Thanh Lam ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Phía ấy là một mảnh vườn tự tạo riêng biệt của Lam. Những chậu cây mướt xanh. Vài con chim hót du dương trong chiếc lồng treo xinh đẹp. Căn phòng được sơn màu đỏ sậm, rất nồng nàn.
Trong suốt buổi trò chuyện chị ngồi yên trên chiếc ghế kiểu nữ hoàng đó, và đôi mắt lúc nào cũng như lơ đễnh nhìn ra phía khu vườn. Một Thanh Lam tĩnh lặng, nói mà như đang suy tưởng. Một Thanh Lam rất đàn bà với bao nhiêu mơ hồ tuổi 40 ân cần nhìn lại...
Cáo từ những tìm kiếm, người đàn bà hát Thanh Lam hôm nay ngồi bên cửa sổ nhìn ngắm lại chính con đường mình đã đi qua, nghỉ ngơi một chút để chuẩn bị cho show diễn sắp tới, đang trải lòng mình thật thà nhất: "Tôi thấy tình yêu hôm nay đang mất dần đi sự hư ảo. Mất dần đi sự hiến dâng. Con mắt trìu mến, yêu thương cũng dường như không còn, mà thay vào đó là sự xét đoán nhiều hơn. Vậy nên, tôi nghĩ rằng, người thích mình thì có nhiều nhưng người yêu thương mình một cách thực lòng, vững chắc, máu thịt thì không có. Tôi đã không còn mong muốn gì nhiều ở tình yêu, tôi đã nghĩ, chắc có lẽ mình sẽ phải sống một mình như thế này".
Ngồi cùng Thanh Lam trong buổi chiều có mưa, nơi căn phòng bài trí rất đài các của chị, thực lòng tôi không định hỏi gì nhiều. Tôi chỉ có nhu cầu được nghe Thanh Lam và cảm nhận những bộn bề, những hao khuyết trong đời sống tinh thần của một người đàn bà mà phần đông chúng ta vẫn chỉ được ngắm nhìn chị trên sân khấu.
Tôi để Lam có được cảm giác tự do hoàn toàn như khi chị vẽ tranh, là những giây phút không còn bị đời sống "áp chế" (chữ mà Thanh Lam rất hay dùng). Một người nghệ sĩ khi bước lên sân khấu, dù tự do đến bao nhiêu anh vẫn phải chịu những ràng buộc. Còn khi vẽ, chẳng có gì nặng nề. Mình được ở trong không gian riêng của mình, không ai quan sát mình. Nói một cách khác, mình được "ẩn dật".
Nhìn nhận về những người đàn bà xung quanh mình, những người bạn gái, cũng là nhìn nhận về giới nữ, mà ở một góc độ nào đó, Thanh Lam cũng có thể là một đại diện, chị nói: "Gần 20 năm sống và trả giá cho tình yêu, cho sự nghiệp, tôi nhận ra một điều cốt tủy rằng, đối với một người đàn bà, không gì hạnh phúc bằng việc họ tự sống được bằng nghề của mình. Ngay cả một người phụ nữ tài năng cũng rất cần sự che chở của người đàn ông. Và cũng không người phụ nữ nào lại dại dột chối từ khi được yêu thương, được che chở. Nhưng nếu trong trường hợp cả đời mình không có được một người như vậy, thì mình vẫn phải sống hiển vinh bằng nghề của mình. Riêng tôi, lúc nào tôi cũng sống với lòng kiêu hãnh, vì tôi nghĩ, lòng kiêu hãnh của người đàn bà là rất quan trọng".
Thanh Lam nói về những người bạn gái của mình với một thái độ mến thương. Chị nhắc lại kỷ niệm về một người bạn gái đã tất bật mang cơm vào bệnh viện cho chị, khi chị sinh con và bị bỏ đói cả buổi sáng. Bây giờ nghĩ lại chị vẫn ứa nước mắt vì cảm động.
"Bạn của tôi hầu hết đều là trí thức. Có những người giỏi và đẹp hơn tôi, nhưng lại rất khó khăn để tìm được người đàn ông của mình. Một vài người bạn khác có gia đình thì lại không yên ấm. Đó là một dấu chấm hỏi rất lớn trong lòng tôi. Làm cách nào để người phụ nữ tìm thấy hạnh phúc của mình?".
Thanh Lam cũng nhận ra rằng, trong rất nhiều nỗi gian nan của đời sống, sự giúp đỡ chị nhận được nhiều hơn lại là từ phía những người bạn gái.
"Đêm diễn "Lam...xưa" diễn ra vào ngày 26, 27 tháng 10 tới đây của tôi cũng là bắt đầu ý tưởng từ một người bạn gái, đang làm chủ một doanh nghiệp. Cô ấy muốn rằng chúng tôi sẽ cùng nhau làm từ thiện, giúp đỡ những phận người khốn khó đang phải gánh chịu mất mát bởi vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Tôi rất biết ơn những người bạn đã chạy đôn chạy đáo lo cho chương trình của tôi. Họ khích lệ tôi làm việc vào những lúc tôi lười hay cạn kiệt niềm tin".
Nói về đời sống âm nhạc hôm nay, Thanh Lam không giấu được một nỗi buồn thường trực: "Tôi cảm thấy rằng, có tới 60% khán giả âm nhạc hôm nay có nhu cầu nhìn vào thể xác người ca sĩ, thay vì nhìn vào tâm hồn, hay giọng hát của họ. Đối với tôi, âm nhạc phải góp phần bồi đắp, làm đẹp cho tâm hồn con người. Nó phải tạo ra được một sự vấn vương nào đó. Bởi cuộc sống đã quá trần trụi rồi. Âm nhạc phải gần với thần thánh, phải mang tới những ước mơ cho con người, để giúp họ thoát ra khỏi những cơ cực thường ngày. Nhạc trẻ hôm nay quá nhiều những rên xiết, than khóc, cạm bẫy tình yêu... không giải quyết được gì trong những bế tắc tinh thần của giới trẻ".
Không ngừng làm mới mình, không ngừng tìm kiếm trong âm nhạc, nhưng trong chặng nghỉ chân đỉnh dốc nhìn lại 20 năm con đường dằng dặc mình đã đi, vì sao chị lại muốn quay về với Lam... xưa? Phải chăng chị đang hoài nghi về những gì mình đã nhọc lòng tìm kiếm bấy lâu?
Thanh Lam trong buổi chiều này đã không hề muốn phản biện một điều gì. Chỉ là một Thanh Lam giãi bày thôi. Ngay lúc này đây, chị muốn tìm về với những trong trẻo của những ngày đã xa. Để được khỏa lấp, được quên đi những lo toan, khắc khoải, những đổ vỡ mà một người đàn bà tuổi 40 đã từng phải đối diện.
Trong bài hát đánh thức cậu con trai bé bỏng của mình, Thanh Lam thích nhất câu cuối cùng: "Dậy thôi/ Ngọng líu ngọng lô ơi/ Dậy thôi/ Cả nhà học nói theo con". Thật tuyệt vời là giọng nói của trẻ thơ. Nó làm tâm hồn ta sáng rõ. Là tấm gương lúc nào ta cũng thèm muốn được soi vào, để hóa giải mọi ưu phiền.
Bởi vậy, được hát như thuở ban đầu trước khán giả là một nhu cầu của Thanh Lam trong chương trình sắp tới. Hát, như là để tìm về, như là để ngưỡng vọng thời trẻ trung, đẹp đẽ nhất trong đời người mà ai cũng có...
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét