Thứ Năm

Live show giản dị của ‘gã nhà quê’

Live show giản dị của ‘gã nhà quê’

Không cầu kỳ trang trí sân khấu, không múa phụ họa, không hiệu ứng ánh sáng, đêm nhạc “Một khúc sông Hồng” của Lê Minh Sơn diễn ra hai ngày 24-25/10 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, vẫn kín khán giả.

LMS
Lãng tử Lê Minh Sơn và Ngọc Khuê mở đầu chương trình bằng một bài hát giản dị, đầy ký ức mang tên Áo trắng em qua.
Giải thích cho sự giản dị của mình, Sơn bảo: “Người Pháp xây một Nhà hát Lớn quá đẹp rồi, mình không có tiền làm hoành tráng hơn thì tốt nhất đừng bôi bẩn nó”. Sân khấu của Sơn, ngoài đàn, loa, trống trơn không có cả tên đêm nhạc. Ánh sáng đỏ, quê và tối. Sơn quần jean, áo sơ mi lúc xõa tóc, khi buộc túm đằng sau. Ca sĩ của Sơn, quanh đi quẩn lại là Tùng Dương, Thanh Lam, Khánh Linh, Ngọc Khuê, nay có thêm "Thị Màu vùng cao" Thu Hương cũng chẳng mấy lần thay váy áo cầu kỳ như những chương trình khác. Hết rồi cái thủa ngông tung hứng với Đào Anh Khánh, Sơn quê mùa bóc hết những màu mè, tự dẫn chương trình cho chính mình, mộc và hiền.
Sơn vừa dẫn vừa đàn trên sân khấu. Với gã nhạc sĩ luôn tự nhận mình nhà quê này thì một trong những điều làm anh sướng nhất là được cháy cùng ca khúc, ca sĩ chứ không phải bệ vệ ngồi dưới chứng kiến, thưởng thức và nhận hoa. Sơn luôn tự hào anh làm show chưa bao giờ lỗ, kể cả trong thời kinh tế khủng hoảng, âm nhạc bão hòa. Gần 600 ghế trong khán phòng Nhà hát Lớn đủ cả Tây, ta đã chứng minh cho câu nói ngông ấy của Sơn.
LMS
Thu Hương - "Thị Màu phố núi" của Lê Minh Sơn.
Thay cho Hà Linh, live show của Sơn năm nay có "Thị Màu vùng cao" Thu Hương. Trong khi Ngọc Khuê kín đáo, dịu dàng và e ấp với áo dài trắng kiểu con gái Hà Nội xưa trong Áo trắng em qua, Cò về phố thì Thu Hương thay thế cái lẳng, cái sắc của Khuê ngày xưa, thậm chí còn có phần hơn khi lúng liếng trong Mơ em chuyện tình Sapa, Ngày em ra đời và không bị lép vế giữa dàn "sao" tên tuổi. Khánh Linh khoe giọng cao trong vút ở Mưa phùn. Thanh Lam chứng tỏ sự hòa hợp với âm nhạc Lê Minh Sơn trong Em yêu anh, Người ở người về, Một khúc sông Hồng. Người lĩnh trọng trách thể hiện ca khúc chủ đề live show Một khúc sông Hồng đã gánh được sức nặng của bài hát, phô diễn được kỹ thuật âm thanh ở những trường đoạn luyến láy, lên xuống, cuồn cuộn trong những đợt sóng cảm xúc. Cặp uyên ương nghệ thuật một thời cùng cháy khi góp chung lửa từ giọng ca dữ dội với ngón guitar điêu luyện.
LMS
Sự tinh tế trong cách hát và điêu luyện trong kỹ thuật khiến Tùng Dương trở thành giọng ca được ưa chuộng miền Bắc.
Thế nhưng, sự xuất hiện của Tùng Dương trong Ôi quê tôi, Đến bên em dịu dàng, Hà Nội của tôi ơi mới gây được hiệu ứng nhiều nhất với khán giả ở những tràng vỗ tay lớn, liên tiếp. Lợi thế nhạc dân gian được ca sĩ 26 tuổi phát huy bằng cách hát tinh tế, cao và sáng, tình và phiêu. "Tùng Dương là giọng ca nam tôi kỳ vọng nhất" - Lê Minh Sơn khen ngợi. Duyên nợ của Tùng Dương và Lê Minh Sơn từ những năm 2004 với Ôi quê tôi vẫn tiếp tục làm người xem ngây ngất.
Không chỉ đàn, Sơn còn tự hát, lãng tử và quái với tóc dài xõa, mắt nhắm nghiền. Hai ca khúc Sơn thể hiện đều đúng với cái phong cách của Sơn: vừa mộc mạc hoài cổ, vừa hiện đại, bông phèng. Nếu trong Chợ quê, Sơn trăn trở với những người đàn bà răng đen nhưng nhức hạt na, má không còn xuân, tôm tép không còn tươi thì đến Mình là đàn ông, anh lại tung tẩy trong cái triết lý hài hước “mình là đàn ông, đừng giống như con chim công” khiến khán giả hưởng ứng rầm rầm. Sơn không giữ lời hứa với chính mình khi tuyên bố sẽ không bao giờ hát nữa sau live show 2007. Có lẽ, cảm xúc đã đẩy anh đi.
LMS
Thanh Lam - Lê Minh Sơn cùng phiêu trong "Một khúc sông Hồng".
“Một khúc sông Hồng” là cái nhìn mới, mở rộng của một chàng trai Hà Thành. Dưới con mắt của Lê Minh Sơn, Hà Nội hôm nay không chỉ có con sông Hồng cuộn chảy mà còn có cả những con suối, con sông khác. Hà Nội hôm nay xuất hiện những cô gái không nói tiếng Kinh mà nói tiếng núi rừng. Hà Nội hôm nay có thêm đồi núi, có thêm cả những người phụ nữ răng đen. Một Hà Nội khác lạ mà vẫn thân quen. Một Hà Nội đậm hơi thở cuộc sống với sự đổi mới nhưng vẫn giữ được lề lối người Tràng An.
Nhạc Lê Minh Sơn kén người nghe, kén cả người hát nên các ca sĩ của anh không thể mời một cách tùy tiện. Sơn bảo anh không có giai nhân âm nhạc vì ca sĩ của anh, trừ Thanh Lam, đều không đẹp. Sơn thì thấy mình “vừa già vừa xấu”. Thế nhưng, thứ âm nhạc mộc mạc của Lê Minh Sơn lại khiến khán giả cuồng nhiệt không chịu ra về sau bản nhạc giới thiệu nghệ sĩ tham gia và chào khán giả. Anh và các đồng nghiệp phải đàn thêm một bản Flamenco tiễn khách trong sự nuối tiếc của hầu hết người xem, vì thời lượng chương trình chỉ gói gọn trong 90 phút.
Ngọc TrầnClip, ảnhNgọc Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét