Thứ Năm

Thanh Lam: Bản năng của tôi là sức khỏe

Bản năng là thứ hành trang rất cần thiết cho một nghiệp hát, thậm chí theo tôi còn có thể chiếm đến 60% năng lượng làm nghề, là thứ góp phần tạo sức hút riêng cho phong cách của bạn và giúp bạn tỏa sáng trên sân khấu. Khi một người hát được gọi là... “điên”, có nghĩa là ít nhiều ở họ đang toát ra một vẻ đẹp bản năng.
__________________________________________________________________________

Thanh Lam: Bản năng của tôi là sức khỏe

Ngày đăng: Thứ năm 12/03/2009 12:22



“Người đàn bà hát” này lại không cho rằng mình thuộc mẫu người sống bản năng. Hoặc giả, nếu có chăng, thì bản năng của chị chỉ là... sức khỏe.


Một cách vô thức, bốn chữ “bản năng đàn bà” khiến chúng tôi ngay lập tức nghĩ đến Thanh Lam rồi “bắt” chị trở thành một “nguyên mẫu” sống động và điển hình cho câu chuyện mà chúng ta đang nói đến. Nhưng “người đàn bà hát” này lại không cho rằng mình thuộc mẫu người sống bản năng. Hoặc giả, nếu có chăng, thì bản năng của chị chỉ là... sức khỏe.





Hát bằng bản năng sẽ sớm bị cùn

Hãy bắt đầu từ nghiệp hát của chị. Có cảm giác rằng 2/3 nội lực hát của chị là đến từ bản năng, chị có thấy thế?

Bản năng là thứ hành trang rất cần thiết cho một nghiệp hát, thậm chí theo tôi còn có thể chiếm đến 60% năng lượng làm nghề, là thứ góp phần tạo sức hút riêng cho phong cách của bạn và giúp bạn tỏa sáng trên sân khấu. Khi một người hát được gọi là... “điên”, có nghĩa là ít nhiều ở họ đang toát ra một vẻ đẹp bản năng.

Nghề hát theo tôi không... “điên” không theo được, thậm chí còn cần “điên” nhiều là khác. Điên ít thì đi mà làm nghề khác. Nhưng một mặt, cũng đừng “điên” một cách bản năng quá. “Điên” bản năng quá sẽ bị coi là “khùng” (mà “khùng” theo tôi là cái kém nhất ở người nghệ sĩ). Vì ranh giới giữa “điên” và “khùng” là rất mỏng.

“Điên” - để “cầm cương” được nó - thì phải là một cái “điên” có văn hóa. Nghĩa là phải “điên” trên một cái phông văn hóa và một đời sống tinh thần dày dặn hơn, cao hơn.

Nếu 60% năng lượng hát là từ bản năng thì 40% còn lại dứt khoát phải là kỹ thuật thanh nhạc, là mồ hôi và nỗ lực học hỏi, trừ khi bạn không muốn... đi đường dài. Bởi nếu hát bằng bản năng đơn thuần, thì chỉ cần sau một quãng ngắn, bản năng cũng sẽ bị cùn mòn đi và đến một lúc nào đó khi dây cương đã lỏng, bạn rất dễ bị ngã ngựa - Đó hầu như là một kết quả được báo trước.

Định nghĩa về “bản năng”, trong quan niệm của chị?

Bản năng với tôi không đồng nghĩa với “tự nhiên, hoang dã” mà là dám sống thật với chính mình, là dám chấp nhận lựa chọn riêng của mình cũng như của người khác vì để đi đến đích, mỗi người tùy theo xuất phát điểm và hành trang mình có để đưa ra những lựa chọn riêng. Tôn trọng lựa chọn của mình hay người khác theo tôi cũng là một khía cạnh của sống thật, sống tôn trọng bản năng.

Người sống bản năng, hay theo tôi là người dám sống thật với chính mình vì vậy luôn ẩn chứa một sức mạnh hơn người. Vì phải thật tự tin thì mới dám sống bản năng, dám tin vào những gì mình có, những gì thuộc về mình mà không thuộc về người khác.

Và chị là người có sức mạnh đó?

Hầu như ai cũng nói vậy khi nhìn vào vẻ ngoài mạnh mẽ của tôi. Nhưng biết đâu đấy, thứ người ngoài nhìn thấy ở tôi có thể chỉ là phần vỏ, phần ảo ảnh. Những sức mạnh ẩn chứa bên trong tôi, may ra những người thân của tôi mới chạm vào được dù không phải lúc nào cũng nhìn thấy hết được. Có những giá trị thực chỉ có thể gọi tên vào phút chót cuộc đời.

Cuộc sống trôi đi vô thức, nên tôi không mấy khi có ý thức mình đang sống bằng bản năng, càng không dám vỗ ngực xưng mình đang sở hữu sức mạnh hơn người đó. Dù nếu như chỉ bằng sức mạnh bản năng, chắc gì tôi đã trụ vững được như lâu nay, sau mỗi “đỉnh triều cường”. Tôi ngược lại cho rằng (và quyết định gọi tên) lối sống của mình bằng hai chữ tưởng chừng như “trái dấu” nhưng lại rất gần gũi với hai chữ “bản năng”: đó là “văn minh”.

Sống văn minh ở tôi không có nghĩa là “Âu hóa”, lai căng, nửa ta nửa Tây mà tương tự sống bản năng, sống văn minh theo tôi cũng là một thái độ sống dám làm dám chịu, dám là mình, thay vì sống trái với những gì mình muốn, mình nghĩ.

Bản năng là gốc, lãng mạn là ngọn

Chị từng dám làm một lát cắt ngang dũng cảm: Dừng lại để sinh con, khi sự nghiệp đang chạm đỉnh. Thế rồi, cũng chính người vợ ấy, nguời mẹ ấy, lại có lúc sẵn sàng rời bỏ “ngôi nhà và những đứa trẻ” ấy ra đi, theo một tiếng gọi khác. Tất thảy đó theo chị đều có thể gọi là “sống bản năng, văn minh, dám làm, dám chịu”?

Dừng lại để sinh con, dám đánh đổi cả sự nghiệp để được làm một việc bình thường mà hầu như người phụ nữ nào cũng làm được - Đấy chính là bản năng! Bản năng lớn nhất của phụ nữ là ước mơ và quyết tâm làm mẹ. Trong 3 năm liền, tôi sinh 2 đứa con, và mắc phải chứng bệnh trầm cảm - điều mà mãi sau này tôi mới biết được khi tình cờ đọc một cuốn sách.

Tôi hay có những trận khóc vô cớ, bất thường trong suốt thời kỳ mang thai cũng như trong suốt một năm ròng “nằm ổ”. Cả ba lần sinh con không hiểu sao tôi đều bị rơi vào tình trạng đó.

Có thể là vì người càng có nhiều hoài bão càng dễ bị rơi vào trầm cảm khi bị níu giữ trong một hoàn cảnh khó quẫy đạp chăng? Những biến cố tinh thần khi gặp phải những cơn gió định mệnh đã đẩy tôi đến tình cảnh “yếu mà ra gió” chăng, lúc đấy? Tôi không chắc. Chỉ biết rằng, nếu là ở thời điểm này, lúc mà tôi đã trở nên bình tĩnh và vững vàng hơn, những biến cố từng xảy ra có lẽ sẽ không thể nào tìm đến.

Có những chuyện dù muốn cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh, cho vô thức nhưng đúng là trong những biến cố của đời tôi, có những sự sắp đặt (cũng như xới tung) có lẽ là do bàn tay của định mệnh. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bảo rồi: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Kiếp phận người phụ nữ lại càng vậy chăng, “hạt sa chĩnh gạo, hạt ra ngoài đồng”. Và chẳng phải có câu nói này sao, dù tôi không nhớ được nguyên văn: “Chúng mày cứ loay hoay ở dưới ấy, nhưng trên cao Thượng đế mỉm cười”... Thế cho nên, trên đời mấy ai có được trọn vẹn một cuộc đời hạnh phúc, mà may ra, chỉ có thể có những quãng đời hạnh phúc...

Sống bản năng với chị có đồng nghĩa với sống lãng mạn?

Theo tôi bản năng nếu nằm ở phần gốc thì lãng mạn nằm ở phần ngọn, là những khoảnh khắc cảm thấy mình đang cầm được trên tay một giá trị tinh thần. Là được ngồi ăn cơm và nói chuyện với người mình yêu, ăn những món yêu thương mình nấu; chứ không đơn giản là ngồi ăn ở một nơi đẹp - đó theo tôi chỉ là sự lãng mạn ảo.

Là giây phút bần thần nhận ra con trai càng lớn càng đẹp trai, con gái càng lớn càng giống mẹ... Khi mình khắc nghiệt với bản thân mình, mình rất dễ cũng khắc nghiệt với người khác. Lãng mạn vì vậy là thứ mình “tự thưởng” cho mình, để đừng lúc nào cũng chăm chăm “gây chiến” với chính mình, cũng như với người. Như thế thật là không phải!


Đủ tình yêu mới hy sinh được những khát vọng bản năng

Trong hành trình “sống bản năng” - hay nói như chữ của chị là “sống văn minh” ấy, đã bao giờ chị chững lại trước một phán xét (dù là cảm tính) của con mình (con gái đầu của Thanh Lam năm nay 21 tuổi)?

Trẻ con thì bao giờ cũng có thể giận mẹ khi có cảm giác bị lạc mẹ, cũng như mẹ có thể có lúc “xót” con, khi cảm thấy con đang lớn và đang dần ra khỏi vòng tay của mình. Nhưng luôn luôn tôi nói với con tôi rằng mẹ sẽ dạy các con bằng chính hoài bão của mẹ - thứ hoài bão có lúc được thăng hoa bằng những sức mạnh, lòng tin; cũng có lúc bị gãy cánh, đứt dây vì những sai lầm, vấp ngã.

Các con hãy nhìn vào mẹ cả trên hai mảng sáng - tối đó, dù có thể trên mỗi đường đời, không vấp ngã nào giống vấp ngã nào. Cái quan trọng là phải biết học cách đứng dậy và cố mà đứng cho vững.

Vậy chị có thấy từ “sống bản năng” là quá nhẹ so với từ “nghị lực sống”?

Trông bộ dạng tôi vẻ như “thích thì làm, không thích thì bỏ” thế thôi, nhưng kỳ thực, tôi là người có sức nhẫn nại kinh khủng. Trong cuộc sống gia đình, tôi hoàn toàn không phải là người chỉ biết nghĩ đến mình, thậm chí điểm yếu của tôi là không biết yêu bản thân mình. Sức mạnh bản năng của tôi vì vậy có lẽ chỉ giản đơn là đến từ sức khỏe.

Không có được một sức khỏe trời cho, chắc tôi không thể có gì hết, và khi ấy, khái niệm nào “bản năng sống” hay “nghị lực sống” cũng sẽ là thứ gánh nặng quá sức đối với tôi hay bất kỳ ai. Sức khỏe tinh thần lắm khi là quà tặng từ sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh học. Muốn “điên” trong nghệ thuật, muốn yêu một ai đó nồng nàn, tôi nghĩ, cũng phải bắt đầu từ sức khỏe.

Trước nay, nếu có một thứ tôi phung phí nhất và ỷ lại nhất thì đấy chính là sức khỏe - thứ mà tôi luôn nghĩ là mình dư thừa, ngay cả ở thời điểm này. Vì tôi nghĩ, ông Trời sẽ không nỡ lấy đi của ai tất thảy, mà sẽ để lại cho mình vài thứ để mình tồn tại...

Không chỉ để tồn tại mà còn đủ sức làm đàn ông “bạt gió”?

Có chuyện đó thật à? Ai mà chắc được nhỉ, chuyện một người đàn ông có thể “bạt gió” vì mình, khi mà tôi e là phải đợi đến cuối đời, may ra mình mới biết chắc được “tình yêu (nào là) ở lại”, ai mới thực sự yêu mình và là người mình yêu nhất. Thứ nằm trong cái cốc đôi khi không quan trọng bằng thứ ở sau cái cốc.

Có một chuyện phim từng ám ảnh tôi: phút cuối cùng trước khi ra đi trên giường bệnh, người chồng cầm tay vợ và nói: “Anh cảm ơn em đã dám đi trọn cùng anh suốt cả một đời”, dù người đàn ông ấy biết rõ vợ mình từng có một tình yêu khác, từng suýt đi theo một tiếng gọi khác. Nhưng vấn đề là người phụ nữ ấy đã dám hy sinh cái khát vọng bản năng nhất ấy của một đời người.

Lựa chọn ấy thuyết phục được tôi tin rằng không ai khác, mà chính là người chồng trên giường bệnh ấy mới chính là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời chị. Không đủ tình yêu, người ta sẽ không thể nào có được sức mạnh để hy sinh.

Quá lâu để đợi đến cuối đời! Đa nghi và cẩn thận có thể là biểu hiện của sự thiếu tự tin chăng, ở diva số 1 Thanh Lam, thời điểm này?

Trái lại, tôi luôn tin mình là một người phụ nữ xứng đáng được yêu và được hưởng hạnh phúc. Nhưng tự tin thái quá chắc gì đã là tự tin! Tự tin theo tôi thậm chí là có lúc phải dám đứng ở những góc khuất, hoặc đứng lùi lại một chút... để nhìn rõ mình hơn, cũng như người khác!

Thư Quỳnh
Hình ảnh: PASSION
Địa điểm: Cafe Puku 60 Hàng Trống, HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét