Đặc điểm nhận dạng: Hoặc tóc bay phần phật trong gió (vì mũ bảo hiểm là “sơ suất lớn nhất trong đời anh”), trên một chiếc xe phân khối lớn; hoặc “tóc anh đuôi gà”, ngoan hiền trong một quả xe bốn bánh - nghe chừng hơi nhỏ so với vẻ “lẫm liệt” của người cầm lái. Ngày nào cũng vậy, ''đều như vắt chanh'', hệt một đời công chức “sáng vác ô đi, tối vác về”...

Nhà sản xuất  không có phòng thu

Sơn chọn con đường ấy, không phải vì nó từng lọt top 6 con đường đẹp nhất VN; mà trước hết là vì anh nhất định phải ở gần cái phòng thu Kiên Quyết của anh em Phan Kiên, Phan Cường (hai tay phối khí đắt sô của “Bài hát Việt”). Cũng là hai người bạn chơi thân suốt hơn hai mươi năm nay từ thuở cả ba cùng đắm đuối với âm nhạc flamenco và “thương hiệu” Sơn Latin cũng là bắt đầu từ đó. Vì sao một nhạc sĩ đã thành danh và đang trên đà trở thành nhà sản xuất chuyên nghiệp lại không làm phòng thu ngay tại nhà mình? “Thay vì mất cả đống thì giờ mày mò tìm hiểu thiết bị phòng thu, trong khi bạn mình có thể làm tốt hơn mình và luôn sẵn lòng giúp mình, thì tại sao mình lại không dành thời gian đó để làm việc khác nhỉ? Đúng với sở trường của mình hơn và là cái xã hội cần ở mình hơn?” – Sơn có bao giờ là không giỏi “biện hộ”!

Với cây guitar đồng hành suốt cuộc đời.

Bán kính trong ngày, với một người làm việc không chờ hứng và cực kỳ đúng hẹn như Sơn (xem ra không hề ăn khớp với cái vẻ bốc đồng ngẫu hứng ở anh), vì vậy cũng phải “kiên quyết” nương theo phòng thu Kiên Quyết. Với: Café “Biển Khát” (quán café của vợ chồng nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh) trong ngõ 74 Nguyễn Chí Thanh + quán thịt chó – món khoái khẩu số 1 của Sơn- cũng nằm sâu trong một con ngõ gần đó. Đầu và cuối ngày thì có mặt trước cổng Trường Tiểu học Nam Thành Công của Nồi – cậu con trai đầu (vừa mới có em), hiên ngang như một “người cha nhân dân”.

“Sóng ở đáy… hồ”

Người có dung mạo “nghệ” nhất trong giới nghệ, với tóc tai không giống ai, ăn nói có lúc cũng như... không kể ai, nhưng lại sống một đời nghệ sĩ không khác gì một anh công chức. Sáng: 6 giờ dậy, cho con ăn sáng, chở con đến trường, qua Biển Khát làm một ly càphê cho tỉnh và ngày nào cũng đọc đúng một tờ báo duy nhất là Bóng Đá, rồi mượn luôn Biển Khát làm “trụ sở tiếp dân”, hoặc ghé phòng thu Kiên Quyết. Tới giờ đón con xong thì  thẳng tiến về nhà. Kể từ đấy đến sáng hôm sau, không ai còn được thấy Sơn... ngoài đường – nếu đúng như Sơn “khai báo”. Đời nghệ sĩ mà nhỏ hẹp vậy sao? Vậy cách nào nuôi cảm hứng, để có được những “ánh mắt như dao cau liếc vào mỏm đá, mài tuổi thơ tôi sắc ngọt”, hay “trăng khuyết rồi em ạ, tình yêu quá mong manh”...? “Làm là làm thôi! Chứ nghề này mà ngồi đợi hứng, thì có mà...! Ăn thua là cả một quá trình nuôi dưỡng, mở lòng trước đó, từ những cái nhỏ nhất và tưởng như tầm thường nhất...” – Người từng được cuộc sống “mài cho sắc ngọt” chiêm nghiệm.

“Phiêu” trên sân khấu. Ảnh: N.S

Nhưng cái thuở “dao cau liếc vào mỏm đá” ấy dường như đã kịp xa rồi? Khi cảm xúc còn trẻ trung, tươi mới và có thể là giai đoạn sung sức nhất trong một đời người, huống hồ, một đời nghệ sĩ. Giữ được sự tươi mới của cảm xúc trong nghề này do đó luôn là một thách thức với không chỉ riêng ai. Song bù lại, là sự dày lên của vốn sống, biên độ tương tác cũng như các ngón nghề. Nên cũng “thức thời” như ai, hồi Hà Nội mới mở rộng, đã thấy Sơn có ngay bài “Hà Nội của tôi ơi”. Vào tay Tùng Dương, thì đương nhiên, lại càng không thể trở thành một thứ “trái chín ép” hay “cơm sượng”. Câu hát “Hà Nội lại có thêm những cô gái xinh tươi, không nói tiếng Kinh, không nói tiếng Việt mà nói tiếng núi rừng” luôn giành được những tràng pháo tay giữa chừng chính là vì tay “bợm nhạc” ấy đã biết cách “nịnh”, cũng như “trấn an” người Hà Nội đúng lúc vậy!

Ấy là nhờ những năm tháng, chính xác là hai năm trời Sơn gần như ở ẩn, sau những năm dài vắt kiệt mình cho những ca “đẻ dày” trong cuộc đồng hành với nữ diva số 1 Thanh Lam. Mà sau này nhìn lại, anh vẫn còn thấy ngợp: “Lúc đó, tự dưng thấy trong đầu mình hết nhẵn, hết sạch, từ cảm xúc cho đến khát vọng. Trống rỗng tuyệt đối, cứ như một công trình bị rút ruột, sau mười mấy cái đĩa CD và hơn nửa số đó live show...”.

Cái hồ Sơn hay trốn nhà lên đó ngồi câu cá, tôi cũng đã từng đến. Nó nằm ở đoạn cuối Láng – Hòa Lạc, hình như đã thuộc đất Hòa Bình, là trang trại của một người bạn của Sơn. Đẹp. Vì rộng ở mức hiếm thấy, với một trang trại, và tràn đầy vẻ nguyên sơ. Sơn ngồi đấy hai năm thì câu được “Một khúc sông Hồng”, sau này giao cho Thanh Lam.

Ca khúc ấy về sau không biết sao lại không nổi đình nổi đám bằng “Ôi quê tôi” (dù cũng đã không ít lần ngất ngưởng trên các bảng xếp hạng), nhưng lần đầu tiên nghe Thanh Lam hát trong live show cùng tên của Lê Minh Sơn ở Nhà hát Lớn, tôi thực sự nổi da gà. Vì độ dày dặn của nó: Cảm xúc, trải nghiệm, và tất nhiên, còn cả kiến văn. Nhất là lúc Thanh Lam đòi đánh thức, như khoan xoáy, không chỉ khán giả, mà cả một dòng sông chất chứa bao trầm tích: “...Bên dòng sông ấy, cứ chảy như thời gian, lênh đênh như thời gian, cô đơn như thời gian/ Bên dòng sông ấy, bao linh hồn ngược xuôi, bao lầm than ngược xuôi, thức dậy đi!”. Tôi không hiểu Sơn lấy đâu ra được bằng ấy sóng, khi ngồi bên một cái hồ lặng sóng đến vậy.Và cuộc đó làm tôi mừng vì chúng ta chưa mất Sơn, dù cuộc đồng hành giàu năng lượng với diva, tới lúc đó, đã gần như đi vào chặng kết...

Trải nỗi đau nàng Cám 

Năm nay, đã qua tháng 10, mà vẫn chưa thấy Sơn làm show riêng như mọi năm. Cái đĩa gần nhất, cũng ra từ đầu năm và chưa biết lúc nào ra cái tiếp theo, vì Sơn bảo anh chán ra đĩa rồi. Bởi đã đến nước phải chào thua Internet. Lúc này, vì thế, Sơn muốn được làm một nhà sản xuất chương trình, càng là chương trình đến được với đông người xem thì càng tốt - như Sơn từng làm, từng muốn. Nên vừa qua là Sơn của “Đêm Viettel”, với một chuỗi live show xuyên Việt mà trong đó Sơn đóng vai trò tổng đạo diễn, kiêm... nhạc công. Hay trước đó, là chương trình gây dấu ấn “Sóng vọng biển Đông”... Và đầu năm tới, sẽ là đại nhạc hội Imusic, tại sân vận động Mỹ Đình...

Dễ bỏ rơi sáng tác lắm? Được, biết đâu không tày với mất? “Không hề nhé, chỉ là chưa đến lúc công bố mà thôi! Nghe một đoạn trong “Tiếng khóc kêu trong hũ” nhé: “Vì người đàn ông chị yêu, em cũng yêu/Vì người đàn ông chị khát, em cũng khát/Bàn chân em to, bàn chân em thô, em cũng muốn nhỏ lại/Đôi giày chị đi em cũng muốn đi vừa/Vì người đàn ông chị yêu, em cũng yêu/Vì người đàn ông chị khát, em cũng khát...”. Biết ai rồi chứ! Và một vở nhạc kịch về... cô Cám, tại sao lại không nhỉ?”.

Sinh năm 1975, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội năm 1999 hạng xuất sắc và từng tu nghiệp tại thành phố Tours (Pháp),  Lê Minh Sơn từng có thời gian đứng lớp tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trước khi quyết định làm một nghệ sĩ tự do và hơn thế, một nhà sản xuất.

Trước khi được biết đến rộng rãi hơn trong cuộc đồng hành giàu năng lượng cùng diva số 1 Thanh Lam, cái tên Lê Minh Sơn từng gây chú ý khi là tác giả của phần lớn ca khúc được ca sĩ Tùng Dương thể hiện tại Sao Mai điểm hẹn 2004 và giành giải bình chọn của Hội đồng nghệ thuật. Chính từ cuộc thi (lúc đó còn giàu sức hút) này và nhờ sự cộng hưởng có duyên giữa Lê Minh Sơn + Tùng Dương mà khái niệm “dân gian đương đại” bắt đầu được gọi tên ở ta. Trước đó nữa, giới nghề từng biết đến anh với nghệ danh Sơn Latin - dấu ấn một thời anh cuồng say âm nhạc flamenco bằng ngón đàn guitar lão luyện. Cũng là quãng thời gian đánh dấu một Lê Minh Sơn – nhạc sĩ với những sáng tác đầu tay xuất thần và “già trước tuổi” như: Trăng khuyết, Ôi quê tôi, Vui lên đi em…, được nhiều nhạc sĩ đàn anh (đặc biệt là Nguyễn Cường) đánh giá cao và dang tay chào đón. Tuy được biết đến rộng rãi, nhưng nhạc của anh khá là kén người hát (thậm chí, người nghe), với chỉ một số ít “ca sĩ ruột” như Thanh Lam, Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Linh… và gần đây nhất là Hoàng Quyên…