Tùng Dương không thể tối giản
(Nguyễn Quỳnh Hương)
Tùng Dương không thể tối giản
Dưới hàng ghế khán giả, những đôi tay lặng lẽ xiết vào nhau, vòng ôm dường như dịu dàng hơn, có những giọt nước mắt ứa vì ngập tràn hạnh phúc, có cả những lời tự hứa sẽ trở về làm lành và chăm chút hơn tình yêu của mình…Điều thần diệu của yêu thương và xúc cảm đã xảy ra, trong đêm thu Hà Nội khi Tùng Dương hát Tình ca!
1.
Sân khấu tối giản, đèn rọi chỉ 2 màu trắng và vàng ấm, trang trí duy nhất (nếu có thể gọi bằng từ này) là Cây Tình Yêu với vòm lá tròn xoe như một bông Bồ Công Anh hay đóa Cẩm Tú Cầu khổng lồ, cái vòm cây “rất Lê Thiết Cương” mà người ta vẫn gặp trong tranh của anh. Họa sĩ chăm chút ánh sáng cho cái cây Yêu của mình, mỗi khi đổi màu đèn hắt, vòm cây lại óng lên huyền diệu. (Lê Thiết Cương bảo, thương đám đàn em làm ngày làm đêm để “đính” 2000 bóng đèn dầu thành vòm cây lãng mạn ấy). Vì có những tiết mục Dương ngồi hát với 1 cây guitar gỗ của Thanh Phương, nên họa sĩ design 2 cái bục tím, đứng ở tầng 2 nhìn xuống, sân khấu cứ như tác phẩm sắp đặt.
Hôm họp báo về chương trình, có nhà báo hỏi: “Họa sĩ Lê Thiết Cương thì tối giản, Tùng Dương lại điệu đến mức rườm rà, liệu có gì để phù hợp nhau?”. Tùng Dương phản đối: “Âm nhạc của tôi để nghe chứ không để xem, chiêu trò của tôi chỉ có giọng hát. Không thể nói tôi rườm rà!”. Lê Thiết Cương nói đơn giản: “Tôi nhận lời giúp Tùng Dương vì thấy nó là thằng tài!”, rồi phân bua thêm: “Cái bạn ca sĩ nổi tiếng lắm, tên là NGUYỄN VĨNH HƯNG ấy, có mời tôi cũng không làm. Mà tôi đến xin việc có khi cũng bị bạn ấy đuổi”.
Khi đêm nhạc diễn ra, mới thấy lẽ ra từ lâu rồi, Tùng Dương phải được đặt ở 1 sân khấu như thế, đứng ở 1 sân khấu như thế. Tất cả tắt đi, tất cả chìm xuống để trân trọng nâng đỡ giọng hát và âm nhạc.
2.
Nhưng Dương thì không thể tối giản, Dương là đa chiều và lắm màu, giọng hát phong nhiêu, nội lực phừng phừng như người uống rượu- cứ càng hát càng ngấm. Những bản tình ca thời Tân Nhạc (loại mà dân ta thường gọi là “nhạc xưa”), chỉ 1 phần 3 chương trình. Còn lại là tình ca của Pop, New Age, Jazz, thậm chí cả Electronic; Dương cũng chả ngại ngần hát lại những bản đã “chết tên” của các Diva nữ (từ Thanh Lam cho đến Whitney). Hình như bị mệt vì căng thẳng chuẩn bị đêm nhạc, nên khi bắt đầu giọng Dương hơi xỉn, không được sáng và đẹp như bình thường. Được cái tạng của Dương là dễ thăng, cứ cầm mic là không biết đâu mà lần. Nên hát đến bài thứ 3 thì Dương “nóng máy”, càng hát càng say, đến cuối chương trình (hơn 11h đêm) thì khán giả phê đứ đừ, cứ nấn ná không muốn ra về. Nhiều bài nhạc trẻ đời đầu, kiểu như “Giọt nắng bên thềm” của Thanh Tùng, bây giờ nghe lại thường thấy chán và cũ; nhưng Dương dựng lại vẫn có gì rất tươi tắn và đắm say. Cũng phải nói thêm, hát ra được đắm say thành thật là khả năng thiên bẩm của Dương, món quà Trời cho này rất ít ca sĩ được nhận.
3.
Đêm của Tùng Dương có 2 khách mời: Thanh Lam và Nguyên Thảo. Ca sĩ mình có bệnh, nếu có kỹ thuật sẽ đem ra trưng trổ và lấn lướt, kiểu hát rất cơ học “cổ họng”. Nguyên Thảo thì khác, cô thủ thỉ như dấu biến kỹ thuật, cứ luồn lách chạm rất khẽ và ngân lâu trong xúc cảm của người nghe. Nhưng bùng nổ thì phải là Thanh Lam, lửa trong giọng hát của “người đàn bà không có tuổi” ngày càng ngún và đằm đượm. May sao giờ Lam không quằn quại nữa; giỡn cợt và phóng túng, tha thiết và say sưa, chị truyền thẳng mê đắm tràn trề đến tim người nghe…Cách hát ấy, nội lực ấy, bản năng mãnh liệt ấy chắc chắn chưa thể ai thay Thanh Lam ở ngôi vị “Nữ Hoàng”.
Dương hứa sẽ rất dịu dàng, sẽ ngọt lịm trong show “Tình Ca”. Hình như điều ấy là mong mỏi của nhiều khán giả (biết đâu còn mong hơn khi Tùng Dương quái, Dương của âm nhạc độc lập và thể nghiệm); nên vé bán chạy kinh khủng. Thoạt đầu Dương dè dặt định làm 1 đêm 15.9 ở Hà Nội, vé vừa mở bán đã hết sạch. Được động viên, Dương liều kéo thêm đêm nữa vào tối 18.9, thế mà cũng hết vé sau vài ngày. Bạn bè còn đùa, “biết ăn khách như thế, sao không làm hẳn “60 đêm duy nhất” như Chế Linh với Tuấn Vũ”! Liên quan quá cơ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét