Chủ Nhật

Có Giọt nắng bên thềm

 Có Giọt nắng bên thềm
 [10/05/2012 12:07:14]

 Nhẹ nhàng và sâu lắng đó là những xúc cảm mà ca khúc Giọt nắng bên thềm mang lại cho người nghe. Có cái gì đó da diết... Có gì đó nồng nàn... Có những cung trầm và cả những cung bậc cao vút... Đó là những xúc cảm của tình yêu, của người đang yêu.


Mỗi lần nghe Thanh Lam hát Giọt nắng bên thềm, ai cũng có cảm giác như được nghe lần đầu tiên mặc dù chị đã thể hiện nó không biết bao nhiêu lần trên sân khấu. Lần nào người nghe cũng thấy được những nỗi lòng da diết như được rút ruột, rút gan từ chính người nghệ sĩ.

Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm
Bài hát bâng khuâng, bài hát mang bao kỷ niệm những ngày đã qua

Bài hát mở đầu với một khung cảnh mơ mộng - có cả những hư ảo và thực tại nhưng điều người nghe có thể cảm nhận được là sự da diết được toát lên từ những vần điệu đầu tiên của ca khúc. Đó là chút gì đó bâng khuâng về những kỉ niệm ngày đã qua.


Nhẹ nhàng và sâu lắng, lời bài hát như một câu chuyện kể đượm nét buồn vì "Lâu lắm rồi em không đến chơi. Cây sen đã lá bạc như vôi”". Đó là sự thiếu vắng, sự hẫng hụt của người chờ đợi. Nếu đặt trong hoàn cảnh này câu nói "“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"” sẽ chẳng thể sai một chút nào. Không chỉ có sỏi đá rêu phong mà cả bài hát cũng nhuốm màu rêu phong.

Đang trầm lắng, bài hát bỗng vút bay thật cao với tiết tấu vẫn da diết, nồng nàn.

Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng ngày bình yên
Bài hát tìm trong ký ức cuộc tình đầu tiên
Trả lại cho tôi, trả lại cho em
Trả về hư không giọt nắng bên thềm

Dường như tất cả những xúc cảm, những bâng khuâng, những chờ đợi đều được thoát ra qua từng con chữ. Vẫn là những day dứt nhưng thứ cảm xúc ấy nghe mơ hồ quá. Có cái gì đó của ngày xưa tràn về - đó là “ký ức cuộc tình đầu tiên”. Nhưng tất cả những xúc cảm ấy không chỉ “trả lại cho tôi, trả lại cho em” mà còn được trả về cả cõi hư không, mờ ảo.

Vẫn những cung bậc của cảm xúc ấy, vẫn giai điệu nồng nàn, da diết, trầm lắng ấy thôi nhưng Thanh Tùng đã gửi gắm biết bao nhiêu cảm xúc. Ca từ trong đoạn 2 của bài hát không có nhiều thay đổi so với đoạn 1 nhưng lại chất chứa thêm trong nỗi lòng người nghệ sĩ thêm những lớp lớp tình cảm mới.

Cái buồn man mác của:
“Một sớm mai kia, chợt thấy hư vô trong đời.
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi chỉ là thế thôi”

hay:
Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi
Bài hát cho em, giờ đã hát cho mọi người để rồi lãng quên”


Tưởng như chỉ của riêng người nghệ sĩ nhưng hóa ra nó lại là tâm trạng của biết bao con người. Có chăng người nghệ sĩ chỉ làm nhiệm vụ nói hộ tâm trạng, nói hộ tình cảm.

Khi những lời ca cao vút cất lên cũng là lúc mà nó đột ngột trầm xuống. Đó là hai thái cực có vẻ mâu thuẫn nhưng lại là không hề mâu thuẫn. Tất cả chỉ “trả về hư không giọt nắng bên thềm...”.

Hadex 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét