Chúng tôi ngồi trò chuyện bên một chiếc bàn nhỏ xinh, nơi có cửa sổ nhìn ra khoảng trời xanh với những cành cổ thụ. Một không gian khá lý tưởng, đủ để Lam có thể trải lòng mình tìm về những ký ức ngày xưa cũng như bày tỏ những khát vọng chưa bao giờ ngưng nghỉ...
Vẫn là một Thanh Lam trẻ trung, đầy cuốn hút với mái tóc tém và phong cách ăn mặc có gu, lối nói chuyện thông minh đầy chất trí tuệ về cuộc đời, về nghề nghiệp. Chỉ có điều, dường như Lam đã trở nên đằm dịu hơn trong tính cách và phát ngôn.
20 năm sự nghiệp ca hát với gần 20 album - những thành quả lao động sáng tạo hữu hình của Lam, đều là những sản phẩm mà Lam tâm huyết. Theo Lam, việc tôn trọng và nghiêm túc trong nghề nghiệp của mình chính là sự tôn trọng những khán giả đã luôn luôn theo dõi, khích lệ mình. Đó là câu trả lời duy nhất về cái tâm của người làm nghề đối với khán giả.
Những sự kiện quan trọng đầu tiên, đánh dấu bước đầu sự trưởng thành trong sự nghiệp âm nhạc của Lam mà mọi người còn nhớ, đó là Giải Nhất cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ nhất (1991), album đầu tiên "Giọt nắng bên thềm" (băng cassette), live show đầu tiên năm 1997 khẳng định danh vị diva nhạc nhẹ - "Cho em một ngày" và sau này là các live show "Nắng lên", "Ru mãi ngàn năm"...
Mỗi live show hay mỗi album của Lam luôn luôn là sự thể nghiệm, tìm kiếm, sáng tạo và không lặp lại những cái khác với trước đây mình đã thể hiện.
Năm 2007 có thể nói là một năm ghi nhận sự nỗ lực hết mình trong công việc của Thanh Lam. Đầu năm ra 2 CD "Giọt... Lam", "Lam blue Ta" và cuối năm tổ chức hai đêm live show "Lam... xưa" tại Nhà hát Lớn Hà Nội (26 &27/10) và một đêm tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM (29/11).
"Điều quan trọng nhất còn đọng lại trong đợt live show vừa rồi đó là dư âm trong lòng người nghe. Khép lại một năm làm việc đầy nỗ lực, cái "lãi" nhất của Lam là được làm việc, được cống hiến giọng hát của mình cho khán giả", Thanh Lam bày tỏ.
Và tôi còn được biết một điều rất ý nghĩa nữa, Lam đã dành 160 triệu đồng từ tiền bán vé để ủng hộ cho các gia đình nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ và đồng bào lũ lụt miền Trung, trực tiếp đi vào các tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng... để trao quà tận tay cho họ.
Mặc dù số tiền chưa phải là nhiều nhưng với cách làm ấy của Lam, thật chẳng phải rất đáng để tri ân lắm sao?
Sau sự kiện live show vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Thanh Lam hiện tại vẫn là diva số 1 của Việt Nam nhưng cách chị hát và lượng khán giả đến với Lam không còn ở vị trí cao nhất(!?).
Lam có vẻ lắng xuống, trầm ngâm và lí giải, có lẽ đó là do lý tưởng đã chọn của mình thôi. Lam đã lựa chọn dòng nhạc không phải bình dân mà chọn con đường lao động nghệ thuật mang tính học thuật nên việc lựa chọn khán giả là điều không thể tránh được. Và khi càng leo lên đỉnh dốc thì sẽ bị rơi vãi rất nhiều và bị loại đi.
Lam cũng thừa nhận một thực tế, với khán giả đại đa số thì Lam không lấy được nhưng tin chắc rằng lượng khán giả của Lam đều là những người có cá tính, có tâm hồn và tri thức thì mới có thể yêu thích dòng nhạc của Lam.
Tôi cũng là một trong những fan trung thành và hâm mộ giọng hát Thanh Lam từ những ngày đầu tiên cho đến tận bây giờ.
Phải thừa nhận, Lam có giọng hát đặc biệt, một chất giọng dày, ấm, nồng nàn, giàu năng lượng, giàu khát khao, đầy sức biểu cảm với kỹ thuật cao, không thể lẫn vào đâu được.
Có những bài hát được các ca sĩ khác thể hiện từ rất lâu rồi hoặc những bài hát có giai điệu và ca từ không phải đặc sắc nhưng qua Lam "xử lý" lại mang một màu mới, một lực hút mới.
Rất nhiều bài hát Lam đã thể hiện thành công rồi thì theo tôi, nó có sức sống vượt qua năm tháng và không ai có thể vượt qua như: "Chia tay hoàng hôn", "Giọt nắng bên thềm", "Khát vọng", "Hồ trên núi", "Im lặng đêm Hà Nội", "Nỗi nhớ", "Hoa sữa", "Đá trông chồng"...
Nhưng cũng như nhiều người, không phải tôi không có những lúc rất thất vọng, tuy chưa đến mức nhìn thấy Lam trên tivi là "dị ứng" tắt ngay với những lối hát dữ dội, ngông cuồng, gào thét và phá hỏng bài hát của nhạc sĩ (Trịnh Công sơn là một ví dụ).
Có vẻ như Lam không tiết chế được cảm xúc, năng lượng quá dư thừa thành ra gây sốc, gây phản cảm cho người nghe. Dường như đôi khi tôi cảm thấy ranh giới giữa cái sáng tạo mang tính nghệ thuật với cái phá cách phi nghệ thuật là rất mong manh và hư ảo.
Tôi đem băn khoăn này bày tỏ với Thanh Lam, Lam cho rằng, mỗi sản phẩm Lam đưa ra, Lam không muốn lặp lại những cái quá khứ bởi vì hát như những thành công Lam đã hát, đối với Lam nó quá dễ.
Cái khó cho người làm nghệ thuật ở Việt Nam là Người Việt Nam mình rất ít khi chấp nhận cái mới, họ muốn (hoặc bắt) người nghệ sỹ phải hát mọi thứ mềm mại đúng với tâm sinh lý của người nghe.
Riêng Lam, Lam có hoài bão lớn hơn, Lam muốn hướng người nghe tới cái không gian mà mình tưởng tượng. Đó là một cuộc sống đầy hoài bão, trong cuộc sống sẽ có cái được, cái mất, buồn vui hay đau khổ nhưng trong cuộc sống cũng như trong bài hát của Lam phải luôn có lối thoát, phải có một hướng đi, mở ra những chân trời mới, Lam không đóng lại một cái gì cả.
Lam luôn luôn hát bằng tất cả tâm hồn mình, thực sự chìm đắm trong không gian và đường chạy của bài hát. Cũng có thể trong Lam có một hoài bão quá mạnh, những khát vọng, những khắc khoải, những vui buồn luôn luôn hiện hữu và thôi thúc... Tất cả đều được biểu hiện ra bên ngoài với một lối hát vẻ mạnh mẽ, dữ dội, điên loạn, nhiều khi gây sốc cho người nghe.
Không phải Lam không biết những điều ấy chính vì vậy mà Lam mới nói, lối hát của mình chưa phù hợp vì nó đi ngược lại với luồng nghe chứ không phải hát dở hay phi nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Lam cho rằng, khi đã là một ca sĩ chuyên nghiệp, được công nhận là "diva nhạc nhẹ" của Việt Nam thì khi hát không phải Lam không biết tiết chế. Tất cả những thứ mà Lam nổi loạn hay điên loạn đều có trong sự chuẩn bị hết, nó được thôi thúc từ cái khung mà Lam đã dựng trong một tinh thần nhất định, đến đoạn này nó cần phải được thể hiện như thế này, đến đoạn kia nó cần phải được thể hiện như thế kia v.v...
Không bao giờ có những bài hát mà Lam không tiết chế được. Sự thiếu tiết chế mới chính là sự non tay trong nghề. Bởi vậy mà, đôi khi Lam phải chấp nhận cả những cái
được - mất và vẫn một mình bản lĩnh chạy đua với chính mình một cách khốc liệt nhất trên con đường nghệ thuật sáng tạo riêng của mình, tin rằng thời gian sẽ là minh chứng tốt nhất cho mọi nhận định.
Nếu nói về nghề thì Lam là người rất kỹ tính, dường như chị vắt kiệt cùng mình vào mỗi chương trình từ khâu trang phục, âm thanh, ánh sáng, tập luyện công phu...
Trong cuộc sống Lam cũng không phải con người cẩu thả, làm gì cũng tẩn mẩn, tỉ mỉ, thích sự hoàn thiện và đôi khi hơi thái quá, đôi khi có lúc được lúc mất cũng bởi sự kỳ vọng quá lớn thành ra "Tình yêu đến tình yêu đi ai biết?".
Lam cũng là người không thích một cuộc sống tụm năm tụm ba và luôn luôn giấu kín góc ẩn trong tâm hồn mình ngay cả với những người thân yêu nhất, đó cũng là một thiên bẩm của Lam, nó như một thứ doping để lôi cuốn người ta luôn luôn tò mò, muốn khám phá và thậm chí thêu dệt nên cả những điều thị phi.
Là người của công chúng, Lam chấp nhận hết và đề cao quan điểm sống vì mình, sống cho mình rất nhiều. Lối sống đó, chưa biết đúng hay sai nhưng Lam không có gì ân hận khi đã dám sống, đã cho, đã nhận và khi có lỗi lầm, dám nhìn thẳng vào nó để hiểu, bước ra và đi tiếp.
Những lời thị phi, thêu dệt xung quanh cuộc ly hôn của Lam và nhạc sĩ Quốc Trung và về việc anh nuôi cả hai đứa con trai cũng như những "người tình" trong cuộc đời riêng của Lam nữa... càng làm tăng lên những mối hoài nghi của dư luận về vai trò làm mẹ của Lam.
Sở dĩ Lam hiếm khi thổ lộ tình cảm và trách nhiệm của mình đối với các con trên báo chí hoặc những người xung quanh là vì, với Lam, thiên chức làm mẹ là điều quá hiển nhiên. Đó là việc bản năng! Người đàn bà nào sinh ra cũng phải làm đúng thiên chức ấy thì tại sao chúng ta phải kể lể, phải thần thánh hóa việc ấy làm gì.
Lam cũng là người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác, cũng rất mực yêu con, lo lắng cho con. Chỉ có cái khác là ông trời phú cho Lam có một giọng hát đặc biệt, có tâm hồn của một nghệ sĩ, có tư chất của một người đàn bà đương đại, dám sống, dám vươn lên, dám chấp nhận cái được và cái mất trong cuộc sống.
Và cho đến ngày hôm nay vẫn nỗ lực phấn đấu để làm nghề. Những năm 19, 20 tuổi, Lam sinh con gái đầu lòng và Lam đã phải trả giá rất lớn cho tuổi trẻ của mình.
Trong khi các bạn của mình đang đi chơi, đang yêu người đàn ông này, lúng liếng với người đàn ông kia thì Lam đã phải làm mẹ rồi. Lam nghĩ mình là người phụ nữ thiệt thòi vì mình sống và yêu quá mãnh liệt. Những năm đang phồn thịnh của nhạc nhẹ thì Lam lại tiếp tục sinh hai cậu con trai nữa. Không thể nói Lam không yêu con và không có trách nhiệm với con được.
Trong mỗi con người, như Lam đã nói, góc ẩn là góc luôn luôn thôi thúc, quyến rũ người khác. Trong tình yêu cũng vậy, Lam không muốn nói cụ thể hay phô bày về nó. Mọi người hãy cảm nhận tình yêu của Lam qua tiếng hát vì cả đời sống tiếng hát của Lam đã chứa đựng tình yêu ở trong đó rồi.
Chỉ biết, với người đàn bà luôn cháy bỏng những khát vọng, những niềm đam mê ấy, tình yêu luôn là điều thiêng liêng và người đàn ông cũng rất đỗi thiêng liêng, nó vô hình và trong tiềm thức của Thanh Lam không thể thiếu được bóng dáng, hơi ấm, sức mạnh của người đàn ông trong cuộc đời của mình...
Chia tay Lam, tự nhiên tôi cứ liên tưởng đến bóng dáng "người đàn bà" trong câu thơ Lam đọc trong bài hát "Chia tay hoàng hôn" của mình:
Xa anh em như trưa nắng đi trên cát
Thèm một dòng sông, những cánh đồng
Xa anh em như người hát sau đêm hát
Chỉ thấy gió bên những tấm phông.
Giọt nắng cuối ngày rơi.
Còn lại em.
Hoàng Hôn.
Vẫn cô đơn, vẫn đầy khắc khoải, đam mê, vẫn không ngừng yêu, vẫn không ngừng hát. Đó là Thanh Lam!
Hà Nội những ngày ĐôngThùy Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét