Thanh Lam nói chuyện giữa trời thu Hà Nội
Thanh Lam là một hiện tượng trong làng ca hát quốc nội từ muời năm nay, và khi còn tiếp tục ca hát, Thanh Lam sẽ còn tiếp tục là hiện tượng, vì cô là người không mỏi mệt tìm tòi, khám phá, sáng tạo. Cô luôn luôn khác người.
Niels Lan Doky, một dương cầm thủ, cũng là một nhà soạn nhạc Đan Mạch có pha giòng máu Việt Nam, nổi tiếng ở Mỹ, đã kể về chuyện làm việc chung với Thanh Lam khi thực hiện album “Asian Sessions” năm 1999: “Cô đặc biệt nổi tiếng vì giọng hát rất khác thường không giống như bất cứ một ca sĩ Á Châu nào. Giọng hát cô sâu thẳm, mạnh mẽ và rất truyền cảm. Trên sân khấu, cô trình diễn hết sức lôi cuốn theo một phong cách riêng. Cô xinh đẹp và quyến rũ, hoàn toàn lịch sự và quý phái. Năm ngoái cô xuất hiện đặc biệt trong đại hội nhạc Jazz ở Montreux, Thụy Sĩ nơi cô được mời hát song ca với ngôi sao nhạc Pop mang hai dòng máu Pháp/Thụy Sĩ Stephan Eicher. Mới đây, tôi mời cô xuất hiện trong một chương trình truyền hình ở Paris, và khán giả người Pháp tại phòng thu đã thực sự sửng sốt, và kính phục sâu sa sau màn trình diễn đầu tiên của cô với đầy xúc cảm nhạc phẩm “Một Thoáng Tây Ho”à
Ký giả Kjeld Frandsen đã viết trên tờ Berkingske Tidende tường thuật về chuyến lưu diễn Aâu Châu của Niels Lan Doky và Thanh Lam: “... Thanh Lam phối hợp những yếu tố của nhạc Folk và Pop và nâng chúng lên trình độ cao hơn trong phong cách đầy duyên dáng bằng giọng hát cực kỳ quyến rũ... một nhạc phẩm mới với tựa đề Dạ Khúc (Night Song), chất chứa những giai điệu tuyệt vời của Niels Lan Doky. Nhạc phẩm này có phần lời Việt và được Thanh Lam diễn đạt một cách nồng ấm, rõ ràng và đầy thi vị...”
Ký giả Fyns Stitidence, cũng viết về các buổi trình diễn này: “Đó là một buổi tối khi toàn bộ cảm nhận được khơi động, từ nét tĩnh lặng sâu xa của bản độc tấu dương cầm của Doky, cho tới chất đam mê mãnh liệt qua những bài hát do Thanh Lam, một ca sĩ tuyệt đẹp trình bầy...”
Thanh Lam đã hát hai bài bằng tiếng Việt trong album Asian Sessions của Niels Lan Doky, phát hành ở Âu Châu. Hiện nay, cô đang chờ đợi để được hát trọn vẹn một album do người viết nhạc cho ca sĩ hàng đầu thế giới, ca sĩ Celine Dion, soạn riêng cho cô. Ngoài ra, một album do producer trẻ tuổi người Canada, sống ở Mỹ, soạn cho Thanh Lam sắp được phát hành tại Hoa Kỳ.
Một buổi sáng mùa thu giữa Tháng 11 vừa qua, Thanh Lam trong bộ y phục giản dị, sậm màu, khuôn mặt hầu như không vương chút son phấn, đã gặp chúng tôi tại quán Paris Deli, trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Vầng trán mênh mông bướng bỉnh, đôi mắt sáng ánh thông minh, tự tin, cô vui vẻ kể về đời sống, nghề nghiệp, thiết tha nói về những ước vọng mai sau cho âm nhạc Việt Nam. Dưới đây là một phần cuộc phỏng vấn thú vị này:
ĐTB: Tôi được biết Thanh Lam có đóng góp vào một album ở Đan Mạch, với hai bài là “Biển Cười” và “Một Thoáng Tây Hồ”?
ThLam: Dạ, thế anh đã nghe đĩa đó?
ĐTB: Chưa, tôi đang nhờ người ở Âu Châu mua cho đĩa này. Cô cho biết qua về chuyện đó chứ?
Th Lam: Em được mời sang Pháp để thu, với một cậu nhạc sĩ, cũng là một tay piano trẻ, nổi tiếng trong giới nhạc jazz hiện đại của Mỹ, tên là Niels Lan Doky. Bố cậu ấy là VN, Mẹ cậu ấy là Đan Mạch. Cậu ấy muốn tìm về một cái gì đó cội nguồn. Cậu ấy đã nghe nhiều ca sĩ của Việt Nam mình, cuối cùng chọn em là ca sĩ được tham gia album Asian Sessions. Album đó em được thu tại Pháp, ở một phòng thu rất tốt, ở trên một khu dốc rất hay. Đây là lần đầu tiên làm việc với một band người ngoại quốc mới thấy họ làm việc rất chuyên nghiệp, rất giỏi.
ĐTB: Hình như họ rất hài lòng về cô? Tôi có đọc lời giới thiệu của Doky về Album “Asian Sessions”, nói về kinh nghiệm nghề nghiệp của anh: “Làm việc với Thanh Lam và tìm hiểu âm nhạc Việt Nam đã trở thành một trong những kinh nghiệm đáng giá và đầy hứng thú trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi... Tôi bị thu hút đặc biệt bởi giọng hát diễm lệ và tràn ngập xúc cảm của Thanh Lam...” Cô nghĩ sao?
Th Lam: Theo em, người nghệ sĩ có chung với nhau một số điều, như là nỗi đam mê với nghệ thuật, và âm nhạc cũng là một cái gì rất chung, cho nên có thể hiểu nhau, thông cảm nhau dễ dàng dù là người nước nào. Trong khi làm việc như vậy, em thấy họ rất có cảm tình với em, rất thích cách em diễn đạt tình cảm và nội dung bài nhạc.
ĐTB: Cô là một ca sĩ thành danh từ 10 năm nay. Nhưng cô cũng là ca sĩ hay đưa ra những cái mới, kiểu cách mới, và hình như điều đó khiến nhiều người không thích cô?
Th Lam: Trong cái nghề ca hát của em, khi mình làm một cái gì hơi đặc biệt, hoặc nói nhẹ nhàng hơn là khi mình làm những gì khác người một chút xíu, cũng đủ khiến người khác khó nghe được, khó tiếp thu được. Em nghĩ là với cách hát của em, nếu em biểu diễn ở nước ngoài, thì thính khán giả có thể cảm nhận được. Khán thính giả ngoại quốc sẽ không thấy cái gì gọi là quá quắt trong phong cách biểu diễn đó, nhưng vì mình đang sống ở một xã hội Châu Á, người ta thích một phong cách nhẹ nhàng, rất là mượt mà, thì cách hát của em có hơi mạnh mẽ một chút. Cách hát đó đôi khi gây ra hai phản ứng, hai cảm giác trái ngược: Một là có những người rất thích mình, hai là có những người không nghe được mình.
Tuy nhiên, em vẫn nghĩ là với tình yêu nghề nghiệp, với chút khả năng nhỏ nhoi mà ông Trời phú cho, và với nỗi đam mê tràn đầy trong em, em sẽ tiếp tục cố gắng theo cách riêng của mình. Em mong mỏi một ngày nào đó, không phải là ngay bây giờ, nhưng ở sau này, thì khán thính giả sẽ hiểu, sẽ chấp nhận những cố gắng tìm tòi của em trong nghề nghiệp. Trước sau rồi thính giả cũng có thể chấp nhận nếu mình làm được đúng với những gì mình mong muốn, đạt được chất lượng mà thính giả hài lòng.
ĐTB: Tôi được nghe một đĩa mới của cô, đĩa “Tự Sự”. Cá nhân tôi thì nghe mãi đĩa này không chán dù giai điệu các bài trong đĩa rất khác nhau, từ những giòng nhạc dịu dàng tha thiết dí dỏm của một thời xưa cũ cho đến những cuồng loạn đắm đuối đam mê của tuổi trẻ hôm nay. Chính vì vậy tôi cũng ít dám giới thiệu với người khác vì ngại nhiều người “không chịu nổi”. Làm sao cô hát được cả từ những bài có hơi hướng ả đào đến những bài giống như nhạc rap?
Th Lam: Thật ra trước đây em là một ca sĩ trẻ mà hát rất khác người. Lúc mới đầu, còn bé, khán thính giả không thích em, em không được ăn khách. Nhưng xưa nay, em luôn hát với tất cả trái tim mình, nhờ vậy, nhiều khán thính giả cảm được những gì em muốn diễn đạt, và rồi họ chấp nhận cách hát của em.
Em có thể hát ả đào được vì em may mắn sinh ra trong một gia đình cha mẹ đều hoạt động âm nhạc. Ba em là một nhạc sĩ ( nhạc sĩ Thuận Yến, chơi piano), mẹ (bà Thanh Hương) lại là người chơi đàn dân tộc, đàn thập lục. Ba mẹ cho em học đàn từ bé. Hồi bé, ba mẹ nghĩ em không thể hát được vì đau yếu luôn, nên sau đó cho em học đàn tì bà từ năm lên 9. Đó cũng chính là điều may mắn cho em, vì với vốn liếng 7 năm học đàn dân tộc, suốt ngày nghe giai điệu dân ca, nên em là một ca sĩ có thể hát mix, có thể đưa những làn điệu dân ca vào nhạc nhẹ. Đó cũng là lý do khiến Niels Lan Doky đã mời em hát trong album phát hành tại Âu châu.
Trong sinh hoạt hiện tại của giới ca nhạc, mỗi ca sĩ có một cách đi trong cuộc sống. Với em, em chọn hướng đi là làm cách nào khẳng định được vị trí ca sĩ Việt Nam trong dòng nhạc nhẹ thế giới. Làm sao khi cất tiếng hát, người nghe cảm nhận ngay bài nhạc nhẹ đó do một cô ca sĩ Việt Nam trình bày. Đó là một điều rất khó, cần phải tiến dần từng tí, khẳng định dần tính chất đặc thù Việt Nam. Em đang đi theo đường hướng đó, mà điều này thực sự chưa được phổ thông, chưa được quần chúng tán thưởng.
Hiện nay rất nhiều ca sĩ hát, sản xuất album, những bài hát theo giai điệu tây phương. Những giai điệu này dễ nghe, dễ chấp nhận, vì họ chỉ hát những bài hát mang âm hưởng tây như vậy, với lời Việt mà thôi, nên lại ăn khách, được ưa chuộng. Nhưng em tự nghĩ là mình đã theo đuổi nghề ca nhạc này lâu rồi, em đi học nhạc từ lúc 8, 9 tuổi, cho đến bây giờ đã được 15, 16 năm ca hát rồi, nên em tự cho mình cái bổn phận tiên phong, phải cố gắng làm sao đưa nền nhạc nhẹ VN vào với dòng nhạc nhẹ thế giới, làm quen với trào lưu nhạc nhẹ thế giới. Nếu muốn đưa nhạc nhẹ VN ra ngoại quốc, thì theo em, em không thể hát theo cái kiểu của Whitney Houston, ... vì họ quá giỏi, mình chỉ có cách giới thiệu những gì mang âm hưởng VN. Đó là những điều hiện nay em muốn làm.
Gần đây, sau khi làm chung album Asian Sessions với Niels Lan Doky, cậu ta có cho em một cơ hội rất tốt trong mục tiêu đó, không biết em có thể đạt được hay không. Doky hứa làm Producer cho em, em sẽ thu một số bài làm mẫu để gửi cho các hãng lớn, sau khi nghe, nếu họ đồng ý thì sẽ cấp kinh phí cho em thực hiện album. Em cầu mong chỉ cần có một đĩa như vậy để sánh vai với các ca sĩ khác trên thế giới. Doky hỏi em chọn lựa hai thể loại để trình diễn, hoặc hát những bài phổ thông, dễ hát, hoặc chọn loại có tính cách jazz hiện đại, hơi khó hơn. Doky đã gửi một đĩa của em cho người sáng tác cho cô Céline Dion, Ông ta tỏ ý thích giọng hát và cách thể hiện của em, nên nói sẽ gửi một đĩa để em nghe, em thích thế nào thì ông ta sẽ sáng tác cho em hát bằng tiếng Anh. Hiện em đang chờ chương trình này, và nếu thực hiện được thì đây là cơ hội rất lớn cho nghề nghiệp của em.
ĐTB: Doky có viết về cô như thế này, mà cô có từng được đọc những gì Doky và báo chí Âu châu viết về cô bao giờ chưa?
ThLam: Chưa anh ạ.
ĐTB: Vậy thì Doky có viết thế này: “Một trong những phẩm chất độc đáo của Thanh Lam là cô có khả năng truyền đạt cảm xúc tới ngay cả những người không hiểu lời tiếng Việt.... Giản dị là Thanh Lam là một người trình diễn tuyệt vời đến độ ý nghĩa của bài hát truyền đạt được tới bất cứ ai, bất kể có hiểu lời ca hay không.” Nếu hát tiếng Anh cô có gặp khó khăn về phát âm?
Th Lam: Vừa rồi em có đi Mỹ thu một album mới với một cậu mấy năm trước là ca sĩ nổi tiếng, bây giờ là producer. Đây là một nhạc sĩ người Canada sống tại Mỹ, ở vùng Oakland, vừa rồi em sang thu ở vùng Oakland. Cậu ta làm nhạc rất là hay và đĩa này sẽ phát hành ở Mỹ chứ không chỉ ở Châu Âu như đĩa Asian Sessions. Cậu ta làm nhạc rất là lạ, phối nhạc để em đọc thơ bằng tiếng Việt trên nền nhạc đó, em cũng sẽ hát một ít bằng tiếng Anh. Tất nhiên em cũng biết mình không phát âm được như những người nói tiếng Anh điêu luyện, như người bản xứ, nhưng trong âm nhạc, thính giả nghe hát không chỉ bằng lời hát phát ra, mà đa phần bằng cảm nhận từ thanh điệu của lời ca tiếng nhạc. Do đó, em sẽ làm một đĩa hát bằng tiếng Anh, và dù em phát âm không chuẩn tiếng Anh, nhưng người nghe sẽ nghe những thanh âm từ trái tim em, người ta sẽ cảm nhận những gì em muốn diễn đạt. Âm nhạc vừa khó mà vừa đơn giản hơn các môn nghệ thuật khác, vì người ta sẽ dễ thưởng ngoạn, sẽ nghe bằng cảm giác, sẽ thụ nhận âm thanh chứ không phải đơn thuần bằng tiếng nói. Nếu thật sự mình hát, mình diễn đạt được dòng nhạc với tất cả cảm nhận, với tất cả tâm tình của mình thì người nghe cũng sẽ cảm nhận được, và ngôn ngữ sẽ không còn là trở ngại giữa người trình diễn và kẻ thưởng ngoạn.
ĐTB: Hình như ông thân của cô, nhạc sĩ Thuận Yến, rất thương cô, nên đã sáng tác bài “Chia Tay Hoàng Hôn”khi cô chia tay với người chồng cũ?
Th Lam: Về bài “Chia Tay Hoàng Hôn”, người ta hiểu lầm là ba em làm bài này cho em do chuyện tình cảm đổ vỡ, thực ra không phải vậy. Có sự hiểu lầm là vì em đã hát bài này đúng vào lúc chuyện buồn xẩy ra. Thực ra, “Chia Tay Hoàng Hôn” là bài ba em viết tặng mẹ em. Ba em sáng tác bài đó khi cả ba và mẹ cùng ở trong đoàn văn công đi biểu diễn ngoài chiến trường. Ba em nói đó là khoảng thời gian 1969, khi mẹ mang bầu em. Bài hát ba em làm tặng mẹ vì trong khi ba phải ở lại chiến trường thì mẹ phải về Hà Nội dưỡng thai.
ĐTB: Nhân chuyện đổ vỡ đó, cô có thể nói về hạnh phúc cô đạt được bây giờ, và sẽ còn ở mai sau?
Th Lam: Em nghĩ trong cuộc sống đôi khi không được như mình mong muốn, và có thể có sự góp phần của may rủi. Con người ta sinh ra, sống trong xã hội bằng trí tuệ của mình, bằng khả năng, để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nhưng đôi khi em có cảm giác là chuyện hạnh phúc gia đình như là chuyện của số phận, không thể biết được, không nói được. Em nghĩ là em cũng như những phụ nữ khác không khi nào muốn một sự thay đổi quá lớn trong cuộc sống, nhất là thay đổi trong chuyện tìnhn yêu. Em thấy rằng con người sinh ra trong một cái mà người ta gọi là kiếp người, như một số phận mà em không lý giải được, vượt ra khỏi sức tưởng tượng của em.
Với em, trong cuộc sống hiện nay, hạnh phúc là điều mình tự cảm thấy. Hạnh phúc là điều mình đi tìm, mình muốn có, nhưng trong đời sống không có điều gì có thể đạt đến sự toàn bích, hạnh phúc cũng thế. Em không tin vào hạnh phúc tuyệt đối trong cuộc đời. Có thể có nhửng người có được cái hạnh phúc đó, nhưng em thì không, vì mỗi người sinh ra trong một số phận khác nhau. Bởi thế, em không thể nói ngày mai sẽ ra sao, xin để tương lai trả lời.
ĐTB: Tôi và một số người quen biết đặc biệt say mê giọng hát, phong cách hát của cô. Chúng tôi vẫn nói với nhau là trước đây chỉ có Thái Thanh là hát với tất cả tâm hồn, với tất cả ước vọng gửi được tâm tình, ý tưởng đến cho người nghe. Thái Thanh không chỉ hát bằng âm thanh, còn hát bằng cả ánh mắt, vẻ mặt, bằng cả trái tim. Chúng tôi nghĩ cô có thể làm được như vậy. Năm nay cô đã 31 tuổi, cô nghĩ sẽ còn đóng góp được bao lâu cho âm nhạc?
ThLam: Những ca sĩ ở ngoại quốc như bà Tina Turner, Diana Ross, như bà Cher cũng mới ra một album, họ vẫn làm việc được khi ở vào cái tuổi trung niên hoặc cao hơn. Hoặc như Whitney Houston..., những người vào lứa tuổi em, hơn hoặc kém chút ít, thì họ còn hát được rất lâu nữa. Vậy theo em nghĩ, nếu em ra đời và lớn lên ở ngoại quốc, thì em sẽ còn hát được lâu. Bởi vì, nếu như mình hát để dâng cho đời, để thể hiện những ý tưởng, những tình cảm, chứ không hát để kiếm tiền, thì sẽ hát được lâu hơn. Nhưng ở VN điều đó khó hơn nhiều.
Theo em nhận xét, lớp trẻ VN hiện nay đang trong thời kỳ chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới, gọi là thời kỳ “trung chuyển.” Người khác có thể thấy đó chỉ là nhận xét phiến diện của em, nhưng quả thực em cảm thấy thế. Ở giữa cái buổi giao thời này, giới thưởng ngoạn trẻ tuổi thường dễ dãi. Em có cảm tưởng đã được ra đời, rồi làm việc vào đúng cái thời kỳ trung chuyển này, cái thời kỳ hỗn mang giữa cũ và mới, nên nói về chuyện em còn đóng góp được bao lâu thì em tự nghĩ rất khó có thể tồn tại được lâu.
Em là một người đã có mặt trong sinh hoạt âm nhạc một thời gian cũng dài, và hiện vẫn còn đứng được trong sinh hoạt đó. Theo em, âm nhạc khác với các ngành nghệ thuật khác ít nhất cũng ở một điểm, là tài năng không phải năm nào cũng có. Không phải cứ năm nay xuất hiện một người hát hay, sang năm lại có một người hát hay. Đôi khi phải một thời gian rất dài mới có một tài năng thực sự mà lại có được một sức sống mãnh liệt của người nghệ sĩ, sức sống đó là nỗi khát khao luôn luôn sáng tạo và tìm tòi. Em là người cầu học. Em luôn nghe những bạn ca sĩ trẻ khác, những bạn rất nổi gần đây để biết cái gì cần thêm, cái gì nên tránh. Họ rất là mới, họ cũng rất thông minh. Nhưng theo em, không phải ai cũng có được cái bản năng mạnh của người nghệ sĩ.
Trở lại vấn đề em sẽ cống hiến được bao lâu nữa, em xin nói rằng em chỉ biết cố gắng hết sức mình tìm tòi, sáng tạo, học hỏi, tập luyện ít nhất 3 năm nữa. Làm cái nghề ca hát này ở VN rất khó, như vừa rồi em có nói, vì đang ở vào thời kỳ “trung chuyển.” Thính giả nghe nhạc dễ dãi quá. Ở VN, những chương trình của riêng mỗi người thường là lỗ vốn. Hát như vậy chỉ cốt để giới thiệu sản phẩm, nghĩa là giới thiệu những công trình mới của mình Tổ chức một chương trình như vậy tốn kém lắm, mà lại giới hạn số người nghe. Như trên em đã nói, nếu như mình hát để kiếm tiền, thì sẽ không được lâu. Nếu không hát kiếm tiền, người ca sĩ sẽ bị đói.
Sự chán nản hành nghề không chỉ là một cảm giác, có thời kỳ cách đây khoảng 3 tháng, nó đã khiến em có những hành động thực sự, là bỏ ca hát. Đã có thời kỳ em bỏ, không muốn hành nghề nữa. Em đã có một thời gian rất buồn, và nghĩ hay là thôi không hát nữa. Gần đây, em mới vực lại được nhờ những suy nghĩ, nhờ người thân và bạn bè khuyên bảo. Vì em tự nghĩ là không nên bỏ phí những gì ông Trời đã cho mình, là chút tài năng, mà em cũng không đến nỗi xấu xí, nên em tự thúc đẩy mình phải tiếp tục chiến đấu. Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính bản thân mình, chiến đấu để mình có đủ lòng tin, đủ can đảm để tiếp tục hành nghề, dù đó là điều rất khó. Ở đâu cũng thế, VN hay ngoại quốc, đều phải cạnh tranh để tồn tại, để tạo cho mình một khoảnh đất riêng. Em đã lấy lại được niềm tin, được sự dũng cảm trong đời sống.
Em đã làm việc trở lại, và đang chuẩn bị cho một chuyến lưu diễn vào Tháng Sáu năm tới (năm 2001), cùng với gia đình. Không biết em có thể thực hiện được điều đó không, vì mỗi lần tổ chức như vậy rất tốn kém. Những lần tổ chức này hoàn toàn chỉ để giới thiệu những gì mình đang tìm tòi, mình đang cố gắng thực hiện. Ngoài ra, em cũng chuẩn bị phát hành một đĩa với Quốc Trung, đĩa “Mây Trắng Bay Về.” Đây là đĩa em rất ưng ý, em sẽ hát rất VN, Trung phối khí rất hay.
ĐTB: Tôi thấy cô hát bài “Im Lặng Đêm Hà Nội” rất hay, mà cũng ít thấy ai hát. Tôi có e mail hỏi một trang nhà về âm nhạc ở trong nước là sao ít thấy ai hát bài đó ngoài cô, học trả lời là cần phải có một trình độ nào đó, một phong cách diễn đạt nào đó, mới thể hiện hết được nhạc phẩm này, và chỉ có cô là thành công. Theo tôi cô là ca sĩ hát nhạc Phú Quang hay nhất. Cô nghĩ sao?
Th Lam: Thực ra chú Phú Quang là một nhạc sĩ rất cẩn thận. Chú muốn các ca sĩ phải hát đúng từng nốt, từng dấu thăng dấu giảm, từng quãng ngắt. Mà em là là thứ ca sĩ khi hát lại hay đóng góp phần sáng tạo của mình. Anh thử nghĩ, chú sáng tác với tất cả hứng khởi, cả tâm hồn, chú đẻ ra một đứa con với đầy đủ bộ phận chuẩn xác ở mỗi chỗ, mà mình lại đặt sai đi một chút, thì em e rằng nhạc sĩ không bằng lòng. Nhưng với em, khi hát, em không phân biệt là đang hát bài của ai cả. Em không nghĩ mình đang hát bài Phú Quang, bài Thanh Tùng, bài Trịnh Công Sơn,... Em luôn hát với tất cả cảm nhận của mình về bài hát, với tất cả những tình cảm trào dâng khi đang hát.
ĐTB: Cô mới kể về giai đoạn khủng hoảng, thế cô có biết là trên internet có những người họ làm trang nhà (web site) về cô không?
Th Lam: Dạ, em không biết.
ĐTB: Tôi sẽ in ra và sẽ gửi cho cô những gì người ta viết về cô, người ta viết với tất cả sự ái mộ. Thí dụ trong một trang web ký tên PDT, tác giả viết về cô, có đoạn như thế này: “Khi chúng ta nghe tiếng hát Thanh Lam, chúng ta nhận ra rằng Thanh Lam phải là một người có trình độ âm nhạc cao và có đầy nghệ thuật. Nói chung Thanh Lam thật tuyệt vời. Cám ơn Thượng Đế đã ban Thanh Lam cho nền âm nhạc VN!”
Tôi lại đọc báo trong nước, có người nhận xét là có một số hiện tượng trong ca nhạc ở đây là sản phẩm của quảng cáo, do những ông bầu khéo làm quảng cáo. Có thể nhiều người khác không chia sẻ với nhận xét trên hoặc lời của vị trong trang nhà kể trên, vì họ nghe nhạc một cách khác. Cô nghĩ sao?
ThLam: Trong nghề này, đôi khi bọn em rất buồn khổ. Như em nói, đã có lúc muốn bỏ nghề. Có thể là vì em có những mong muốn quá cao trong cuộc sống mà cứ gặp những thực tế tầm thường. Người ca sĩ khi hát phải cảm thấy thật hạnh phúc, hạnh phúc vì đang hiến dâng giai điệu, tiếng hát cho người nghe, nhưng hát trong hoàn cảnh như trên thì thật đau khổ. Như thế, mình đã không làm được những gì mình mong muốn, nên trong thời gian vừa rồi có những lúc em đã nghĩ là 90% mình sẽ không đi hát nữa. Bây giờ thì em đã nghĩ lại, tự nhủ mình phải cố gắng thêm. Em tự nghĩ không nên bỏ phí cái cơ hội, hay là cái vận may mà ông Trời đã cho mình, tức là cái khả năng Trời phú cho, cái nghề nghiệp đã tạo dựng được, nên tự bảo mình phải cố gắng thêm lên, lại phải tiếp tục, lại phải chiến đấu.
ĐTB: Cô có thể nói rõ hơn về những khó khăn đã gặp phải?
ThLam: Em sinh ra trong một gia đình mà ba mẹ hiền lành, không phải là người mưu toan này nọ. Em hành nghề bằng khả năng của mình chứ không phải bằng những tính toán, những chiến lược, mưu toan trong cuộc sống. Vì vậy em gặp rất nhiều khó khăn trong nghề nghiệp. Em có thể kể anh nghe về một vài khó khăn này.
Em đi vào nghề này rất là khó. Em bước vào nghề này với đầy gian truân. Từ bé, em hát đã không ai thích rồi. (Sau 7 năm học đàn tì bà), lúc 15 tuổi (1984), mẹ em xin cho em chuyển qua học thanh nhạc. Nhà trường bắt em phải ký một cái giấy đại ý nói rằng: Sẽ cho Thanh Lam học thử một năm đầu, vì Thanh Lam không có khả năng ca hát. Nếu năm đầu học được, sẽ cho học tiếp năm thứ hai. Nhưng nếu năm đầu không học được, Thanh Lam sẽ bị đuổi và cũng không được trở lại học đàn tiếp. Ba em còn giữ tờ giấy đó.
Sau đó, mẹ em đi xin các giáo sư thanh nhạc dạy riêng em, không một ai nhận. Người ta bảo rằng những gì lạ và mới thì bao giờ cũng bị xua đuổi và từ chối. Hơn nữa, cái giọng của em lại khàn khàn, em lại hay bị đau cổ, hay bị viêm họng, nên càng khiến không ai nhận em hết. Hai mẹ con rất buồn, nhưng cuối cùng cũng có một cô giáo nhận dạy em. Đó là cô Sĩ Bình. Em phải nói là đã nhờ ơn của Cô rất nhiều. Em nghĩ rằng em đã làm cô giáo buồn phiền nhiều lần vì em vốn là một đứa trẻ bướng bỉnh. Em biết ơn Cô vì nếu không phải là cô Bình thì chắc không ai dạy được em. Cô là một cô giáo rất kiên trì, rất nhẹ nhàng, dù gặp đứa học trò bướng như em. Thú thực khi đang học, em không nghĩ là đã tiếp thu được điều gì, nhưng sau khi học Cô 2 năm, em mới thấy mình đã nắm bắt được những gì Cô dạy bảo, đó là kỹ thuật thanh nhạc. Sau 2 năm học Cô, em mới biết áp dụng những gì học được, đặc biệt là những cách thức, kỹ thuật do chính Cô truyền cho em. Em rất biết ơn Cô, vì nếu Cô không nhận dạy em thì em đã không được học thanh nhạc. Đó là một vài thí dụ về những khó khăn em gặp phải ngay khi bước chân vào nghề ca hát.
Để em kể một chuyện khác cũng để lại cho em chút hương vi đắng ở những năm bước vào tuổi trưởng thành. Năm19 tuổi, em dự cuộc thi nhạc nhẹ toàn quốc. Ở vòng 1, em đạt điểm rất cao, đến vòng 2, em bị loại khỏi cuộc thi vì bị coi là “sai đề.” Bởi vì bài em hát vòng hai có chút ít kiểu như nhạc Mỹ, thế là bị gọi là lạc đề, bị loại không được cho điểm nào.
ĐTB: Nhưng tôi nghe nói cô đã đạt được giải lớn nhất một cuộc thi với số điểm tuyệt đối mà cho đến nay vẫn chưa có ai đạt được?
ThLam: Đó là năm 1991. Năm đó em đoạt được giải, một giải thưởng được coi là có giá trị, được công nhận. Nhưng không phải tự nhiên mà em có được điều đó. Nói chung, em thường gặp rất nhiều khó khăn trong nghề nghiệp, khiến em có cảm tưởng rằng hình như mọi sự trên đời này thường chỉ dành phần khó khăn cho em, kể cả giai đoạn còn bé đến lúc hành nghề hiện nay. Chẳng hạn khi em đi hát, cách hát của em cũng không được hưởng ứng, không được coi là dễ nghe. Em phải cố gắng thật nhiều để dần dần chinh phục, để thu hút khán thính giả. Năm vừa qua có lẽ em cũng làm được đôi phần trong việc chinh phục. Cách hát của em rất mạnh, nhưng cũng có một số khán giả yêu quí, rất yêu quí. Em đã có được một số khán giả ưa thích và chỉ thích mình em, đó cũng chính là niềm hạnh phúc trong cuộc đời ca hát của em. Giữa những khổ đau, buồn bực của cuộc sống tầm thường này, niềm hạnhn phúc đó quả đã kích thích em, nâng đỡ em rất nhiều, giúp em lấy lại sự đam mê trong nghề nghiệp. Anh ạ, em rất cảm ơn những khán giả của em, có những bạn trẻ điện thoại cho em hằng ngày, thắc mắc em mặc màu áo gì, có làm em nổi lên trên sàn diễn. Có nhiều bạn khuyến khích em nói đôi điều trước khi hát, để “lấy lòng khán giả”, theo như họ nói. Họ chỉ mong người họ ái mộ ở mãi trên đỉnh cao, em biết ơn những tình cảm đó của các bạn. Thế nhưng em vẫn nghĩ rằng ông Trời không cho ai những gì trọn vẹn, toàn bích cả. Ông ấy đã cho em một sức khoẻ rất tốt, sinh con và nuôi nấng con được. Em có sức khoẻ để vừa làm cái nghiệp của người nghệ sĩ, lại vừa làm thiên chức của một bà mẹ. Đó không phải là điều ai cũng làm được, không dễ dàng gì trở lại làm mẹ khi đang bận rộn, say mê với công việc kia. Điều đó khó lắm, cả về sức khoẻ. Do đó, ông Trời không cho em cái năng khiếu nói trên sân khấu. Khi ra sân khấu em chỉ có hát, không nói được. Nhiều khán giả yêu quí, khích lệ em nói như ca sĩ này, ca sĩ nọ, để cho khán giả ưa thích hơn, để các khán giả dễ cảm nhận bài hát của em hơn. Em hứa sẽ cố gắng nhưng cuối cùng cũng không làm được điều các bạn trẻ mong muốn. Ông Trời cho mỗi người một tí, người ta thường nói mồm miệng đỡ chân tay, không biết ông Trời có cho em chân tay khéo léo không nhưng quả thật ông ấy không cho em khéo ăn khéo nói.
Trong thời gian vừa qua, sau khi sinh con xong, vì cuộc sống em phải đi làm, phải trở lại với nghề nghiệp. Em đã lâm vào một bước gọi là khủng hoảng trong cuộc sống. Em thấy cuộc sống vất vả quá, tệ hơn nữa người ta phải bon chen nhiều quá. Xưa nay em vẫn sống cuộc sống gần với những điều thiện tự nhiên, em không hề muốn phải bon chen với cuộc đời. Em không sống cái kiểu phải hại người khác, phải chơi xấu người khác để ngoi lên. Và em đã bị lạc lõng. Không phải em đố kỵ với những ai khác mình trong cách sống, nhưng chạnh lòng, cảm thấy buồn bã.
Trong một bối cảnh như vậy mà em đã trải qua thời gian vừa qua, thời gian em cảm thấy nặng nề quá, mệt mỏi quá, em đã tưởng không chịu đựng nổi, đã quyết định, đến 90% chắc chắn, là sẽ không ca hát nữa. Nhưng những người thân, những bạn bè không cho em làm vậy. Họ nói em không được làm như thế, nếu em bỏ nghề thì quá uổng. Có một người bạn thân là Trần Mạnh Tuấn, tay thổi saxo hay nhất VN, đã nói với em là “Lam không được làm thế, Lam bỏ nghề thì rất là phí cho âm nhạc VN,...” Nói như Tuấn thì hơi quá, nhưng có tác dụng cùng với những lời khuyên của nhiều người khác, em đã được vực dậy. Dần dần, em tự nhủ không được bỏ phí khả năng của mình, mình cần làm việc lại.
(Như một thần giao cách cảm, Trần Mạnh Tuấn từ Sài Gòn đã gọi điện thoại cho Thanh Lam ngay lúc đó, báo tin sẽ là một trong 6 người Việt Nam được mời dự cơm trưa với Tổng Thống Clinton khi ông đến Sài Gòn.)
Sau gần một giờ rưỡi nói chuyện, Thanh Lam đã kể rất nhiều, tâm sự rất nhiều về những năm tháng qua của đời sống, của nghề nghiệp. Trên đây chỉ là một phần có thể phổ biến theo ước hẹn với cô. Để kết thúc bài phỏng vấn này, chúng tôi mượn lời của nhạc sĩ Niels Lan Doky kể về 17 buổi lưu diễn của Thanh Lam ở Âu Châu: “Đặc biệt sự trình diễn của Thanh Lam vô cùng lạ lùng. Khán giả hoàn toàn yêu mến cô và hầu như trong mỗi đêm của chuyến lưu diễn, chúng tôi đã nhiều lần đứng dậy hoan hô cô.”
Người phỏng vấn: Đỗ Tăng Bí (Bài viết đăng trên báo Viet Mercury ở San Jose năm 2000).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét