không còn hát jazz như trước nữa, cô chăm chỉ học thanh nhạc tại Nhạc viện Tp.HCM và thích làm cô gái dạy hát hơn.
Ở Hà Nội, Thu Hồng đã giải nghệ vài năm nay, lui về chăm sóc cho một ảnh viện khá lớn. Buổi trình diễn của Tùng Dương vừa qua tại Liên hoan nhạc jazz châu Âu chỉ như một cuộc chơi nhất thời, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Tùng Dương sẽ tiếp tục sự nghiệp biểu diễn nhạc jazz khi mà khán giả vẫn thích nghe anh hát Quê nhà, Ôi quê tôi... hơn là Misty hay nhạc Ngọc Đại. Tương tự, tính phóng khoáng của người Tây Nguyên có thể là một thuận lợi cho Siu Black trong những buổi diễn jazz có tính giao lưu chứ chưa thể biến chị thành một ca sĩ jazz.
Bản thân các ca sĩ, các ngôi sao nhạc nhẹ khi đến với jazz đều đã thủ sẵn tinh thần cho một cuộc chơi, bởi vậy họ có thể chơi hết mình nhưng không bao giờ phải lo chuyện "nâng cấp" sân chơi ấy. Họ chơi jazz cho vui chứ không phải biểu diễn hay sống vì jazz. Jazz chỉ là một sự "tham khảo" với họ. Có người yêu jazz từng cho rằng các ca sĩ kia bỏ jazz chỉ vì hát nhạc pop sẽ nhanh nổi tiếng và nhiều tiền hơn. Quả điều ấy đúng nhưng đó chưa phải là tất cả nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt quá sớm những cuộc chơi nhạc jazz từng hứa hẹn sẽ rất chuyên nghiệp.
Một điều quan trọng là các ca sĩ như Hồng Nhung, Trần Thu Hà ý thức rõ rằng nếu theo jazz với tình trạng như thế, họ sẽ mãi chỉ làm công việc cover, hát lại những bài bản quốc tế. Hay một diva như Thanh Lam không thể mãi mãi theo con đường thử nghiệm cùng ban nhạc Phương Đông được. Dù rằng những bài dân ca Việt được chơi trên nền hoà âm jazz của Phương Đông nghe cũng khá hấp dẫn, nhưng Thanh Lam không thể chờ và mãi đi theo những thử nghiệm quá lâu và đầy tính "ngẫu hứng" ấy. Họ cần khẳng định vị trí và đẳng cấp của mình trong đời sống ca nhạc, jazz có thể cũng là đam mê của họ nhưng chưa đủ sức mạnh để giúp họ trong cuộc đăng quang tên tuổi. Và, như đã nói, với họ, hát nhạc jazz mãi chỉ là cho vui, không tham vọng, không quyết tâm.
Những cuộc chơi mãi dang dở như thế sẽ càng làm khó cho jazz Việt hơn bởi nó luôn phải ở trong tình trạng bấp bênh và không rõ rệt về phong cách. Khi các ca sĩ tham gia nhiều thì vocal jazz thắng thế và các ca sĩ cũng giúp hình thành nên những phong cách khác nhau, nhưng khi họ rời bỏ cuộc chơi thì các nhạc công jazz, dù rất tài năng, cũng khó mà duy trì được số lượng khán giả có được trước đó, mà không có khán giả thì jazz không có cách gì phát triển.
Nguyễn Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét