Thứ Năm

Thanh Lam Và Phong Cách Nổi Loạn


Thanh Lam Và Phong Cách Nổi Loạn

Thanh Lam đã mặc nhiên được công nhận như một DIVA số 1 của nhạc nhẹ Việt Nam. Bằng tài năng của mình, cô đã là nhân vật chính tạo nên một phần diện mạo của nhạc trẻ Việt Nam trong nhiều năm và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều ca sĩ đi sau...



´ Hành trình trở thành "Nữ hoàng"

Năm 1987, Thanh Lam dự thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, hát một bài ngoại quốc mà sau này, khi đã đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi này lần 2 năm 1991, cô tự nhận là "dữ dằn, điên loạn" và kết quả là "bét dí". Khi ấy những gì Thanh Lam trưng ra sân khấu còn quá lạ lẫm với cả ban giám khảo và khán giả. Người ta chưa cho đó là sự phá cách, mà chỉ nghĩ đấy là một trò nhố nhăng không hợp thời, nhưng giọng hát của Thanh Lam thì không ai phủ nhận được sự hấp dẫn trong đó. Khi ấy ở ngoài Bắc vẫn chuộng kiểu giọng trong vắt, nghe là thấy "Nhạc Viện", thì Thanh Lam, với chất giọng khàn khàn, sẵn sàng "hét" ở bất cứ nốt nhạc nào, hẳn không thể dễ dàng làm thay đổi cả một thói quen thưởng thức.
Nhưng khi ấy nhiều người, dù chưa quen, đã nhận thấy ở Thanh Lam một năng lượng tiềm tàng mãnh liệt dành cho nhạc nhẹ, bởi vậy mà năm 1989, chính Thanh Lam chứ không phải những ngôi sao nhạc nhẹ sáng bừng ở trời Nam hay hai giọng vàng được sủng ái nhất của Hà Nội - Ái Vân và Lệ Quyên - được cử đi Cuba dự Liên hoan ca nhạc nhẹ Quốc tế. Ở đó, Thanh Lam được thả sức bung hết năng lượng bị kìm nén của mình. Cô đoạt giải nhì kèm giải Ca sĩ được khán giả yêu thích nhất. Những nỗ lực, những phá cách của cô đã được công nhận, mà còn ở tầm quốc tế!
Thanh Lam không phải là người đầu tiên đưa nhạc trẻ, nhạc pop đến với Hà Nội như có người vẫn ngộ nhận. Trước cô, Lệ Quyên và Ái Vân đã là 2 hình tượng nhạc nhẹ. Hai ca sĩ đàn chị này là những người tiên phong ở miền Bắc đến với pop-rock phương Tây khi mà ở đây nhiều nhạc sĩ còn đang cãi nhau nhạc nhẹ là gì và có nên chấp nhận nhạc nhẹ cùng dàn nhạc điện tử không. Trước khi Thanh Lam được biết đến như một "Whitney Houston Việt Nam" thì Lệ Quyên đã hát nhạc của diva này và của Scorpions từ lâu, và Ái Vân thì tham gia hầu hết các liên hoan ca nhạc tạp kỹ quốc tế, đi đến đâu cũng giật giải.
Trước hai cái bóng lớn như vậy cùng với những tên tuổi lớn từ Tp.HCM, để bứt lên Thanh Lam phải phá cách. Cô có lợi thế ban đầu là chất giọng không giống ai, lại rất hấp dẫn. Ngay khi còn sinh hoạt ca nhạc thiếu nhi, trong những bản thu âm đầu tiên, đến giờ còn lưu trong kho băng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thanh Lam đã cho thấy sự "khác" của mình với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cô hát như một đứa trẻ muốn mình lớn thật nhanh, hát không theo những quy chuẩn bất thành văn cho nhạc thiếu nhi là nhẹ nhàng, mượt mà, trong sáng. Thanh Lam có mầm mống phá cách từ khi ấy.
Năm 1991, Thanh Lam đoạt Giải thưởng Lớn trong Cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp toàn quốc lần 2 một cách thuyết phục với số điểm gần như tuyệt đối bằng một bài hát của Whitney Houston - One moment in time. Đúng như tên bài hát, sau một thời gian dài miệt mài vừa tự tìm tòi vừa học lỏm những phong cách pop-rock lạ lẫm, cô đã đăng quang sau một "khoảnh khắc" xuất thần, đó là lúc cô hát nốt nhạc cao nhất trong bài hát One moment in time, người ta thấy rõ cô đang sống với bài hát của mình, một phẩm chất rất hiếm ca sĩ có được, mà chưa chắc cô đã hiểu tường tận nội dung bài hát, bởi thời ấy, đa số ca sĩ của chúng ta hát nhạc ngoại quốc bằng cách... học vẹt!
Phong cách của Thanh Lam là tổng hợp từ những gì cô học được từ những giọng nữ lừng danh thế giới khi ấy, rõ nhất là Whitney Houston, cộng với cá tính mạnh, thậm chí dữ dội của cô. Với Thanh Lam, người ta thường thấy cô trong trạng thái hát như thể không bao giờ được hát nữa, hát như thể đang tận hiến giọng hát của mình. Sự nổi lên của Thanh Lam còn khiến nhiều nữ ca sĩ, nhất là ca sĩ Hà Nội, tự tin hơn khi thể hiện cá tính trên sân khấu.
Không có sự may mắn nào trong thành công của Thanh Lam. Cô phải tận lực thuyết phục khán giả và nhiều ban giám khảo bằng chính khả năng của mình, để đến một lúc nào đó, những người còn lạ lẫm với phong cách đang hình thành ở cô nhận thấy đó thật sự là sáng tạo. Thanh Lam từng bị chỉ trích ghê gớm chỉ vì hay hú hét, gào ú ớ giữa và sau mỗi bài hát, đến giờ thì chúng ta đều đã quen với cái được gọi là "phiêu" và rất nhiều ca sĩ vẫn ngày ngày phiêu, chẳng ai ngạc nhiên nữa.
Cái sự "filling" của Thanh Lam tưởng như vô lối nhưng đó là một cách hợp lý để cô tận dụng hết khả năng rộng lớn của giọng hát. Giọng hát của cô không chỉ để thể hiện ca từ, nó phải được coi như một nhạc cụ đặc biệt và những đoạn phiêu phải là một phần của bản hoà âm để tạo nên một bài hát hoàn chỉnh theo phong cách Thanh Lam.
Lối hát ấy của Thanh Lam có thể khiến nhiều người khó chịu khi cô hát nhạc Trịnh Công Sơn. Theo một thói quen trước đó nhạc Trịnh cần phải được hát một cách giản dị, nhưng sự phá cách của Thanh Lam lại tạo ra một chiều cảm nhận nhạc Trịnh Công Sơn khác. Bằng giọng hát hừng hực của mình, Thanh Lam "đốt cháy" từng câu nhạc Trịnh để rồi trong ngọn lửa ấy, những ám ảnh về thân phận trong ca từ Trịnh Công Sơn hiện lên, nóng bỏng và gay gắt.
Thanh Lam giữ vững ngôi vị "Nữ hoàng nhạc nhẹ" suốt hơn 10 năm qua, là một DIVA tài năng đích thực, có vị trí riêng chưa ai thay thế được. Cô chưa bao giờ là ca sĩ ăn khách số 1 thị trường nhưng tài năng của cô được khán giả công nhận, được đồng nghiệp kính trọng và có ảnh hưởng lớn đến nhiều ca sĩ thế hệ sau.

´ Ảnh hưởng của Thanh Lam

Không khó khăn gì để nhận thấy dấu ấn của Thanh Lam trong nhiều ca sĩ đang nổi tiếng hiện nay. Sự ảnh hưởng ấy có thể đến một cách tự nhiên do hâm mộ, hoặc chủ động học theo, như Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất mà Thanh Lam đã tạo ra là sự tự tin đưa những sáng tạo nặng dấu ấn cá nhân lên sân khấu. Chấp nhận thử thách để được khán giả công nhận chứ không ăn theo những gì có sẵn để đảm bảo "an toàn". Tất nhiên sáng tạo ấy phải dựa trên tài năng và một lòng yêu nghề mãnh liệt, không phải là những trò lố.
Ảnh hưởng của Thanh Lam lan đến nhiều khán giả, kích thích họ sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Khi đã quen với những sáng tạo ít nhiều cực đoan từ ca sĩ, bản thân khán giả sẽ tự nguyện tham gia vào quá trình đồng sáng tạo lúc nào không hay. Chính Thanh Lam đã là người mở cách cửa để sau đó những phong cách của Trần Thu Hà, Mỹ Linh được đón nhận nhanh chóng và thoải mái. Khán giả của Thanh Lam đa số là những người có khả năng hiểu được cách hát của cô, cắt nghĩa được vì sao cô lại phiêu thế này hay hát thầm thì thế kia, hoàn toàn không có kiểu fan a dua theo phong trào.

´ Người đứng sau một hình tượng

Người đã góp phần lớn đưa Thanh Lam lên vị trí "Nữ hoàng" là Quốc Trung. Anh là người hiểu cặn kẽ nhất những ưu, nhược trong giọng hát của Thanh Lam để đề ra con đường đi thích hợp cho cô. Và Thanh Lam, bằng tài năng bẩm sinh và sự nhạy cảm đặc biệt của mình đã đi rất vững trên con đường ấy và ở mỗi cột mốc, mỗi khúc quanh, ngả rẽ, cô đều để lại dấu ấn của mình.
Nói theo "ngôn ngữ nhạc thị trường" thì cô cũng là sản phẩm xuất sắc của một ông bầu tài năng, nhưng "sản phẩm" đặc biệt này đã tốt ngoài mong đợi của "ông bầu" bởi bản thân nguyên vật liệu tạo nên đã có "chất lượng vàng" rồi. Chất lượng vàng ấy dành cho bản thân tài năng và những nỗ lực sáng tạo không ngừng của Thanh Lam.
(Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét