Cha - Con & Âm Nhạc
´ Thanh Lam & Nắng Lên
Chương trình "Âm Nhạc & Những Người Bạn” tháng 7/2004 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 từ sân khấu Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Trong làng âm nhạc Việt Nam, không hiếm ca sĩ thành công với những ca
khúc của chính người sinh ra mình. Nhưng để làm nên một phong cách
riêng, tôn vinh được bài hát và giọng ca thì chỉ có thể kể đến cha con
nhạc sĩ - ca sĩ Thuận Yến - Thanh Lam.
´ “Lôi kéo” cha vào dòng nhạc mới.
Những tác phẩm của người cha - nhạc sĩ Thuận Yến, được bắt nguồn từ dòng
âm nhạc bác học giao hưởng thính phòng. Thành công của các ca khúc viết
về Bác Hồ, người chiến sĩ, bà mẹ Việt Nam, quê hương đất nước... đã
giúp ông ghi tên vào danh sách những nhạc sĩ tiêu biểu của một thời khói
lửa. Ra khỏi chiến tranh, âm nhạc của ông vẫn đậm chất dân gian - bác
học, chưa có một sự “lột xác” kịp bắt nhịp với cuộc sống mới. Trong khi
đó, luồng nhạc pop - rock từ bên ngoài bắt đầu tràn vào, dần dần hình
thành một dòng nhạc nhẹ trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Không ai khác,
chính Thanh Lam, con gái ông, là một trong những người đầu tiên
nhanh chóng nhập cuộc với dòng nhạc mới ấy. Sau bảy năm học đàn tì bà và
bốn năm học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, cô ca sĩ có chất giọng
khàn khàn quyến rũ, mãnh liệt và đam mê đã nhập vào dòng nhạc nhẹ đang
bước đầu phát triển và dần khẳng định được mình trong các cuộc thi đơn
ca chuyên nghiệp toàn quốc, quốc tế.
Cô con gái yêu mà từ nhỏ cha đi đâu là con theo sau đàn hát ở đấy đã làm
người cha không khỏi bỡ ngỡ khi chọn hát những ca khúc rực lửa, sôi
động, đầy tâm trạng khắc khoải mà không phải êm dịu “truyền thống” như
Đi trong hương tràm, Gửi em ở cuối sông Hồng... Điều đó đã khiến ông tìm
nghe, xem các chương trình biểu diễn và tìm hiểu, nghiên cứu phong cách
nhạc nhẹ. Và rồi "Chia Tay Hoàng Hôn" ra đời năm 1990, tiếp theo đó là "Khát Vọng", "Vị Đắng Tình Yêu", "Tình Yêu Không Lời"...
đã hình thành nên một dòng chảy hiện đại trong các ca khúc của Thuận
Yến - dòng chảy bắt nguồn từ sự “lôi kéo” của con gái mình.
´ Con gái: Người bạn tri âm của cha
Bên cây đàn piano, người cha viết nhạc, còn cô con gái ngồi cạnh, hát và
đề nghị cha sửa chỗ này, chỗ kia cho phù hợp với giọng ca âm vực hẹp
của mình - đó là cảnh thường thấy trong ngôi nhà cha con Thuận Yến - Thanh Lam.
“Con sửa chỗ nào thì sửa đi, ba ghi lại” - người cha thường “thỏa hiệp”
như vậy. Ông cho rằng, sửa bài hát theo ý con không chỉ để phù hợp với
giọng của con mà còn là để âm nhạc của mình gần với giới trẻ ngày nay
hơn. Dẫu sao, trong con người mình cũng đã đằm sâu cái chất dân gian,
bác học suốt nửa thế kỷ, vượt qua được thói quen là rất khó. Mình có
những cái chưa nhạy cảm, chưa tiếp cận được cái mới như con nên con bảo
sửa là nghe theo.
´ Tốt nghiệp đàn tì bà (hệ 7 năm) và thanh nhạc (trung cấp 4 năm) Nhạc viện Hà Nội.
´ Giải thưởng:
Giải nhì đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc (1987); giải ca sĩ được yêu
thích nhất tại Cuba (1989); giải thưởng lớn cuộc thi Ca nhạc nhẹ toàn
quốc (1991).
´ Album: Thiện Thanh, “Em Và Tôi”, “Cho Em 1 Ngày”, “Ru Đời Đi Nhé”, “Tự Sự”, “Mây Trắng Bay Về”, “Thanh Lam & Hà Trần”.
Sự thỏa hiệp, xuôi chiều thường giết chết sáng tạo trong nghệ thuật.
Nhưng ở đây, nhạc sĩ Thuận Yến đã tin tưởng hoàn toàn vào con gái mình
khi để con tham gia chỉnh sửa tác phẩm. Thanh Lam là ca sĩ tài năng, thông minh, nhạy cảm - ông hiểu điều đó hơn ai hết. Chẳng hạn như ca khúc có tên ban đầu Thuận Yến đặt "Tình Yêu" Thanh Lam đã đổi lại thành "Khát Vọng"
- một cái tên “ám ảnh”, giàu sức gợi hơn. Hoặc như câu “xao xuyến bồi
hồi” trong bài Chia tay hoàng hôn, vốn ở trên nền nhạc được hòa âm bình
lặng với nốt “rề”, nhưng khi hát Thanh Lam đã đẩy lên nốt “la”
chói chang - nốt nhạc của sự biến động, không yên tĩnh, đầy kịch tính,
phù hợp với tâm trạng của bài hát và với sở trường sân khấu của cô.
Thực ra, những bài "Khát Vọng", "Chia Tay Hoàng Hôn"... đã được đàn chị Bảo Yến, Cẩm Vân thể hiện trước đó, nhưng phải đến Thanh Lam thì bài hát mới thực sự được hoàn thiện. Cá tính mạnh mẽ, dữ dội, chất giọng đặc biệt, lại có sự đồng cảm, đồng điệu, Thanh Lam
đã hát hết mình những ca khúc của người cha như thể không bao giờ hát
được nữa. Là một ca sĩ tài năng, đắm đuối với nghề, hát bằng tất cả tấm
lòng, tình cảm của mình, Thanh Lam đã góp phần làm thăng hoa, đẩy
lên cao hơn ca khúc của Thuận Yến và trở thành người bạn, người đồng
hành của cha. Ngược lại, người cha với tình yêu con gái đã có những tác
phẩm dành cho con, phù hợp với chất giọng của con. CD "Tự Sự" với những ca khúc của Thuận Yến mà Thanh Lam đã thể hiện thành công nhất là một dấu ấn đẹp trong sự đồng cảm về âm nhạc của hai cha con.
´ Cha: Bến đậu bình yên cho con gái
Thanh Lam là một cái tên riêng đã được khẳng định và Thuận Yến tự
hào vì điều đó. Cô con gái tài năng, xinh đẹp là niềm hãnh diện của
người nhạc sĩ cũng đầy tài năng này. Yêu con đến tận đáy lòng, cha giữ
cho con từng kỷ niệm, từ những chiếc khăn nấu bột ngày xưa, đến từng
chiếc bằng khen thời thơ ấu... Vậy nên, sự đa đoan của đứa con gái tài
sắc vẹn toàn vẫn là điều khiến người cha nặng lòng. Ba mươi lăm tuổi, lỡ
hai lần đò. Người cha không thể can thiệp vào chuyện tình cảm riêng tư
của con mà chỉ có thể là một bến đậu bình yên cho con trước những sóng
gió của cuộc đời.
Thảo Chi
(Theo Người Lao Động)
´ Tốt nghiệp đàn tì bà (hệ 7 năm) và thanh nhạc (trung cấp 4 năm) Nhạc viện Hà Nội.
´ Giải thưởng:
Giải nhì đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc (1987); giải ca sĩ được yêu
thích nhất tại Cuba (1989); giải thưởng lớn cuộc thi Ca nhạc nhẹ toàn
quốc (1991).
´ Album: Thiện Thanh, “Em Và Tôi”, “Cho Em 1 Ngày”, “Ru Đời Đi Nhé”, “Tự Sự”, “Mây Trắng Bay Về”, “Thanh Lam & Hà Trần”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét