"Tôi không phân tích bản thân hay đồng nghiệp về sự đúng sai, nhưng phải thấy rằng, âm nhạc văn minh phải ăn nhập với đời sống. Một sô diễn thập cẩm mà vẫn coi như một sô diễn đẳng cấp nghệ thuật thì sai quá", người đi đầu trong thể loại world music tại VN chia sẻ.
- Xuất hiện ấn tượng trong "Con đường âm nhạc", đó là chính là bản sắc Quốc Trung cần trình diễn hay chỉ đơn giản là một công việc ngoài lề?
- Trước hết, đó là việc làm thay đổi suy nghĩ của dư luận rằng một người không viết ca khúc có đáng gọi là nhạc sĩ không. Tôi chưa bao giờ tự ái mình không viết nhiều bài hát nổi tiếng, cũng như tự hào về những tìm tòi của mình trong việc hòa âm phối khí. Đó cũng là công việc cần nhiều suy nghĩ và kiến thức âm nhạc. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải thay đổi những khái niệm không đúng trong suy nghĩ của nhiều người.
Tôi chỉ dành một nửa liveshow này cho ca khúc nhạc pop, còn lại lấy ra từ chương trình Đường xa vạn dặm. Đường xa vạn dặmđã trình diễn nhiều đêm tại Việt Nam cũng như ở Nhật, rồi đi Festival âm nhạc thế giới... Nhưng đến Con đường âm nhạc, có lẽ nó sẽ kết thúc số phận ở đây. Tôi chấp nhận chương trình này của mình kết thúc trên truyền hình với số lượng người xem rất đông, nhưng đổi lại khó có cơ hội để trình diễn trước khán giả nữa. Mặt trái của truyền hình là như vậy, có thể tôi có tiếng tăm hơn, nhưng chương trình của tôi sẽ không còn cơ hội để sống tiếp. Nó bắt buộc tôi phải làm thứ khác, sáng tạo cái khác.
- Cụ thể hơn, đó có phải là những màu sắc âm nhạc điện tử của Đẹp Fashion show - Cơn ác mộng người thợ may và album điện tử của Tùng Dương?
- Có thể tạm hình dung như vậy. Album Tùng Dương tôi làm cũng tương đối lâu và mất thời gian, nhưng đã hé lộ khá nhiều. Nó mang âm hưởng Tây Nguyên rừng rú trên nền âm nhạc điện tử. Và ngay trong Đẹp Fashion Show 5, âm nhạc điện tử của tôi cũng khác, dù nó vẫn kết hợp với một dàn nhạc và các nghệ sĩ nhạc dân tộc. Tôi đang ấp ủ cũng như nợ nần khá nhiều dự án mới, trong đó có một CD hòa tấu của tôi và một chương trình với Phạm Hoàng Nam. Đó là dự án kết hợp ánh sáng với nhạc điện tử, một khái niệm tôi mới cập nhật được: opticaltronic - kết hợp visual art, ánh sáng.
Nhạc sĩ Quốc Trung. Ảnh: M.D. |
- Sự thay đổi phong cách đi theo sự phát triển công nghệ này có thể hiểu là một lối tư duy sáng tạo leo thang của anh, hay thế nào?
- Đúng chứ tại sao không? Tôi vẫn luôn băn khoăn rằng hình như ở Việt Nam mọi người đang làm ngược lại, cứ phải suy nghĩ cho thật hoành tráng và vĩ mô rồi mới bắt đầu mệt mỏi đi tìm công nghệ để đáp ứng. Tôi đã nhìn thấy những ban nhạc quốc tế, họ có 3 người chẳng hạn và bắt đầu tìm tòi phong cách riêng khai thác tối đa trong phạm vi 3 người đó. Tôi cũng muốn như vậy, khi tìm hiểu và khai thác công nghệ âm nhạc hiện đại là phải sáng tạo cho cá nhân mình bằng cá tính và cách làm của mình. Phải liệu cơm gắp mắm, biết khả năng mới có thể làm tốt được những dự định tương lai.
- Anh làm nhạc điện tử vì suy nghĩ cá nhân và đời sống độc lập, hay còn gì khác?
- Bản thân tôi, kỹ thuật âm nhạc còn rất kém so với nhạc công thế giới - ở họ sự hoàn thiện như một lẽ dĩ nhiên. Nhạc công của chúng ta chưa được đào tạo bài bản, lại không có sức ép cạnh tranh nên càng không có tư duy phải hoàn thiện điều đó. Đòi hỏi của thị trường mới dừng lại ở mức cho có. Điều kiện sản xuất âm nhạc cũng vậy, chưa đáp ứng được điều kiện tài chính cho các chương trình biểu diễn lý tưởng.
Tôi đi diễn Festival xong, nghệ sĩ các nước hỏi sẽ làm gì kế tiếp. Nói chúng tôi về nước họ đều cười phá lên, vì họ nghĩ mình sẽ còn đi tour hay diễn gì hoành tráng nữa. Không, chúng tôi mới chỉ có đủ điều kiện để làm việc cá nhân thôi.
- Chìa khoá sáng tạo từ dân gian của anh chưa có từ thời ban nhạc Phương Đông. Nó xuất hiện khi nào?
- Tôi về nước sau một thời gian học ở Bulgaria. Sau một thời gian tôi chơi trong ban nhạc Sông Hồng thì mới có ban nhạc Phương Đông. Đúng dịp Thanh Lam thành công tại Đơn ca toàn quốc 92, ban nhạc mới thực sự ra đời. Nhưng lúc đó là những định hướng hết sức mông lung, một tí jazz, tí pop, điển hình của sự lạc hậu và thiếu thông tin. Tất cả chúng tôi ngày đó là như vậy, chưa có khái niệm gì về cá tính âm nhạc như bây giờ. Ban nhạc thì cái gì cũng đánh, một bài hát hay thì cả chục ca sĩ hát chung. Phải nói là bây giờ, may mắn là kể cả ca sĩ mới ra ràng, ít nhất họ cũng đã hiểu sự cần thiết phải có cá tính riêng.
- Nhưng lúc đó, bản thân anh và Phương Đông cũng có những thử nghiệm với jazz, với nhạc cổ điển đấy thôi. Sau đó bằng cách nào anh thay đổi?
- Đó là một bài học lớn và mất rất nhiều thời gian. Tôi đến Bul học mà trong đầu không có một khái niệm nào về jazz. Tôi từng muốn bỏ học cho xong khi nghe những thằng mới nhập học chơi nhạc jazz như gió mà mình thì học cả 5 năm không bằng một phần của họ. Phương Đông hồi ấy thậm chí có nhiều mâu thuẫn trong đường hướng. Đi theo mô hình ca sĩ cũng có nhiều cơ hội kiếm tiền, kiểu như hồi đó làm liveshow đầu tiên Đêm huyền diệu cho Thanh Lam, diễn cả tuần ở Cung Hữu nghị mà diễn thêm cả ban ngày. Nhưng cũng có ý tưởng làm hòa tấu, kiểu như làm chương trình cho Trần Mạnh Tuấn...
Đến năm 95, tôi làm sô đầu tiên của mình là Thiện thanh, kết hợp jazz với nhạc cổ điển. Báo chí cũng tung hô lắm nhưng thực tế, cứ sau sô nào tôi cũng lâm vào sự trầm uất. Sô này là nặng nhất, cả tháng sau đó tôi cứ xem đi xem lại băng, càng xem càng thấy chán và đáng ngượng, thấy mình liều thực sự luôn. Nhạc cổ điển là một khái niệm chuẩn mực và đòi hỏi kỹ thuật cao trong trình diễn, nhạc jazz cũng là một thể loại âm nhạc phức tạp đỉnh cao. Tôi không đạt được đến mức độ đó, và phải nghĩ rằng, ít nhất 20 năm nữa tôi mới có thể làm được một chương trình thế này. Đó là lúc khả năng của tôi cũng đã tiến bộ, rồi kỹ thuật biểu diễn của nhạc công, của ánh sáng và các kỹ thuật sân khấu cao hơn, may ra mới có thể thực hiện được.
Sau đó, tôi giải tán ban nhạc Phương Đông là vì thế. Sự kiện này thực tế gây hoang mang, nhiều người không hiểu cứ nghĩ tôi đang có mưu gì. Có lẽ, đến giờ mọi người sẽ hiểu những áp lực đó của tôi, chưa thể có điều kiện để thành lập ban nhạc ở thời điểm đó được.
- Anh nhìn nhận thế nào về sự kiện "Thiện thanh" và giải tán Phương Đông?
- Quan trọng nhất tôi đã nhìn thấy trình độ của bản thân mình. Đúng là tôi coi đó là một sự thất bại nhưng đó là một bài học lớn. Nhạc jazz và những sự sáng tạo lúc ấy không phải là con đường của mình. Nếu chơi jazz, trình độ bây giờ phải ít nhất là bằng Quyền Thiện Đắc, được học hành tử tế môi trường của Mỹ hoặc ít ra cũng phải là một thằng học trò của cậu ta. Tôi còn nhớ rằng, một nhạc sĩ người Tunisia trong trường tôi ở Bul cũng đã nói chuyện với tôi về việc lựa chọn bản sắc châu Phi trong cách chơi nhạc của anh ta chính là vì áp lực. Anh ta sợ cả đời nếu chơi jazz cũng vẫn thua người Mỹ.
- Cho đến lúc nào, anh mới thực sự tìm thấy chìa khoá cho mình như hiện nay?
- Chừng năm 95, vài người bạn Pháp có kể về một người chơi guitar rất nổi tiếng ở Pháp, với lối đánh guitar đặc biệt không giống ai, và cũng không ai bắt chước được. Lúc đó tôi không biết Nguyên Lê đâu, mà cũng chỉ nói đùa với nhau, hay nó đánh kiểu cải lương của mình, ai ngờ là thật. Năm 1996 tôi sang Pháp, biết Nguyên Lê và mua đĩa của anh ta. Mang về nước chẳng ai nghe được và bản thân tôi cũng không tiếp nhận ngay được, bởi đó là tư duy của người nước ngoài về nhạc Việt Nam, nhưng rõ ràng nó có bản sắc rất riêng biệt.
Lúc đó tôi cũng đã làm Ngồi tựa song đào rồi, làm bằng một demo quan họ lắp vào phần hòa âm của tôi. Cho mấy người phương Tây nghe, họ thích lắm. Nói là tư duy phát triển âm nhạc dân tộc thì dễ, nhưng làm thế nào thì mình cũng đâu đã biết ngay được.
- Vậy ai là người chỉ cho anh cách làm đó?
- Lan Doky, khi làm một dự án nhạc châu Á có tự tìm hiểu và móc nối liên lạc với tôi và Thanh Lam. Cùng với sự kiện Lam thu đĩa và đi tour cho Lan Doky, Lan có nói với tôi về xu hướng world music đang phát triển thế nào trên thế giới. Ngay cả lúc làm album cho Lam, chúng tôi tham khảo ý kiến Lan, lựa chọn pop hay world music. Lúc đó, Lam vẫn còn mong muốn pop ở những đỉnh cao mới và dễ kiếm tiền.
Chính Lan đã móc nối cho chúng tôi một nhạc sĩ Mỹ chuyên viết bài cho Celine Dion và Gloria Estephan. Nhận được demo mới lại càng thất vọng, ca sĩ hát demo của họ thôi đã khủng khiếp hay rồi. Đằng này, nếu mình là một ca sĩ nước ngoài, không có điều kiện biểu diễn giới thiệu CD, các hãng băng đĩa sẽ từ chối ngay lập tức. Chính Lan cũng nói đó là một con đường quá khó khăn. Chọn lại hướng đi world music và ra đời Mây trắng bay về, tôi bắt đầu định hình con đường world music của mình từ đó.
- Những tài năng như anh và Thanh Lam đều phải nhìn nhận sự khó khăn như vậy, kể cũng đáng tiếc. Bản thân anh nghĩ sao?
- Sau này tôi và Lam vẫn khởi động một dự án lớn hơn, làm một demo 3 bài trong đó có mời hát song ca với vài ca sĩ nổi tiếng thế giới khác. Qua sự giới thiệu của Lan Doky, tôi có hồi âm của Madonna. Lúc đó cần phải có ngay 10.000 USD để thu thanh Dàn nhạc giao hưởng Paris. Nhưng cơ hội cũng như dự án này trôi qua mất vì vài chuyện, trong đó có việc Thanh Lam thu thanh với Lê Minh Sơn...
Tôi cũng phải thấy rằng, làm việc với nước ngoài không đơn giản. Nhân tài của họ nhiều như lá mùa thu, xếp hàng ra chờ cơ hội được bộ máy công nghệ để ý đến. Chỉ riêng trên mạng myspace thôi cũng có biết bao nhiêu ca sĩ ban nhóm hay khủng khiếp rồi. Ở Việt Nam, chưa thể gọi ai là tài năng, chúng ta cùng lắm chỉ đáng gọi là tiềm năng thôi. Khi chưa có thị trường và môi trường âm nhạc thực sự để thử thách những tiềm năng đó thì tài năng chưa xuất hiện. Một nhạc sĩ phải viết hay nếu có mục đích nổi tiếng hoặc kiếm ăn. Nhưng nổi tiếng rồi thì kiếm ăn mải miết, cũng chẳng còn nhu cầu khẳng định nữa.
- Nhưng chính anh và Thanh Lam, nếu cứ được tung hô mãi, không cạnh tranh thì cũng chỉ dừng lại ở tiềm năng. Anh nói sao?
- Có điều này giờ tôi mới nói ra nhé, đó là sự xuất hiện của Mỹ Linh và Anh Quân. Những gì Quân và Linh làm khiến cho tôi rất sốt ruột và phải cố gắng khẳng định mình với Lam. Chúng tôi vẫn là những người bạn, đồng nghiệp thân thiết nhưng rõ ràng phải cạnh tranh lành mạnh mới có thể thành công.
Rõ ràng, khi ở những dòng âm nhạc riêng biệt, có sự chạy đua về công việc, chúng tôi đều làm việc hiệu quả hơn hẳn. Lẽ ra sự cạnh tranh này phải có sớm hơn, từ 10 năm trước đây, khi mà nhạc Việt đang thăng hoa. Nhưng chúng ta đã không làm vậy và phát triển nó quá vội vàng, chỉ làm những việc trước mắt. Chính vì thế mới sinh ra nhạc rác, đạo nhạc hay hàng loạt những thoái trào khác. Nếu không thay đổi theo những mô hình quốc tế, chắc chắn âm nhạc chúng ta còn rác, còn sửa sai mãi.
- Nhưng rõ ràng, đã có nhiều thay đổi trong tư duy nhiều nghệ sĩ về những con đường riêng, cá tính cần thiết để làm nghề. Anh nghĩ sao?
- May mắn là như vậy. Cứ coi như bây giờ chúng ta đang ở điểm khởi đầu, thì điểm khởi đầu này thuận lợi hết sức, đất nước mở cửa và hội nhập. Nhưng nếu chúng ta không khởi đầu một cách cơ bản, cho dù có chậm đi nữa thì rất có thể chúng ta sẽ tàn lụi cả về văn hoá và âm nhạc. Âm nhạc cũng như nghệ thuật quan trọng nhất là chất lượng và lành mạnh. Chúng ta chưa thay đổi được nhiều thị trường, vẫn đĩa lậu, vẫn hát nhép và hàng trăm trò bịp bợm khác thì vẫn chưa được...
Tôi không phân tích bản thân hay đồng nghiệp về sự đúng sai, nhưng phải thấy rằng, âm nhạc văn minh phải ăn nhập với đời sống. Khán giả bây giờ họ văn minh hơn những người làm nghề. Một sô diễn thập cẩm mà vẫn coi như một sô diễn đẳng cấp nghệ thuật thì sai quá. Một bản nhạc chậm đều như năm 50, 60 trong khi xung quanh cả thế giới họ dậm dựt ầm ầm. Quan trọng nhất âm nhạc phải mang hơi thở đời sống đương đại.
- Nhưng không thể nói rằng cứ phải kết hợp nhạc dân tộc với hiện đại như anh mới có thể phát triển ra ngoài biên giới. Còn gì khác nữa chứ?
- Tôi cũng muốn mọi người đừng có hiểu sai rằng cứ phải làm âm nhạc như Quốc Trung thì mới nổi tiếng hay ra ngoài biên giới được. Hội nhập về văn hóa không phải như vậy. Đó chỉ là cách làm của tôi vì tôi không giỏi chơi nhạc jazz như Quyền Thiện Đắc, không giỏi tiếng Anh như Mỹ Linh hay những nghệ sĩ trẻ... Hội nhập sẽ chia đều cơ hội cho tất cả mọi người, nếu họ biết tìm thấy khả năng sắc bén nhất của mình.
(Theo Thể Thao Văn Hóa Đàn Ông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét