Thứ Năm

Thanh Lam: "Ca Sĩ Ta Cần Chuyên Nghiệp Hơn Nữa"

Thanh Lam: "Ca Sĩ Ta Cần Chuyên Nghiệp Hơn Nữa"

Vừa phát hành album “Ru Mãi Ngàn Năm”, tổ chức bốn đêm diễn cùng chủ đề tại Nhà hát TP. HCM (6 – 7/11), Nhà hát Lớn Hà Nội (24 – 25/11) gồm những ca khúc Trịnh Công Sơn và Lê Minh Sơn, album Nắng Lên sắp ra mắt… , có vẻ Thanh Lam đang tràn đầy hứng khởi lao động nghệ thuật…

´ Ru Mãi Ngàn Năm” là live show thứ ba chính thức của chị sau hai live show xuyên Việt Cho Em Một Ngày và Em & Tôi ?
Không hẳn là một live show, tôi quan niệm đây chỉ là buổi diễn giới thiệu album mới “Ru Mãi Ngàn Năm” vừa phát hành và Nắng Lên sẽ ra mắt vào dịp Noel. Nó không hoành tráng theo kiểu tổng kết một chặng đường ca hát và mang tính đại chúng ồn ào như hai chương trình kia, chỉ giản dị một dàn nhạc bán cổ điển thu nhỏ gồm một guitar, một piano, bộ tứ tấu, nhạc Trịnh và Lê Minh Sơn cùng tiếng hát Thanh Lam, thế thôi.
´ Âm nhạc của hai nhạc sỹ trùng tên Sơn này có vẻ không cùng style, liệu có “chỏi” nhau khi được biểu diễn trong cùng một chương trình?
Phần nào đúng như vậy. Nhưng không nên so sánh hay đánh giá về sự khác biệt trong âm nhạc, điều quan trọng là nó đem lại cảm xúc cho khán giả như thế nào. Sẽ có những mắt xích xuyên suốt hai phong cách âm nhạc thông qua không gian sân khấu, màu sắc ánh sáng dưới sự dàn dựng của đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi tin đây sẽ là chương trình có chất lượng cao, nhất là khi được tổ chức ở nơi trang trọng như Nhà hát TP. HCM và Nhà hát Lớn Hà Nội, hy vọng khán giả yêu nhạc sẽ ủng hộ Thanh Lam.
´ Ra album rồi tổ chức lưu diễn giới thiệu CD, phải chăng chị muốn học tập cách làm việc chuyên nghiệp của các ca sĩ thế giới ?
Đúng vậy! Tôi dự định từ nay về sau sẽ làm theo mô hình ra album - tổ chức tour diễn giới thiệu. Nền showbiz Việt đang trên đà phát triển, ca sỹ mình cũng nên chuyên nghiệp dần đi là vừa. Hy vọng công chúng và báo chí cũng sẽ ủng hộ xu hướng này.
´ Trong âm nhạc, Thanh Lam bây giờ với Thanh Lam trước kia có gì khác biệt ?
Nhiều người hay đòi hỏi ca sỹ phải biết “lột xác”, thay đổi phong cách này nọ, tôi thấy buồn cười. Một khi đã tạo được tên tuổi, người ca sỹ luôn muốn hoàn thiện phong cách cũng như hình tượng của mình, khẳng định của thẩm mỹ âm nhạc của mình, hướng đến tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động nghệ thuật… Thanh Lam cũng vậy, có khác biệt chăng chỉ là bản lĩnh cũng như sự chín chắn trong nghề nghiệp chứ tôi không muốn thay đổi gì cả. Vả lại, đâu có dễ dàng “lột xác”, điều đó còn phụ thuộc phần lớn vào những cộng sự âm nhạc của mình nữa.
´ Nói đến cộng sự âm nhạc, chị có thể nhận xét về sự khác biệt của âm nhạc Quốc Trung & Dương Thụ và Lê Minh Sơn & Trần Mạnh Hùng ?
Rất khác biệt. Âm nhạc của Quốc Trung & Dương Thụ theo thể loại world music hiện đại, giai điệu và ca từ giản dị, chủ yếu sắp xếp khối âm thanh bài hát trên nền hòa âm điện tử nhiều màu sắc. Còn âm nhạc Lê Minh Sơn & Trần Mạnh Hùng lại thiên về xu hướng cổ điển kết hợp với nét nhạc dân gian, hòa âm mộc mạc, giai điệu ca khúc vẫn mang tính quyết định.
´ Nghe nói chị từng từ chối nhiều show diễn lớn vì thấy không phù hợp ?
Vâng, tôi cảm thấy lạc lõng giữa một rừng ca sỹ trẻ hát disco, hip-hop, cả những bản nhạc nhái ngoại quốc mà dân trong nghề biết rõ. Chắc chắn khán giả đến những chương trình ấy không phải để nghe tôi hát, vả lại, nếu phải hát ở đó với cảm giác không có khán giả của mình, không tự tin thì tôi sẽ chẳng thể hát hay. Vậy nên đành từ chối.
´ Một thế hệ ca sỹ trẻ “làn sóng mới”như Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Khuê, Tùng Dương, Khánh Linh. .v.v. đang chiếm lĩnh sân khấu ca nhạc Việt Nam, chị nghĩ gì về họ ?
Điều đáng trân trọng nhất ở các bạn ca sỹ trẻ là lòng đam mê âm nhạc, niềm khát khao được hát, hình ảnh ấy làm tôi nhớ lại một Thanh Lam thời mới bước vào con đường ca hát luôn muốn cống hiến hết mình. Tôi đánh giá cao những tài năng như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Khánh Linh bước đầu đã có bản sắc riêng đáng quý. Tuy nhiên, trong môi trường âm nhạc hiện tại, ca sỹ trẻ nên có sự chuyên nghiệp hóa nghề nghiệp, cần có producer giúp định hướng phong cách. Tôi thấy ca sỹ trẻ hiện nay đang sa vào kiểu hát dễ dãi, mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, không có xu hướng âm nhạc rõ ràng, điều này rất đáng lo.
´ Trong vài năm nữa, sau thời kỳ của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, chị dự đoán “làn sóng mới” có làm nên chuyện ?
Nhân tài thì luôn hiếm, có năng lực rồi nhưng phát triển và khẳng định được năng lực hay không lại là chuyện khác. “Làn sóng mới” muốn vượt lên phải “từ từ mà tiến”, kết hợp với những nhân tố khác của nền công nghiệp âm nhạc như nhạc sỹ, nhà sản xuất, người hoạch định chiến lược, PR .v.v. Bản thân Thanh Lam cũng không thể tự lực tạo được tên tuổi như bây giờ mà phải nhờ cậy rất nhiều vào sự định hướng của anh Quốc Trung để tạo ra xu hướng âm nhạc riêng của mình. Nhìn ra thế giới, Rod Stewart hoạt động âm nhạc mấy mươi năm rồi vẫn còn “sung” lắm, dù đàn em tài năng như Bryan Adams cũng phải nhường, tôi hy vọng mình cũng sẽ “dai sức” được như vậy.

     Nhân Đăng
(Theo GĐX)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét