Nhạc sĩ Thuận Yến, ca sĩ Thanh Lam: Cha và con và âm nhạc
14:30 19/07/2007
Nhạc sĩ Thuận Yến và con gái Thanh Lam.
Ngày Thanh Lam tham dự cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, nhạc sĩ Thuận Yến cùng vợ hồi hộp đứng theo dõi con từ sau cánh gà. Hai vợ chồng ông không rời từng cử chỉ, từng động tác của con. Và lo lắng. Cho tới khi Lam được nhận giải thưởng lớn của cuộc thi và báo chí phong cho Lam danh hiệu "Nữ hoàng nhạc nhẹ" thì nhạc sĩ Thuận Yến mới bắt đầu cảm thấy yên tâm về con gái mình.
|
Nhạc sĩ Thuận Yến năm nay tuổi đã ngoài 70. Nhưng ông lúc nào cũng hào hứng khi được nói về âm nhạc. Ngồi trò chuyện với ông một buổi chiều trong căn phòng yên tĩnh thơm nức mùi hương trầm, mới thấy quý giá vô cùng những giây phút bình yên của cuộc đời, khi con người được lánh xa những ồn ào, bụi bặm, chỉ còn thuần túy nghệ thuật trong tinh thần. Câu chuyện ấy phần nhiều vẫn là hình ảnh cô con gái mà ông thương yêu, cưng chiều, ca sĩ Thanh Lam. Bởi mỗi bước đi của Lam trong nghệ thuật ông đều đã và đang dõi theo, với biết bao tin yêu, hồi hộp, và cả nhiều phần lo lắng....
Thuận Yến là nhạc sĩ được công chúng mến mộ bởi nhiều ca khúc đã trở nên quá quen thuộc như "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Chia tay hoàng hôn", "Gửi em ở cuối sông Hồng", "Vầng trăng Ba Đình", "Tình yêu không lời"... Âm nhạc của ông giản dị, chân tình mà tha thiết. Ông không ưa rườm rà, cầu kỳ. Đối với ông, âm nhạc là tình yêu. Khi nó cất lên từ trái tim người nghệ sĩ một cách vô tư, nó sẽ đến được với trái tim người thưởng thức.
Là người con của vùng đất Quảng Nam, Thuận Yến tham gia công tác văn nghệ từ rất sớm, ở Đoàn Văn công liên khu V, và theo học sáng tác tại trường âm nhạc Việt Nam. Thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ ông viết các ca khúc ca ngợi Tổ quốc, động viên thanh niên lên đường ra mặt trận. Rồi ông vào chiến trường. Nhiều ca khúc của ông ngay lập tức đã được phổ biến rộng rãi cả hai miền Nam - Bắc như "Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin", "Bà mẹ miền Nam tay không thắng giặc"...
Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, Thuận Yến, giống như bao người nghệ sĩ Việt Nam khác đã bước vào nghệ thuật trong tư thế của một người cách mạng. Ông đã có mặt ở nhiều chiến trường, lấy thực tế gian khổ của người lính, tinh thần yêu nước của Bác Hồ, và hình ảnh những người mẹ, người em gần gũi xung quanh mình làm đề tài sáng tác.
Những tác phẩm của ông có được một đời sống lâu bền trong lòng công chúng là bởi ông đã viết bằng tất cả tấm lòng trong sáng, hồn nhiên của mình. Gần trọn cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho âm nhạc, Thuận Yến đã nhận được rất nhiều tình cảm trìu mến mà công chúng dành cho ông. Giờ đây ông không còn sáng tác nhiều. Ông sống yên tĩnh, vui cảnh điền viên con cháu tuổi già. Và ông có một gia đình nghệ thuật để tự hào.
Nói về cô con gái của mình, ca sĩ Thanh Lam, người nghệ sĩ luôn giữ ngôi vị số 1 trong làng nhạc nhẹ Việt Nam nhiều năm qua, nhạc sĩ Thuận Yến luôn luôn đầy ắp nỗi niềm. Ông ngồi như đang lần giở lại từng trang ký ức xa xưa, khi con gái ông còn bé xíu. Ông nói: "Lúc nào tôi cũng thương Lam vì số phận của nó gặp nhiều thiệt thòi từ thuở nhỏ. Tôi đi chiến trường biền biệt. Vợ tôi vất vả nuôi con trong điều kiện đất nước khó khăn, từ khi Lam mới 3 tháng tuổi. Nó luôn đau ốm, phải nhiều lần vào bệnh viện cấp cứu.
Có lần Lam bị trúng gió thế nào mà cái miệng nó méo xệch đi. Vợ chồng tôi ôm con chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm thầy thuốc chữa cho cái miệng xinh xắn của nó. Một ông bác sĩ từng châm 80 cái kim trên mặt Lam, rất đau đớn, mà bệnh vẫn không khỏi. Về sau, may quá, gặp một ông thầy lang mát tay và Lam khỏi bệnh. Giai đoạn ấy vợ chồng tôi lo cho con đến mất ăn mất ngủ.
Lớn lên một chút, Lam học hành giỏi giang, chăm chỉ. Tôi không bao giờ phải nhắc con chuyện học vì nó rất tự giác. Tính nó lúc nào cũng hồn nhiên. Có lần đi học về giữa đường Lam gặp một phụ nữ. Bà ta bảo đi theo bà ta để lấy quà bạn của bố gửi từ miền Nam ra. Lam tin và đi theo ngay. Thế là bị người đàn bà gian giảo ấy lấy hết cả áo quần đang mặc. Trời rét mà nó đi học về chỉ còn cái quần đùi và cái áo mỏng trên người. Áo len nó mặc, mẹ phải tháo áo của bố để đan cho đã bị người ta lấy mất. Tôi nhìn con muốn khóc vì thương".
Rồi ông kể lại những lần đèo con gái đi sơ tán qua cầu Chương Dương trong tiếng còi báo động có máy bay ầm vang cả thành phố. Lam thông minh và có khả năng âm nhạc thiên bẩm. Cô bé biết chơi đàn piano từ khi còn rất nhỏ. Nhận ra khả năng đặc biệt của con, nhạc sĩ Thuận Yến đã hướng cho con theo con đường âm nhạc. Thanh Lam vào nhạc viện học đàn tỳ bà từ năm lên 9 tuổi. Nhưng rồi niềm say mê ca hát hối thúc, cô gái nhỏ chuyển sang học thanh nhạc.
Riêng việc thay đổi môn học trong nhạc viện của Lam cũng là một hành trình vô cùng gian nan đối với nhạc sĩ Thuận Yến và gia đình. Ngày đó trường học thường có những quy định chặt chẽ hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng vì biết con yêu ca hát, Thuận Yến lặng lẽ ủng hộ con, tôn trọng quyết định của con. Ông lúc nào cũng đứng phía sau Thanh Lam, hồi hộp dõi theo từng bước đi của con.
Ngày Thanh Lam tham dự cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, nhạc sĩ Thuận Yến cùng vợ hồi hộp đứng theo dõi con từ sau cánh gà. Hai vợ chồng ông không rời từng cử chỉ, từng động tác của con. Và lo lắng. Cho tới khi Lam được nhận giải thưởng lớn của cuộc thi và báo chí phong cho Lam danh hiệu "Nữ hoàng nhạc nhẹ" thì nhạc sĩ Thuận Yến mới bắt đầu cảm thấy yên tâm về con gái mình. --PageBreak--
Với Thanh Lam, được sinh trưởng trong một gia đình có cha và mẹ làm nghệ thuật (mẹ của Thanh Lam là nghệ sĩ đàn tỳ bà Thanh Hương) là một may mắn đầu tiên. Thanh Lam từng nói, gia đình đã có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp ca hát của chị. Bản tính mạnh mẽ, Thanh Lam dường như luôn biết mình cần làm những gì ngay từ tấm bé. Bước ngoặt đầu tiên là từ bỏ môn nghệ thuật đàn tỳ bà mà chị đã mất nhiều công sức theo đuổi để sang học về thanh nhạc. Rồi bằng những nỗ lực không mệt mỏi, Thanh Lam đã chứng minh sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Thừa hưởng sự nhạy cảm từ cha và nhan sắc, vóc dáng của mẹ, Thanh Lam có đủ mọi tố chất để trở thành một gương mặt tiêu biểu của nhạc nhẹ Việt Nam. Giọng hát của chị đẹp, nồng nàn và lúc nào cũng căng tràn nội lực sống. Chị từng giành giải thưởng "Ca sĩ yêu thích nhất" tại Festival âm nhạc Lahavan năm 1989, Giải thưởng lớn tại cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991, từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới và được đông đảo công chúng mến mộ.
Cho tới bây giờ Thanh Lam đã có tròn 20 năm đứng trên sân khấu. 20 năm ấy là một quãng đường dài đối với một ca sĩ, và để luôn luôn giành vị trí số 1 trong nghệ thuật không hề là chuyện dễ dàng. Hát chính là ý nghĩa cuộc sống của Lam. Câu chuyện về chị là câu chuyện của một người phụ nữ dám sống, dám yêu, dám chấp nhận trả giá cho những lựa chọn của mình.
Lập gia đình từ năm 19 tuổi, đến nay Thanh Lam đã trải qua hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Những đổ vỡ là một phần cuộc sống của Lam và chị chấp nhận những hao khuyết của đời sống như một tất yếu. Có thời điểm chị im lặng rất lâu, tưởng chừng như không còn ham mê lao động nghệ thuật nữa. Nhưng rồi lại thấy chị bùng nổ dữ dội với hàng loạt album và những sự kết hợp mới trong âm nhạc, gây nhiều bất ngờ thú vị cho công chúng.
Thanh Lam rất mạnh mẽ và nồng nàn. Mỗi khi hát, chị dường như không thể kiềm chế nổi cảm xúc của mình. Hát như thể đó là lần cuối cùng đứng trên sân khấu, đó là điều Thanh Lam để lại trong cảm nhận của khán giả. Chị giống như một người đàn bà vừa đi vừa cố níu giữ quả tim luôn đập nhiệt tình với cuộc sống, nồng nàn đến nỗi, lúc nào nó cũng như thể sắp nhảy ra khỏi lồng ngực.
Thanh Lam đã sắp bước vào tuổi 40, tuổi của người đàn bà đang độ chín. Mỗi ngày lại thấy chị xinh đẹp và đằm thắm hơn trong phục trang, lời hát. Chị là nghệ sĩ tự do duy nhất được phong tặng danh hiệu NSƯT trong đợt xét tặng vừa qua. Sự ghi nhận ấy là phần thưởng cho những nỗ lực không ngừng của chị trong nghề nghiệp.
Có được thành công ấy, Thanh Lam luôn biết ơn cha mẹ mình. Nhạc sĩ Thuận Yến đã viết nhiều ca khúc dành riêng cho con gái hát. Nhiều bài hát của ông góp phần làm nên tên tuổi Thanh Lam như "Chia tay hoàng hôn", "Tình yêu không lời"...
Nhạc sĩ Thuận Yến tâm sự: "Lam bây giờ đã trưởng thành trong sự nghiệp. Những buồn vui của nghề ca sĩ nó đã nếm trải cả rồi. Tôi rất thương Lam vì chuyện tình cảm của nó không trọn vẹn. Vợ chồng tôi chăm con cho Lam từ khi cháu còn rất nhỏ để Lam có thời gian làm nghệ thuật. Riêng về âm nhạc, có lúc tôi cảm thấy nhạc pop-rock có ảnh hưởng phần nào tới Lam.
Tôi thường nói với Lam rằng: "Con bây giờ không còn trẻ trung nữa thì nên suy nghĩ để đi theo những gì ngọt ngào, sâu lắng, đằm thắm hơn. Sự gào thét là không còn phù hợp. Trong một bài hát cũng có chỗ cao trào mình thể hiện cho mạnh mẽ, cá tính, nhưng không nên xem đó là phong cách". Rồi Thuận Yến hóm hỉnh: "Có lần xem con biểu diễn thấy nó hát say mê, cứ cầm míc ngửa người ra phía sau mà tôi lo quá. Tôi sợ nó ngã mất".
Sau cuộc chia tay với nhạc sĩ Quốc Trung, một thời gian dài nữ hoàng nhạc nhẹ sống đơn độc một mình. Mới đây, chị chuyển về sống cùng cha mẹ, như thể chị chợt nhận ra rằng không đâu yên ổn bằng mái nhà của cha mẹ. Nó giúp chị xua đi cảm giác cô đơn không thể nào tránh khỏi của một người nghệ sĩ với nhiều mất mát trong đời sống riêng. Ngoài thời gian đi hát, Thanh Lam muốn được ở bên các con, yêu thương và chăm sóc chúng. Khi buồn, chị ngả lòng mình vào tranh vẽ.
Trong ngôi nhà của nhạc sĩ Thuận Yến, khách ghé chơi, có thể nhìn thấy nhiều bức họa màu sắc rất nồng nàn. Đó chính là tác phẩm của Thanh Lam. Không chỉ vậy, có lần Thanh Lam còn tạt ngang sang điện ảnh, đóng phim. Và cả sáng tác ca khúc nữa. Chị là một phụ nữ đa tài, một thứ "của hiếm" trong đời sống nghệ thuật Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét